Chia sẻ

Tre Làng

KỈ NIỆM 35 NĂM CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC: CHIẾC CẦU TACANO BẮC NGANG DÒNG NƯỚC MẮT

Dân Việt – Trong cuộc chiến tháng 2.1979 trên biên giới phía Bắc, có một phóng viên Nhật Bản tên là Isaô Tacanô đã ngã xuống.

Nhà thơ Anh Ngọc- khi đó là phóng viên mặt trận cũng có mặt tại thời điểm diễn ra cuộc chiến – kể lại với phóng viên NTNN về Isaô Tacanô và những hồi ức không thể nào quên đó.

Với ông, chắc hẳn những ký ức về cuộc chiến tranh 35 năm trước là những ký ức khó có thể phai mờ trong suốt cả cuộc đời?- Đúng vậy, bởi đó là thời điểm lịch sử thật khó có thể quên không chỉ với riêng tôi mà với bất cứngười dân Việt Nam nào khác. Tôi vẫn còn nhớ rõ, sáng ngày 7.3.1979, chúng tôi có mặt tại cây số 4 tỉnh Lạng Sơn. Bầu trời u ám và rây rắc mưa xuân. Tiếng pháo dội về cùng tiếng gió mùa đông bắc, từng đợt, từng đợt, lạnh tê buốt chân tay. Cái thứ “viện trợ không hoàn lại” này từ phương Bắc xuống thì quá thừa thãi.

Chúng tôi đứng với nhau, túm tụm ven Quốc lộ 1A. Những phóng viên báo chí, phát thanh, quay phim, vô tuyến truyền hình trong và ngoài nước như không hẹn trước đều gặp nhau ở đây. Họ tựa như một đạo quân tình nguyện quốc tế, nhiều màu da, nhiều tiếng nói, nhưng cùng giống nhau một điểm: Vũ khí họ mang khi bước vào cuộc chiến không phải là những cây súng mà là những chiếc máy ảnh, máy quay phim. “Hoả lực”, “tầm sát thương” của tất cả những loại “vũ khí” này đều cực mạnh: Chúng có thể phát huy hiệu quả trong bán kính tới hàng vạn cây số.

Trong số rất đông phóng viên nước ngoài, tôi để ý tới một phóng viên người Nhật Bản tên là Isaô Tacanô. Anh cũng khoác trên mình lỉnh kỉnh mấy thứ vũ khí khác nhau. Trong số máy anh mang chắc không thiếu cả loại chụp phim màu và phim đen trắng, loại dùng pin lớn và loại dùng pin cỡ nhỏ… Tôi tự hỏi, “anh định thu hết sắc màu hình ảnh của mảnh đất này sao?”.Ông từng nói là khoảnh khắc mà Tacanô bước vào cuộc chiến đó, trông anh không khác một người lính chiến cả về dáng vẻ cũng như tâm thức, thưa ông?

Ảnh: Bộ đội chiến đấu bảo vệ thị xã Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới 35 năm trước.

- Tacanô có phẩm chất đó. “Vũ khí” của anh bóng loáng. Tôi thấy bên sườn trái anh một cái máy có lắp ống kính tê lê, trước ngực thì một máy khác đã tháo sẵn nắp ống kính. Mà lúc ấy, mặt trận còn cách anh 4 cây số, 4 cây số với bao nhiêu cách trở, hiểm nguy. Anh có trong túi một cuốn sổ và một cây bút. Và anh đã, chỉ trong 30 phút thôi trước lúc ngã xuống, viết xong cả một bài báo. Ngắn. Hiển nhiên. Nhưng giữa hai đợt pháo bầy, viết một dòng cũng có thể đã là dài. Bài báo của Tacanô dài 2 cột – 65 dòng (theo cách xếp chữ của báo Nhân Dân). Cây bút của anh rất tốt. Nó đã nhả đạn đúng lúc…

Hoạt động của ông và các phóng viên khác lúc ấy là gì?

- Cùng với những người lính thật sự, chúng tôi chờ vọt tiến. Con đường 1A độc đạo quanh co giữa hai sườn đồi dốc. Khó mà tránh được việc phải hành quân dưới làn mưa pháo tọa độ của quân địch. Trung đoàn phó Dự là cán bộ chỉ huy cao nhất ở đây, mặc áo mưa đứng giữa đường. Anh đang tổ chức cho các tổ trinh sát vào bám sát địch. Vẫn là những anh trinh sát quen thuộc muôn thuở của chiến trường. Áo quần gọn gàng, AK báng gập cắp nách, đầy mình lủng lẳng toàn “da láng”, thứ lựu đạn nhẹ nhàng, tiện lợi của đặc công.

Anh Dự chia anh em thành ba tốp: Một tốp bám sát “thằng” 800 – con mắt của pháo địch. Một tốp nắm Tam Thanh và một tốp vượt ngầm Kỳ Cùng lên Tam Lung. Đứng nhìn họ xuất phát, Isaô Tacanô bỗng nảy ra ý kiến có thể đi cùng trinh sát vào thị xã và anh nói ý đó với bạn mình.

Là một người lính, Tacanô yêu công việc chiến đấu và biết lúc nào cần xông lên. Cũng như những chiến sĩ trinh sát kia, không cần nhiều lời. Trong anh, có một thứ mệnh lệnh, dứt khoát và quyết liệt: Mục tiêu đã xuất hiện đúng phương án tác chiến, vũ khí đã sẵn sàng, người chiến sĩ phải nhanh chóng làm động tác cuối cùng – vận động về phía trước bằng sức mạnh tiềm tàng của cả cuộc chuẩn bị, của cả cuộc đời mình và nổ súng! Chiếc xe ô tô com măng ca rồ máy lao đi. Isaô Tacanô đã mất hút sau khúc quanh của ngọn đồi thông. Phía ấy vừa dứt một loạt pháo 130 ly nổ âm vang trong vách núi. Khói đạn ùn lên từng cột.

Và người phóng viên Nhật Bản đó đã ngã xuống ngay trên mảnh đất thị xã Lạng Sơn, như một người lính thực thụ?

- Nơi anh ngã xuống trên một đường phố nhìn thẳng ra chiếc cầu Kỳ Cùng đã bị địch phá sập, mục tiêu mà anh phải đến. Từ bên kia cầu quân địch đã xả đạn thẳng vào anh, hết loạt này đến loạt khác. Có người trách anh đã không biết chọn những ” tử giác” để tránh đạn. Nhưng có thể nào lại chọn nổi một “tử giác” an toàn, khi nhiệm vụ của anh là phải dùng ống kính chiếm lĩnh chiếc cầu gãy kia, mà sát bên kia cầu lại chính là một lỗ châu mai. Anh đang ở chiến hào một, và ở đây, như một người lính, anh không thể có cách làm thứ hai: Trốn tránh nhiệm vụ. Như một người lính, anh đã làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ mà trận đánh đề ra. Và cuối cùng, phẩm chất cao cả nhất của người lính là nếu cần, sẵn sàng hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ – Tacanô đã làm đúng như vậy!

Có phải vì cuộc sống gắn bó với mảnh đất Việt Nam suốt 12 năm qua: Anh sang học khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1967 và sau đó liên tục có mặt ở Việt Nam với nhiều cương vị khác nhau. Và từ 2.1978 anh là phóng viên thường trú của báo Acahata tại Việt Nam – một đất nước dạn dày bom đạn đã rèn luyện cho anh có một cơ thể và tinh thần vững chãi, cương nghị?

Tôi đã vào nhà tang lễ Bệnh viện Việt Xô viếng anh. Anh nằm thoải mái như đang ngủ. Một viên đạn đã xuyên thẳng vào thái dương phải của anh. Với vết tử thương này, anh không kịp nói một lời trăng trối. Nhưng ngược lại, ít có cái chết nào lớn tiếng bằng cái chết của anh.

Xin cảm ơn nhà thơ!
-------------------------------

Gửi cháu Êmi Tacanô (trích bài thơ của nhà thơ Anh Ngọc
viết ngày 15.3.1979)

Bố đã đi từ Hirôsima đến Lạng Sơn
Với chiếc mũ tai bèo trắng đã sờn
Trên mái đầu trai trẻ
Chỉ vài phút nữa thôi, có thể
Bố sẽ không đi đến được tuổi già
Điều ấy có sao đâu
Nhưng khúc sông Kỳ Cùng này thì bố Tacanô phải đến
Chiếc cầu gãy này thì bố Tacanô phải đến
Cuộn phim nằm trong máy ảnh đã lên phim
Gương mặt tình yêu đã lọt giữa khuôn hình
Cao cả và thiêng liêng cái phút giây bấm máy

Khi bố Tacanô đặt tay vào nút bấm
Thì bọn chúng đặt tay vào cò súng
Hai tiếng nổ vang lên
Dữ dội và dịu êm
Hai tiếng nổ…
Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên
Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại
Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy
Lẫn vào trong nhịp đập trái tim

Như chiếc cầu, bố Tacanô ngã xuống
Và như chiếc cầu, bố lại đứng lên
Nghe trên mình nối những bước chân
Bè bạn đi qua
Đồng đội đi qua
Chiếc cầu Tacanô bắc ngang dòng nước mắt…

Thiên Việt (thực hiện)

6 nhận xét:

  1. MỘT TẤC ĐẤT KHÔNG THÈM



    Hồ Ngọc Nhuận

    (Bài đã đăng trên nhật báo Tin Sáng Tp Hồ Chí Minh, ngày 24/3/1979)

    Một tấc đất không thèm…

    Đặng Tiểu Bình và bè lũ đã giỡ giọng này tại Bắc Kinh, sau khi hô quân rút chạy khỏi Việt Nam.

    Trần Sở, tên đại sứ của hắn, cũng đã khua môi như thế tại Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.

    Một tấc đất không thèm…

    Giọng lưỡi này, trong suốt thời kỳ ta dựng nước, tính đến ngày nay, người Việt Nam ta hẳn đã có chán chê kinh nghiệm, qua 11 lần Trung Quốc xua quân ong kiến xâm chiếm nước ta.

    Giọng lưỡi này, toàn bộ lịch sử dân tộc ta cũng đã từng “ghi nhận”, khi từng trang lịch sử ấy chính là từng trang lịch sử chống quân Trung Quốc xâm lược, cho tới tận hậu bán thế kỷ thứ 20 này.

    Một tấc đất không thèm…

    Giọng lưỡi ấy ông cha ta đã từng nghe từ triều Tần, triều Tống… Giọng lưỡi ấy cha anh ta đã từng phát hiện ra mùi hăng hắc ngay từ trong đám quân Tàu Tưởng 18 vạn tên ốm đói kéo vào vơ vét các tỉnh phía bắc nước ta, khi phát-xít Nhật bại trận đầu hàng đồng minh, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ra lệnh tống cổ đuổi đi.

    Giọng lưỡi ấy xác nhận một đặc tính di truyền bất di bất dịch và không thể nghi ngờ giữa tất cả các triều đại trị vì Trung Quốc xưa và nay, từ bọn phong kiến Trung Quốc xâm lược nước ta trước kia đến bọn phản động Trung Quốc xâm lược nước ta bây giờ, giữa cái mồm hạm nhà Tần, nhà Minh ngày trước và cái hàm sói của họ Đặng và bọn cầm quyền Trung Quốc hiện nay.

    Một tấc đất không thèm…

    Thế là trẻ con Bắc Kinh và Trung Quốc ngày nay lại có thêm một bài học về đạo lý Trung Quốc để bổ sung cho bài học về địa lý Trung quốc mà chúng đã buộc phải học trước đây, với bức “dư đồ” Trung Quốc, gồm hàng triệu, hàng tỉ tấc đất của Ấn Độ, của Nê Pan, của Mông Cổ, của Miến Điện, của Triều Tiên, của Nhật Bản, của toàn bộ vùng Đông Nam Châu Á… Đạo lý đó là: Một tấc đất không thèm, nhưng toàn bộ nước Việt Nam thì thèm, toàn bộ Đông Dương thì thèm, thèm lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Một tấc đất không thèm…

    Nhưng hơn 700 hecta ruộng đất màu mỡ của ta ở xã Trinh Tường - Quảng Ninh, hơn 300 hecta rẫy lúa phì nhiêu của ta ở xã Nậm Chảy - Hoàng Liên Sơn, hàng vạn hecta hoa màu của ta trên hàng 100 địa điểm sát vùng biên giới Việt - Trung như xã Tà Lùng ở Hà Tuyên, xã Khâm Khau ở Cao Bằng, xã Thanh Lòa ở Lạng Sơn, v.v. thì chúng rất thèm nên cả đàn cả lũ đã kéo sang xâm canh xâm cư, gấp rút xây dựng cơ sở vật chất, lén lút thủ tiêu hay dời cột mốc biên giới rồi ngang nhiên xâm chiếm làm đất Trung Quốc từ nhiều chục năm nay.

    Một tấc đất không thèm…

    Nhưng hơn 316 mét đường sắt ở khu vực Hữu Nghị Quan - Lạng Sơn rõ ràng không chỉ bằng đất nên không nằm trong qui luật ấy. Các cầu ngầm Hoành Mô, Pò Hèn thuộc tỉnh Quảng Ninh, cầu Pa Nậm Cúm tại Lai Châu, đập Ái Cảnh ở Cao Bằng không làm bằng đất mà bằng bê tông nên chúng không thể không thèm. Còn mỏ măngan trong khu vực Phia Un, mỏ than chì ở Trà Mần - Suối Lũng, còn thác Bản Giốc và cồn Pò Thoong ở Cao Bằng thì làm sao không “thiếm xực”?

    Và làm sao không “thiếm xực” nguồn lợi dầu lửa trên hải đảo và thềm lục địa nước ta mà không bán linh hồn cho quỉ đế quốc để xua quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta ngay trong khi ta còn bận tay đánh Mỹ?

    Làm sao một tấc đất có thể đong đầy lòng tham bành trướng không cùng của bọn phản động theo Mao, rặc nòi Nam Hán, khi chính khẩu hiệu trước sau của chúng là “Với 500 triệu bần nông xua quân xuống Đông Nam Á làm chiến tranh thế giới”? Khi nước Lào đất rộng người thưa dồi dào tài nguyên khoáng sản là mục tiêu di dân lý tưởng mà chúng hằng ôm ấp và không hề che giấu? Khi chúng chủ trương cho bọn phản động cầm quyền có máu Trung Quốc Pôn Pốt - Iêng Xari đập đầu hằng triệu nhân dân Campuchia, đưa vào nước Campuchia hàng kho vũ khí còn lớn hơn số dân Campuchia chúng giết, để rồi đưa dân Trung Quốc lấp vào lỗ trống, đội lốt nhân dân Campuchia, cầm lấy vũ khí ấy mà kéo đi giành đất cho Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  3. Ông cha ta quả đã không có chút mơ hồ, các bậc phụ lão của ta ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên,Lai Châu… quả đã có những băn khoăn hợp lý về lòng tráo trở của bọn cầm quyền Bắc Kinh ngay khi ta còn cùng dựa lưng với chúng vì nhu cầu thiết yếu đánh Mỹ xâm lược.

    Đồng bào ta ở vùng biên giới quả đã có lòng cảnh giác ở độ cao liên tục từ đời này sang đời khác khi nâng kỷ thuật xây cất nhà cửa kiên cố như công sự chiến đấu, như pháo đài, thành nghệ thuật kiến trúc truyền thống, hầu chống lại các phường thổ phỉ từ phương bắc thường xuyên sang cướp phá nước ta.

    Không kể chuyện cũ, chỉ tính từ ngày chúng chiếm Hoàng Sa của chúng ta, năm 1974, cho đến trước ngày chúng xua quân ồ ạt tiến đánh nước ta, bọn Trung Quốc cướp nước đã tiến hành hơn 5.000 vụ lấn chiếm đất đai tại các tỉnh biên giới phía bắc nước ta (1).

    Và đã hơn một lần máu đồng bào ta tại các vùng biên giới đã đổ. Anh Lê Đình Chinh của chúng ta ở Lạng Sơn cũng đã ngã xuống vì tham vọng lấn chiếm của Trung Quốc.

    Một tấc đất không thèm…

    Có thể đúng thật… vì con thú dữ to xác ở sát nách ta cần đất không bằng cần máu: máu của hàng trăm trẻ thơ vô tội bị xé xác ở Lào Cai, ở Đồng Đăng, ở Phố Lu…, máu của các cụ già và phụ nữ đồng bào ruột thịt của ta.

    Một tấc đất không thèm.

    Láo thật!

    Của chìm của nổi của ta trên tấc đất ấy, công lao mồ hôi nước mắt của ta trên tấc đất ấy, tài nguyên thiên nhiên phong phú của ta trên tấc đất ấy há đã không làm cho chúng, từ đời nầy sang đời khác, rỏ dãi ra sao? Ngay cả những gì ta thải ra trên ấy ắt chúng cũng không chừa, chúng vốn chuyên về môn bón phân bắc.

    Trả lờiXóa
  4. Một tấc đất không thèm…

    Nhưng hài cốt của bọn cướp nước, ông cha chúng bị quân dân ta vùi thây trên tấc đất ấy thì chúng thèm. Chúng vốn chuyên nghề địa lý, huyệt mả và không bao giờ chúng từ bỏ mộng tranh bá đồ vương truyền kiếp.

    Kinh nghiệm ngàn năm qua, kinh nghiệm máu xương vừa rồi khẳng định rằng con thú dữ Bắc Kinh vừa rất thèm đất, vừa rất khát máu.

    Ngày nào còn bọn chúng, ngày nào còn Đặng và bè lũ phản động cầm quyền ở Bắc Kinh, ngày ấy cho dù một tấc đất của ông cha , ta cũng phải giữ cho bằng được.

    Đó là mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ Quốc.

    (24-3-1979, Hồ Ngọc Nhuận tự Hồ Đắc, chủ bút nhật báo Tin Sáng, Thành phố Hồ Chí Minh).

    (1) : 1974 : 179 vụ

    1975 : 294 vụ

    1976 : 812 vụ

    1977 : 873 vụ

    1978 : 2175 vụ

    H.N.N.

    Trả lờiXóa
  5. Đã có những mất mát đau thương diễn ra trong quá khứ khi Trung quốc cho quân tràn sang biên giới nước ta để thực hiện âm mưu xâm lược.Tuy nhiên chúng đã không thực hiện được mục đích của mình.Người dân việt nam luôn có tinh thần yêu nước và sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tổ quốc.Chiến tranh đã qua đi.Và đất nước việt nam đang phát triển.Chúng ta cần phải hướng tới tương lai.Không nên nhớ và nhắc lại quá khứ nữa.

    Trả lờiXóa
  6. Chiến tranh đã rời xa chúng ta từ lâu rồi.Tuy nhiên những nỗi đau mà chiến tranh mang lại khó mà có thể xóa nhòa trong tâm thức của người dân việt nam.tuy nhiên chúng ta cần phải quên đi những cuộc chiến tranh đó hoặc là không nên có những thái độ thù hằn.Nhiệm vụ của chúng ta là phải cùng nhau xây dựng và bảo vệ tổ quốc.Có như vậy thì mới xứng đáng với sự hi sinh và mong mỏi của những người đã anh dũng hi sinh cho dân tộc việt nam.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog