Bóng ma Trịnh Hòa đang được Bắc Kinh hồi sinh với chủ ý phục vụ cho mục đích chính trị đương đại. Được đánh giá là nhà hàng hải tiên phong của Trung Hoa, Trịnh Hòa bây giờ khoác thêm một lớp áo “nhà ngoại giao hòa bình”!
Thái giám Trịnh Hòa và các chuyến Tây dương
Tại phòng Đông Á học thuộc Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (lớn nhất thế giới), người ta có thể thấy bản sao tấm bản đồ dài 6,4m ghi tên tiếng Hoa nhiều vùng biển thế giới. Đây là tấm bản đồ mà Trịnh Hòa từng dùng cho 7 chuyến hải hành (từ 1405-1433), với hạm đội gồm 28.000 người đi trên hơn 300 con thuyền. Lịch sử hàng hải trước đó chưa bao giờ chứng kiến một hạm đội khổng lồ như vậy và mức độ quy mô của nó chỉ có thể được so sánh mãi gần 5 thế kỷ sau (thời Thế chiến thứ I). Con tàu chỉ huy của Trịnh Hòa dài đến 122m, so với 26m của con tàu lớn nhất Santa Maria trong hải đội Columbus. Các chuyến hải hành của Trịnh Hòa được thực hiện khá lâu trước người phương Tây (Christopher Columbus - năm 1492; Vasco da Gama - 1498; và Ferdinand Magellan - 1521).
Không phải là người Hoa, Trịnh Hòa tên thật là Mã Tam Bảo, sinh tại Vân Nam, là hậu duệ đời thứ 6 của Sayyid Ajjal Shams al-Din Omar - người có nguồn gốc xuất thân từ nơi hiện nay là Uzbekistan, từng cai quản tỉnh Vân Nam (theo Islamfortoday.com, họ Mã của Trịnh Hòa là phiên âm từ chữ “Mohammed”; nhưng theo Từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia, nó được đặt theo Masuh - người con thứ năm của Shams al-Din Omar). Bố và ông nội Trịnh Hòa từng hành hương đến Thánh địa Mecca, cho nên Trịnh Hòa hẳn từng nghe nhiều chuyện kể về các chuyến viễn hành.
Năm 1381, khi nhà Minh đánh Vân Nam, Trịnh Hòa (mới 10 tuổi) bị bắt, bị thiến, trở thành thái giám và được đưa về cung đình, phục vụ cho một hoàng tử của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Không chỉ trở thành “hảo bằng hữu” của hoàng tử trong suốt thời niên thiếu, Trịnh Hòa còn giúp hoàng tử thực hiện thành công cuộc tiếm ngôi đẫm máu năm 1402. Vị hoàng tử trở thành vua Minh Thành Tổ (hiệu Vĩnh Lạc). Để tỏ lòng cảm kích, Minh Thành Tổ phong Trịnh Hòa làm đô đốc. Đó là tóm tắt tiểu sử Trịnh Hòa…
Tượng thái giám Trịnh Hoà tại một viện bảo tàng ở Trung Quốc
Theo National Geographic trong số chuyên đề Trịnh Hòa (7-2005), tại lăng mộ khổng lồ mà Vĩnh Lạc dựng cho vua cha Minh Thái Tổ, có tấm bia đá ghi lại thành tích viễn dương của Trịnh Hòa. Trong nhiều năm, giới nghiên cứu phương Tây không quan tâm lắm cứ liệu này, cho đến năm 1962, khi người ta phát hiện một cột bánh lái 10,9m dưới sông Dương Tử, đủ để điều khiển một baochuan (bảo thuyền - tên gọi những con tàu lớn thời Minh). Hạm đội Trịnh Hòa gồm khoảng 62 tàu khổng lồ như vậy. Mục đích thực hiện cuộc Tây Dương của Chu đế Vĩnh Lạc là mở rộng kinh thương kết hợp bang giao - như kết quả nghiên cứu của Louise Levathes, tác giả quyển “When China Ruled the Seas”. Sau thời gian ròng rã xây tàu (hiện ở Nam Kinh vẫn còn vết tích xưởng đóng tàu của Trịnh Hòa), ngày 11/7/1405, Trịnh Hòa khởi hành.
Trong 28 năm, Trịnh Hòa đã đi hơn 50.000km, đến 37 quốc gia - lãnh thổ, từ Đông Nam Á, Trung Đông đến châu Phi. Tiến sĩ Jin Wu thuộc Đại học Iowa - chuyên gia lịch sử hàng hải lừng danh - đã so sánh quy mô hải hành của Trịnh Hòa như sau: Trong khi hải đoàn Trịnh Hòa có hơn 300 tàu với 28.000-30.000 người; hải đội Columbus chỉ có 3 tàu với 90 người; Da Gama với 4 tàu và 160 người; và Magellan với 5 tàu và 265 người (theo website Đại học California - Los Angeles, international.ucla.edu)…
Năm 1431, Trịnh Hòa lên đường cho chuyến hải hành cuối cùng. Một số nhà viết sử cho rằng Trịnh Hòa trở về nhà năm 1433 và chết vào 2 năm sau tại Nam Kinh. Tuy nhiên, theo National Geographic cũng như một số tài liệu khác, ngôi mộ Trịnh Hòa tại Nam Kinh thật ra là mộ trống. Trịnh Hòa có thể đã chết dọc đường và được thủy táng ngoài khơi Malabar (Ấn Độ)…
Trịnh Hòa - “sứ giả của hòa bình”?
Trong suốt thời gian dài, chẳng ai màng đến lý do tại sao các chuyến viễn dương lại bị thờ ơ. Vài sử gia cho rằng, có thể là do mối đe dọa an ninh từ Mông Cổ phương Bắc; vài người khác nghĩ rằng triều đình Trung Hoa thời đó không còn nhiều tiền… Hàng trăm năm trôi qua, Trịnh Hòa trở thành bóng ma lu mờ trong lịch sử Trung Quốc, đặc biệt thời Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, 1 thập niên trở lại đây, Trịnh Hòa được hồi sinh, với một chủ ý rất rõ ràng. Bắc Kinh muốn chứng tỏ Trung Hoa từng là bậc thầy về đi biển, thậm chí giỏi hơn cả phương Tây và đó là bằng chứng cho thấy việc thám hiểm hàng hải dẫn đến việc “đánh dấu chủ quyền” các hòn đảo từng được thực hiện bởi nước Trung Hoa xưa (!).
Một viện bảo tàng Trịnh Hòa được mở ở Nam Kinh nhân kỷ niệm 600 năm chuyến Tây dương của Trịnh Hòa. Một chiếc Boeing 777-200LR được đặt tên Trịnh Hòa bắt đầu khởi hành cuối tháng 6/2005 từ Sân bay quốc tế Bắc Kinh và đến hơn 20 thành phố thế giới trong 2 tháng. Tại Thượng Hải, Triển lãm chuyến viễn dương Trịnh Hòa được tổ chức từ 8/7 đến 14/7/2005. Ngoài ra, người ta cũng phát hành bộ tem Trịnh Hòa.
Năm 2004, một thứ trưởng truyền thông Trung Quốc nói: “Trong suốt 7 chuyến Tây dương, Trịnh Hòa không chiếm một mảnh đất nào, không dựng một pháo đài nào, không lấy bất kỳ của cải gì của bất cứ nước nào. Ông ấy cho nhiều hơn nhận. Ông ấy được đón chào và được ngợi khen từ người dân của nhiều quốc gia khác nhau trên các chuyến đi. Ý nghĩa các chuyến Tây dương của Trịnh Hòa không chỉ ở chỗ chúng cho thấy hải quân Trung Hoa từng mạnh như thế nào mà còn cho thấy Trung Quốc trước sau như một luôn thực hành chính sách ngoại giao hòa bình”.
Hải trình các chuyến đi của Trịnh Hoà
Trong chuyến kinh lý Mỹ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng sử dụng hình ảnh Trịnh Hòa để bóng gió chỉ trích chủ trương can thiệp nước khác của nội các George W. Bush. “Trịnh Hòa mang đến tơ lụa, trà và văn hóa Trung Hoa” - họ Ôn nói - “Và không hề lấy đi của ai một tấc đất”. Năm 2003 trong chuyến công du Úc, Hồ Cẩm Đào lại nhắc đến Trịnh Hòa. “Vào thập niên 20 của thế kỷ XV, các hạm đội thám hiểm Trung Hoa thời nhà Minh đã đến Úc… Họ mang đến văn hóa Trung Hoa và sống hài hòa với người địa phương, hãnh diện đóng góp cho kinh tế, xã hội và văn hóa đa dạng của nước Úc”. Thế thì tại sao, Hồ Cẩm Đào nói thêm, ai đó ở châu Á cứ muốn tìm cách cân bằng với một nước mà chỉ luôn muốn tạo ra sự kết nối hài hòa với các quốc gia láng giềng? Và sau 500 năm bị thống trị bởi bên ngoài và chủ nghĩa thực dân, tại sao châu Á lại cần nước ngoài can thiệp vào chuyện của mình? - Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh…
Một thứ “Pax Sinica” (Hòa bình kiểu Tàu) đầy mỉa mai
Tuy nhiên, các chuyến Tây dương của Trịnh Hòa không phải luôn là những “chuyến đi hữu nghị”. Theo tác giả quyển “The Contest of the Century: The New Era of Competition with China and How America Can Win” (phát hành tháng 2/2014) - Geoff Dyer (nguyên Chánh văn phòng Bắc Kinh của tờ Financial Times) - đằng sau sự bóng bẩy của hình ảnh Trịnh Hòa được Bắc Kinh tô vẽ còn ẩn chứa nhiều sự thật khác. Geoffrey Wade, sử gia Úc chuyên về triều Minh cho biết, các hạm đội Trịnh Hòa đã thực hiện nhiều chiến dịch “sốc và bất ngờ” với “một hình thái ban đầu của chủ nghĩa thực dân hàng hải”, hay nói cách khác, đó là chính sách “ngoại giao tàu chiến”. Christopher Columbus vượt đại dương chỉ với 3 tàu; Vasco da Gama với 4 tàu và Ferdinand Magellan với 5 tàu. Trong khi đó, Trịnh Hòa du hải với 200-300 tàu, được trang bị vũ khí hiện đại nhất và tốt nhất thế giới thời điểm đó. Để làm gì nếu không là nhằm gây ấn tượng mạnh cho mục đích chính trị, nhằm tạo ảnh hưởng chính trị khắp Đông Nam Á, thông qua việc biểu thị một sức mạnh hải quân không ai so lại?
Đội quân của Trịnh Hòa thậm chí từng dính vào cuộc nội chiến ở Bắc Sumatra và Java. Trong một vụ, Trịnh Hòa can thiệp một cuộc xung đột chính trị nội bộ tại Ceylon (hiện là Sri Lanka), tiêu diệt quân đội nơi này, trước khi bắt vị vua và gia đình mang về Nam Kinh. “Bản chất quân sự” (từ của tác giả Geoff Dyer) trong các chuyến đi Trịnh Hòa còn để lại vết tích tại Malacca. Người Trung Hoa dùng Malacca không chỉ để cất hàng hóa, theo sử gia Geoffrey Wade, mà còn xây một trại lính mà Trịnh Hòa dùng để kiểm soát tuyến giao thông dọc eo biển Malacca.
Thậm chí vào thời đó, việc “xung phong” làm “cảnh sát biển” đã trở thành một cách quan trọng để áp đặt ý chí và tham vọng nhà Minh lên các nước khu vực lệ thuộc thương mại hàng hải. Nếu sử gia Wade đúng, Malacca là căn cứ hải quân hải ngoại đầu tiên của Trung Quốc. Nói cách khác, các chuyến Tây dương của Trịnh Hòa ít mang dáng dấp thám hiểm miền đất mới trên tinh thần khám phá khoa học mà dường như là các cuộc thăm dò, do thám khu vực đồng thời biểu thị sức mạnh đe dọa để thu phục và triều cống. Tài liệu sử lưu được cho thấy, Trịnh Hòa từng nói: “Khi đến nước ngoài, chúng ta bắt bọn vua rợ, những kẻ dám bộc lộ sự không tôn kính và chống lại văn minh Trung Hoa”.
Chính sách “ngoại giao hòa bình” thời nhà Minh thông qua sứ giả Trịnh Hòa, đã và đang được Bắc Kinh tô đậm, còn có phần mỉa mai khi xét đến cách thức hành xử của nhà Minh trong giai đoạn này, khi mà chính trong bối cảnh “ngoại giao hòa bình” như vậy, nhà Minh đã mang quân tràn xuống xâm lược nước ta (1 năm sau chuyến đi đầu tiên của Trịnh Hòa)! Trong Lịch sử Việt Nam - từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, cụ Đào Duy Anh thuật: “Nhà Minh quyết tâm xâm lược nước ta cho nên tháng 8/1405 đã cho gián điệp sang để dò xét… Tháng 8/1406, bọn Chu Năng xuất phát từ Kim Lăng… Ngày 14 (tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 4, tức tháng 1/1407), giặc chiếm được Đông Đô, đóng quân ở phía đông nam của thành. Giặc cho quân cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ, rồi tính toán kho tàng, đặt quan coi việc, định kế đóng ở lâu dài…”.
Có một chi tiết cần được chú ý: vào tuần cuối cùng của năm 1405, Trịnh Hòa đã cập cảng Quy Nhơn, ngay trong bối cảnh nhà Minh chuẩn bị động binh tràn xuống nước ta. Để làm gì? Do thám chăng? Và cuối cùng còn một chi tiết nữa không thể không nhắc: Sau thời Vĩnh Lạc, các chuyến viễn dương tốn kém không còn được quan tâm. Một số con tàu của hải đội Trịnh Hòa bị bỏ mục ngoài cảng; số khác bị đốt. Nhiều tài liệu liên quan 7 chuyến hải hành của Trịnh Hòa bị hủy. Tại sao phải hủy tài liệu? Liệu có phải đó là những bằng chứng cho thấy ý đồ thật sự các chuyến Tây dương của Trịnh Hòa?
Mạnh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét