Chia sẻ

Tre Làng

"ANH HÙNG NÚP"

"Anh hùng núp"


Những người phạm luật giao thông, nhất là số đi bằng xe máy, ô tô có vẻ vô cùng căm phẫn các “anh hùng núp”, những cảnh sát giao thông đã ẩn mình quan sát và sẵn sàng lập tức xuất hiện để bắt quả tang người vi phạm.

Nếu bạn quan tâm về CSGT hãy đọc thêm: 

Đến lúc đó thì các “nạn nhân” không thể nào có cách chối bỏ hành vi của mình và chỉ còn chọn lựa một trong hai cách: hoặc nộp tiền phạt theo “barem” đã định sẵn trong luật với những thủ tục khá phiền toái, hoặc là tìm mọi cách thương lượng để giảm nhẹ mức độ nộp phạt bằng cách chịu chi một khoản tiền cho cảnh sát mà không lấy biên lai (nói thẳng là hành vi hối lộ).

1.Về mặt luật pháp, tôi thấy hành động “anh hùng núp” của cảnh sát giao thông chẳng có gì sai, chẳng có điều luật nào ngăn cấm. Trong cuộc sống hàng ngày ta vẫn thường thấy những chuyện tương tự. Phải bí mật mới có thể phát hiện sự thật, nhất là những điều sai trái. Đến trẻ con cũng không lạ gì những chuyện như thế. Còn trong ngành cảnh sát nói riêng hay công an nói chung, tôi không được tường tận, nhưng hình như những hoạt động kiểu mật phục, nghi binh, … đều là những biện pháp nghiệp vụ được phép. Giờ đây, cũng như các nước, nhiều nơi, người ta đã sử dụng cái camêra để theo dõi thay cho con người trong nhiều việc. Như vậy, sự khác nhau chỉ là một cách bằng công nghệ hiện đại, một cách bằng “thủ công” truyền thống, đâu có gì khác?

Nếu có thấy “mất cảm tình”, nhất là khi nhìn những bức ảnh chụp các “anh hùng núp” ở nhiều tư thế tức cười, theo tôi, có lẽ chỉ có thể vì thấy nó không được “quân tử”, thiếu sự đàng hoàng. Thế thôi. (Mà xin nói thật, những tư thế tức cười này kể cũng khó tránh khi suốt 8 tiếng đồng hồ đối mặt với nắng, gió, với bụi đường và đủ thứ ô nhiễm khác. Chắc chỉ nên trách cái hấp dẫn của những tờ giấy bạc.)

Hôm trước, nghe nói ở một địa phương, thấy dư luận phê phán, thậm chí lên án các “anh hùng núp”, công an cấp trên đã lệnh cho cấp dưới không được có hành vi này nữa. Hình như cái lệnh này chứng tỏ các vị cấp trên hơi thiếu bản lĩnh.

Trong một truyện ngắn, Nguyễn Khải kể chuyện người cô của mình, một bà cụ đã tám mươi tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn khôn ngoan mà nhà văn cảm thấy bà có thể biết được cả cái then máy của Tạo hóa, rất tiêu biểu cho các cư dân của Hà Nội cũ nay đã mai một đi nhiều. Bà là điển hình cho những người tử tế, người Hà Nội xưa là sống trung thực, lương thiện và biết tôn trọng pháp luật. Biết tôn trọng pháp luật trước hết là có lòng tự trọng. Có thể nói nôm na thế này: người bình thường, chẳng ai dám xúc phạm, nặng lời kể cả cảnh sát với quyền năng khá là “vô lượng”. Nhưng nếu ra đường, anh phạm luật, viên cảnh sát dù chỉ đáng tuổi con cháu cũng có thể nặng lời, thậm chí văng tục chửi bậy và có những hành vi xúc phạm khác, anh cũng khó phản đối vì lúc đó, anh đang là người phạm pháp. Họ xúc phạm anh vì anh là người không biết tự trọng. Mình còn không tôn trọng mình, còn hy vọng gì người khác tôn trọng?

Nhiều lái xe (xe máy và ô tô) hiện nay chỉ chăm chú có cái xe “xịn”, nhưng ít người nắm vững luật lệ, vì khi thi lấy bằng, kiểm tra luật họ thường dùng “đồng tiền đi trước”. Cho nên dừng đỗ ở ngã ba, ngã tư, đầu cầu; quá tốc độ cho phép, lấn đường, …thậm chí vừa lái xe vừa nhắn tin bằng điện thoại di động rất phổ biến. Các lái xe taxi tôi hỏi đều không biết luật “nhường đường cho người bên phải”. Cho nên phạm luật, gây tai nạn ngoài vì sơ xuất, đãng trí còn vì nguyên nhân này.

Có nhiều tin tức, ảnh, “clip” ghi lại cảnh cảnh sát giao thông có hành vi thô bạo với người vi phạm luật giao thông. Những thái độ, hành vi ấy là rất đáng lên án, không ai có thể bao che. Nhưng sự thực là, người vi phạm luật phải là người đáng phê phán đầu tiên. Anh phạm luật lại còn không chịu nhận lỗi, để trở thành nguyên nhân gây ra những hành vi thô bạo của cảnh sát. Thế là hai lần đáng trách. Nhưng trong những trường hợp này, thường chỉ thấy cảnh sát giao thông bị lên án. Hình như tâm lý bênh vực người “thấp cổ bé họng”, người nghèo vốn hình thành từ trong xã hội mang nặng quan điểm giai cấp mấy chục năm trước đã bị lên án gay gắt nhưng lại được phát huy tối đa trong trường hợp này. Tôi cho rằng thế là thiếu công bằng.

Chính quyền có những điều luật, có nhiều cách hành xử đi ngược lại với quyền lợi của đông đảo nhân dân, bị người dân phản ứng bằng nhiều cách. Đây là một thực trạng đáng buồn trong cuộc sống nhất là khi chính quyền ấy luôn nói “của dân, do dân, vì dân”. Thái độ “bất tuân thượng lệnh” của người dân nhiều khi thể hiện sự bất mãn đó. Nhưng tôi hoàn toàn phản đối cách không tuân thủ luật giao thông để thể hiện thái độ phản kháng. Vi phạm luật giao thông, cái chính quyền ấy chắc chắn chẳng hề hấn gì, nhưng nhất định sẽ gây tai nạn và người gặp nạn thường đều là người dân lành, trong đó có không ít những người nghèo khó. Tổn thất do tai nạn gặp trên đường sẽ gây nên những hậu quả khôn lường cho một con người, một gia đình. Tôi không muốn nói tới người vi phạm, vì có thể họ là những “anh hùng xa lộ”, những hảo hán sẵn sàng “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”.
Công bằng mà nói, nếu không phạm luật, cảnh sát giao thông khó có thể làm gì được mình. Tôi từ năm 12 tuổi đã có lần vô ý phạm luật giao thông bị cảnh sát xử lý (Xin mời đọc >>> “Đèn xanh đèn đỏ”), lại được ông bà cha mẹ dạy dỗ từ nhỏ phải biết tôn trọng luật pháp nên rất có ý thức về việc này. Có những lần, bị kiểm tra đột xuất, do không vi phạm điều gì nên sau khi xem xét các loại giấy tờ đầy đủ, họ đều cho đi.

Năm 2005, tôi tham gia một Dự án xóa đỏi giảm nghèo ở Sơn La. Biết Bảo hiểm xe máy đã hết hạn, nhưng tôi nấn ná, chờ lên Sơn La sẽ mua tiếp, hy vọng, lỡ có chuyện gì xảy ra, việc giải quyết sẽ thuận lợi. Ai ngờ trên đường lên Sơn La, khi qua Lũng Luông, một tốp cảnh sát giao thông ra hiệu yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ. Biết mình đang có lỗi Bảo hiểm đã hết hạn, nên khi xuất trình giấy tờ, tôi nhận lỗi ngay và nói lý do chưa mua Bảo hiểm. Công an yêu cầu xem giấy tờ thể hiện việc tôi lên Sơn La làm việc. Sau khi đọc Quyết định cử tôi lên Sơn La, và chắc cũng thấy Bảo hiểm cũ của tôi hết hạn chưa tới tuần lễ, họ để tôi đi, kèm theo lời nhắc nhở:

- Lên Sơn La, bác nhớ mua bảo hiểm nhé!

Sau đó 2 năm, trong chuyến đi chơi, khi qua Nam Định, tôi bị “thổi còi” vì vượt đèn đỏ. Giải thích do từ nơi khác đi qua, đang băn khoăn không biết nên đi hướng nào, đèn lại khuất tầm nhìn, nhưng anh cảnh sát giao thông “quyết không tha”. Thế là phải đi nộp phạt. Số tiền chẳng đáng là bao, nhưng mất thời gian đi tìm Kho bạc nhà nước. Kể ra cũng hơi “ấm ức” nhưng rồi lại nghĩ, đó là một bài học. Chẳng ai có thể tránh được sơ xuất, nhưng khi sơ xuất, bị phạt, nên vui vẻ chấp nhận. Bài học có trả giá chắc thấm thía hơn!

Một chuyện nữa: Hồi những năm 90, khi khách sạn Nikko mới được xây dựng trên nền bến xe Kim Liên, con đường Lê Duẩn bỗng mở rộng hẳn ra và quy định đi một chiều hướng về phía nam. Tôi ít đi lại trên tuyến đường này nên không biết. Hôm ấy, đi từ phía Bạch Mai lên, xe vừa qua ngã ba Trần Nhân Tông thì tôi bị dừng xe vì đi ngược chiều. Tôi chấp nhận nộp phạt, chỉ góp ý: “đường quá rộng, biển đặt trên hè nên người đi đường khó quan sát, cần đặt một cái biển ngay giữa đường để mọi người làm quen dần” rồi nộp tiền. Nhưng chờ mãi, chẳng thấy họ đưa biên lai. Tôi hỏi, họ lảng đi, không nói gì. Bực mình, tôi tới Công an Hà Nội vào gặp trực ban góp ý. Người tiếp tôi sau khi điện thoại đi đâu đó, nói mời tôi tới Công an phường Nguyễn Du giải quyết vì đó là chốt do đơn vị này phụ trách. Tôi tới Công an phường Nguyễn Du phản ánh sự việc (cũng là nói suông thôi, chẳng có chứng cứ gì). Họ xem chứng minh nhân dân rồi bảo tôi về. Ai ngờ, về nhà, 8 giờ tối, đang lúc mưa to, có hai người tới tìm gặp. Đó là hai anh cảnh sát đã nhận tiền phạt mà không đưa biên lai cho tôi lúc chiều (lúc này họ mặc thường phục nên tôi không nhận ra). Hai anh xin lỗi, không trả lại số tiền phạt nhưng đưa gói quà chắc phải gấp đôi số tiền tôi đã nộp phạt.

Kể lại vài chuyện của bản thân để muốn nói, mình cứ chấp hành luật cho nghiêm chỉnh thì có gì đáng ngại đâu! Với tôi, cảnh sát giao thông luôn là những người giữ cho sự đi lại bình yên!

Trong cuộc sống, thường thấy có hiên tượng này: người vi phạm luật giao thông, sau khi đã hối lộ để tránh hình phạt nặng nề hơn thường tỏ sự hậm hực. Hậm hực vì “mất tiền oan”. Hậm hực vì họ coi đó là mình bị trấn lột. Và dưới con mắt của họ, mấy anh cảnh sát giao thông là những người không thể chấp nhận được. Nghe những lời ca thán, phàn nàn ấy, tôi thấy hơi bất thường.

Một là, anh không hề mất tiền oan. Anh đã đỡ một khoản tiền, anh đã có lợi lớn. Trên đời này, người ta chỉ hối lộ để có thể được món lợi hơn số tiền phải bỏ ra để hối lộ. Chuyện “chạy” các loại, từ “chạy” việc làm, “chạy chức”, “chạy” quyền, “chạy” tòa án… đều thế cả! Vì biết cái ghế ấy có thể giúp mình có nhiều lợi lộc trong một nhiệm kỳ nên người ta mới bỏ ra bạc tỷ để “chạy”, cũng như chẳng có ai “chạy” để vào các cơ quan nhà nước hưởng đồng lương chết đói với số tiền cả nhiều trăm triệu nếu không chắc chắn cái chỗ làm ấy có thể giúp mình kiếm chác gấp nhiều lần số vốn đã bỏ ra. Hối lộ khi phạm luật giao thông cũng thế. Cho nên, đã có lợi rồi, sao còn ca thán? Thứ hai, khi tìm cách hối lộ, anh đã phải gãi đầu gãi tai, nói cười bả lả, kể lể nỗi niềm với người ta hòng nhận được sự thông cảm, châm chước. Giờ vừa mới “thoát hiểm” anh đã thay đổi thái độ, quay ngoắt 180 độ để chê bai, thậm chí mạt sát. E rằng, cách hành xử này có vẻ như “khỏi vòng cong đuôi”, “tiền hậu bất nhất”. Và thứ ba, điều tôi cho là quan trọng nhất: hối lộ là một hành vi thiếu nhân cách. Khoe khoang để làm gì?

Cũng có những người không cần hối lộ. Họ dựa vào sự thân quen với những người có vai vế để nhờ can thiệp. Đây chính là những người góp “công” lớn vào việc phá hoại kỷ cương phép nước, chắc không cần phải nói thêm. Nhưng thật phẫn nộ khi sau khi dùng các thế lực bên trên để ngồi xổm trên luật pháp, họ còn đem rêu rao, khoe khoang khắp nơi để tỏ là mình là người có siêu quyền lực. Rồi có khi còn tỏ ra ngạo mạn vì đã làm mấy anh cảnh sát “tẽn tò”, biết chắc mình phạm luật mà không làm gì được. Hôm đầu tháng, trên chuyến xe giường nằm đi vào miền Trung, tôi được chứng kiến (nói đúng hơn là nghe thấy) một việc. Trên xe, một hành khách nhận một cú điện thoại cầu cứu vì người gọi bị bắn tốc độ ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong vòng khoảng 20 phút vị hành khách này liên hệ tới nhiều nơi và cuối cùng, người cầu cứu đã được “giải thoát”. Có hai điều phải ngạc nhiên: Thứ nhất, vị hành khách này chắc chưa phải loại quyền cao chức trọng (căn cứ vào phương tiện anh ta sử dụng để xuyên Việt), thế mà đã có thể “chỉ đạo” cảnh sát giao thông từ tầm xa hàng nghìn cây số. Không biết những người có chức có tước, quyền năng còn có thể như thế nào? Và thứ hai, làm cái việc coi thường pháp luật như thế mà anh ta cứ oang oang, không hề có đôi chút ngượng ngập, hình như còn muốn cho những người xung quanh biết cái “oai phong lẫm liệt” của mình. Theo tôi, những người ấy, họ đã có tới hai lần mất nhân cách.

Rất tiếc trong số đó, không ít những người có học hàm học vị!***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog