Chia sẻ

Tre Làng

TỰ CẢM NGÀY TẾT

LâmTrực@

Chúc mừng năm mới!

Không khí Tết ở quê anh chỉ thoang thoảng loãng qua, khác hẳn không khí chuẩn bị tết rầm rập và hầm hố ở Hà Nội. Tết đến từ tốn, nhè nhẹ, xâm chiếm dần lòng người, khiến mọi thứ dần trở nên thanh tao, man mác.

Anh về tết quê đã mấy ngày mà chưa thể đến thăm Thầy Thống. Ông là người Thanh Hóa, lấy vợ ở quê anh, bà cũng là một nhà giáo. Lâu quá rồi không gặp, chả biết giờ Thầy Cô như thế nào, tự nhiên thấy mình có lỗi. Có lẽ ông là một trong số hiếm hoi những con người để lại trong anh ấn tượng tốt về một vùng quê khốn khó, trầm mặc. 


Một căn nhà cấp 4 nho nhỏ, nằm bên vệ đường vắt qua một quả đồi, sát ngay trường tiểu học của xã. Một con đường nhỏ ngoằn ngoèo cũ kỹ ốm ho dẫn vào nhà của Thầy. Ngôi nhà đơn sơ luôn luôn sạch sẽ và ngăn nắp một cách đáng ngạc nhiên nhờ bàn tay của một người phụ nữ được ông gọi là bà, tất nhiên đó là bà vợ. Bà có một sự kín đáo và nhẹ nhàng mà có lẽ chỉ hợp trong cái không gian nhỏ hẹp đó. Vài bước chân ngược với lối vào, xa hơn trường học một chút là cái chợ ồn ào đến mọi rợ. Ông và bà không thuộc về nơi đó, vì thế ngôi nhà nhỏ bên vệ đồi với những cây cọ và cây mua, cây sim chỉ có hai ông bà già. 

Cô con gái xinh đẹp, đã một thời làm anh xiêu vẹo, và mấy thằng con trai đều trưởng thành, có nhà riêng, đầy đủ tiện nghi cố mời bố mẹ về ở với mình, nhưng ông bà cũng không về, nhất định ở lại đó như thể cố níu kéo một thế giới tàn úa đang dần trôi qua bên khung cửa sổ với một khoảng trời xanh rêu nhẹ bỗng. Ông hay tích rượu, toàn rượu ngon của đám học trò biếu, ông không bao giờ uống một mình, ông cứ để trong cái tủ ở góc nhà chờ có người đến thăm mới bỏ ra cho đám trẻ nhậu, rượu, đàn và những bài ca ướt sũng của thời ông. Kỳ lạ là bọn trẻ cũng rất hứng thú và say xưa, không hiểu sao chúng có thể thuộc được những bài hát mà thậm chí đến bố mẹ chúng còn chẳng buồn nghe nữa, chắc bởi ông có tấm lòng bao dung ấm áp, bất chấp xoay vần của con tạo.

Với ông bà giáo, anh vẫn mãi chỉ là cậu học trò cưng ngày nào, nhưng với anh đó là quãng đời êm đềm đẹp đẽ của cuộc sống trước khi xa rời lũy tre làng đến với một thế giới khác, được gọi là văn minh, nhưng nhơ nhớp, mọi rợ đến tàn khốc. Những xô bồ và bon chen nơi đô thị hình như đã xô đẩy anh thành một người xa lạ, như như một kẻ vãng lai. Chỉ đến khi về quê, anh mới là chính mình, cứ về quê anh lại nhớ đến Thầy.


Cuộc sống khốn nạn đầy biến động và những cái thứ êm êm đềm đềm là vô cùng lạc loài, ngớ ngẩn. Ấy thế mà cứ mỗi dịp hoa đào nở anh lại chỉ thích ai đó ngâm cho nghe bài "Ông đồ", mà phải ngâm làm sao thấy nó thật cũ, thật mộc mạc, thật buồn và thật....tết, đó mới là ngâm. Chưa bao giờ anh thấy hết háo hức về cái không khí của ngày tết, có thể có nhiều năm anh quên tết, nhưng nếu được sống đúng trong cái không gian có mưa phùn lành lạnh, ngồi ngắm hoa đào nở, nhâm nhi chén trà và rít vài hơi thuốc, thì đó vẫn vẹn nguyên là cảm xúc tết, rộn ràng mà man mác. Theo anh, tết là phải man mác buồn. Ấy vậy mà người ta lại nói, vui như tết. Thế mới tài!

Chiều nay anh sẽ đến thăm ông, hi vọng ông sẽ vẫn nói: Thằng kia, mày về khi nào thế con? Đã hết ngỗ nghịch chưa hả? hả? hả?


------------


Bên đời, đã gần 1 thế kỉ trôi qua, bài thơ "Chúc tết" của Nhà nho tài tử Trần Tế Xương (Tú Xương) vẫn đầy tính thời sự như đang viết về hôm nay và cho cả ngày mai.

Chúc tết

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau: 
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu 
Phen này ông quyết đi buôn cối 
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu: 
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu? 
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc 
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang: 
Đứa thì mua tước, đứa mua quan 
Phen này ông quyết đi buôn lọng 
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con: 
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn 
Phố phường chật hẹp, người đông đúc 
Bồng bế nhau lên nó ở non 

Bắt chước ai ta chúc mấy lời: 
Chúc cho khắp hết ở trong đời 
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước 
Sao được cho ra cái giống người.

Tú Xương

4 nhận xét:

  1. Cuộc sống luôn có những khoảng lặng, con người cũng vậy dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng lúc nào cũng khao khát được trở về nơi bình yên nhất. Tết đến xuân về tràn ngập trên quê hương Việt Nam thân yêu, được trở về bên người thân, bạn bè và gia đình cũng như tận hưởng những ánh nắng, hương hoa ngày xuân chính là những điều không bao giờ quên được trong lòng mỗi con người Việt Nam

    Trả lờiXóa
  2. Sống là chính mình lúc nào cũng khiến cho bạn thanh thản và không cảm thấy nuối tiếc về bất cứ điều gì. Nếu như hiện nay cuộc sống của con người dần phải đối diện với thách thức và cám dỗ hơn thì nhu cầu về một cuộc sống bình yên càng trở nên cần thiết. Chỉ cần sống tốt với bản thân mình và xã hội là chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy hổ thẹn, sống mà làm những việc sai trái thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được một cái kết tốt đẹp đâu

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh18:08 30/1/14

    Mấy bài vừa rồi toàn nói về pháo Tết, vì đơn giản là anh thích đốt pháo. Các bạn không nên tùy tiện suy diễn vì từ "Pháo" khá là nhạy cảm, pháo thường làm người ta sướng điên.

    Anh là anh kết đốt pháo đêm giáo thừa và sáng mùng 1 Tết lắm. Theo anh nên để nhân dân đốt pháo đêm giao thừa và sáng mùng 1. (Còn những ngày khác đốt pháo khai trương hay lễ hội phải có xin phép).

    Các bạn thấy đấy, từ hồi cấm pháo đến giờ có triệt để được đâu, mà vắng tiếng pháo giờ giáp canh buồn thiu như chấu cắn.

    Tết mà không có tiếng pháo coi như xong.

    Anh cá là nhiều bạn (nhiều lắm) chả thức đợi đến Giao thừa để đón xuân sang đâu. Thay vì làm điều đó các bạn lên giường đắp chăn ngủ khì. Nhưng các bạn sẽ không ngáy khò khò, các bạn sẽ không chịu đắp chăn khi mà Giao thừa nhà nhà được đốt pháo. Tiếng pháo nổ báo hiệu một năm mới đến, mùi thuốc pháo thơm lừng làm người ta phấn chấn và không khí có vẻ như ấm cúng hơn. Buổi sáng mồng 1 Tết cũng vậy, tiếng pháo nổ báo hiệu những niềm vui mới, nhìn xác pháo hồng vương đầy trên sân lòng ta mới thực sự cảm nhận được xuân đã về từ đêm qua.

    Ở quê anh, một miền quê điển hình của vùng đồng bằng Bắc bộ, mọi người nói giao thừa vừa rồi hầu như nhà nào cũng đốt. Tiếng pháo râm ran ồn ĩ, mới chỉ ngửi thấy mùi thôi đã phê.

    Ở thành phố, ngõ nhà anh tiếng pháo cũng ầm ỹ nhưng không đều, đút quãng. Ngồi trong nhà ta vẫn nghe rõ tiếng pháo tết râm ran từ xa vọng lại. Ngay đầu ngõ, có 1 tràng pháo cối to đùng nổ sướng tai. Anh khoái quá chạy nháo nhào ra xem, vỗ tay ngửi mùi thuốc pháo sướng thật...Mấy bô lão tổ trưởng tổ dân phố nháo nhác chạy ra hỏi: "Cháu nghe thấy tiếng pháo nổ ở góc nào?" ..Anh trả lời "Cháu thấy nổ tứ phía, đĩa bay rất khó xác định", hic hic... Trong không khí ấy, anh nhận ra mùi thuốc pháo bay ngào ngạt, nó nhắc anh nhớ đến tuổi thơ được đốt pháo tép.

    Năm nay, tình trạng giao thừa đốt pháo khá phổ biến, nhưng chả ai thèm bắt bẻ nữa...Có lẽ pháo chuẩn bị quay lại?

    Các cụ nói rồi, Tết thì phải" "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh...". Nói chung tết là cứ phải đủ mấy thứ này xếp chân bằng tròn chạm ly mới khoái...

    Hình dung tràng pháo quả xanh quả đỏ treo lên đón chờ giao thừa sướng thía chứ lỵ...

    Bất chợt anh nghĩ nên bỏ luật cấm pháo đêm giao thừa, vote! Ý anh là giao thừa không nên bùi ngùi ngắm pháo của mình mà hãy để cho nó lên tiếng, như thế nó sẽ có ích với đời.

    Nói là nói vậy thôi, các bạn nên chấp hành những quy định của Nhà nước về cấm đốt pháo đấy nhá. Chúc các bạn một năm mới sướng mắt, sướng tai và sướng toàn thân.

    Trả lờiXóa
  4. Năm mới đã đến chúc toàn thể mọi người, hay đúng hơn là 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S thân thương Việt Nam có một năm mới an khang thịnh vượng, hạnh phúc, sung túc cả năm. Nhưng quan trọng hơn là trong năm mới chúng ta cần phải có những biện pháp kiên quyết hơn trong công cuộc đấu tranh với các thế lực xấu để cho cuộc sống của nhân dân được phát triển ổn định.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog