Chia sẻ

Tre Làng

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: TÔI CHƯA NGHĨ ĐẾN CHUYỆN TỪ CHỨC VÀO LÚC NÀY

Dân Việt - Đây là trả lời liên quan tới trách nhiệm về dịch sởi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với báo chí chiều nay (29.4) tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. 

Tại buổi họp báo báo thường kỳ của Chính phủ tổ chức chiều nay (29.4) tại Hà Nội, một phóng viên đã thẳng thắn đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Bộ trưởng cũng là một người mẹ. Sau khi đến các bệnh viện và chứng kiến cảnh những người mẹ mất con do dịch sởi trong thời gian qua, Bộ trưởng có nghĩ đến việc sẽ từ chức hay không?”.

Giọng nói thể hiện sự nghẹn ngào, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến những bà mẹ có con đã mất vì dịch sởi vừa qua và cũng chia sẻ luôn trước câu hỏi của nữ phóng viên: “Về trách nhiệm, dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, thì người đứng đầu ngành y cũng có nhiều liên quan. Chúng tôi rất day dứt và đau lòng, đã rút kinh nghiệm sâu sắc, tuy nhiên ngay lúc này tôi chưa đến nghĩ đến việc từ chức ngay”. 

Tiếp đó, bà Tiến lý giải luôn: “Sau khi xảy ra những ca tử vong đầu tiên vì bệnh sởi ở Yên Bái cuối năm ngoái, chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc phòng chống dịch nhưng hiệu quả chưa cao do tỷ lệ tiêm chủng sởi vẫn còn thấp. Hiện nay toàn ngành y đang thực hiện quyết liệt việc giành lại sự sống cho các cháu bằng mọi cách, dốc hết lực cho công việc này vì hiện trong Bệnh viện Nhi T.Ư vẫn còn khoảng 10 cháu đang trong tình trạng khá nặng do mắc phải sởi. Ngoài ra chúng tôi cũng còn nhiều việc khác phải làm và đang đeo đuổi một cách quyết liệt như vấn đề giảm tải bệnh viện, Bảo hiểm y tế toàn dân…”.

Dường như vẫn chưa hết xúc động, Bộ trưởng Tiến tiếp tục tâm sự: “Chúng tôi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng là qua 1 quá trình quy hoạch, được sự phân công của Bộ Chính trị, của BCH T.Ư, được Quốc hội phê chuẩn, … Chúng tôi nghĩ rằng ở vị trí này phải đặt quyền lợi của dân tộc, nhân dân lên trên phấn đấu làm hết sức mình với trách nhiệm, lương tâm và cả đam mê nghề nghiệp để làm sao cống hiến được nhiều nhất. Thế hệ chúng tôi không trải qua chiến tranh, cho nên tôi nghĩ đó cái nợ phải trả cho đất nước, cho dân tộc. Nhưng nếu trong quá trình, dù cả ngành chúng tôi thống nhất rất cao, từ T.Ư tới tuyến xã, Chính phủ quyết liệt, Quốc hội giám sát chặt chẽ thì chúng tôi tin rằng trong tương lai sẽ có kết quả đạt được. Tuy nhiên nếu trong quá trình làm việc, nếu mình không đủ năng lực, đã cố gắng hết sức, hết trách nhiệm và lương tâm, kể cả niềm đam mê nhưng không làm được nữa thì tôi nghĩ tôi cũng hoàn toàn thanh thản nhẹ nhàng và quay trở về làm công việc nào đó có ích nhất cho đời. Cho nên thời điểm này tôi không trả lời câu hỏi đó. Câu hỏi đó rất nhạy cảm nhưng tôi cũng trả lời rất thật từ trong lòng tôi”.

Trước đó, là người được đặt câu hỏi mở màn phiên họp báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi trả lời câu hỏi của báo chí về việc có rút kinh nghiệm gì, cần có bài học gì để không lặp lại những sai sót như trong đợt chống dịch sởi vừa qua, bà đã bày tỏ rằng hầu hết các trường hợp tử vong do mắc sởi đều xảy ra với trẻ không được tiêm chủng và tiêm chủng không đầy đủ. Và tỷ lệ tử vong cao lại tập trung vào bệnh viện nhi đầu ngành. 

“Mặc dù về việc tuyên truyền tiêm phòng sởi, Bộ Y tế cũng như Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về chiến dịch tiêm sởi, nhưng chúng tôi cũng đã rút ra bài học kinh nghiệm và xin nhận khuyết điểm là công tác truyền thông chưa hiệu quả. Nếu công tác tuyên truyền làm tốt hơn thì có lẽ tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đã cao hơn và không phải xảy ra những trường hợp tử vong đáng tiếc như thời gian qua”- Bộ trưởng Tiến ngậm ngùi thừa nhận và chốt lại vấn đề: “Truyền thông yếu cũng là nguyên nhân khiến trẻ em mắc và tử vong nhiều vì dịch sởi”.

Tiếp lời cho Bộ trưởng Tiến, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá: “Công tác tuyên truyền không chỉ là điểm yếu của riêng ngành y tế. Đây là bài học xương máu của chúng ta. Thực tế đã chứng minh những chiến dịch nào mà chúng ta thực hiện tốt công tác tuyên truyền thì kết quả sẽ thành công mỹ mãn, như chiến dịch tuyên truyền đội mũ bảo hiểm chẳng hạn”.

Hải Phong

9 nhận xét:

  1. GẦN đây dịch sởi đang gây ra rất nhiều những khó khăn cho những người dân trong việc ổn đinh tâm lí và có lòng tin vào người lãnh đạo, nếu như những người lãnh đạo có sự bất cẩn trong lời nói có thể gây ra những bức xúc cho những người dân và khi đó thì không biết hậu quả của nó sẽ như thế nào, và đương nhiên chính trị sẽ là cái mà những đối tượng chống đối muốn gây hại cho việt nam

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh22:43 29/4/14

    Theo tôi nghĩ, cách làm đúng nhất là giải quyết vấn đề trước rồi mới từ chức thì mới hay, chứ đang lửa nóng mà bỏ cuộc thì chỉ tội cho người kế vị hoặc cấp trên phải chịu hết tên đạn của dư luận. Thiên hạ cứ khen ông thủ tướng Hàn Quốc nhưng ông ta đâu phải vào tù. Sự nghiệp chính trị có thể gián đoạn trong một thời gian mà thôi. Giống như ở bên Israel, mấy ông thủ tướng từ chức rồi sau một thời gian lại tranh cử trở lại.

    Trả lờiXóa
  3. trong thời gian qua dịch sởi đang bùng phát và có xu hướng lan rộng. Đây đang là một vấn đề nhức nhối, một vấn đề cần phải giải quyết nhanh và kịp thời. Cả đất nước đang chung tay chống lại đại dịch. Bộ trưởng bộ y tế cũng như các ban ngành đang dốc hết sức, dốc toàn lực nhằm ngăn chặn đại dịch. Bây giờ điều quan trọng là chúng ta phải ngăn chặn không để cho dịch sởi lây lan.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi nghĩ bà bộ trưởng Tiến từ chức vào lúc này cũng không giải quyết được vấn đề gì cả, dịch sởi cũng không vì thế mà hết được và càng làm cho sự việc thêm rắc rối khi mà vấn đề nhân sự thay thế cũng hết sức phức tạp, chúng ta hãy khoan làm rõ trách nhiệm của ai giờ đã mà chúng ta nên tìm cách để đẩy lùi dịch sởi, và rút ra bài học phòng sởi tốt hơn cho tương lai. Mặc dù biết văn hóa từ chức nên có ở nước ta, nhưng vào hoàn cảnh này thì không nên

    Trả lờiXóa
  5. Văn hóa từ chức nên có ở nước ta thật nhưng vào tình hình như thế này thì bà Tiến từ chức chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, làm cho mọi chuyện thêm rắc rối thêm nữa thôi, rồi biết đâu có người cho rằng bà ta chạy trốn trách nhiệm nữa, đã là một người lãnh đạo tốt thì hãy giải quyết sự việc xong rồi hãy tính toán đến trách nhiệm thuộc về ai, giờ chỉ đem ra so đo trách nhiệm thì những em bé bị sởi kia phải làm sao giờ

    Trả lờiXóa
  6. Lục Vân Tiên19:11 1/5/14

    BÁC BỘ Y TIẾN
    Lương lớn mà Tâm nhỏ, Tiến ơi,
    'Bác' mà vô 'sỉ' chẳng ai coi !
    Vắc-xin sốc thuốc, nhiều em chết,
    Dịch sởi lan tràn, lắm trẻ toi.
    Trách nhiệm do dân sai tuyến dưới,
    Quy trình Y tế đúng trên đòi.
    Quan không từ chức vì xa ghế,
    Mấy kẻ làm vua chịu bỏ ngôi!

    Trả lờiXóa
  7. Bác Chín SG19:26 1/5/14

    Mụ này học một sách với X.3 Dũng đây! '...đảng phân công tôi làm thì tôi không thể từ chối nhiệm vụ đảng giao!' (i.e. Tôi không thể từ chức dù có là ma nhà họ 'Hứa' là không diệt được tham nhũng, đứa nào không từ chức là con...chó)

    Trả lờiXóa
  8. Đúng là dịch bệnh ởi đang bùng phát làm nhiều trẻ nhỏ trử vong.Nhưng không phải vì điều đó mà cho phép mình đổ lỗi tất cả cho bộ trưởng Tiến.Tại sao cũng với bệnh sởi mà trong miền nam lại quản lý bệnh tốt hơn ? Vì họ chấp hành tốt nội quy về tiêm phòng dịch nên các biến chứng không hề nặng và ít gây hậu quả nghiêm trọng.Trách nhiệm của bộ là rõ ràng chúng mình nhắc lại là không phủ nhận điều này nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận về trách nhiệm của mình tại sao lại không chịu tiêm phòng trước khi có dịch để rồi có dịch lại đổ xô đi tiêm ?

    Trả lờiXóa
  9. Vấn đề ở đây không phải là muốn thay là thay được,giờ bà Tiến xuống ai dám lên thay ? Nói thật lòng mình cũng không ưa bộ trưởng nhưng thời điểm này kêu gào từ chức khác gì giúp bộ trưởng trốn tránh trách nhiệm của mình ? Vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho những gì đang diễn ra hay lại đổ lên đầu dân ? Và mình tin chắc hiện nay không ai dám bước lên cái ghế bộ trưởng y tế để xử lý cái mớ bòng bong này cả. Giữ bộ trưởng lại là để bà khắc phục sửa chữa chứ không phải bênh hay phủ nhận mọi trách nhiệm của bộ trưởng gây ra.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog