Chia sẻ

Tre Làng

VIỆT KIỀU MỸ THĂM TRƯỜNG SA

Cuteo@

Một bài báo hay do người Việt ở nước ngoài viết về chuyến đi lịch sử ra thăm Trường Sa của đoàn Việt Kiều và các thân nhân của các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Việt kiều Mỹ đi Trường Sa

.Nhà sáng lập kiêm sản xuất của kênh truyền hình Internet Phố Bolsa TV có trụ sở ở California (Mỹ) Vũ Hoàng Lân tỏ ra thích thú khi có mặt tại quán cà phê có tên 30-4 đằng sau dinh Độc Lập, đúng vào thời điểm chiếc xe tăng húc nghiêng cổng phụ của dinh cách nay 37 năm.

Nhà báo Việt kiều Mỹ Vũ Hoàng Lân bên mốc chủ quyền trên đảo Nam Yết – Ảnh: Phố Bolsa TV cung cấp

Anh Lân rời VN năm 1991, chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM và định cư tại California đến nay. Người đàn ông tuổi 40 này vẫn còn đầy cảm xúc và sự hào hứng từ chuyến đi đặc biệt “để đời” của mình tới Trường Sa vào đúng những ngày lịch sử.

Lần đầu tiên anh nghe “loáng thoáng” về một chuyến đi đặc biệt mà Bộ Ngoại giao dành cho Việt kiều cùng những người làm truyền thông phục vụ cộng đồng người Việt ở hải ngoại là vào cuối năm 2011. Chuyến đi chính thức được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn nhắc tới vào tháng 2-2012.

Trường Sa không xa

Chuyến tàu lịch sử thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chở theo 220 người, trong đó có khoảng 40 đại diện Việt kiều ở hơn 20 quốc gia cùng đại diện của sáu tôn giáo lớn ở VN, du học sinh và đại diện nhiều cơ quan nhà nước. Đây cũng chính là chuyến đi biển dài ngày đầu tiên của anh Lân.

Trên con tàu Trường Sa HQ571, ngoài Phố Bolsa TV còn có đại diện của tuần báo Việt Weekly và trang web KBC hải ngoại. Đây là ba đơn vị truyền thông chuyên phục vụ cộng đồng người nói tiếng Việt ở Mỹ đầu tiên đặt chân đến quần đảo Trường Sa trong chuyến đi từ ngày 18 đến 26-4, theo lời mời của Bộ Ngoại giao VN.

Một mình anh Lân đã “tả xung hữu đột” để vừa phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh… tất cả hoạt động như các lễ cầu siêu trang trọng cho anh linh những người con đã chiến đấu bảo vệ biển đảo của Tổ quốc cùng các hoạt động tưởng niệm, thăm hỏi… của đoàn khách với cư dân, chiến sĩ, sĩ quan trên đảo. Anh hiểu đây là dịp may hiếm có và không muốn bỏ lỡ bất kỳ một khuôn hình, một chi tiết hay nhân vật nào.

Công việc đăng tải tin tức của anh Vũ Hoàng Lân giống như một blogger, và nền tảng Internet giúp các phóng sự hình ảnh của anh “sống” mãi trên mạng, bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể tiếp cận được nếu có kết nối mạng. Nhưng như anh thừa nhận, “vấn đề biển đảo VN là vấn đề lớn, không đơn giản chỉ nghe vài tham luận, nghiên cứu mà có thể nói được. Tôi có thể nói công khai là tôi không hiểu gì về việc này hết”. Nhưng nay anh đã có thể giải thích ba loại đảo trên quần đảo Trường Sa, hay hiểu rõ hơn về thực tế thể hiện quan điểm của VN trong việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Ảnh: Phố Bolsa TV cung cấp

Trung thực, khách quan

Anh Lân chia sẻ hiện nay thông tin về Trường Sa “có thể có nhiều, nhưng những người VN ở nước ngoài muốn tìm hiểu thêm dưới góc nhìn của một người sống ở bên ngoài nước VN như Phố Bolsa TV hay các đồng nghiệp khác”. Đó cũng chính là mục tiêu mà ông Nguyễn Thanh Sơn – người dẫn đầu đoàn công tác đặc biệt lần này – mong muốn.

Mỗi lần phát biểu tại các điểm đoàn đến, ông Sơn đều nhấn mạnh mong muốn đưa thông điệp biển đảo và ý nghĩa của các hoạt động lần này tới cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Các thông tin mà Phố Bolsa TV, báo Viet Weekly và trang web KBC hải ngoại với khẩu hiệu “Đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” chuyển tải “để bà con kiều bào hiểu chúng ta đang tiếp tục đấu tranh giành lại quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị hợp tác, mong muốn biển Đông thành một khu vực hợp tác hữu nghị”.

Anh Vũ Hoàng Lân không tham vọng đưa đến cho những người theo dõi trang web TV của mình quan điểm của anh về biển đảo VN. Anh muốn làm công việc sơ khởi nhất của một người làm báo là chứng kiến sự kiện và ghi lại sự kiện đó để thông báo cho người khác biết, nhìn mọi việc bằng con mắt “trung thực, khách quan”.

Nay anh có thể tự tin nói về cách tổ chức các chuyến đi đưa người ra thăm các đảo, quan điểm “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về VN”, những sinh hoạt, tâm tư tình cảm của người lính, người dân trên đảo. “Tôi chỉ cố gắng đóng vai trò chuyển tải thông tin đó một cách không thiên lệch cho những người không được đi như mình” – anh nói.

Anh Lân cho biết số lượng cơ quan truyền thông phục vụ cộng đồng người nói tiếng Việt ở Mỹ rất nhiều, riêng ở phạm vi quận Cam có khoảng năm tờ nhật báo, báo ra hằng tuần, hằng tháng cộng với các đài radio, tivi. Anh tin trong tương lai sẽ còn rất nhiều các cơ quan truyền thông phục vụ cộng đồng người Việt ở hải ngoại trở về VN đưa tin về tình hình biển đảo của đất nước.

Với những thông tin của mình, anh tin “ai quan tâm đến biển đảo sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn, ai chưa quan tâm sẽ bắt đầu quan tâm và sẽ có rất nhiều người bắt đầu thay đổi cách nhìn và suy nghĩ của mình về biển đảo”. Bình thường mỗi clip đưa lên trang Phố Bolsa TV chỉ có hơn 1.000 lượt xem, nhưng clip giới thiệu về chuyến đi đầu tiên tới Trường Sa đưa lên ba ngày qua đến nay đã có hơn 8.400 lượt xem và rất nhiều lời bình luận.

Chuyến đi thăm Trường Sa lần này không chỉ là chuyến đi lịch sử của khoảng 40 người con Việt đang sống rải rác khắp năm châu mà sẽ mãi được nhắc đến sau này trong trang sử của VN. Nhưng quan trọng hơn cả, với những con người xa xứ ấy, Trường Sa – Hoàng Sa giờ đây không đơn giản chỉ là những chấm đen trên bản đồ, mà đã thành hình cụ thể là những khuôn mặt, những câu chuyện của từng người con yêu nước hòa trong lịch sử và tương lai của Tổ quốc.

Ca sĩ hải ngoại đầu tiên đến Trường Sa

Vợ chồng ca sĩ Lệ Hằng- Ảnh: H.GIANG

Ca sĩ Lệ Hằng – vợ của ông Nguyễn Phương Hùng, chủ nhiệm trang web KBC hải ngoại – là ca sĩ hải ngoại đầu tiên đến quần đảo Trường Sa và biểu diễn. Đây là lần đầu tiên bà Hằng về VN sau 32 năm. “Đứng trên đảo đã là một vinh dự, cất tiếng hát trước các chiến sĩ, xung quanh là biển trời mênh mông nên nhiều lúc âm hưởng bị nức nở vì quá xúc động” – bà chia sẻ.

Còn với ông Nguyễn Phương Hùng, vài ngày sau khi rời Trường Sa, đặt chân trở lại đất liền, ông đã làm việc không kể ngày đêm, gửi gần 4.000 tấm ảnh, hàng chục bài viết, gần 30 đoạn video ông thực hiện trong chín ngày hành trình Trường Sa lên trang web của mình về những con người đang ngày đêm canh giữ hải đảo.

K.LOAN – H.GIANG, 
Nguồn: congdongcz

5 nhận xét:

  1. cái đám rận chạy đâu hết, vô mà đọc để sáng cái con óc chẳng mấy nếp nhăn đi chứ

    Trả lờiXóa
  2. chiến tranh đã qua đi, những con người mới (dù trước đây có khi là bên kia chiến tuyến) nhưng sẽ chung tay xây dựng một xã hội mới, xây dựng một Việt Nam hùng thịnh, sánh vai với năm châu

    Trả lờiXóa
  3. mấy cái anh nặc danh này, cứ toàn thích đưa mẹ mình ra mà bêu cho thiên hạ xem

    Trả lờiXóa
  4. Đây thật sự là những việc làm hết sức thiết thực,nó không chỉ mang nhiều ý nghĩa sâu xa mà giờ đây nó còn mang đến cho chúng ta thấy được sự hồi tâm chuyển ý của con người.Dù trước đây họ có những tư tưởng chống đối nhưng giờ đây họ đang hướng về với tổ quốc thiêng liêng,vì họ biết rằng chỉ có nơi đất mẹ này mới có thể giúp con người chúng ta trưởng thành và làm những người có ích cho xã hội.Tổ quốc sẽ giang rộng vòng tay đón những người lầm lỗi quay đầu lại.

    Trả lờiXóa
  5. Chủ quyền hai quân đảo Hoàng sa và trường sa là của VIệt nam.Đây thật sự là những việc làm thiết thực và nó mang nhiều ý nghĩa,nó không hỉ hướng cho những người con xa quê thêm yêu tổ quốc mà nó còn khiến cho những con người đã từng lầm lỗi có cơ hội được cống hiến những việc có ích cho đất nước.Đất nước thật sự cần những con người như vậy.những người biết ăn năn hối lỗi và trở về với dân tộc yêu thương.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog