Chia sẻ

Tre Làng

SỨ MỆNH NGƯỜI THẦY

Khoai@

Đây chỉ là một góc nhìn, một cách nhìn về giáo dục Việt Nam đương đại. Sẽ vẫn cần lắm những góc nhìn khác, kể cả trái chiều mới hi vọng chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Lưu Trọng Tuấn 

TNO - Cái yếu của giáo dục nước ta chưa phải là những quyển sách giáo khoa, mà chính là người thực hiện: người thầy.

Mấy ngày qua, cộng đồng lại xôn xao về chuyện đổi mới giáo dục, đổi mới sách giáo khoa. Đâu đó trên các phương tiện truyền thông lại so sánh triết lý giáo dục của các nước. Song, theo quản trị chiến lược, cho dù có xây nên chiến lược giáo dục thật tối ưu mà hỏng ở qui trình thực hiện chiến lược thì cái chiến lược giáo dục hay ấy với những quyển sách giáo khoa hay từ một dự án ngốn trăm tỉ cũng bị phá sản. 

Tôi đã từng so sánh các quyển sách khoa học ở các lớp tiểu học của Nhà Xuất bản Giáo dục và các quyển sách khoa học được sử dụng ở một số trường tiểu học danh tiếng ở Mỹ để xây dựng chương trình song ngữ cho một trường tiểu học. Cũng nhờ công việc này, tôi phát hiện ra chương hệ tuần hoàn trong sách giáo khoa của ta còn giới thiệu và cảnh giác các bé về bệnh thấp tim, một bệnh tự miễn có thể gây tổn thương và gây biến chứng van tim cũng như suy tim sau này, trong khi đó các sách khoa học của Mỹ thì không đề cập dù đây là bệnh khá phổ biến ở Mỹ.

Người thầy, người thực hiện sứ mệnh thay đổi từng học trò của mình thành những công dân hữu ích, những hiền tài cho quê hương, có thật sự thực hiện trọn vẹn trọng trách của mình trên bục giảng? Cái trọng trách biến một quyển sách giáo khoa thiếu hơi ấm tình người, như một bài toán tiểu học chỉ dừng lại ở chuyện: mẹ mua quýt chia đều cho hai anh em Nam và Lan, vậy mỗi em được mấy quả?, người thầy sẽ nâng bài toán thành Nam cho em Lan thêm một quả, vậy mỗi em được mấy quả? Cái tình anh em đó sẽ chỉ được những người thầy có chuyên môn cao và tấm lòng truyền thêm bài học đạo đức vào bài toán.

Một giáo sư Harvard đã từng khát khao, tất cả mọi quyển sách ngành quản trị phải có một chương về đạo đức: đạo đức trong quản trị nguồn nhân lực, đạo đức trong marketing, đạo đức trong quản trị sản xuất... Và chẳng bao lâu sau, những trang sách về đạo đức đặc thù từng lĩnh vực đã được đưa vào những quyển sách quản trị chuyên ngành của nhiều guru quản trị trên thế giới.

Tôi biết sinh viên Việt đang có trong tay những quyển sách quản trị thiếu những trang đạo đức này, và tôi đã uyển chuyển biến những trang đạo đức phương tây thành nhân, lễ, nghĩa, trí, tín trong marketing.

Trong một lớp cao học quản trị kinh doanh, tôi đã nhắc nhở các học viên của mình rằng hãy nhớ năm từ đó để trở thành một chuyên gia marketing, một CEO sau này:

Hãy “nhân” với khách hàng, hãy hết lòng vì họ, xem họ hơn cả mình vì họ có nổi thì ta mới nổi.

Hãy “lễ” với khách hàng, đừng giẫm đạp lên luật pháp và những giao ước.

Hãy “nghĩa” với khách hàng, hãy nghĩ về mối quan hệ lâu dài và về tương lai, mà giúp nhau vượt qua những phong ba của thương trường.

Hãy “trí” với khách hàng, giúp họ thêm tri thức kinh doanh và thị trường, hãy chia sẻ kinh nghiệm quản trị với khách hàng, để họ hoạt động hiệu quả hơn. Nếu ta vận hành thành công mô hình thẻ điểm cân bằng trong doanh nghiệp ta, sao ta không chia sẻ kinh nghiệm thành công ấy với khách hàng trong chuỗi cung ứng của ta?

Và hãy “tín” với khách hàng, là chân thật trong từng điều khoản giao ước, đừng bẻ cong nó, và đừng giẫm đạp lên niềm tin của họ khi lợi dụng sự thiếu tri thức của họ để làm giàu cho mình.

Người thầy vừa là nhà khoa học vừa là một nghệ sĩ, không phải trong cái nghĩa mà người đời hiểu nhầm là người thầy đang diễn xuất trong lớp học. Cái từ “nghệ sĩ” hàm ý cái sáng tạo của người thầy, vẽ nên những bức tranh với những gam màu khác nhau và độ sáng khác nhau cho mỗi buổi học, để người học thấu được cái nhân bản trong từng bài giảng, và những nét chấm phá sau cùng của bài giảng cũng phải là những giá trị đạo đức. Tôi thường dừng các sinh viên lại ở cuối buổi học và yêu cầu các bạn nhặt hết những chai lọ trên bàn và trong ngăn bàn, hãy giảm bớt gánh nặng cho những người lao công (dù đó là công việc của họ) và hãy nghĩ đến môi trường.

1 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ sách vở vẫn chưa phải là vấn đề quan trọng vào lúc này, cái cần nhất lúc này là cách chúng ta tạo ra môi trường giáo dục như thế nào, hướng dẫn học sinh sinh viên học như thế nào, các bạn thử nghĩ đi, chúng ta học quan trọng nhất là cái gì, thái độ phải không? phải có thái độ học tập thật nghiêm túc thì mới có được kết quả tốt, tôi nghĩ bộ giáo dục nên đổi mới cách dạy, các kiểm tra trình độ của hoc sinh, sinh viên, tránh tiền trạng sinh viên học nhàn hơn của trung học, tiểu học

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog