Bản tin Hoàng Sa ngày 16/5: Tàu TQ giương pháo dọa bắn tàu Việt Nam
Ngày 16/5, trong cuộc rượt đuổi với tàu cảnh sát biển của Việt Nam, tàu hải cảnh 31101 đã tháo bạt che pháo, chĩa về phía tàu ta với tư thế sẵn sàng nhả đạn nhằm uy hiếp tinh thần. Toàn tàu CSB 4033 đã phải báo động khẩn.
* Sáng 16/5, 5 tàu CSB của Việt Nam tiếp tục tiến sâu vào khu vực lắp đặt giàn khoan trái phép Haiyang Shiyou-981 của Trung Quốc. Trong khi đó phía Trung Quốc đã có khoảng 25 tàu to lớn, lao vào cản phá đội hình biên đội tàu CSB Việt Nam.
Khoảng 9h05 phút, một số tàu của phía Trung Quốc đã chĩa mũi "bao vây" tàu CSB 2013 của Việt Nam. Sau đó tàu Trung Quốc 31101, áp sát tỏ ý đe dọa và uy hiếp tàu Việt Nam.
Đặc biệt, đến khoảng 9h25, các tàu hải cảnh 31101, 33103 của Trung Quốc tăng tốc độ (lên 20 hải lý/giờ) áp sát tàu cảnh sát biển 4033 của ta ở khoảng cách 30m, chĩa nòng pháo đã mở bạt vào tàu 4033 khiến tàu 4033 phải báo động khẩn cấp. Theo phóng viên báo Thanh Niên có mặt trên boong tàu, súng phun nước cỡ lớn của tàu hải cảnh 31101 Trung Quốc chĩa về hướng tàu CSB 4033. Thậm chí pháo cỡ lớn trên tàu 31101 của Trung Quốc đã tháo bạt, sẵn sàng nhả đạn.
Cuộc rượt đuổi kéo dài trong vòng 15 phút đầy căng thẳng với tốc độ khoảng 30 hải lý/ giờ, sau đó các tàu của Trung Quốc rút lui về phía giàn khoan.
* Tại cuộc họp báo chiều 15/5 ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, số tàu của Trung Quốc bao quanh giàn khoan đã tăng lên 99 tàu bao gồm: 38 tàu hải cảnh, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt và các loại máy bay tuần thám vây quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Theo Phó cục trưởng Nguyễn Văn Trung, hiện Trung Quốc vẫn ở thế bị động do tập trung bảo vệ khu vực giàn khoan. Tính đến thời điểm hiện nay, bán kính bảo vệ của các tàu của Trung Quốc đã thu hẹp và chỉ kiểm soát được trong phạm vi 6,5 hải lý.
Phó cục trưởng Nguyễn Văn Trung nêu rõ, phía lực lượng của Trung Quốc vẫn tăng cường kèm sát, đâm va, cản phá và dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam khi tiếp cận giàn khoan và sử dụng máy bay quân sự để trinh sát, bay quanh khu vực tàu Việt Nam.
Mặt khác, các tàu Trung Quốc thường xuyên rú còi có công suất lớn nhằm lấn át khi lực lượng Việt Nam phát loa tuyên truyền quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
* Hôm 15/5, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có buổi gặp gỡ trao đổi với Tướng Phòng Phong Huy - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Phát biểu tại Nhà Trắng, Phó Tổng thống Biden nhấn mạnh với Tướng Phòng rằng Mỹ đặc biệt quan ngại trước những hành động khiêu chiến đơn phương của Trung Quốc.
Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh các bên cần coi trọng sự ổn định và hòa bình để tránh những hành động khiêu khích dẫn tới bùng nổ giao tranh.
Trước đó, trong một tuyên bố được phát đi từ Washington hôm 12/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới “rất lo ngại” trước sự hung hăng của Trung Quốc khi kéo giàn khoan Hải Dương-981và hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ hôm 1/5.
Người dân Philippines xuống đường biểu tình phản đối hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông.
* Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao NgaAlexandr Lukashevich cho biết Matxcova hiện đang theo sát tình hình đang diễn ra ở Biển Đông, hy vọng tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế. Theo đó, Nga mong muốn Việt Nam và Trung Quốc sẽ khắc phục được những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua con đường đàm phán.
* Ngày 16/5, hàng trăm người biểu tình Philippines và Việt Nam ở Manila đã tổ chức biểu tình yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Những người biểu tình giơ cao tấm áp phích có dòng chữ: “Việt Nam, Philippines sẽ khởi kiện Trung Quốc”, “Trung Quốc dừng bắt nạt Việt Nam và Philippines” và “Chúng tôi ủng hộ Việt Nam”...
Những người biểu tình cũng hô vang "Hoàng Sa Việt Nam", đề cập đến quần đảo ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang triển khai giàn khoan dầu Hải Dương-981. Trong đoàn biểu tình cũng có cả các chính trị gia Philippines và cộng đồng người Việt tại Manila.
* Trong buổi tiếp xúc cử tri TP. HCM ngày 16/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: “Chúng ta kiên quyết phải đối hành động của Trung Quốc và sẽ kiên định thực hiện điều này. Nhưng chúng ta cũng phải hết sức bình tĩnh, vì có bình tĩnh mới có phương án đối phó”.
Chủ tịch nước khẳng định, theo công ước Luật biển mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên thì lô 143 (nơi đang hiện diện dài khoan Hải Dương 981 – PV) không thể là của Trung Quốc. Do đó dứt khoát Việt Nam sẽ tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC), Công ước về Luật biển năm 1982, và biện pháp hòa bình cho đến khi đạt được kết quả.
Về ý kiến kiện Trung Quốc ra toàn án quốc tế, Chủ tịch nước cho biết: Chúng ta không loại trừ khả năng dùng biện pháp pháp lý, tuy nhiên phải xem xét lúc nào là cần thiết.
Cuối cùng Chủ tịch Trương Tấn Sang nhắn gửi: “Bà con phải lắng nghe thông tin chính xác để có thái độ đúng đắn từ đó đoàn kết dân tộc thanh một khối vững chắc, cho dù gặp phải sóng to gió lớn cũng không suy chuyển.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vũng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật biển quốc tế, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Nhân dân Cả nước đang sục sôi tinh thần yêu nước, căm ghét quân xâm lược. Nhưng lại có những kẻ lợi dụng điều đó kích động biểu tình trái phép, gây mất an ninh cục bộ tại nhiều địa phuong. Vì vậy mong mọi người có cái nhìn đúng đắn, một cái đầu sáng suốt để không bị kẻ xấu lợi dụng
Trả lờiXóa