Café sáng thứ 7 (#26): Tham nhũng, ăn cắp và nghèo đói
1. Vụ hối lộ các quan chức ngành giao thông 80 triệu Yên của công ty JTC (Nhật Bản) để nhận các gói thầu liên quan đến đường sắt từ vốn ODA của Nhật Bản đang làm nóng dư luận. 14 quan chức và cựu quan chức ngành giao thông phải thực hiện giải trình liên quan đến các hoạt động quản lý đầu tư của các dự án mà JTC khai đã hối lộ.
Bộ trưởng Thăng triệu tập cuộc họp bất thường để chỉ đạo giải quyết vấn đề và báo cáo khẩn tới Chính phủ. Thứ trưởng Đông cấp tốc lên đường sang Nhật để xác minh danh tính các cán bộ nhận hối lộ. Có lẽ anh Thăng đã khá ổn trong việc xử lý tình huống đối với truyền thông trong nước. Nhưng trên phương diện quốc tế thì chả khác nào vạch áo cho người xem lưng.
Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Mại - Cựu thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói số tiền như vậy là chưa ăn thua, và còn nhiều “đồng chí chưa bị lộ”. Nói như ông này thì trẻ con cũng nói được. Đây là kiểu nói lấy được thường thấy ở các quan chức đã nghỉ hưu xứ An-nam. Nói cho ra vẻ quan trọng và sướng mồm thôi, chứ bảo ông ấy lấy cơ sở nào để nói và chỉ ra cách tìm các “đồng chí chưa bị lộ” thì chắc là tịt ngay.
Tham nhũng từ ngân sách và vốn vay phát triển kinh tế - xã hội của An-nam đã và đang là vấn đề “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nó đã được những lãnh đạo cao cấp nhất xác định đây là quốc nạn.
Dĩ nhiên, với cơ chế tiền lương như hiện nay, quan chức không tham nhũng thì chỉ có cách cạp đất mà ăn chứ đừng nói gì đến việc sở hữu những khối tài sản khổng lồ như những “đồng chí” đã bị dư luận phanh phui lâu nay.
Có điều, những “đồng chí bị lộ” không thể “ăn” một mình được.
2. Cũng liên quan đến hối lộ, xuất hiện tài liệu nghi vấn “2,8 triệu USD đã gửi các cơ quan ở Hà Nội” “bôi trơn” trong dự án đô thị Sing Việt tại Tp.HCM. Từ Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh cam kết sẽ vào cuộc để làm rõ thông tin hối lộ nêu trên.
Việc dùng tiền để bôi trơn trong các dự án đầu tư không còn là điều mới mẻ. Không chỉ có ở An-nam mà các nước phát triển, có sự kiểm soát chặt chẽ về tài chính cũng không ngoại lệ. Có điều ở An-nam, mối quan hệ trong việc nhận hối lội cực kỳ phức tạp. Và nó hình thành một “đường dây có tổ chức” như lời nói của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngón nghề “trạng chết chúa cũng băng hà” luôn được áp dụng triệt để trong đường dây tham nhũng có tổ chức. Những kẻ có nguy cơ lộ mặt luôn giữ những chứng cớ cần thiết để sẵn sàng tố cáo cấp trên nếu vụ việc bị lộ và họ không được cấp trên trong đường dây bảo vệ.
Ngoài ra, những nhằng nhịt trong mối quan hệ chính trị cũng làm khó cho việc phanh phui và xử lý tham nhũng. Sự việc tai nạn cầu treo Chu Va tại Lai Châu gần đây vẫn chưa được khởi tố là một ví dụ.
Thế nên, sự quyết tâm của các lãnh đạo cao cấp trong phòng chống tham nhũng e rằng khó có hiệu quả khi va phải bức tường kiên cố của “đường dây tham nhũng có tổ chức“.
Và câu chuyện đau đẻ chờ sáng trăng có lẽ vẫn tiếp diễn.
3. Cảnh sát Nhật vừa bắt giữ một tiếp viên của Việt Nam Airlines để điều tra về việc tiêu thụ đồ ăn cắp. Ngoài cô tiếp viên này, 1 cơ phó và 4 tiếp viên khác cũng bị điều tra. Cách đây không lâu, báo chí dẫn nguồn từ Nhật cho rằng, 40% tội phạm bên Nhật là người Việt Nam. Và tội phạm chủ yếu là ăn cắp.
Việc ăn cắp của người Việt không chỉ xảy ra ở Nhật, mà ở Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc,… đều có những cảnh báo bằng tiếng Việt về việc đề phòng sự ăn cắp của người Việt. Có thể nói, đây là một nỗi nhục của quốc thể.
Ăn cắp vặt là một bản tính của người Việt, và được nâng lên một tầm cao mới trong nửa thế kỷ qua. Tính xấu, đáng ra phải được bài trừ. Nhưng đối với người Việt, những hành động ấy lại đang được cổ vũ, khuyến khích và cho rằng đó là sự năng động, khôn ngoan.
Thế nhưng, dư luận vẫn lên án gay gắt hành động của cô tiếp viên, và cho rằng cô này đã làm nhục quốc thể. Nhưng hãy nhìn lại, có ai trong xã hội An-nam này không ăn cắp? Và nếu bạn ở cương vị đó, bạn có thoát khỏi cám dỗ của vật chất khi những chi phí cho việc đảm bảo vị trí làm việc đó không hề nhỏ.
Lòng tham của cần-lao An-nam không có giới hạn, tính vô cảm với xã hội cũng phát sinh từ lòng tham đó. Đừng có nâng cao quan điểm về đạo đức, về sĩ diện, về tự trọng dân tộc khi đẳng cấp trong xã hội được đánh giá bằng vật chất.
Và lòng tham, không trừ một ai, từ thượng tầng tinh-hoa đến hạ tầng cần-lao của xứ An-nam này. Cô tiếp viên này bán hàng ăn cắp được 10 đồng, thì chắc phải bôi trơn cho “hệ thống” - nơi đảm bảo cho cô có cơ hội được xách hàng ăn cắp về tiêu thụ phải tới 7 đồng. Và chả riêng gì cô ta, ai trong hệ thống cũng phải và cũng đều làm vậy. Chỉ xui xẻo, vì cô ta là kẻ “bị lộ” trong một đường dây của những kẻ “chưa bị lộ”.
Và tất yếu, nơi đến của những đồng tiền “bôi trơn” là các quan chức.
4. Một thầy giáo đã nhẫn tâm tạt axit vào 4 đồng nghiệp gây tổn thương nghiêm trọng. Tại cơ quan điều tra, thủ phạm khai nhận tạt axit để trả thù những mâu thuẫn cá nhân liên quan đến việc điều chuyển công tác của mình và vợ.
Một giáo viên 35 tuổi, là đảng viên, có thâm niên công tác, thì sẽ có nhận thức rất rõ về hậu quả của hành động trả thù này. Khi anh ta đã đánh đổi nghề nghiệp, tương lai để nhận những tháng ngày sau song sắt và sự kỳ thị của dư luận với gia đình và bản thân, thì có nghĩa anh ta đã không còn lựa chọn nào khác.
Có nghĩa, những nạn nhân chính của vụ việc đã khiến anh ta phẫn uất đến mức chấp nhận đánh đổi tất cả. Khi một người có nhận thức và trách nhiệm cao trong xã hội đã hành động đến bước đường cùng như thế thì không thể không nhìn nhận những nguyên nhân sâu xa hơn lời khai ban đầu của anh ta. Và có lẽ không ngoài những mối quan hệ tiền, tình hoặc một sự xúc phạm không thể tha thứ nếu anh ta không có vấn đề về thần kinh.
Thế mới nói, không có lửa thì làm sao có khói.
5. Vụ việc đau lòng nhất trong tuần có lẽ là cái chết của ba mẹ con cô giáo mầm non tại xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam). Nguyên nhân ban đầu được cho là do điều kiện gia đình cô giáo quá khó khăn nên đã quẫn trí mà đã tự trói cùng 2 người con và nhảy xuống hồ Phú Ninh tự tử.
Theo người dân địa phương, cha ruột và cha chồng của cô giáo này vừa mất không lâu, chồng nghiện ngập phải vào trại cai nghiện, đồng lương cô giáo mầm non không thể đủ để nuôi con, thăm nuôi chồng và trang trải cuộc sống. Ngay việc mai táng cho 3 mẹ con xấu số này cũng do tiền quyên góp của người dân địa phương và hỗ trợ từ phòng GD&ĐT huyện Phú Ninh.
Khi một con người đã chọn cái chết cho mình và những đứa con đứt ruột đẻ ra (cho dù bị xã hội lên án về sự nhẫn tâm của một người mẹ), thì rõ ràng họ đã đi đến bước đường cùng, không còn một sự lựa chọn nào khác. Họ muốn giải thoát cho họ, cho những đứa con của họ với suy nghĩ nông cạn và tiêu cực rằng, khó có thể sống được một cách bình an và tử tế ở trên đời này.
Cần-lao An-nam xưa nay vẫn được nhìn nhận là có khả năng chịu đựng rất cao. Cho dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, họ chấp nhận làm tất cả để tồn tại mà không có cơ hội đòi hỏi. Vì thế, khi họ đã tìm đến cái chết, nghĩa là không còn đủ khả năng chấp nhận cuộc sống nữa.
Và có lẽ, những bi kịch của xã hội sẽ không dừng lại ở vụ việc trên.
6. Định luật của tiền nhân, cải biên rằng: “Tiền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển từ túi của người này sang túi của người khác”.
Vì thế, khi trong xã hội càng có nhiều siêu biệt thự, siêu xe, siêu nhẫn, siêu váy,… mà tiền mua các “siêu tài sản” này lại không được kiếm bằng đúng công sức, trí tuệ của người sở hữu chúng thì những anh Pha, chị Dậu thời @ ngày một nhiều là điều tất yếu.
Có điều, bước đường cùng của thời @ thường được chọn là cái chết, chứ không chỉ đơn thuần là bán con và bán chó.
(@ by Baron, 2014)
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
Nguồn: Trang Tản mạn và Cảm nhân của Bau Trinh Xuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét