Chia sẻ

Tre Làng

ĐẠI BÁ VÀ TIỂU NHÂN

Tư tưởng đại bá quyền nước lớn ở người Trung Hoa không phải tới bây giờ mới xuất hiện. Nó đã có từ nhiều thế kỷ nay và hình như chưa bao giờ họ từ bỏ nó và luôn thể hiện mình là một nước lớn nên cách ứng xử với thiên hạ cũng như một nước lớn. Trái lại, nó càng cho thấy tệ hơn thế nhiều, rất tiểu nhân!

Nói như ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia hôm 6.6 tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao thì “Nội dung Công hàm của Trung Quốc lưu hành ở Liên hiệp quốc cũng như các phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều có một điểm chung là xuyên tạc sự thật, bóp méo tình hình thực tế”. Chỉ nội cái vụ suốt hơn một tháng trời họ hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trên biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam vừa qua, họ đã huy động tới 137 chiếc tàu các loại (chưa kể vài chục tàu cá), từ tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính, đến tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu tuần tiễu siêu ngầm, tàu quét mìn, tàu vận tải đổ bộ, tàu dầu và máy bay các loại liên tục khuấy đảo cả một vùng biển có chủ quyền rõ ràng của Việt Nam từ bao đời nay bỗng dưng nổi sóng dữ. Cậy tàu lớn và quen thói "vừa ăn cướp vừa la làng" họ đã làm cho hình ảnh của chính họ bị hoen ố chưa từng có. Chúng ta chỉ dùng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư để kiên trì đấu tranh, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo để thuyết phục và yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta, vậy mà họ lu loa đến khôi hài rằng chúng ta đã đâm hơn 1200 lần vào các tàu công vụ của Trung Quốc, đe dọa an ninh hàng hải biển Hoa Đông.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam - Ảnh: Lê Quân

Thật đúng là "cả vú lấp miệng em!" hết chỗ nói. Không lẽ với lực lượng nhỏ bé (cả về số lượng lẫn kích cỡ con tàu các loại) của Việt Nam trong suốt tháng qua lại có thể khiêu khích, tấn công lại tàu của họ với một lực lượng áp đảo, gấp chúng ta cả chục lần? Chúng ta cũng đã chứng minh cho thế giới thấy hành vi ngang ngược, đâm thủng cả tàu cá đóng bằng gỗ vô cùng bé nhỏ của bà con ngư dân Đà Nẵng là phi nhân đạo tới mức nào. Ấy vậy mà họ vẫn lu loa đủ điều. Hãy cần cảnh giác trước những màn kịch, có thể là rất vụng về nhưng không loại trừ cũng rất tinh vi, biết đâu rồi sẽ xuất hiện trong những ngày tới để vu khống chúng ta.

Thực tế cho thấy, chỉ tính từ 7.5 đến 5.6 này, trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, có 12 tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu công vụ và tàu cá của Trung Quốc truy cản, uy hiếp, phá hoại tài sản, đối xử thô bạo với ngư dân. Có trường hợp đâm tàu cá của dân, họ nhìn thấy người Việt bơi dưới nước mà nhắm mắt làm ngơ, phóng qua bất nhẫn đến lạ lùng...

Nếu đấu lý bằng tư liệu lịch sử, chúng ta dư sức chứng minh và đủ thuyết phục cho cả thế giới hiểu đúng, hiểu rõ bản chất bá quyền nước lớn của Trung Quốc. Muốn chứng minh chủ quyền vùng biển đảo có Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc các triều đại Việt Nam từ gần chục thế kỷ trước? Ta có đủ! Muốn chứng minh chủ quyền đó vẫn thuộc Việt Nam thời gian gần đây nhất, chúng ta cũng có thừa. Và điều xác đáng, hùng hồn nhất, đó là những tấm bản đồ cổ đầu thế kỷ 20, chính Trung Quốc cũng tự thừa nhận nó không thuộc chủ quyền với họ. Thậm chí, sách giáo khoa Trung Quốc cũng thừa nhận biên giới của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Theo tư liệu Viện nghiên cứu Hán Nôm công bố sáng 3.6, cuốn sách giáo khoa của Trung Quốc xuất bản năm 1912 thể hiện biên giới nước này chỉ tới đảo Hải Nam. "Cuốn sách giáo khoa này do Bộ Giáo dục của nước Trung Hoa Dân quốc phát hành nên có thể coi đây là sự thừa nhận về mặt nhà nước, rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không phải của họ", Phó giáo sư Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết và đánh giá đây là tư liệu rất quan trọng.

Câu chuyện khác, tờ báo điện tử tư nhân thuộc loại lớn nhất nước Nga http://gazeta.ru/ trong một bài gần đây có viết: Cuối thế kỷ 19, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa có hai tàu chở đồng của Anh bị đắm. Người dân đảo Hải Nam của Trung Quốc trục vớt được và chiếm giữ hàng hoá trên tàu khiến chính quyền Anh hết sức bất bình. Khi đó Trung Quốc trả lời chính quyền Anh rằng quần đảo Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, vì vậy chính quyền nước này không chịu trách nhiệm trước bất cứ sự việc gì xảy ra ở đây.

Một nhà phân tích chính trị nước ngoài hôm mới rồi có viết: "Có thể nói, giờ Trung Quốc hành xử ra vẻ như một siêu cường, họ hành xử với cảm giác đầy quyền uy, đầy khác biệt, khác xa cách mà Mỹ và trước đó là Anh từng làm, họ làm như thể luật pháp là thứ không áp dụng cho họ". Tôi nghĩ, đó là sai lầm rất tai hại cho Trung Quốc trong nhiều năm tới về danh dự, uy tín của họ, không dễ bù đắp được. Những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc không chỉ khiến các nước tập hợp, đoàn kết lại với nhau để đối phó và như thế, dù họ có ảo tưởng là đại bá khu vực đi nữa, trong con mắt người nước ngoài, họ vẫn chỉ là tiểu nhân.

Hành Thiện

1 nhận xét:

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog