Chia sẻ

Tre Làng

CỘNG ĐỒNG ASEAN ĐÃ "HÌNH THÀNH" Ở NÂY PI TÔ

QĐND - Ít ai có thể ngờ được rằng, chủ đề Biển Đông đã “giúp” sớm “hình thành” một Cộng đồng ASEAN trước thời hạn cuối cùng tới một năm rưỡi…

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra trong hai ngày (10 và 11-5-2014) ở Nây Pi Tô, thủ đô Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma, lẽ ra là một hội nghị tập trung để bàn thảo những ưu tiên mà các nước thành viên ASEAN cần phải làm ngay trong vòng một năm rưỡi tới để hình thành một Cộng đồng ASEAN trước thời hạn cuối cùng là ngày 31-12-2015. Thế nhưng bất ngờ là chủ đề Biển Đông đã làm “nóng” Hội nghị cấp cao ASEAN lần này.

Cũng là điều dễ hiểu khi chủ đề bao trùm hội nghị là vấn đề Biển Đông, chính xác hơn là về những hành động mới đây của phía Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này một cách bất hợp pháp tại vị trí nằm sâu hơn 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trong suốt hai ngày hội nghị, hầu hết những người tham dự, từ những nhân viên phục vụ cho tới các nhà lãnh đạo cấp cao nhất, đều băn khoăn lo ngại trước hành động khiêu khích hết sức ngang ngược này của phía Trung Quốc.

Chúng ta biết rằng, tình hình trong một năm qua trên Biển Đông tương đối yên ắng, cả ASEAN và Trung Quốc đều tiến hành một số biện pháp tham vấn, thực hiện tiến trình Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cho dù những biện pháp tham vấn này chưa đi vào thực chất mà chỉ mới dừng ở mức độ thăm dò, thế nhưng những người lạc quan đã có thể nhìn thấy yếu tố tiến triển tích cực, dù nhỏ bé, trong quá trình từ tham vấn chuyển thành thương lượng thực sự, tạo không khí hòa bình, ổn định trong khu vực.

Nhưng Trung Quốc đã có những bước đi, động thái hết sức bất ngờ, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu đi vào vùng biển Việt Nam, hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu hơn 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 đã không chỉ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, DOC (Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết), mà còn thách thức tình đoàn kết của ASEAN.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN.

Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu và đã hạ đặt giàn khoan này một cách bất hợp pháp tại vị trí nằm sâu hơn 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam . Ảnh Thanhnien.vn

Lẽ dĩ nhiên, là quốc gia thành viên của ASEAN, Việt Nam đã nêu vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, với ASEAN. Chúng ta đã lên tiếng rất mạnh mẽ, coi hành động của Trung Quốc là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.


Nhiều đại biểu tham dự hội nghị đã đề cập tới cái gọi là “lãnh thổ di động trên biển”, một cách khái quát hóa động thái mang giàn khoan vào vùng biển của một nước có chủ quyền để ngang nhiên tiến hành khoan thăm dò, chưa kể còn huy động cả một lực lượng hùng hậu tàu chấp pháp, tàu chiến và cả máy bay tiêm kích để hộ tống. Việc Trung Quốc vi phạm DOC, đặt ra tiền lệ giàn khoan có thể di chuyển bất cứ đâu, vào bất cứ nước nào khiến các nước ASEAN lo ngại thực sự. Những hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam cũng đã khiến nhiều đại biểu, dù phát biểu dưới hình thức không được nêu tên, cho rằng họ bị sốc. Cách hành xử này rõ ràng không phù hợp với thời đại văn minh ngày nay, thể hiện sự ngang ngược, bất chấp luật pháp của phía Trung Quốc. Lần đầu tiên, các nước không liên quan trực tiếp tới vấn đề cũng cảm thấy lo ngại.

Trước động thái vi phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là ASEAN sẽ ứng xử thế nào?

Hầu như các đại biểu tham dự Hội nghị Ni Pây Tô đều đi đến nhất trí rằng, nếu không đoàn kết, không có tiếng nói thể hiện phản ứng thì vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực sẽ bị giảm sút.

Phản ứng trước hành động sai trái của Trung Quốc sẽ là thước đo vai trò trung tâm, đoàn kết trong ASEAN.

Ai cũng biết rằng, một trong những nguyên tắc căn bản trong hoạt động của ASEAN là “consensus” - đồng thuận. Là một Hiệp hội tập hợp 10 quốc gia với trình độ phát triển kinh tế, bản sắc văn hóa khác nhau, có chế độ chính trị khác nhau nên không phải ASEAN bao giờ cũng có thể dễ dàng đi tới được sự nhất trí chung trên mọi vấn đề, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm. Lịch sử phát triển của ASEAN đã từng rút ra những bài học quý giá về những “sự cố” không mong muốn trong việc đi tới nhất trí xung quanh một vấn đề nào đó.

Nhưng trước những vấn đề như ở Biển Đông hiện nay, ASEAN đã thấy rõ là cần tăng cường đoàn kết, có tiếng nói chung. Đó chính là lý do khiến các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực. Nhìn lại lịch sử của ASEAN, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, tức là sau 19 năm, mới lại có chuyện các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra một tuyên bố riêng như vậy và đây là một bước đột phá, một tuyên bố lịch sử ở hội nghị lần này. Có ở hội trường Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, chứng kiến cảnh khi thông qua Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông, tất cả đã đồng loạt vỗ tay, mới thấy đó chính là tình đoàn kết ASEAN.

Đây không phải là “chuyện riêng” giữa Việt Nam với Trung Quốc, hoặc “không phải chuyện của ASEAN với Trung Quốc”, như cái cách mà bà Hoa Xuân Oánh, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ vài giờ sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thông qua Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông. Phản ứng đối với tình hình trên Biển Đông chính là bài thuốc thử tình đoàn kết ASEAN.

Thái độ của ASEAN trước vấn đề Biển Đông không dừng lại ở những lời nói trao đổi bên lề hay những phát ngôn riêng tư mà đã được thể chế hóa trong các văn kiện ở Hội nghị cấp cao ASEAN 24.

Trong Tuyên bố Nây Pi Tô về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đã khẳng định: “Tăng cường hợp tác bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được Bộ Quy tắc về Ứng xử ở Biển Đông (COC) như đã được thể hiện trong Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”.

Và đây, trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 24: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông. Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin; thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo đó, chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở Biển Đông, đã được Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tuyên bố ngày 10-5-2014”.

Sự ngang ngược của Trung Quốc, thái độ hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí nhưng cũng vô cùng cương quyết trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam đã giúp cho ASEAN có tiếng nói chung, đồng thuận ở Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24.

Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức hình thành vào ngày 31-12-2015, dựa trên ba trụ cột chính, trong đó có một trụ cột rất quan trọng là an ninh-chính trị. Nhưng, nhìn nhận một cách khách quan, Cộng đồng ASEAN đã “hình thành” sớm hơn, trong những ngày qua ở Nây Pi Tô!

Văn Yên

1 nhận xét:

  1. Trước những sóng gió to lớn sẽ là bầu trời yên bình, cứ ngỡ là Trung Quốc sẽ dừng lại không lấn tới nhưng chúng ta đã nhầm. Cộng đồng ASEAN hẳn là sẽ rất bất ngờ trước sự trắng trợn đặt giàn khoan của Trung Quốc trên vùng biển nước ta, đây chính là thách thức điên rồ nhất của chúng

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog