Bức xúc làm gì chứ, đã làm quan thì phải thật giàu... Quan mà nghèo thì còn tâm trí đâu mà lo việc dân việc nước.
Kền kền ăn xác thối là cách “mưu sinh” rất đỗi bình thường của hiện tượng tự nhiên trong thế giới muôn loài. Thế nhưng khi được vận dụng trong cái thế giới “chữ nghĩa” đa đạng của loài người, nó hàm ý minh triết cao thâm, hay đơn giản chỉ là thái độ “cao ngạo, phách lối… tỏ ra nguy hiểm”… thì cũng tùy cách luận.
Ai “kền kền”, ai “xác thối”?
Ngày xưa, Nam Cao qua tác phẩm “Đôi mắt” đã khắc họa sắc lẹm “cái dạng văn sĩ Hoàng” ăn lạc rang, đọc truyện Tàu, mồm leo lẻo ca ngợi vĩ nhân nhưng lại coi thường, châm biếm, mỉa mai những người lao động cần cù, chân chất của giới cần lao. Và rồi ngày nay, “cái dạng văn sĩ Hoàng” ấy lại tiếp tục uống rượu Tây, đọc báo mạng và phán.
Họ phán rằng dư luận là một “đám kền kền”, và mỗi sự kiện như là “một xác thối”.
Họ cho rằng:
- Bức xúc làm gì chứ, cứ để cho các chủ trương “phạt cho tồn tại”, các dự án, công trình, những cây cầu vĩ đại ấy… được thực thi. Nếu có bị bớt xén phần trăm hoa hồng, nếu có bị tham nhũng khủng khiếp thì cái còn lại vẫn là những sản phẩm vĩ đại mà nhân dân có thể thụ hưởng được.
- Bức xúc làm gì chứ, đã làm quan thì phải thật giàu, đã làm quan thì phải nhà cao cửa rộng, quan mà nghèo thì nói ai nghe, nói ai tin, quan mà nghèo thì còn tâm trí đâu mà lo việc dân việc nước.
- Bức xúc làm gì chứ, cứ để cho cái nhóm lợi ích rửa tiền, khi đó đất nước mới có thêm nhiều bất động sản, khách sạn, sân golf, resort, casino, khu vui chơi, du lịch sinh thái… để cần lao sinh sống, vui chơi, du ngoạn. Công khai, minh bạch cho lắm thì người ta sẽ giấu tiền hoặc đem tiền đến nơi khác, khi đó có mà đói cả nút!
Thật ra, họ mới chính là “kền kền”, mà “xác thối” chính là thái độ thực dụng, tư tưởng đến đâu hay đến đấy, vô cảm trước mọi bất công của xã hội. Sao không đặt ngược lại vấn đề?
Ai dám chắc rằng những sản phẩm “vĩ đại” kia nó sẽ có chất lượng đúng nghĩa vĩ đại mà nhân dân được thụ hưởng dài lâu như mong muốn? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu như nó không “đúng quy trình” vĩ đại?
Ai dám chắc các vị quan đã giàu không có ý muốn giàu thêm? Với quỹ thời gian làm việc cố định và mức lương mà ai cũng biết là nếu tằn tiện lắm thì cũng chỉ đủ sống thì họ đã làm giàu bằng cách nào, họ tài như vậy sao đất nước vẫn chưa giàu lên được?
Ai dám chắc cần lao sẽ được vui chơi, du ngoạn thỏa thích ở cái chốn “phồn vinh” ấy khi đa số người dân phải chạy cơm, kiếm ăn từng bữa. Chỉ biết rằng, những đồng tiền sau khi được rửa đi, chúng sẽ thành tiền sạch, khi đó, tiền thuế nhân dân sẽ bị móc túi, thất thoát, thất lạc… thời gian càng lâu càng khó có khả năng truy hồi lại được.
Bình thường và bất thường
Một đất nước phát triển, văn minh, tiên tiến là một đất nước hạn chế được tối đa những dấu hiệu bất thường tiêu cực. Trước một sự kiện tiêu cực, phải coi sự xôn xao, bức xúc của dư luận là một thái độ đúng, một thái độ tích cực, thì cái xấu, cái ác mới có cơ may kiềm chế được.
Thế nhưng hiện nay, những dấu hiệu bất thường tiêu cực liên tục được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhiều vấn đề đã trở thành nan giải đối với hệ thống công quyền. Dư luận bức xúc, dẫu không giải quyết được triệt để sự việc, nhưng ít ra nó cũng góp phần phản ánh, gây áp lực lên các cơ quan chức năng để có biện pháp tức thời hay dài hạn nhằm khắc phục và hoàn thiện dần những sai sót.
Và ít ra, từ đó cho thấy được cái quyền giám sát của người dân đối với xã hội, đối với công chức, quan chức. Đừng nhìn người dân với đôi mắt coi thường như vậy, đừng báng bổ dư luận là “kền kền”, trong khi bản thân mình cũng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cái “xác thối” ấy.
Thật trái khoáy khi một quan chức từ chối tiền hối lộ được ca ngợi rầm rộ trên báo, một cán bộ chống tham nhũng lại được tuyên dương, phát bằng khen, thưởng nóng. Đối với một xã hội pháp quyền, đối với một xã hội thượng tôn pháp luật, những chuyện ấy phải xem là hết sức bình thường, những quan chức, những cán bộ là những người đại diện cho pháp luật và nhiệm vụ của họ là phải bảo vệ, thực thi đến cùng những nguyên tắc ấy.
Nhưng bất thường hơn cả là ngày càng nhiều những người cho rằng những điều ấy là không bất thường. Họ dùng “đôi mắt” của “văn sĩ Hoàng” ngày xưa để mà ca ngợi sự phù phiếm ảo, giả tạo, vô cảm trước những bất công.
Sợ rằng những “đôi mắt” ấy, những trí thức như “văn sĩ Hoàng” kia được nhân rộng thêm ra, thì phải đợi đến tết… Công Gô mới có cơ may mà thịnh vượng, mới có cơ may bắt kịp sự phát triển của thời đại.
Minh Phước/TuanVietnamNet
Có phải ai làm quan cũng giàu đâu. Có những người thanh liêm chính trực, họ làm việc vì nhân dân, chứ không mưu cầu lợi ích cá nhân. Nhưng cũng phải nói đến nếu những người làm ở những vị trí cao, họ phải thực sự có năng lực, ta phải trả đúng mức lương cho những gì người ta đã làm để tạo cuộc sống đầy đủ về vật chất. Từ đó mà tránh được tình trạng tham nhũng.
Trả lờiXóaCứ cho là làm quan thì phải thật giàu đi, liệu rằng khi họ giàu có rồi họ không có lòng tham muốn giàu thêm không. Và như thế nào là giàu, như thế nào là nghèo. Nghèo mà trong nhà sập vụ tủ chè đủ cả thì không được gọi là nghèo. Lòng tham của con người nó lớn lắm, nó sẽ to dần ra, vượt qua cái ngưỡng giới hạn mà lúc đầu đặt ra. Thế nên người làm quan trước tiên phải có đạo đức, xong mới nói đến vấn đề khác. Chúng ta phải đẩy mạnh đấu tranh với những loại quan này, Không thể để cho bon chúng làm hại nước hại dân. Không để cho những vụ Vinashin Vinaline tiếp tục diễn ra.
Trả lờiXóanhư chương trình táo quân năm nay đã nêu lên hãy đển người dân đề ra hình thức xử phạt với những vị quant ham, những người dân là người nắm biểu biết nhất về những vị quan nào là quan tham quan nào là quan tốt, quan nào là người tôn trọng và giúp đỡ quần chúng nhân dân, nhưng đã làm quan làm sao tránh được lòng tham, gieo nhân nào thì ăn quả nấy nếu tham thì con cháu của họ sẽ phải gánh thay họ mà thôi
Trả lờiXóaý kiến sự xôn xao của dư luận là tôi thấy tâm đắc nhất vì nó cho thấy sự phản anh của quần chúng nhân dân, nước ta là một nước vì dân mà không thể lắng nghe dân để thanh lọc những phần tử thoái hóa biến chất thì có phải bôi nhọ cho khẩu hiệu “vì dân phục vụ vì dân quên mình” hay sao, ai mà chả tham tiền nhưng mà họ cần nhận thức mình tiền đến đâu là giới hạn đủ cho cuộc sống của mình chứ
Trả lờiXóaCan bo cap cao nhu ong Truyen ong Phong(TTCP) la thuoc dang ngheo roi.Toi nghi can bo ho phai co dk kt mot chut thi moi lo cho dan,lo cho nuoc duoc chu.
Trả lờiXóaở vn có quan đâu, là cán bộ, công bộaa, osin của dân thôi... trách gì osin ít học, phải thông cảm với họ, cứ coi là một dạng tích lũy tư bản đi... có sao đâu...
Trả lờiXóaCó lẽ cái bọn quan làm giầu này không biết rằng mình đang ăn những đồng rớt "làm trơn""bộ máy""nhà nước"nên không thấy ghê mồm
Trả lờiXóaKhi có chức tước rồi thì ai lại không nghĩ đến lợi cho bản thân mình. Để có được vị trí như thế này cũng cần phải được đền đáp một khoản xứng đáng chứ, gần đây đã có không ít vụ kê khai tài sản của các lãnh đạo nhà nước khiến người ta kinh ngạc. Với số tiền lương ít ỏi mà họ nhận được thì làm sao có thể đủ để xây dựng nhiều biệt thự và cổ phiếu như vậy được. Đến bao giờ thì chúng ta mới đẩy lùi được tham nhũng đây
Trả lờiXóaChúng ta chắc chắn phải mất một khoảng thời gian dài nữa thì mới có thể đẩy lùi được nạn tham nhũng. Những vị quan chức nếu chỉ bằng đồng lương của họ thì chẳng bao giờ có thể sở hữu được biệt thự sang trọng, xe hơi đắt tiền. Tiền ấy là ở đâu mà có thì hỏi trời mới biết. Chúng ta đã biết được vụ ngân hàng nhà nước làm thất thoát tiền của nhân dân, các vị lãnh đạo cấp cao thì sở hữu khối tài sản khổng lồ. Đúng là chỉ có người dân là chịu hậu quả mà thôi
Trả lờiXóaMột người làm quan cả họ được nhờ, người xưa nói không có sai. Từ trước đến nay hai từ quan chức đã khiến cho không ít người phải chạy vạy để được thăng quan tiến chức. Có lẽ vì họ nghĩ thăng quan cùng nghĩa với nhiều món lợi khác sẽ đến. Thực sự thì khi có chức tước rồi ít người có thể sống thanh liêm, sống giản dị được. Chúng ta chỉ có thể thấy được trong thời chiến một vị chủ tịch Hồ Chí Minh cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư
Trả lờiXóaTư tưởng làm quan đi liền với giàu dường như đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Từ xưa đến nay đất nước Việt Nam đã có không ít vị quan thanh liêm, những vị lãnh tụ vĩ đại khiến cho cả thế giới ngưỡng mộ nhưng cũng có không ít người lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho bản thân. Chức đi đôi với tiền trong thời đại ngày nay đã không còn xa lạ nữa. Thử nghĩ với số tiền lương ít ỏi của người nhà nước thì làm sao họ có thể mua được cổ phiếu, biệt thự, nhà lầu, xe hơi được chứ. Họ lấy tiền ở đâu ra để mua những thứ xa xỉ ấy
Trả lờiXóaLàm quan đi liền với có quyền và có tiền. Thời đại ngày nay đã có không ít người lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân. Chỉ cần một chữ kí thôi là họ có thể có trong tay hàng nghìn tỉ đồng như vụ án của Dương Chí Dũng. Chức quyền đã trở thành ma lực khiến cho con người ta từ lương thiện cũng trở thành kẻ tham lam vô độ. Có chức rồi thì lại muốn có tiền, như thế thì mới thỏa mãn được nhu cầu ăn tiêu của bản thân. Đúng là quan tham, đúng là hại nước hại dân
Trả lờiXóaXã hội đang phát triển không ngừng, nền kinh tế cũng tăng trưởng không ít. Chúng ta đang đứng trước nhiều thuận lợi cũng như thách thức để phát triển đất nước trong thời đại mới. Đứng đầu mỗi đất nước là những người lãnh đạo, những quan chức cấp cao ấy chính là nhân tố quyết định sự thành bại của đất nước. Nếu như họ không tự trau dồi phẩm chất cá nhân mình, không biết tránh xa mặt trái thì sớm muộn họ cũng sẽ thảm bại dưới cám dỗ đó mà thôi.
Trả lờiXóa