Chia sẻ

Tre Làng

SÀI GÒN BÂY GIỜ - CÁI NHÌN CỦA BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC

Saigon bây giờ không thấy có người đẹp nữa! Xưa ra đường cứ thấy người ta vừa chạy xe vừa… ngoái đầu lại nhìn. Bây giờ ra đường người con gái nào cũng trùm kín mặt, mang vớ dài tay, găng tay kín mít, áo khoác sùm sụp, đầu đội mũ bảo hiểm, chỉ chừa hai con mắt lom lom qua kính bảo hộ… !

Ở trên cao nhìn xuống người người dày đặc, từng luồng từng luồng cuồn cuộn trôi đi, lâu lâu cụng mũ bảo hiểm một cái rồi mạnh ai nấy đi, cứ như đàn kiến. Đi bộ trên đường nhiều khi gặp người chào hỏi thân thiện mà chẳng biết ai là ai, đến lúc như chợt nhớ ra họ mới gỡ khẩu trang cười lỏn lẻn. May thay, con gái Saigonbây giờ tuy che mặt mà lại hở đùi! Họ mặc quần short thật ngắn ra đường bất kể sáng trưa chiều tối.Nhờ đó mà cũng có thể nhìn ra người đẹp! Có điều hơi nguy hiểm cho giao thông công cộng vì đường sá không thông thoáng như xưa. Áo dài thì khó mà tìm thấy nữa rồi- trừ trên sân khấu và sàn diễn thời trang. Con gái vì thế mà không còn yểu điệu, dịu dàng, tha thướt nữa. Ngay cả những ngày lễ tết, ở đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ vậy mà cũng khó tìm thấy một tà áo dài.

Mọi người trở nên hấp tấp, vụt chạc, căng thằng hơn bao giờ hết. Cái lý do vì sao mất áo dài rồi phải trùm kín mít cả người như vậy thì ai cũng biết. Bụi khói mù trời. Không khí hừng hực. Môi trường đô thị ngày càng xấu đi. Cây xanh tàn rụi. Cao ốc vùn vụt bốc lên! 

Saigon bây giờ béo phì ngày càng tăng! Một sự phồn vinh thực chớ không phải giả tạo. Béo phì nhanh nhất ở phụ nữ và trẻ con. Các chuyên gia dinh dưỡng la ơi ới, báo động hoài mà chẳng ai thèm nghe. Nghe chi cho mệt. Các cửa hàng fastfood cứ mọc ra như nấm. Ai cũng biết fastfood tới đâu, béo phì, tim mạch, tiểu đường, huyết áp… theo tới đó. Mà bệnh tật càng tăng thì… càng tốt chớ sao. Thuốc men, thực phẩm chức năng, quảng cáo…ồn ào thì kinh tế càng phát triển. Thức ăn thức uống toàn hương liệu, hoá chất, bột nêm các thứ làm cho chuyện bếp núc trở nên đơn giản. Cứ xem TV thì biết. Người nào người nấy già trẻ lớn bé mặt mũi bóng lưỡng, hí hửng chụp giựt nước uống thức ăn, nhảy nhót mừng vui tưng bừng mọi nơi mọi lúc!

Saigon bây giờ cận thị quá trời! Trẻ con nứt mắt đã cận thị. Mẫu giáo tiểu học cận thị tùm lum. Tiệm kiếng mở ra tràn ngập, góc nào cũng có. “Chỗ nào rẻ hơn trả lại tiền!”. Ấy cũng nhờ vi tính, game online, TV… các thứ ngày càng hấp dẫn. Thế giới nhỏ trong lòng bàn tay. Trẻ con sướng như tiên. Đồ chơi trên trời dưới biển khắp hang cùng ngõ hẹp. Lâu lâu kêu có hóa chất độc hại. Khi biết thì mọi thứ đã muộn rồi. Kể cả thuốc “cam” nổi tiếng một thời nay gây ngộ độc chì không thuốc chữa. Lạ là người ta vẫn cứ tin và vẫn cứ nhắm mắt uống càng! Các loại sữa “thông minh” dành cho trẻ con ngày càng nhiều, khiến các bà mẹ không muốn cho con bú sữa mình nữa. Rõ ràng các thế hệ trước đây không được uống sữa thông minh nên có vẻ kém… thông minh! 

Saigon bây giờ loãng xương hơi nhiều. Đi ngoài đường thấy người ta lố nhố, tụ tập, tưởng gì, hóa ra đang túm tụm đo xương! Có người tử tế, vì sức khỏe cộng đồng, đem máy đo mật độ xương ra ngoài đường đo cho ông đi qua bà đi lại. Ai cũng loãng xương kẻ ít người nhiều! Sau đó ai cũng mua một vài hộp sữa, một vài loại thuốc chống loãng xương là xong. 

Saigon bây giờ đua nhau sửa sắc đẹp. Ai cũng sửa được, không cần phải học. Ai cũng nên sửa, từ cô hoa hậu đến ca sĩ, người mẫu, cô hàng xén, anh doanh nhân. Bơm vú bơm mông, cắt mắt, xẻ mũi, chẽ cằm rào rào. Ai cũng thành người mẫu ca sĩ Hàn quốc. Nhan sắc rộ lên khiến các nhà thơ… bí không còn làm thơ được nữa! 

Saigon bây giờ trẻ con bỗng dậy thì sớm. Không dậy thì sớm cũng uổng! Mọi thứ kích thích cứ rần rật chung quanh. Phim ảnh, internet, sách báo… các thứ. Thức ăn thức uống béo bổ các thứ. Khí hậu nóng lên. Tỷ lệ phá thai vị thành niên tăng một cách đáng ngại. Tình trạng vô sinh cũng nhiều. Ly dị cũng mau. Người ta đua nhau mổ đẻ cho đúng giờ hoàng đạo. Trẻ sanh non, suy hô hấp, thiếu dưỡng khí não, lớn lên tâm thần cũng bộn! Tóm lại, sức khỏe cộng đồng ở Saigon bây giờ có nhiều điều đáng suy gẫm.

BS Đỗ Hồng Ngọc

9 nhận xét:

  1. Ngày nay, toàn cầu hóa đã làm phát sinh một nhu cầu khám phá văn hóa địa phương, vùng miền, quốc gia, khu vực… để hòa nhập tốt hơn. Sẽ ít cơ hội cho những người bảo thủ hơn và cơ hội hơn cho những cá nhân, tổ chức có khả năng thấu hiểu và hành xử phù hợp văn hóa địa phương. Khám phá văn hóa là một thú vị, bên cạnh công việc, hiểu văn hóa giúp bản thân phong phú hơn cuộc sống tinh thần tuy nhiên việc phát triển cũng phải đi đôi với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình

    Trả lờiXóa
  2. Người Sài Gòn thực tế hơn, cũng có thể nói là độc lập, cái ‘tôi” quan trọng hơn. Có lẽ đô thị hóa mạnh nhất là người Sài Gòn. Có những gia đình sống quanh năm gần như tách biệt với hàng xóm đâu khác chi phim ảnh nước ngoài. Dường như người Hà Nội nhiều chú trọng hơn và đặt nặng mục tiêu kiếm tiền hơn trong cuộc sống, người Sài gòn thì xem tiền bạc phù phiếm hơn. Một số người cho rằng tiền kiếm dễ hơn người ta cũng rộng rãi chi tiêu hơn. Một số khác cho rằng thổ nhưỡng, khí hậu làm nên con người.

    Trả lờiXóa
  3. Người Sài Gòn thực tế hơn, cũng có thể nói là độc lập, cái ‘tôi” quan trọng hơn. Có lẽ đô thị hóa mạnh nhất là người Sài Gòn. Có những gia đình sống quanh năm gần như tách biệt với hàng xóm đâu khác chi phim ảnh nước ngoài. Dường như người Hà Nội nhiều chú trọng hơn và đặt nặng mục tiêu kiếm tiền hơn trong cuộc sống, người Sài gòn thì xem tiền bạc phù phiếm hơn. Một số người cho rằng tiền kiếm dễ hơn người ta cũng rộng rãi chi tiêu hơn. Một số khác cho rằng thổ nhưỡng, khí hậu làm nên con người.

    Trả lờiXóa
  4. Sài Gòn-một thành phố hiện đại, năng động, một “vùng đất hứa”, một trung tâm kinh tế thương mại lớn. Song Sài Gòn còn là vùng đất với hơn 300 năm lịch sử, một đô thị hơn 300 tuổi với nhiều giá trị văn hóa cần phải được gìn giữ và bảo tồn. Thế nhưng hiện nay, nhiều di tích cổ xưa của Sài Gòn đang bị “phá hủy” trong quá trình đô thị hóa. Nhiều nét tính cách, nhiều thói quen, tập tục tốt đẹp của người Sài Gòn xưa ít nhiều đã bị mai một.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Không còn những xóm nhà lá lụp xụp nhếch nhác trên kinh nước đen, xây dựng những khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng… Tuy nhiên nếu là sự thay đổi làm mất đi những dấu tích xưa cũ mang “hồn vía” của Sài Gòn thì thật đáng buồn, đáng lo ngại vì trong cơn lốc đô thị hóa tràn lan hiện nay, không khéo chúng ta sẽ xóa hết di tích lịch sử và văn hóa thể hiện bản sắc Sài Gòn. Khi đi qua một con phố với dấu tích cổ xưa, người ta sẽ cảm thấy vững tin hơn, khiếm tốn hơn, bình thản hơn, thấy mình thuộc về một chiều sâu văn hóa…ngược lại, họ sẽ cảm thấy bơ vơ, kiêu ngạo, hốt hoảng, vong thân và sẽ bị cuốn phăng đi bởi sự bề bộn của đời sống hiện đại.

    Trả lờiXóa
  7. Một thành phố lớn tự nó có tính chất thu hút dân nhập cư, nhất là Sài Gòn trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Hơn thế nữa, Sài Gòn là thành phố phát triển nhờ thu hút nguồn nhân lực từ nhiều nơi. Vấn đề Bảo vệ di sản văn hóa chính là chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị. Khi con người gắn bó với nơi mình làm ăn sinh sống, không chỉ về kinh tế mà còn bằng tình cảm bằng văn hóa lối sống thì sẽ góp phần xây dựng và gìn giữ Sài Gòn. Còn nếu người nhập cư không “an cư lạc nghiệp” thì khó có thể kêu gọi hay khuyến khích họ gìn giữ cho Sài Gòn đẹp và văn minh.

    Trả lờiXóa
  8. Bây giờ đâu chỉ Sài Gòn
    Huế Hà Nội cũng chơi "con mắt già"
    Ở đời phân biệt chánh- tà
    Bằng con mắt giả mới là "bác si" !!!
    Hi hi hí hí hì hì
    Hì hì hí hí nam nhi sở trường !!!

    Trả lờiXóa
  9. http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/nguyen-bac-son-an-anti-war-poet-ml-10182014074241.html

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog