Chia sẻ

Tre Làng

CHUYỆN ÔNG PHẠM QUANG NGHỊ ĐI XE BUÝT VÀ TIẾNG KÊU CỨU CỦA DI SẢN


VOV.VN - Đối thoại cùng Nhà thơ Trần Đăng Khoa về chuyện xe buýt và bảo tồn làng cổ, phố cổ.

Thế là đã gần ba năm ông giữ chuyên mục “Góc nhìn của nhà thơ Trần Đăng Khoa”, bàn về những vấn đề, những sự kiện nóng hổi đang diễn ra trên khắp đất nước, bao gồm: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, (trừ văn chương và thơ ca là món sở trường của ông). Dù thẳng thắn, sắc sảo, mang tính xây dựng và có trách nhiệm cao, nhưng chỉ một người độc thoại, xem ra cũng dễ tẻ. Ta thay bằng cuộc “đấu khẩu” theo kiểu: “Hỏi thẳng đáp thật”. Ý ông thế nào?

Đồng ý. Nếu biết, tôi xin được thưa thốt. Mà nếu không biết thì tôi dựa cột nghe bà…

Qua các kênh truyền thông, chắc ông cũng đã biết, mới đây, Ông Phạm Quang Nghị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã lên tuyến xe buýt tuyến Nguyễn Khoái - Trần Khánh Dư. Do xe đông, Bí thư Thành ủy đã đứng cùng với các hành khách khác trên xe hơn 20 phút. Vị lãnh đạo cao nhất của thành phố đã hỏi chuyện 3 hành khách về giá vé, thái độ phục vụ và an ninh, an toàn trên xe buýt... Trong buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Cty Vận tải Hà Nội Transeco, ông Nghị cho biết, dù chỉ đi hành trình vài km nhưng ông đã ghi nhận được rằng người dân vẫn rất yêu mến và dành tình cảm cho xe buýt, điều đó được chứng minh qua các tuyến xe buýt luôn đông khách…

Đúng vậy. Ở các nước văn minh, tiên tiến, giao thông của họ rất tốt. Ở ta, nếu hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của dân thì tôi tin sẽ chẳng ai dùng xe máy, xe đạp, xe ôm. Những ngày mưa rét, đi phương tiện thô sơ qua cầu Long Biên, Chương Dương quả là một cực hình. Ấy là chưa kể lại còn nơm nớp bất an vì lo tai nạn giao thông. Bao người dân dừng xe trước đèn đỏ rồi mà còn bị tai nạn thảm khốc vì những chiếc xe điên bất ngờ chồm lên họ. 

Tiếc là ở ta, hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của dân. Còn có chuyện lái xe hành dân, rồi nạn móc túi, cướp giật như báo chí phản ánh. Tất cả những vấn nạn ấy đều làm mất lòng tin của dân. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đi xe buýt để nắm thực chất đời sống của dân là việc làm đẹp. Nếu vị lãnh đạo nào cũng xuống với dân như ông thì đời sống người dân cũng bớt một phần cơ cực. 

Ngày xưa, vua chúa cũng luôn vi hành để giám sát sự nhũng nhiễu của các quần thần và các quan địa phương. Tuy nhiên, thời ấy, truyền thông chưa phát triển, nên chẳng ai biết mặt vua. Chỉ bỏ tấm áo bào ra là vua đã có thể thành dân, cùng chịu chung niềm vui, nỗi khổ với dân, mới có thể hiểu được thực chất đời sống thế nào dưới sự trị vì của mình. Bây giờ, không phải vị quan chức nào người dân cũng có thể gặp được. Nhưng gương mặt của các quan chức lại rất quen thuộc qua các kênh truyền thông, nên dù có khoác tấm áo rách của dân, dù lẫn vào trong dân, nhưng họ vẫn không thể thành được dân để nghe những lời nói thật. Đấy cũng là nỗi khổ của các quan chức. 

Tuy nhiên, vẫn có cách khắc phục rất dễ dàng, lại có hiệu quả cao mà các vị quan chức không phải “vi hành” vất vả, đó là lập đường dây nóng để bất cứ người dân thấp cổ bé họng nào cũng có thể “gặp” được. Dân sẽ thành trợ lý, thành tai mắt cho quan. Đó là cách làm của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Và đó cũng là bí kíp giúp ông biến Đà Nẵng thành đô thị nề nếp nhất nước. Đà Nẵng cũng là nơi có chất lượng sống cao nhất trong khu vực theo đánh giá của nhiều người nước ngoài.

Năm 2013, người dân Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội đồng loạt viết đơn xin trả lại danh hiệu di tích Quốc gia cho nhà nước vì họ cho rằng danh hiệu đó đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của họ. Nhưng gần 1 năm trôi qua, quy hoạch cũng như các phương án để bảo tồn và phát huy làng cổ Đường Lâm vẫn chưa được công bố. Những ngôi nhà cổ càng xuống cấp, cần được trùng tu, cải tạo. Người ta đặt câu hỏi, Đến bao giờ họ mới có thể được sống thoải mái trên chính mảnh đất quê hương mình.

Câu chuyện của bà lại làm tôi nhớ đến nhà văn hóa lớn Hữu Ngọc. Ông Hữu Ngọc có nhiều năm hoạt động trong Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển. Ông quan tâm nhiều tới những ngôi nhà mang đặc tính thôn quê, để rồi tìm cách tài trợ, phục dựng những ngôi nhà đó. Và rồi, khi đi khảo sát, ông phát hiện ra rằng, hầu hết các làng quê đồng bằng Bắc bộ đều bị ô nhiễm văn hóa rất nặng. Chỉ duy nhất một nơi còn giữ được. Đó là Đường Lâm. Nhưng Đường Lâm giữ lại được không hẳn vì người dân có ý thức, mà vì đó là vùng quê rất nghèo, chẳng có nghề gì ngoài nghề tráng bánh đa và làm kẹo kéo. Nghề kẹo kéo, bánh đa thì không thể“phá làng” được. Và ông Hữu Ngọc có kết luận rất đau xót thế này: “May mà cái nghèo đói đã cứu được cả một mảng văn hóa đang bị hủy diệt”.

Bàn về làng cổ, phố cổ, tôi lại ngờ ngợ rằng, không phải chỉ Đường Lâm,hình như cả Hà Nội, trừ các chùa chiền và Văn Miếu, một công trình kiến trúc có tuổi thọ ngót một ngàn năm, sau được trùng tu, tôn tạo qua rất nhiều đời, còn thì chúng ta không có phố cổ mà chỉ có làng cũ, phố cũ. Bao gồm cả phố cũ xưa ta xây và phố cũ sau này Tây xây. Đó là Ba mươi sáu phố phường xưa và những khu phố có biệt thự Tây. Bởi trong khu phố đó có rất nhiều nhà chỉ xây cách đây chừng hơn một trăm năm, hoặc hai trăm năm thì sao lại gọi là phố cổ được? 

Ở Nga, có những thành phố cổ như Xuzđan xây dựng cách đây hơn 12 thế kỷ, trong đó có những căn nhà gỗ, tường xếp bằng nguyên cả những cây gỗ, mái cũng lợp gỗ. Trong nhà vẫn còn nguyên cả những đồ đạc có cách chúng ta 1.200 năm. 

Ở ta, nếu có phố cổ thì chỉ có thể là Hội An. Một khu phố rất lạ. Kiến trúc khá độc đáo. Hội An có một vùng văn hoá riêng, một bầu không khí cũng rất riêng biệt. Hàng tháng, cứ vào đêm 14 là người ta tắt hết điện, thắp đèn lồng. Những căn nhà gỗ trông rất cổ kính. Vào trong nhà không khí khác hẳn, nhiệt độ cũng mát hẳn. Người ta lấy gió tự nhiên làm điều hoà nhiệt độ cho cả căn nhà. Ở đó không có AIDS, không có kẻ cắp, trấn lột và những kẻ lừa đảo. Tóm lại, những cái xấu, cái hỗn tạp của những đô thị hiện đại không du nhập được vào khu phố cổ này. 

Người dân sống giữa một bầu không khí trong vắt như ở hồi thế kỷ 17. Ngay cả việc buôn bán của họ cũng rất lạ lùng. Tôi mua một cái quần bò. Bà chủ quán hỏi rất cặn kẽ: "Chú định mặc một lần hay muốn dùng lâu dài?" Khi biết tôi thuộc dân "ăn chắc mặc bền", bà chủ quán khuyên tôi nên sang cửa hàng khác. Không xa đâu. Chỉ cách quán bà có ba nhà thôi. Bà bảo đồ của bà không tốt. Chỉ qua vài lần giặt là vải xù ra. Tôi không thấy ở đâu có người bán hàng lạ lùng như thế. Nếu đã mua hàng rồi mà không ưng, hôm sau có thể mang trả lại. Người bán sẽ hoàn lại nguyên tiền, không bớt đi một xu, cũng không hề tỏ vẻ trách móc. Đấy là buôn bán theo lối cổ, ở một thời xã hội trong veo. 

Hà Nội chẳng bao giờ có chuyện như thế. Đã mua rồi mà trả lại thì sẽ bị trừ tiền, hoặc bị cằn nhằn, chửi rủa rất thậm tệ. Ấy là chưa kể nạn chặt chém. Tôi có anh bạn thân, là một nhà báo rất nổi tiếng. Anh cắt may tặng bạn một bộ comple và bốn bộ quần áo thường phục. Dù có đeo nhãn nước ngoài thì cũng vẫn đồ nội địa, vì nếu may cắt từ Tây Ban Nha thì không thể ba, bốn ngày đã nhận sản phẩm được. Khi thanh toán mới tá hỏa, một bộ Comple với bốn bộ thường phục, vải rất bình thường mà giá 80 triệu đồng, giảm giá 5 triệu, còn 75 triệu. Đó là cái giá tàn bạo. 

Nếu bình thường, khách hàng có thể làm ầm lên, hoặc công bố vụ chặt chém trên báo chí. Bằng bút lực của một nhà báo có tài, chắc sẽ thành một sự vụ và cửa hàng may đo ấy có thể sập tiệm vì trò lừa đảo. Nhưng bạn tôi không làm thế. Quà tặng, ai lại đi so đo giá cả. Bạn tôi đành nuốt quả đắng và lặng lẽ rút lui. Cửa hàng ấy đã mất một khách hàng lịch sự và phóng khoáng. Với cách làm chụp giật trắng trợn ấy, lối kinh doanh đó rất khó tồn tại được lâu dài. Vì anh ta chỉ lừa được một lần, chứ không thể lừa được mãi.

Trở lại với làng cổ, nhà cổ Hà Nội, theo ông Tô Hoài, Hà Nội không có khu phố cổ nhưng có nhà cổ. Ví như nhà số 38 Hàng Đào và 87 Mã Mây. Hai ngôi nhà cổ này đã được Pháp đầu tư tài trợ để bảo tồn. Có thể rất dễ dàng nhận ra nhà cổ. Nhà cổ có hai cửa. Cửa trước dành cho chủ nhà đi. Cửa sau dành cho gia nhân, đầy tớ, hoặc chuyển phân rác và đồ phế thải. 

Hà Nội xưa có những vùng riêng biệt. “Thành thị” không phải là một từ chung. Đó là hai khu cụ thể.“Thành” là nơi vua quan ở, còn “thị” là nơi ở của dân chúng, chủ yếu là dân buôn bán, phục vụ cho “thành”. Vua quan trong thành thỉnh thoảng ra đường, nên thường qui định dân chúng chỉ được ở nhà trệt, không làm nhà gác, hoặc nếu có nhà gác thì không được trổ cửa sổ hoặc làm ban công chìa ra đường, vì vua quan đi ở bên dưới. Không ai được đứng trên đầu vua. Bởi thế, nhà cổ không có ban công hoặc cửa sổ trổ ra đường. 

Đã đến lúc chúng ta nên xác định rõ, cả ở những nơi được coi là phổ cổ, làng cổ, đâu là nhà cổ để gìn giữ, trùng tu, còn đâu là những ngôi nhà cũ để cho dân được tôn tạo, nâng cấp, hoặc xây dựng lại. Bởi nhiều nhà tối tăm, xập xệ quá. Thực chất đó là những khu nhà ổ chuột. Đã thế, vệ sinh lại không bảo đảm, vừa ô nhiễm môi trường, vừa làm mất cảnh quan đô thị..../.

​Vũ Toàn Vân (thực hiện)

2 nhận xét:

  1. Những di tích là những nhân cứng của lịch sử về một thơi đã qua, để các thế hệ sau biết về quá khứ. Nhưng thực trạng các di tích hiện nay không còn được nguyên vẹn và đang bị xuống cấp. Thiết nghĩ Nhà nước cần vào vào cuộc để lưu dữ lại cho thế hẹ sau những gì của lịch sử ngày hôm nay

    Trả lờiXóa
  2. Cũng thật đáng buồn khi những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc ta đang dần bị phai mờ. Khi xã hội hiện đại phát triển kéo theo là những giá trị văn hóa cổ dần bị xem nhẹ, thậm chí bị coi là lạc hậu, bị dỡ bỏ, thay vào đó là những ngôi nhà khang trang hiện đại. Con người thích sống hưởng thụ trong sự hiện đại tiện nghi ấy mà không biết rằng mình đang giết đi những giá trị vô giá.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog