VN đang bỏ sót công trình "tầm cỡ quốc tế"?
Tuần VNN - Đừng vì bức xúc với “tệ nạn” sính bằng cấp, háo danh vị… mà vội vã đưa những thông tin chưa được xác thực, khuếch trương quá đáng, vượt quá tầm thực tế của những nhà phát minh mộc mạc đáng yêu ấy.
Sau hàng loạt cuộc tranh luận, mổ xẻ, đến lúc này, câu chuyện nhà sáng chế nông dân Bùi Khắc Kiên và công nghệ “lò đốt rác phát điện” đã hạ nhiệt. Với sự “tung hứng” kịp thời và đa chiều của các diễn đàn, sự nhanh nhạy của báo chí, chuyện anh nông dân Thái Bình làm ra “nhà máy điện” đã được điều chỉnh dần đến gần với sự thật.
“Mốt” khuếch trương
Nhưng qua câu chuyện này, một lần nữa dư luận lại đặt một dấu hỏi lớn về giới hạn thông tin, sự “a dua” của dư luận…
Bởi, một khi căn bệnh hàng vạn “tiến sĩ giấy, tiến sĩ dởm” vốn dĩ vẫn gây nên sự bức xúc không nhỏ thì chỉ cần xuất hiện một vài hiện tượng “nhà sáng chế nông dân” là sự bức xúc đó có thể dễ dàng biến thành đề tài để dư luận châm biếm, chế nhạo. Mà đích đến không chỉ là các nhà khoa học mà nhiều khi là chính các nhà sáng chế kia.
Và từ đó, truyền thông tạo cho mình một nguyên cớ, để rồi khuếch trương thổi phòng các “phát minh, sáng chế” của nông dân, thợ thủ công, thợ cơ khí, những người lao động bình thường… tạo hiệu ứng cộng hưởng từ các mạng xã hội. Rồi sự thật cũng bắt đầu từ những diễn đàn đó sáng tỏ dần dần.
Ví dụ, chỉ cần lướt qua các phương tiện truyền thông hay trên các diễn đàn đình đám, người đọc sẽ cảm thấy ngơ ngác, giật mình bởi những tựa đề rất “kêu” như là “Nông dân làm nhà máy điện: Sở Thái Bình cấm cho an toàn”, “Thảm cảnh lò đốt rác phát điện: Sở Thái Bình chủ quan”, “Nông dân Thái Bình làm nhà máy điện, cạnh tranh với EVN”, “Thảm cảnh lò đốt rác phát điện: Người Nhật thấy ngọc”, “Lò đốt rác ông Kiên: Địa phương mất, người ngoài… hưởng ngọc thay”,“Doanh nghiệp ca ngợi, muốn hợp tác làm lò đốt rác ông Kiên”…
Thoạt nhìn qua, những thông tin như vậy khiến người đọc sẽ vô tình suy nghĩ thiếu thiện cảm về trách nhiệm của những nhà quản lý, và có cảm giác y như rằng Việt Nam đang bỏ sót, đánh rơi… một “công trình khoa học” có tiếng vang, mang tầm quốc tế.
Nhìn theo hướng tích cực, phải thừa nhận một thực tế rằng nước ta có một lực lượng hùng hậu mang “học hàm, học vị” cao nhưng hình như phần lớn chưa sáng tạo, sáng chế được nhiều công trình tương xứng.
Điều này không cần dẫn chứng thêm bởi báo chí đã đề cập quá nhiều, và vì thế, báo chí “có quyền” chọn cho mình những cách tác nghiệp “phản biện, góp bàn” khác nhau, thậm chí là hài hước, chê bai… để truyền tải những thông điệp nhằm đổi mới, xây dựng xã hội ngày càng hoàn thiện, tốt đẹp hơn.
Nhưng cũng không vì bức xúc quá với “tệ nạn” sính bằng cấp, háo danh vị… mà vội vã đưa những thông tin chưa được xác thực, khuếch trương quá đáng, vượt quá tầm thực tế của những nhà phát minh mộc mạc đáng yêu ấy. Biết rằng, khi dừng lại ở những thắc mắc “bên ngoài” nó sẽ gợi mở ra nhiều góp ý nhẹ nhàng sâu xa, nhưng nếu thẳng thừng đi “sâu” quá… lại đụng chạm đến những vấn đề khó nói, mang tính cốt lõi.
Bệnh bằng cấp chung quy cũng là lỗi của toàn hệ thống xã hội, của quan niệm văn hoá truyền thống lâu đời và ngay tại cơ chế hiện tại.
Chức năng kiểm chứng, đánh giá thông tin?
Ừ thì, cái “lò đốt rác phát điện” có một lần duy nhất làm nhấp nháy 7-10 bóng đèn 100 W trong vòng 2-3 phút, như vậy thì làm sao mà… cạnh tranh nổi với EVN.
Ừ thì, cái “lò đốt rác phát điện” với chức năng chính là đốt rác, nhưng nhìn cái ống khói đen khịt, bụi khói mù mịt kia lại là một minh chứng rõ ràng cho việc… gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ừ thì, cái “lò đốt rác phát điện” có nhiệt độ lò 1600-2000 độ C… sẽ rất mâu thuẫn khi nó được vận hành từ những vật dụng, thiết bị được kết hợp, cộng hưởng lại không quy chuẩn, không đồng bộ như lò rèn cũ, thùng phi, bao tải, rẻ, quần áo rách…
Ừ thì, cái “lò đốt rác phát điện” đã khiến người Nhật phải đích thân tìm đến, và người Nhật đã vui mừng khi tìm thấy “ngọc”, nhưng… không biết đến bao giờ người Nhật ấy sẽ “vội vã” mua “bản quyền công nghệ” quý như “ngọc” ấy.
Ừ thì, người phát minh ra cái “lò đốt rác phát điện” do mức độ hiểu biết của mình, do lúc vui vẻ cao hứng có thể nói thêm nói bớt, nói quá lời về “đứa con tinh thần” của mình thì trách nhiệm của truyền thông ngoài việc đưa khách quan, trung thực còn có một chức năng vô cùng quan trọng là kiểm chứng, đánh giá thông tin.
Hiện tượng người nông dân Bùi Khắc Kiên và phát minh “lò đốt rác phát điện” cũng như hiện tượng những nhà nông dân khác trong cả nước có niềm đam mê tìm tòi sáng tạo… là chuyện quá đỗi bình thường trên thế giới.
Dù thành công hay thất bại, họ cũng xứng đáng nhận được lời khen ngợi, và hãy biết trân trọng sự tìm tòi của họ. Trong cuộc sống mưu sinh đời thường, những ai yêu khoa học, chịu khó tìm hiểu, mày mò và nhiệt huyết đều có khả năng tự làm ra những sản phẩm tiện ích cho chính bản thân mình và nếu có thể… sẽ giúp ích được cho cả nhân loại.
Trong khi đó, thông tin về sự việc đôi khi rất mâu thuẫn. Công nghệ “lò đốt rác phát điện” khi được xưng tụng là một phát minh “ngọc” và lúc lại được đem ra mổ xẻ, rằng công nghệ đó… hoàn toàn cũ rích. Biện pháp ngay bây giờ là làm sao giúp người nông dân kia cân bằng lại trạng thái của mình, hướng dẫn, giải thích cho “nhà sáng chế” ấy thấy được tác hại đã và sẽ xảy ra đối với môi trường, đối với những người xung quanh nếu cứ tiếp tục duy trì cái “quy trình” nổi tiếng ấy.
Ca ngợi người Nhật là một điều không thừa, họ luôn tìm thấy “ngọc” bởi thái độ đúng mực, nghiêm túc, có trách nhiệm đối với khoa học kỹ thuật nước nhà. Mới đây, ngài thủ tướng Nhật còn có một đề xuất thú vị khi đưa ra ý tưởng cuộc thi “Olympic người máy”. Ông nói rằng “năm 2020, tôi muốn quy tụ tất cả robot trên thế giới đến để tổ chức một Olympic cho các người máy thi thố kỹ năng với nhau”. Trong khi đó, các nhà khoa học thứ thiệt của Việt Nam vẫn loay hoay câu hỏi “vô cùng khó” là làm sao có thể công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chỉ còn 06 năm nữa thôi, cũng tức là năm 2020, cái mốc “ước ao” Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp, mà đã là nước công nghiệp thì các phát minh đều phải là thứ thiệt.
Nhưng muốn có những phát minh thứ thiệt thì trước hết… cũng cần có những người làm truyền thông thứ thiệt. Vì chỉ có những người làm truyền thông thứ thiệt mới có thể phát hiện ra… những phát minh thứ thiệt.
Đọc bài viết của tác giả tôi mới hiểu rõ việc này chứ việc này tôi cũng đã đọc qua trên mạng nhưng lại hiểu ngược lại so với tác giả. Nếu không được đọc bài này như tôi thì không biết bao nhiêu đọc giả sẽ bị đảo lộn thực hư đây! Đến bao giờ thì ngành báo chí mới quản lý được hết thông tin của mình? Đến bao giờ thì người dân sẽ được tiếp cận một cách nhanh nhất và chính xác nhất đến thông tin?
Trả lờiXóa