Chia sẻ

Tre Làng

NỬA NHÀ BÁO!

Nửa nhà báo!

Tiến Hải

Trong bữa cơm thân mật tiếp chúng tôi, đồng chí Bí thư tỉnh ủy nhận xét: “Các ông chỉ là một nửa nhà báo thôi . Tôi thật thà hỏi: “Tại sao anh lại nói như vậy?”. “Cái nửa nhà báo mà các ông có là sự nhanh nhạy, xông xáo và hiểu biết rộng; cái nửa còn lại thì các ông không có”.

Nên đọc: Phạm Chí Dũng và dịch hạch, dịch tả

Nghe Bí thư nói như vậy, Chánh văn phòng tỉnh ủy đỡ lời và minh họa thêm: “Bí thư nhận xét như thế là có ý khen các anh đấy. Xin thú thật với anh, bọn em sợ nhất các nhà báo. Sợ vì mấy lẽ:

Thứ nhất, các nhà báo sống theo kiểu lãng tử lắm. Mời cơm mà không có lãnh đạo của tỉnh tiếp thì các vị ấy bảo là khinh nhà báo. Có lãnh đạo của tỉnh tiếp, mặc dù đã hẹn giờ hẳn hoi nhưng nhiều khi các vị lại bỏ, không ăn và cũng chẳng thèm báo lại. Một lần, sau giờ làm việc, bọn em hẹn ba ông của tờ báo X là 6 giờ chiều đồng chí Phó Bí thư thường trực sẽ mời cơm tại nhà khách tỉnh ủy.

Đúng 6 giờ, đồng chí Phó Bí thư tới, bọn em lên phòng mời các vị nhà báo nhưng thấy cửa đóng then cài. Đành đợi vậy chứ còn biết làm sao nữa. Thế rồi 6 giờ 30, rồi 7 giờ và đến tận 8 giờ vẫn chẳng thấy tăm hơi các nhà báo đâu cả. Hóa ra các ông, bà ấy được Cục Thuế mời đi nhà hàng đánh chén và hát karaoke mãi tới 12 giờ đêm mới về. Nhân viên phục vụ nhà khách cũng ngán nhất các nhà báo vì các vị ấy cực kỳ luộm thuộm, mẩu thuốc lá vứt khắp nền nhà, ra khỏi phòng không tắt đèn, không tắt máy điều hòa, thậm chí quên cả tắt vòi nước trong nhà tắm; sáng ngủ dậy rất muộn, tối đi chơi về rất khuya…

Thứ hai, các nhà báo nhiều khi cũng đòi hỏi, cũng gợi ý đến nơi, đến chốn. Một lần, hai vị phóng viên của báo Y yêu cầu địa phương giới thiệu cho hai doanh nghiệp nhà nước làm ăn khá nhất và hai doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém nhất để các vị ấy điều tra, nghiên cứu. Khi đến các doanh nghiệp khá, mấy vị ấy hứa hẹn đủ điều; nào là sẽ viết bài biểu dương, khen ngợi; nào là sẽ giới thiệu cho doanh nghiệp một số đối tác làm ăn. Và các vị ấy cũng không quên gợi ý giám đốc cho mua một vài sản phẩm có giá trị của doanh nghiệp với lý do để chắc chắn là hàng xịn chứ không phải hàng nhái bày bán ở thị trường.

Anh tính, đã gợi ý khéo đến thế thì có ông giám đốc nào lại muối mặt lấy tiền của họ. Còn khi đến mấy doanh nghiệp kém, “có vấn đề ” thì các vị ấy dùng thủ pháp vừa đưa ra củ cà rốt vừa thò chiếc gậy. Mấy tay giám đốc này có kinh nghiệm lắm rồi nên họ đón tiếp các nhà báo rất nhiệt tình và phong bao khá đậm. Bởi có như thế thì các vị ấy mới tha cho những sai lầm, thậm chí còn viết bài gỡ tội cho doanh nghiệp, đổ hết lỗi cho khách quan, biến thủ phạm thành nạn nhân.

Chánh Văn phòng đang hăng hái thì Bí thư cắt ngang: “Này, cậu vuốt mặt cũng phải nể mũi chứ. Cậu không biết chúng mình đang tiếp ai à”. Chánh Văn phòng cười hồn nhiên và có phần hơi bẽn lẽn vì chắc rằng lúc ấy anh mới nhớ ra chúng tôi cũng là nhà báo. Anh gãi tai phân bua: “Ấy là vì tin các anh nên em mới tâm sự như vậy. Vả lại, đã kể cho các anh nghe tức là bọn em không xếp các anh vào đối tượng đó rồi. Hơn nữa, đa số các nhà báo đều tốt, đều nghiêm túc. Những người nêu trên chắc chỉ là số ít”.

Mẩu chuyện nêu trên của Chánh Văn phòng tỉnh ủy làm tôi thấy buồn. Nhưng cậu phóng viên đi theo tôi thì lại hớn hở nói với Bí thư: “Em rất thích cái khái niệm nửa nhà báo của anh”.

Nguồn: Blog Kim Dung

5 nhận xét:

  1. đúng là thời nay,khó có thể nhận biết được đâu là thật và đâu là giả,đâu là hàng dởm và đâu là hàng thiệt. Nhà báo bây giờ cũng nhiều kiểu lắm,vì người ta có quyền mà, nên người ta cũng đặt ra đủ thứ chuyện mà làm thôi..Ngòi bút của họ thật dễ dàng để bị bẻ cong theo thời thế...nhưng,đó chỉ là con số nhỏ, chứ đâu phải là tất cả đâu, các nhà báo nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. dạo gần đây, các nhà báo có vẻ đang bị lên án mạnh mẽ vì thiếu sự công tâm của ngòi bút. có nhiều nhà báo đã thiếu công tâm khi đăng bài, khi sử dụng ngòi bút của mình, khi dùng ngòi bút để kiếm tiền một cách bất chính. Mong các nhà báo hãy biết mình là ai và mình đang làm gì!

    Trả lờiXóa
  3. Các nhà báo ngày nay làm việc thật sự cũng phải cần đến cái tâm nữa, không nên suốt ngày bới móc đời tư của một sao nào đó, hay là viết về các vấn đề không có thật trong xã hội, đồn thổi lung tung, đôi khi là nói quá lên một chuyện cỏn con làm ảnh hưởng đến người khác.

    Trả lờiXóa
  4. Suy cho cùng quan niệm về đạo đức nghề báo cũng vẫn dựa trên đạo đức xã hội nói chung để phân biệt tốt - xấu, thiện - ác. Lạm dụng báo chí vì lợi riêng là việc làm xấu, ác. Công cuộc đổi mới đất nước của chúng ta cần chống lại sự lạm dụng báo chí, một khía cạnh quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, để gìn giữ năng lực giải quyết vấn đề của hệ thống truyền thông trong một nền dân chủ, ngược lại với kết quả không mong muốn và một số lỗi lầm thực tế của báo chí hiện nay.

    Trả lờiXóa
  5. Trong hệ thống truyền thông công khai, báo chí đã được điều chỉnh và điều khiển bằng nhiều cách khác nhau. Những điều kiện mà cơ cấu truyền thông tạo ra rất khó hòa hợp với phạm trù đạo đức. Ví dụ như báo chí hoạt động trong nền kinh tế thị trường tất nhiên phải chấp nhận sự cạnh tranh và không thể không tính đến lợi nhuận. Điều đó dễ dẫn đến sự lạm dụng báo chí nhằm tăng lợi nhuận cho đơn vị mình mà các phóng viên có thể "câu khách" bằng những thông tin phi nhân bản. Đối với công luận thì khi có sự giận giữ đối với nó, người ta mới tìm kiếm chuẩn mực để đánh giá thái độ cư xử của báo chí. Sau đó mới có phê bình báo chí. Song báo chí cũng tự viết về mình.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog