Lễ hội đền Trần năm nay được chuẩn bị tới mức, Nam Định phải huy động đến 2.000 người chăm lo việc giữ gìn trật tự an ninh dù lễ khai ấn tiến hành lúc nửa đêm. Các chùa Trấn Quốc, Yên Tử, Bái Đính, Hương Tích, chùa Bà đều quá tải, làm khổ các đơn vị công an sở tại gồng mình ra phục vụ.
Bây giờ đố ai dám kết luận rằng, những người cả tin vào thánh thần, tin vào cầu cúng, lễ bái là do dân trí thấp, cần phải giáo dục. Lắm người có trình độ học vấn cao nhưng mê tín chẳng thua kém gì những người chỉ học tiểu học, trung học. Không ít quan chức bỏ tiền thuê thầy phong thủy về xoay hướng bếp, đổi hướng giường, đập tường, thay cửa, chặt cây, nâng cấp gian thờ tốn kém dăm bảy chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Có cả cấp ủy viên đội bát nhang ở chùa này, đền kia!
Ảnh: Cầu tài, cầu lộc ở Đền Bà Chúa Kho không chỉ người dân mà còn có rất nhiều quan chức
Hình như cuộc sống khó khăn và nhộn nhạo thì người ta càng mê tín hơn. Quan chức ở nước ta cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Thậm chí họ và vợ con họ còn mê tín hơn hẳn những người khác có chức vụ thấp hơn. Đôi khi ô dù trong cuộc đời vẫn không thật bảo đảm quan lộ nên họ phải cậy nhờ đến sự che chở, phù hộ độ trì của các bậc thánh thần.
Ở cơ quan, nếu ông sếp và phu nhân đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu thì công quỹ tốn kém không sao kể hết. Cô em họ tôi kể rằng, chi phí cho phu nhân của sếp đi lễ hội tốn đến cả trăm triệu đồng mỗi năm, làm cho các bà tài vụ phải gia giảm chế biến khá vất vả.
Năm trước, tôi được một quan chức mời đi địa phương nhưng đi rồi mới biết là trảy hội. Hóa ra nhà báo thành bung xung cho việc tâm linh. Tôi thấy quân gia chuẩn bị chu đáo đến gói tăm, chai nước ngọt, bữa ăn, phòng nghỉ… cho đoàn “công tác cơ sở” hơn một tiểu đội. Xe cộ, mâm lễ và cả 3 triệu đồng công đức ghi tên ông bà 500.000 đồng cho mỗi thành viên cũng do cô phó phòng tài vụ chi hết.
Còn nhớ chuyện vợ một quan chức yểm bùa triệt hạ đồng chí của chồng mình bị lên án dữ dội. Quan chức càng to thì lễ càng lớn, tốn kém càng nhiều tiền công. Chính vì thế, chuyện quan chức đổ tiền sắm lễ “khủng”, cuồng tín một cách hồ đồ không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, chẳng có ông quan nào đi lễ bằng xe thuê, tiền túi cả, dù ông ta vẫn ở nhà tập thể, đi xe máy đến cơ quan. Trong những hành vi cuồng tín ấy, dễ nhìn thấy nhất phải kể đến chuyện quan chức hối lộ thần linh bằng vàng mã, bằng công đức. Dư luận từng ồn lên chuyện trong mùa Vu Lan năm trước, có đại gia trong ngành xây dựng đã lập “kỷ lục” đốt vàng mã ôtô, nhà lầu, hình nhân thế mạng tốn hơn 400 triệu đồng.
Năm nay, đã có chỉ thị của Thủ tướng và Chủ tịch UBND một số tỉnh nghiêm cấm sử dụng xe công đi lễ chùa, lễ hội nhưng xe công, xe biển xanh, biển đỏ vẫn xuất hiện ở bãi xe. Thiên hạ khôn lắm. Họ cho đỗ xe từ xa, cho lái xe đi đâu đó, bao giờ gọi mới ghé đến rước ông bà sếp, làm cho cánh phóng viên săn ảnh xe biển xanh bó tay.
Có một số người nhìn vào lễ hội tâm linh mà rằng: Nếu cầu nguyện thánh thần mà được ngay thì ai chẳng cầu. Hóa ra trong thực tế, không có tôn giáo nào dạy tín đồ chỉ cầu nguyện là có tất cả. Khá nhiều người giàu có, sung túc, thành đạt nhờ lao động chân chính nhưng vẫn tin vào cầu cúng và chỉ có mức độ vừa phải. Họ bảo đâu cũng là Phật là Thánh, cớ sao phải đi chùa này, phủ kia? Lễ bái cốt ở thành ý, thành tâm.
Thế nhưng, một khi “quan lộ” của cán bộ ở xứ ta vẫn phải tiến thân nhờ quan hệ, tộc hệ, tiền tệ thay cho trí tuệ thì niềm tin thái quá vào thế lực siêu nhiên vẫn tồn tại, vẫn có đất bám rễ. Với những kẻ “khả năng có hạn, thủ đoạn vô biên” mà vẫn được cất nhắc, đề bạt vào những ghế quan trọng, trong khi những người có thực tài đành “ngồi chơi, xơi nước” thì chuyện cầu cúng, lễ lạt càng trở thành một niềm tin mù quáng để đạt được công danh.
Và vấn nạn mê tín dị đoan trong cả công tác cán bộ chỉ thuyên giảm hoặc tiệt nọc khi “công chính liêm minh” theo tinh thần Nghị quyết 4 của Đảng đi mạnh vào cuộc sống, trong quản lý và điều hành xã hội và tất thảy các chức quan đều nhất nhất phải qua thi tuyển.
Minh Nghĩa
Ấn đền Trần ban đầu chỉ là chiếc ấn cầu an, trừ tà, trấn yểm, theo nguyên tắc của Đạo giáo. Không biết từ bao giờ, với sự tham gia của quan chức nhà nước và bị đẩy lên thành ấn cầu quan. Đến cả tôi hằng năm vẫn thường bị nhờ vả đi xin ấn đền Trần. Giải thích mãi nhưng người ta vẫn tin là như thế. Chùa Hà ban đầu chỉ là một ngôi chùa thờ Phật bình thường. Bỗng dưng một ngày trở thành ngôi chùa cầu duyên, là nơi linh thiêng cho đôi lứa. Dần dần tâm thức của con người bị đóng đinh như thế rồi. Làm sao để thay đổi được đây?
Trả lờiXóaMuốn thay đổi phải cần thời gian để tất cả mọi người thay đổi nhận thức. Khách hành hương hiện nay không có khuôn mẫu văn hóa, họ không biết cái gì nên và không nên khi đến đền chùa miếu phủ.Mấy chục năm nay người Việt Nam không được trao truyền những nghi thức ấy, cũng không được hướng dẫn. Cho nên việc đầu tiên là phải giáo dục về việc thực hành các nghi lễ truyền thống. Trong đó, giới truyền thông cũng cần được trang bị lại hệ thống kiến thức để tránh tình trạng nhiễu loạn như hiện nay.
Trả lờiXóaLễ hội Đền Trần tại Thái Bình theo lịch sẽ còn kéo dài đến hết ngày 18 tháng Giêng. Điều đáng nói là ngay sau đêm khai mạc, hội dường như đã “biến” thành chợ. Các trò chơi ăn tiền, “móc túi”, rác thải tràn lan khắp đền…Các “chiếu bạc” thậm chí lấn chiếm cả lối đi. Mỗi khi có khách đi qua, họ lại đứng ra mời chào và câu kéo. Cả người chơi và người tổ chức mặc nhiên công khai như không có chuyện gì xảy ra. Tuy vậy, không hề thấy bóng dáng cơ quan chức năng nào đến xử lý. Chúng ta phải xem xét lại ngay vấn đề văn hóa đi đền, chùa đầu năm để có biện pháp khắc phục vấn đề còn tồn tại
Trả lờiXóaNgay sau đêm khai hội với màn bắn pháo hoa đẹp mắt, đến buổi sáng 16.2 quang cảnh Đền Trần như “chìm” trong rác: Nào túi nilon, vỏ bánh mỳ, giấy lộn vứt bừa bãi khắp nơi. Khu vực thảm cỏ bị dày xéo tan nát, khu vui chơi của các em nhỏ - phía hai bên cánh gà của sân khấu chính cũng ngổn ngang rác khiến nhiều du khách phải lắc đầu ái ngại. Quá bẩn! Đền thờ là nơi trang nghiêm, cần phải giữ gìn quang cảnh sạch sẽ. Vậy mà lễ hội mới diễn ra được có một ngày đã chẳng khác nào bãi rác, thật đáng tiếc…
Trả lờiXóaĐiều đáng nói hơn nữa, đó là tình trạng các loại sách xem tướng số, sách xem ngày tốt - xấu, hay loại sách xem vận hạn của từng lứa tuổi cũng được bày bán công khai, tràn lan tại quầy sách thuộc khu vực bán hàng. Có nhiều người còn ngang nhiên trải nilon lên thảm cỏ phía trung tâm để thu hút nhiều người mua hơn. Mỗi khi có khách đi qua, họ mời chào như không hề biết rằng mình đang bán loại sách cấm. Tuy nhiên, cũng giống như những trò cờ bạc khác, những điểm bán hàng này cũng không hề bị xử lý. Việc quá mê tín vào sự may mắn khi xin ấn đề Trần đã khiến cho văn hóa trật tự nơi đây bị biến tướng nặng nề
Trả lờiXóaNói thật là mấy vị càng to, càng lo giữ của, phát tài nên càng cũng bài, chùa chiền nhiều. Đời sống tâm linh là một thứ không thể thiếu trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Nó mang một ý nghĩa,linh thiêng và cao thượng, nhưng giò đây, nhiều người đi cúng chùa mà như đi ăn cướp, thiết nghĩ, cái tâm không thanh, thì cúng bao nhiêu cũng vô ích
Trả lờiXóaChúng ta có thể thấy với những kẻ “khả năng có hạn, thủ đoạn vô biên” mà vẫn được cất nhắc, đề bạt vào những ghế quan trọng, trong khi những người có thực tài đành “ngồi chơi, xơi nước” thì chuyện cầu cúng, lễ lạt càng trở thành một niềm tin mù quáng để đạt được công danh,họ nghĩ tiền có thể làm tất cả nhưng họ đã sai.
Trả lờiXóa