200 triệu đồng lấy được bằng Tiến sỹ y khoa
Báo Dân Việt (Báo điện tử của báo Nông thôn Ngày nay): Qua giới thiệu của một nguồn tin, PV Dòng Đời đã tìm gặp Phó Giáo sư (PGS) Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng, Đại học Y Thái Nguyên để nhờ vị Phó GS này tìm cách “tậu” cho tấm bằng Tiến sỹ Y khoa danh giá.
Trong vai một người có nhu cầu làm nghiên cứu sinh, phóng viên Dòng đời đã tiếp cận với vị giáo sư này cũng như công nghệ lấy bằng tiến sĩ mà “thầy” đã vẽ ra.
Trước khi tiếp PV tại nhà riêng, PV đã điện thoại trước cho Phó GS Hoàn, tự giới thiệu có mong muốn được vị Phó GS này hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Khi đó, vị Phó GS đang bận một cuộc nhậu. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng 30 phút, vị Phó GS này rời cuộc vui để gặp PV tại nhà riêng của mình.
Đi mua... bằng Tiến sỹ Y khoa
Tọa lạc trên một khu đất rộng, ngôi nhà của vị Phó GS này là một nhà sàn “chất”, mà theo ông khoe, là: “Mấy năm trước, tôi mới mua được của một gia đình dân tộc trên huyện Võ Nhai. Hồi đó, giá của nhà sàn rẻ lắm! Cả làm “luật” cho kiểm lâm và vận chuyển nữa hết có gần 20 triệu!”.
Trước những cảnh quan và vật dụng liên quan chủ yếu tới lâm sản, PV nhanh chóng nghĩ ra một “vai diễn” phù hợp với bối cảnh khi tự nhận mình là một “trùm” buôn gỗ. Sau khi “đi” vài đường cơ bản về gỗ, PV nhanh chóng đặt vấn đề:
“Nhà em vốn có truyền thống theo nghề Y nên khi học xong cấp 3, em đã thi vào ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi vào học ngành này, em lại không có hứng thú nên học hành rất chểnh mảng, gần như không biết gì. Đi học thì thuê, đi thi thì “chạy”.
Khi học xong bằng cử nhân, gia đình lại ép em học luôn thạc sỹ. Lúc này, em đã tham gia vào công việc kinh doanh gỗ nên đi lại triền miên. Vì thế, bằng Cao học của em cũng là đi mua nốt. Bây giờ, việc kinh doanh gỗ của em chủ yếu chuyển trọng điểm về Thái Nguyên, công việc cũng đang phát đạt nên bố mẹ em nhất quyết bắt em phải học nốt cái bằng Tiến sỹ để sau này có cái bằng mà mở phòng khám.
Công việc trên Thái Nguyên thì em không thể bỏ được nên em rất mừng khi được anh em giới thiệu qua gặp thầy để thầy hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Nhưng thực tình, kiến thức thì em không biết gì...”. - “Thế em đã có bài báo hay công trình khoa học nào chưa?” vị Phó GS Đàm Khải Hoàn ngắt lời, hỏi.
- “Dạ, chưa ạ!”.
- “Thế em đã đi làm chuyên môn ở đâu chưa?”.
- “Dạ, chưa ạ!”, PV lí nhí.
- “Vậy được rồi! Việc lấy bằng Tiến sỹ của cậu, tôi sẽ giúp được. Cậu cứ yên tâm! Tôi nhận lời với cậu”, vị Phó GS chốt lại.
Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên: "Việc anh Hoàn trao đổi chuyện làm bằng tiến sỹ kiểu đó là sặc mùi mua bán. Không thể chấp nhận được! Chúng tôi sẽ không bao che cho những hành động tiêu cực này!”.
Kỹ nghệ “lấy” bằng
Sau khi câu chuyện đã cởi mở, ông Hoàn nói thêm: “Trước tiên, tôi sẽ viết cho cậu vài bài báo khoa học để đăng trên tạp chí Y học Thực hành. Mấy bài báo này sẽ ký tên cậu. Cậu chỉ việc tới tòa soạn, đưa cho họ mấy đồng rồi nhờ họ đăng bài, tôi sẽ có lời cho cậu.
Việc tiếp theo, cậu phải nhờ các mối quan hệ của gia đình mình để có tên trong một cơ quan hoặc tổ chức phi chính phủ nào đó để khi hội đồng xét duyệt hồ sơ, họ tin rằng cậu đã làm ở cơ quan, tổ chức đó chứ không phải là anh buôn gỗ” - ông Hoàn bắt đầu tiết lộ bí quyết nghề nghiệp của mình.
“Việc cậu đi làm, cậu cứ đi. Tôi sẽ làm đề cương đề tài cho cậu (đây là phần quan trọng nhất mà thí sinh phải trình bày trước Hội đồng các Giáo sư, Phó GS để được chấp nhận đậu đầu vào Nghiên cứu sinh - PV). Tôi sẽ trao đổi với cậu qua email” - ông Hoàn nói thêm.
Trước sự hướng dẫn nhiệt tình của vị Phó GS, tôi tiếp tục thể hiện quan điểm: “Nhưng thực tình em không biết gì hết. Lỡ khi vào bảo vệ đề cương đề tài các thầy trong hội đồng hỏi thì em không biết trả lời sao? Thầy có lo cho em được cả hội đồng không ạ?”.
Lúc này, vị Phó GS trấn an ngay: “Yên tâm, cái đó lo được! Không biết rửa bát thì phải bế em thôi. Tôi đã hướng dẫn nhiều người rồi! Cần gặp ai thì tôi sẽ bảo cậu đến gặp. Mấy người đó toàn... đàn em của tôi thôi mà!” (Ý nói mấy vị trong hội đồng xét tuyển Nghiên cứu sinh - PV).
Trước sự chắc chắn của vị Phó GS này, tôi chốt lại: “Vâng, trăm sự em nhờ thầy! Vậy thầy cho em biết là em sẽ phải chuẩn bị bao nhiêu tiền để lo việc này hả thầy?”.
“Thôi, cậu cứ về đi. Mới gặp lần đầu, tôi chưa muốn nói chuyện này. Để hôm khác. Cậu cứ yên tâm là tôi giúp được cậu. À mà cậu tên là gì nhỉ?”, lúc này, vị Phó GS Đặng Khải Hoàn mới kịp nhớ ra là mình chưa hỏi tên “khách hàng”.
Tuy nhiên, trong câu chuyện về ngôi nhà sàn của mình, ông Hoàn có “gợi ý” rằng ngôi nhà sàn của ông vẫn còn những gỗ tạp và kêu than chuyện lúc này, lực lượng kiểm lâm làm gắt quá. Dù có nhiều mối quan hệ với cả lực lượng kiểm lâm và lâm tặc, ông Hoàn vẫn không thể vận chuyển được số gỗ nghiến về để hoàn thiện nốt ngôi nhà sàn của mình. Trước ý tứ trên, PV buộc phải gợi ý là mình có thể làm được việc này.
Sau đó, PV có nhận được email từ vị Phó GS này với đoạn có nội dung sau: “Thầy định thay toàn bộ sàn bằng nghiến. Có lẽ vẫn phải dầy 5cm, vì nó mới im, mỏng sẽ rung. Diện tích toàn bộ sàn là 100m2. Các tấm gỗ dài ngắn tùy theo đều được cả vì phải ghép mà. Em lo hộ thầy”.
Trước tình hình trên, tôi buộc phải đồng ý sẽ lo giúp thầy Hoàn 100m2 gỗ nghiến loại dày 5cm. Tại lần gặp thứ hai, PV đã một lần nữa hỏi về số tiền phải đưa cho Phó GS Đàm Khải Hoàn để lo chuyện đầu vào. Lần này, ông Hoàn đã đồng ý với mức giá 200 triệu đồng và cho tôi số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào.
Những nội dung của cuộc ngã giá chỉ được PV tiến hành sau khi gặp gỡ với nhiều người đã, đang được vị Phó GS này hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Các nhân vật này đều khẳng định: Nếu muốn mua bằng Tiến sỹ Y khoa bằng tiền tại Đại học Y Thái Nguyên, PV nên tìm đến Phó GS Đàm Khải Hoàn là đúng địa chỉ nhất.
Sặc mùi mua bán
Khi những tư liệu trên đầy đủ, PV quyết định ra mặt để đối chất với vị Phó GS. Ngay sau khi PV công bố các tư liệu đã thu thập, Phó GS Đàm Khải Hoàn im lặng một hồi rồi bỏ về. Sau đó, ông Hoàn có gửi lại một email cho chúng tôi.
Email này có đoạn: “Anh giới thiệu là người buôn gỗ nhưng đã học Cao học Y tế công cộng. Tuy nhiên mải làm ăn cho nên học không đến nơi đến chốn. Nhưng với điều kiện đó tôi nghĩ sẽ dạy cho anh được. Anh nói anh làm ra rất nhiều tiền, sẵn sàng cho tôi cái này, cái nọ. Nhưng đấy là anh đặt vấn đề và xuất phát từ anh chứ tôi có đòi hỏi gì đâu? Tôi nghĩ xã hội này có nhiều người có nhiều tiền thì khi học, họ có thể biếu tôi món quà to...”.
PV cũng đã liên hệ với lãnh đạo Đại học Y Dược Thái Nguyên để làm việc. Trước những thông tin nghiêm trọng mà phóng viên đưa ra, Ban Giám hiệu Đại học Y dược Thái Nguyên đã triệu tập một cuộc họp với đầy đủ lãnh đạo nhà trường, phóng viên và Phó GS Đàm Khải Hoàn với mục đích để các bên xem các tư liệu, đối chất và đưa ra các quan điểm về vụ việc.
Tại đây, ông Hoàn nhận mình có khả năng giúp các nghiên cứu sinh có bằng Tiến sỹ Y khoa mà không cần phải học, ông Hoàn vẫn giữ quan điểm rằng viêc ông nói như vậy đơn thuần nghĩ rằng việc hướng dẫn một nghiên cứu sinh có điều kiện về kinh tế thì việc nhận được những món quà có giá trị vật chất lớn là điều bình thường.
Trong khi đó, đại diện cho lãnh đạo nhà trường, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng việc ông Hoàn nói như vậy bước đầu có thể kết luận là không đúng với đạo đức của người thầy giáo.
Tuy nhiên, bình luận về những tư liệu mà phóng viên đưa ra, ngày 4.8.2014, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên (Đại học Y Dược Thái Nguyên là 1 trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên) nhìn nhận thẳng thắn: “Việc anh Hoàn trao đổi chuyện làm bằng tiến sỹ kiểu đó là sặc mùi mua bán. Không thể chấp nhận được! Chúng tôi sẽ không bao che cho những hành động tiêu cực này!”.
Nhóm PV Điều tra (Dòng đời)
Bình thường thôi,giá 200 là hợp lý không đắt đâu.
Trả lờiXóaTốt, nên làm mạnh, lôi hết bọn này ra, suy thoái ở đó chứ đâu. Tôi ủng hộ bạn
Trả lờiXóaBáo chí là cánh tay đắc lực để tìm ra tội phạm, những tội phạm chìm trong lớp áo hào nhoáng. Những phóng viên đôi khi trở thành những trinh sát không chuyên nhưng lành nghề để lôi những góc khuất ra ánh sáng. Và chắc chắn không chỉ có trường hợp của vị giáo sư này mà sẽ còn nhiều những vị giáo sư khác đang làm hỏng nền giáo dục Việt Nam
Trả lờiXóaNếu thông tin này là thật thì quả là đáng buồn cho nền giáo dục Việt Nam đang bị một bộ phận nhỏ những người cơ hội là xấu đi. Đây chắc cũng là nguyên nhân của hàng loạt vụ bằng giả, tiến sĩ giấy. Nhưng đây mới chỉ là kết luận của một tờ báo. Cơ quan chức năng vẫn chưa có thông báo chi tiết gì về vụ việc này. Vậy nên mong rằng cơ quan điều tra làm mạnh tay và sớm có kết luận về vụ việc này!
Trả lờiXóahiện nay ở nước ta thi thoảng đã có những vụ việc làm bằng giả được phanh phui gây sốc cho toàn bộ nhân dân. Ở một quốc gia mà bằng cấp đi liền với việc làm, có bằng cấp mới thể hiện được con người thì nhiều người cho dù đã không có học hành cẩn thận mà vẫn cố tình chạy theo xu hướng bằng cách đi tìm, đi mua những loại bằng cấp giả mạo. Để đáp ứng một bộ phận không nhỏ có yêu cầu mau bán bằng cấp này nên mọi đã có những kẻ lợi dụng để làm giả những loại bằng theo đủ kiểu
Trả lờiXóathông tin này không biết là thật không...thế nhưng nếu là thật thì không thể chấp nhận cái kiểu hình thức mua bằng thế này... Nhưng ở Việt Nam ta có những trường hợp mua bằng cấp cũng đáng để lưu tâm. Bằng thì nhiều nhưng chất lượng thì không biết thế nào đây liệu có được không đây. như thế đúng là không thể chấp nhận với kiểu như thế này. cần có biện pháp xử lí thật nặng những con người này
Trả lờiXóaQuá sốc chứ không phải sốc. Nếu cứ như thế này thì không biết sẽ có bao nhiêu người chết oan vì những "tiến sỹ" này.
Trả lờiXóaThật hay đùa vậy? Đồng ý là có thể tin hiện nay có một số "tiến sỹ" được mua bằng tiền nhưng mình tin là vẫn phải học, nếu có thì nó cũng sẽ không thể rẻ như vậy được. Xin lỗi các ngành khác, nhưng đối với các ngành khác thì có thể "tạm" chấp nhận được nhưng với y khoa thì không thể nào. Nếu có thật thì cần phải làm rõ, xử lý thật nặng những người có liên quan.
Trả lờiXóađọc bài viết này công nhận cũng sốc thật, làm ăn gian lận bằng chức thì cũng có thật, thế nhưng cái kiểu nhận lời hết rồi mà chưa biết tên "khác hàng" thì quả là chợ búa hết sức thật, chắc ông này học y nên không biết văn hay sao vậy, cái tối thiểu bảo vệ mình cũng không biết thì quá là biến chất rồi, cứ thế này thì làm sao mà không có những hội vơ đũa cả lắm quy cho nền giáo dục thối nát đây
Trả lờiXóanghe cái câu hứa của một ông quan to hơn rằng "Chúng tôi sẽ không bao che cho những hành động tiêu cực này!” nghe mà chướng lỗ tai quá, tiêu cực đến thế này mà chỉ hứa mỗi câu không bao che à, chắc loại nhỏ hơn thì vẫn bao che được đấy, cấp dưới bê tha chứng tỏ cấp trên chẳng ra gì mấy đâu, làm gì mà không biết cấp dưới mình làm ăn như thế, chẳng qua ông cũng tắc trách mà thôi
Trả lờiXóathời trước thì công nhận thiếu người nên mới có chuyện kẻ ít học vẫn được làm quan, giờ học hành được phổ cập rồi, nhân tài không thiếu nhưng vẫn có tình trạng đầu không biết chữ gì mà vẫn bằng cấp học vị đến tiến sĩ thì công nhận đúng như mệnh giá của đồng tiền thật, xuống giá trầm trọng, số lượng không thể gánh được chất lượng, nặng quá khéo đứt dây mất thôi
Trả lờiXóaGần đây chúng ta đã thấy một loạt các vụ bê bối có liên quan đến nghề y, bác sĩ. Phải chăng là giờ đây ngành này do kiếm được nhiều tiền cho nên là có nhiều người muốn vào làm, vì thế những kẻ như thế ngay từ mục đích vào làm việc đã không đúng rồi thì khi vào làm sẽ xảy ra những tiêu cực, sai phạm là điều đường nhiên rồi
Trả lờiXóa200 triệu đồng lấy được bằng Tiến sỹ y khoa đúng là không thể chấp nhận được sự việc lại có thế xảy ra như vậy. bác sĩ là một ngành cao quý nhất thế mà lại được mua bằng đồng tiền, nếu như thế thì những bệnh nhân sẽ còn biết trông chờ vào ai nữa, khi những vị bác sĩ kia chỉ có tiền là trên hết không quan tâm đến chữa bệnh mà chỉ quan tâm đến lấy tiền
Trả lờiXóaNgành Y gần đây có khá nhiều vụ lộn xộn và cái quan trọng nhất đó là vấn đề đạo đức được đặt ra ở các y, bác sĩ đã không được tin tưởng nữa. Từ vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, đến vụ vacxin giả, làm chết bệnh nhân một cách khó hiểu ... và giờ lại là vấn đề mua bằng với số tiền 200 triệu đồng, và nếu nhưu thế thật thì chúng ta cần phải làm rõ vấn đề này và đưa ra pháp luật để xử lý một cách nghiêm khắc nhất
Trả lờiXóaChỉ với 200 triệu đồng lấy được bằng Tiến sỹ y khoa, việc này chẳng khác gì mua một đồ dùng nào đó, và sự thật là ở đây là mua một tấm bằng với chữ kí chứ không phải trải qua học tập thi cử, như vậy thì ai chẳng làm được chứ. Làm như này là vi phạm nghiệm trọng đạo đức nghề nghiệp và tất nhiên là vi phạm pháp luật rồi, chính vì thế không còn cách nào khác là chúng ta phải trừng trị theo quy định của pháp luật thôi
Trả lờiXóa