Đoàn kết, cùng Chính phủ bảo vệ Tổ quốc
Đồng lòng cùng Chính phủ bảo vệ Tổ quốc là cách hành xử bản lĩnh, điềm đạm, tự tin, đậm NHÂN CÁCH VIỆT NAM. Tôi chia sẻ câu đó của nhà báo Lê Bá Dương, vì đó là tiếng nói, là thái độ có trách nhiệm đối với đất nước, vào lúc này.
Trước hết, nói về việc giàn khoan HD-981 của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương, Trung Quốc hạ đặt ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo thông báo hàng hải ngày 3/5/2014 của Cục Hải sự Trung Quốc, từ ngày 2/5 đến 15/8/2014 giàn khoan HD-981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông. Vị trí này ở cách đảo Tri Tôn, đảo ở cực Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa khoảng 18 hải lý về phía Nam. Như trong bản đồ dưới đây, vị trí hạ đặt của giàn khoan HD-981 cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý.
Hiện trạng vùng đặc quyền kinh tế của các bên ở biển Đông
Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982. Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn Luật Biển Việt Nam. Theo Công ước Luật Biển 1982, vùng đặc quyền về kinh tế của mọi quốc gia không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Theo Luật Biển Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Hiện nay, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối liền 11 điểm, trong đó điểm A10 ở đảo Lý Sơn. Vị trí hạ đặt của giàn khoan HD-981 cách đảo Lý Sơn khoảng 120 hải lý, tức là nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng, vị trí hạ đặt của giàn khoan HD-981 chỉ cách phía Nam đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa 18 hải lý, mang khoảng cách đó so sánh với khoảng cách 120 hải lý tới đảo Lý Sơn, để nói rằng giàn khoan HD-981 đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Sự thật là thế nào?
Vị trí hạ đặt của giàn khoan HD-981 cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý, nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở ở đảo Hải Nam của Trung Quốc. Nhưng ngày 15/5/1996, Trung Quốc lại quy định đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa trong Tuyên bố hệ thống đường cơ sở của Trung Quốc. Đường này gồm 28 điểm, nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, bãi đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm ngoài cùng thuộc quần đảo Hoàng Sa, bao lấy một khu vực rộng 17.300 km2. Từ đó, Hoàng Sa sẽ có các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Nếu theo nguyên tắc chọn trung tuyến trong vùng chồng lấn để xác định vùng đặc quyền kinh tế, vị trí đặt giàn khoan HD-981 sẽ nằm ở phía Bắc đường trung tuyến, tức là trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc!
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 3, Điều 121 Công ước Luật Biển 1982, “những hòn đảo, đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”. Vùng quần đảo Hoàng Sa gồm các đảo có diện tích rất nhỏ, cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt, không thích hợp cho một đời sống kinh tế riêng, nên xung quanh các đảo này chỉ có thể có nội thủy và lãnh hải, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Nguyễn Bá Diến, Nguyễn Hùng Cường, Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế, NXB Thông tin và Truyền thông, 2012, trang 355). Như vậy, đảo Tri Tôn và mọi đảo trong quần đảo Hoàng Sa chỉ có lãnh hải rộng 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý.
Thứ hai, cần khẳng định, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do vậy, nếu có vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Hoàng Sa thì vùng đó cũng thuộc chủ quyền Việt Nam.
Kết luận: Dù đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, của Trung Quốc, của Mỹ, Nhật hay bất kỳ quốc gia nào khác, vị trí hạ đặt giàn khoan HĐND-981 vẫn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.
Đoàn kết, bình tĩnh, khôn khéo bảo vệ chủ quyền
Tại sao Việt Nam không ngăn chặn, ngay khi giàn khoan HĐND-981 được đưa vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Có một số người lên tiếng phê phán các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm của Việt Nam về việc này. Họ đặt câu hỏi, cái giàn khoan HD-981 được đưa vào biển Đông rất chậm rãi, từ từ, mấy tàu khu trục lớp gepard Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ hay mấy tàu ngầm kilo mang tên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở đâu mà không ra cản nó lại? Có người đã lên tiếng, cho rằng đây là một câu hỏi ngô nghê, thiếu hiểu biết trầm trọng về Luật biển, Công ước Quốc tế về Luật biển, đồng thời đang đánh tráo khái niệm để kích động chỉ trích bằng những điều không thật. Việc lên tiếng như vậy là cần thiết, và đúng đắn.
Theo quy định tại Điều 58, Công ước Luật biển 1982, trong vùng đặc quyền về kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, với điều kiện phải chấp hành Công ước. Do vậy, nếu giàn khoan HD-981 được lai dắt để “đi qua không gây hại” (Passage inoffensif) vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam không được cản trở hành trình của nó. Nhưng khi giàn khoan HD-981 được đưa đến một tọa độ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khoan thăm dò và khai thác tài nguyên, hành động đó là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cần phải ngăn chặn, và khi đó Việt Nam mới có thể sử dụng các biện pháp ngăn chặn, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp theo đúng luật pháp quốc tế. Nhân đây nói thêm, việc phản đối giàn khoan HD-981 vào biển Đông và đòi đưa nó ra khỏi biển Đông là buồn cười, chúng ta chỉ có thể đòi, buộc nó ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 11/5, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn, mạnh mẽ bày tỏ thái độ của Việt Nam trước việc Trung Quốc hạ, đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông… Như nhà báo Lê Bá Dương đã nhận xét, chúng ta đã nói đúng lúc, đúng nơi, nói những điều cần nói về sự kiện nghiêm trọng đối với vận mệnh đất nước. Đó là một hành động quan trọng, trong tổng hợp những hành động kiên quyết, bình tĩnh và khôn khéo của chúng ta trên nhiều lĩnh vực, nhằm mục đích lớn lao nhất: Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước.
Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến Nguyễn Hồng Quân, thuyền trưởng tàu Vạn Hoa 739 đi bảo vệ tàu địa chấn Bình Minh 02 trước hành động ngang ngược của các tàu hải giám Trung Quốc ngày 26/5/2011, đúng ngày con gái Phương Anh của anh phải mổ, do bệnh tim bẩm sinh. Tôi nhớ nụ cười của những anh công binh, dầm mình trong nước biển để vác đá xây kè, tranh thủ thủy triều xuống, thức đến 3 giờ sáng để nạo vét âu tàu đảo Sinh Tồn. Tôi nhớ hình ảnh tàu Vạn Hoa 740 nhỏ bé, tự tin neo đậu giữa đám tàu chiến Trung Quốc ở đảo Gạc Ma, tháng 4/2014. Tôi thật sự trân trọng những người lính hải quân, những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, nhân viên kiểm ngư, những con người bình dị đang căng sức, đổ mồ hôi, đổ máu, bình tĩnh và khôn ngoan thực hiện lời thề "quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta". Họ cho tôi niềm tin vào dân tộc mình, Tổ quốc mình.
Nguồn: Thiềm Thừ
Hơn lúc nào hết lúc này đây chúng ta cần phải đoàn kết trước kẻ thù nhất là những "người khổng lồ" những nước lớn. Trong lịch sử bài học chiến thắng của sự đoàn kết trước những kẻ thù mạnh của dân tộc ta minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết đó! Hãy cùng chung tay với chính phủ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc!
Trả lờiXóa