Chia sẻ

Tre Làng

HOÀNG SA ĐẤT NƯỚC TA ƠI! - MỘT BÀI THƠ HAY, GIẢN DỊ, SÂU SẮC VÀ ĐỘC ĐÁO

LâmTrực@

Bạn đọc Đặng Văn Thơi, Giáo viên Trường THCS Yên Hòa - Yên Mĩ - Hưng Yên (Thư điện tử: dangthoi84@gmail.com) đã gửi đến Tre Làng bài phê bình văn học rất hay. 

Bài viết nói về cảm nhận của tác giả đối với bài thơi "Hoàng Sa đất nước ta ơi" của Bùi Khắc Phúc. 

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:

(Nhân đọc bài thơ Hoàng Sa đất nước ta ơi! của nhà thơ, nhà giáo Bùi Khắc Phúc)

Tôi là một giáo viên dạy Ngữ văn và yêu thích văn chương nên thường xuyên đọc các báo, tạp chí văn nghệ. Nếu mua được báo in là rất tuyệt còn không thì phải đọc trên các trang mạng. Trong ngàn vạn các nhà thơ nhà văn và tác giả có tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm văn nghệ, tôi có cảm tình đặc biệt với một nhà thơ có tên (hoặc bút danh) là Bùi Khắc Phúc. Tôi chú ý đến vị này một phần bởi anh là một nhà giáo như tôi, hiện anh công tác tại Gia Lai, phần lớn là bởi những tác phẩm của anh có một cái gì đó rất đặc biệt khiến tôi lưu tâm. Điều đặc biệt đầu tiên tôi muốn nói đến là tác phẩm của anh thỉnh thoảng mới xuất hiện, chứ không “ồ ạt” như nhiều nhà thơ nhà văn khác; cái đặc biệt thứ hai là bài nào của anh xuất hiện tôi đều cảm thấy “thích đọc” và “có nhu cầu lưu trữ” (ghi chép, đọc thuộc). Thơ anh nhiều bài có “tứ” rất đặc biệt, nó vừa lạ vừa quen, có những bài thì “tứ thơ” chắc chắn là “lạ 100%”, ví như bài thơ Em ơi còn đất không em chẳng hạn. Thơ anh ngắn gọn, súc tích, tình cảm chân thành thắm thiết, câu từ giản dị gần gũi nhưng không hề giản đơn, ý tứ mới lạ, đặc sắc… Truyện của anh bám sát cuộc sống, lời lẽ sắc bén, đôi khi thái độ lạnh lùng khách quan nhưng ẩn chứa bên trong là một tâm trạng chứa chan tình đời, tình người. Cũng giống như thơ, truyện của anh ngắn gọn, súc tích, đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống. Có những truyện chỉ vỏn vẹn hai trang giấy nhưng đề cập đến hàng loạt vấn đề nhức nhối của xã hội kim tiền rồi kết thúc bất ngờ đầy tính nhân văn sâu sắc… Anh viết cả phê bình, nghiên cứu, lý luận văn học nữa. Đã có lần tôi được đọc bài của anh in trong sách của Nhà Xuất bản Giáo dục. Phê bình của anh đôi khi hài hước nhưng luôn mang tính hàn lâm rõ nét với giọng điệu sắc sảo, kiến thức uyên bác và cái nhìn khác lạ; nó lại được pha chút “thơ” thành thử phê bình của anh mang màu sắc “hàn lâm lãng mạn”. Để tổng kết và trao giải Cuộc thi Viết về Văn học Cách mạng Việt Nam, trong bài viết Thắp sáng tâm hồn, thắp sáng tài năng đăng trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 01 (115) năm 2006, PGS.TS Lã Nhâm Thìn (Trưởng Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội I - Trưởng Ban Tổ chức - Trưởng Ban chấm chung khảo) đã nhận xét về phê bình nghiên cứu văn học của Bùi Khắc Phúc thế này: “Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu) thêm lấp lánh màu ngũ sắc khi khúc xạ qua lăng kính lãng mạn của người nghiên cứu…” và “Đã có thêm một cảm nhận về Mảnh trăng cuối rừng với cái nhìn khác lạ…

Mới đây tôi có dịp đọc bài thơ Hoàng Sa đất nước ta ơi! của anh. Lại thêm một đứa con tinh thần nữa của anh mà tôi được đọc. Bài thơ đăng trên các báo, tạp chí, Website văn học nghệ thuật ở trong - ngoài nước và được nhiều người yêu thích. Tôi thấy có nhiều người còn ủng hộ việc đề nghị Bộ Giáo dục đưa bài thơ này vào Sách Giáo khoa. Theo quan điểm của tôi thì một bài thơ để đưa vào SGK phải có giá trị lâu bền về nhiều mặt, có giá trị giáo dục cao, đặc biệt là khả năng giáo dục về tình yêu quê hương đất nước và con người, có giá trị nhân đạo sâu sắc, phải ngắn gọn súc tích mà trọn vẹn, phải gần gũi giản dị dễ hiểu, ý tứ độc đáo, tình cảm thiết tha chân thành và đằm thắm. Bài thơ này xứng đáng được đưa vào SGK bởi những nhẽ trên. Mặt khác, người Trung Quốc bấy nay họ theo đuổi dã tâm “gieo rắc vào tư tưởng của tương lai những ảo tưởng tanh tưởi, phi nghĩa” khi họ đưa lãnh thổ Việt Nam và Hoàng Sa của Việt Nam vào sách vở của họ, thì việc ta đưa Hoàng Sa đất nước ta ơi! của Bùi Khắc Phúc nói riêng, thơ ca nhạc họa về Hoàng Sa của văn nghệ sĩ ta nói chung vào SGK là việc làm cấp thiết. Làm được vậy thì không những dân ta mà năm châu bốn biển đều thấy rằng: Hoàng Sa - đứa con yêu của mẹ Việt đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép là một hành động trái ngược với lương tri của loài người và tâm nguyện của Thiên - Địa (trời, đất)!

Tôi viết bài phê bình này vì tôi yêu mến một con người có tấm lòng và tài năng, một phần không nhỏ là vì một bài thơ hay có giá trị lớn về văn học và chính trị và, tất cả vì Hoàng Sa thân yêu.

Thơ viết về Hoàng Sa dĩ nhiên là không thể ít. Nhưng không phải tất cả đều có được cái “tứ thơ” và cái nhìn như tác giả Hoàng Sa đất nước ta ơi!. Ấn tượng về bài thơ đầu tiên đối với tôi là ở cái tên. Đó là một tiếng gọi thiết tha, chân thành và trìu mến. Đó như là một khởi đầu của lời tâm sự, giãi bày. Đọc cái tựa đề bài thơ, tôi chợt nhớ đến những tiếng trẻ thơ nũng nịu gọi mẹ “Mẹ ơi!”. Và, sau tiếng gọi là những giãi bày lòng mình : “Mẹ ơi! Con…”, “Mẹ ơi…Mẹ à…”…

Chỉ mới đọc tiêu đề bài thơ thôi ta đã thấy chất chứa tâm tình. Tình thơ đã nở hoa ngay từ cái tên. Tài thật! Cánh cửa đã hé mở để người đọc bước vào thế giới của xúc cảm thiêng liêng lung linh huyền ảo. Mới cái tên thôi mà đã “neo” được vào lòng người. Đó là chân lý trường cửu của sáng tạo thi ca.

Ta hãy nghe nhà thơ giãi bày tâm sự sau tiếng gọi thiết tha “Hoàng Sa đất nước ta ơi!” :

Thuở xa lắc mẹ sinh con ra
Trong nhọc nhằn đớn đau khổ ải
Cửu Long xanh, sông Hồng đỏ ối
Sữa trong lành nuôi dưỡng đời con.

Lại một bất ngờ thứ hai: tôi chưa được đọc hết những bài thơ về Hoàng Sa, cả những bài hát nữa. Nhưng cũng không phải là ít. Bấy lâu nay ta quan niệm Hoàng Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Và vì thế, khoa học thì không nói làm gì, nhưng nghệ thuật có thể cũng chỉ có cái nhìn Hoàng Sa như là một bộ phận cấu thành cái chỉnh thể Việt Nam. Đó là điều hiển nhiên đã ghi trong “sách trời”. Điều đặc biệt thứ hai của bài thơ, tôi muốn nói ở đây chính là cái nhìn của tác giả. Không phải Phúc không biết những nhẽ trên, nhưng anh lại nhìn thấy cái mà không phải ai cũng dễ dàng thấy được, anh nghĩ cái không phải ai cũng nghĩ được. Tôi khẳng định rằng, anh nói một cách ẩn dụ đất liền Việt Nam là “Mẹ” và quần đảo Hoàng Sa là “Con” là một điều thú lắm, vì rất mới lạ, táo bạo và sáng tạo. Cái mà tôi và có lẽ là nhiều người chưa bao giờ thấy?
Mở đầu bài thơ anh hạ ngay một sự thật và chân lý sáng ngời: “Thuở xa lắc mẹ sinh con ra”. Rõ là, thời gian ở đây là thời gian có tính chất phím chỉ. Xa lắc xa lư rồi. Lâu lắm rồi. Có thể là lâu hơn rất nhiều như thời gian trong các tài liệu khoa học nói về lịch sử của Hoàng Sa (ở đây chỉ là tương đối - tôi không có ý so sánh).

Lại một điều bất ngờ thứ ba ùa đến. Đứa con rứt ruột sinh ra trong nhọc nhằn đớn đau khổ ải lại được nuôi nấng và giáo dưỡng bằng dòng sữa Cửu Long xanh mát cùng dòng sông Hồng đỏ ối! Táo bạo thật. Sáng tạo thật. Một sự sáng tạo táo bạo nhưng rất phù hợp (xin các nhà địa lý học, địa chất học đừng hiểu nhầm). 

Khi ta đọc đến:

Con lớn khôn con thành tráng sĩ;
Con ra canh biển lớn quê nhà;
Không xa ngái lòng con luôn có mẹ;
Tuy rất gần lòng mẹ mãi bên con.

thì sự bất ngờ càng ngày càng lớn dần. Cái câu “Con ra canh biển lớn quê nhà” quả thật “tầm cỡ” quá đi mất! Tôi quả quyết rằng, thơ ca nhạc họa cổ kim đông tây về Hoàng Sa chưa thấy ai quan niệm như thế. Hoàng Sa sừng sững hiên ngang giữa trùng khơi kia qua con mắt nhà thơ như một người con vừa rời ngực ấm của mẹ Việt ra canh giữ biển trời quê hương. Ấy thế mà, hai trái tim, hai tấm lòng vẫn mãi bên nhau, không một sức mạnh nào cản nổi: “Không xa ngái lòng con luôn có mẹ; / Tuy rất gần lòng mẹ mãi bên con.”.

Bất ngờ lại nối tiếp bất ngờ, khi :

Bốn ngàn năm đằng đẵng cuộc vuông tròn
Trăm bão táp, ngàn đạn bom máu lửa
Có mẹ có con và còn có nữa
Triệu cha ông đau đáu Lạc Hồng.

Trong mối quan hệ với đất liền, nhà thơ không nhìn Hoàng Sa một cách hàn lâm như biết bao tài liệu khoa học khác khi khẳng định chủ quyền khai thác Hoàng Sa của ta là không ai phủ nhận được (các vua Lê, chúa Nguyễn cho người ra khai thác và bảo vệ Hoàng Sa…). Không phải nhà thơ không biết điều này nhưng anh có một chiều sâu tư tưởng. Dưới con mắt và trái tim tác giả, Hoàng Sa đã gắn bó cùng Đất Mẹ tự thuở khai thiên lập địa mà tác giả gọi là “thuở xa lắc” kia. Bốn ngàn năm đau thương và hào hùng của người mẹ Việt luôn có đứa con yêu Hoàng Sa sát cánh cùng “triệu cha ông” một nỗi lòng mãnh liệt và dai dẳng (“đau đáu”) hướng về nguồn cội “Lạc Hồng”. Thật xúc động biết bao! Ngọn nguồn của thi ca đích thực chính là ở đó.

Mỗi khổ thơ là một câu chuyện lý thú. Nếu khổ đầu nói về quá trình sinh thành giáo dưỡng của mẹ Việt dành cho “đứa con yêu” Hoàng Sa; khổ thứ hai nói về quá trình trưởng thành của “đứa con yêu”, trách nhiệm của Con đối với quê hương và mẹ Việt; khổ ba nói về sự gắn bó cảm động giữa Mẹ - Con - Cha ông trong trường lưu lịch sử thì khổ thứ tư là sự tổng kết hiện tại với hơi thở của hào khí Đông A ngút trời:

Tiếng Bác Hồ vang vọng khắp non sông
Ngọn cờ Đảng tung hoành ngang dọc
Quét sạch hết lầm than khó nhọc
Con lại về bên mẹ yêu thương.

Tôi đọc trên mạng thấy có người chê hai câu “Tiếng Bác Hồ vang vọng khắp non sông / Ngọn cờ Đảng tung hoành ngang dọc” nghe quen quen!?! Thì là vậy nhưng nhằm nhò gì. Giá trị một bài thơ đâu chỉ nằm ở một hai câu hay một vài từ ngữ (cũng có trường hợp vì thế mà giảm giá trị tác phẩm. Bài thơ này không vậy). Cái “lung linh” của bài thơ toát lên từ tất cả. Tự nó “sáng” đấy! Căn ke mà nói, Phúc chứ tài bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng vậy mà thôi, bởi vì : tiếng Bác Hồ không vang vọng khắp non sông thì vang vọng ở đâu? Không phải tiếng Bác Hồ vang vọng khắp non sông thì tiếng của ai có thể vang vọng khắp non sông? Ngọn cờ Đảng không tung hoành ngang dọc sao được? Cái gì có thể thay ngọn cờ Đảng tung hoành ngang dọc?... Vả lại, để có thể có được sức mạnh vô song để “quét sạch hết…” thì phải có những hành động phi thường (“tung hoành ngang dọc”). Không là Đảng thì liệu có làm nổi không!? Vậy những câu trả lời cho những câu hỏi trên liệu có thể không cảm thấy “quen quen” được không!? Đó là chưa kể “tung hoành ngang dọc” là một thành ngữ. Thành ngữ thì ắt phải “lạ” sao?? Hơn nữa, trong thời buổi “nhà thơ như nấm sau mưa, thơ văn như lá mùa xuân” thì việc có câu nghe hơi quen quen thì có gì mà phải vặn vẹo vụn vặt (dĩ nhiên không chấp nhận việc sao chép. Phúc không bao giờ làm vậy. Đó là sự phỉ nhổ kinh tởm đối với người làm nghệ thuật. Đó là tự sỉ vả lăng nhục bản thân. Anh dại gì làm thế và chưa bao giờ làm thế. Tôi đọc nhiều thơ anh, tôi biết.). 

Nếu là người mới bắt đầu tọc mạch viết lách và non tay thì bài thơ như thế đã kết. Như vậy cũng là được lắm rồi. Nhưng với kinh nghiệm của mười lăm năm cầm bút đã tạm gọi là “chắc tay” nên Phúc đã “chốt”:

Hoàng Sa đó - nước Việt Nam ta đó,
Có bao giờ Con rời Mẹ được đâu!.

Lại một bất ngờ lớn nữa khi ta nghe vị chủ tọa “đập búa” kết luận một cách sáng suốt: “Hoàng Sa đó - nước Việt Nam ta đó”. Anh nhắc lại “sách trời” thật hào sảng.

Tiếp lời khẳng định trong “sách trời”, thi sĩ “bồi” thêm một chân lý vĩnh cửu “bất khả dịch” (không thể chuyển): “Có bao giờ Con rời Mẹ. Mẹ ơi!”. Vậy thì người Trung Quốc cũng đến “muối mặt” khi trơ trẽn giành giật Hoàng Sa từ tay nước Việt ta!

Bài thơ khép mà lại mở. Phần thắng luôn thuộc về chính nghĩa và tình người. Nghĩa là thuộc về Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vậy mà tôi vẫn chưa hết bất ngờ. Bài thơ chồng chất bất ngờ trong tôi. Hãy đọc những dòng sau ở phần hoàn cảnh sáng tác bài thơ: “Viết trong một đêm (07/5/2014) không ngủ được vì căm phẫn trước việc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp Quốc tế và luật nhân phẩm con người (vào lúc 16 giờ ngày 02/5/2014, tầu Trung Quốc có máy bay yểm trợ đã ngang ngược hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ Hai Yang Shi You 981 - Việt Nam gọi là HD 981 - trong hải phận nước ta tại tọa độ 15 độ 29’58’’ vĩ Bắc -111 độ 12’ 06’’ kinh Đông, thuộc khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa của nước ta. Man rợ hơn khi chúng nổ súng bắn liên hồi, dùng vòi rồng công suất lớn phun nước, lao thẳng tầu vào tầu cảnh sát biển, tầu kiểm ngư và tầu đánh cá của ta; làm tầu ta hư hỏng nặng; làm cán bộ, chiến sĩ và ngư dân ta bị thương).”

Không ngủ được vì căm phẫn ác quỷ mà làm thơ. Hẳn nhà thơ phải quằn quại lắm trước một nỗi đau thời đại. Chắc trong sự kiện giặc Tàu hạ giàn khoan trái phép, Phúc là một trong những người “đau nhất Việt Nam” (anh viết liền một chùm ba bài mà bài nào cũng hay, xúc cảm dâng tràn, lời thơ giản dị sâu sắc và ý tứ độc đáo. Ngoài Hoàng Sa đất nước ta ơi! còn có Kính gửi ngài Tập Cận BìnhNếu chúng ta không bắt tay nhau). Có thể anh đã thức trắng đêm vì hai tiếng “Tổ quốc” thân thương. Bất ngờ ở chỗ, bài thơ sáng tác trong tâm trạng đớn đau căm phẫn mà lời thơ lại nhẹ nhàng trầm ấm đến thế. Nếu căm phẫn thì rất dễ “nổi đóa”, nhưng không, vì anh đang làm cái việc của một vị chủ tọa trong một phiên tòa lương tâm và công lý. Anh phải rất tỉnh táo và sáng suốt trong tâm trạng đớn đau để phán quyết một cách công bằng. Và anh đã phán xét rất công bằng.

Bài thơ thực sự đã tổng kết cho lịch sử Hoàng Sa, đồng thời nó cũng góp phần cùng thơ ca dân tộc tổng kết lịch sử đất nước.

Thơ viết về Hoàng Sa không phải là ít, nhưng ngoài cái mà tất cả những bài thơ viết về Hoàng Sa đều có đó là xúc cảm mãnh liệt chân thành, tình thơ dạt dào thì Hoàng Sa đất nước ta ơi của Bùi Khắc Phúc còn trội hơn những bài khác ở chỗ : rất ngắn gọn súc tích nhưng rất đầy đủ; nó là sự “trọn vẹn cho Hoàng Sa” và góp phần làm “trọn vẹn dân tộc”; cái nhìn khác lạ, tưởng chừng rất quen mà “chưa gặp bao giờ”; lời thơ gần gũi, giản dị mà sâu sắc; tứ thơ, ý thơ độc đáo…

Tôi yêu thơ Phúc nên đọc thơ anh tương đối hòm hòm. Nói về giọng điệu thơ Phúc, tôi xin nói chỉ một câu thôi: rất thực tế nhưng rất lãng mạn. Đó là một phong cách. 

Giá trị nội dung và nghệ thuật của văn chương đích thực là vô bờ bến. Chúng ta có tìm kiếm bao nhiêu vẫn không thể cạn. Tất cả những điều trong bài viết này mới chỉ là một phần trong kho giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, phần còn lại xin dành để các bạn yêu thơ văn khám phá. Nhưng xin tâm sự là thú vị lắm đấy! Còn giờ, xin mượn lời của hai trong số hàng trăm lời nhận xét về bài thơ của Phúc trên mạng để kết thúc bài viết này: “Không cần dài dòng rắc rối, ngắn gọn súc tích mà đầy đủ, có tính khái quát cao, không cần chửi này bới nọ, cũng không làm xiếc ngôn từ, chỉ có trái tim chân thành và lý trí sáng suốt, trong một đêm khuya, anh Phúc đã viết nên một “bản tuyên ngôn chủ quyền” cho Hoàng Sa.” (Minh Lương Văn) và “Nhẹ nhàng mà thấm thía, bài thơ như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc và dừng lại ở những cảm xúc trào dâng về Hoàng Sa thân yêu. Ý thơ, tình thơ đều đủ nặng để chinh phục trái tim người đọc. Chúc mừng tác giả trẻ Bùi Khắc Phúc. Mong được đọc nhiều sáng tác mới nữa của anh” (Duong Van Muu Duong)./. 

Đặng Văn Thơi
Giáo viên Trường THCS Yên Hòa - Yên Mĩ - Hưng Yên.
Thư điện tử : dangthoi84@gmail.com

12 nhận xét:

  1. đúng là giá trị một bài thơ đâu chỉ nằm ở một hai câu hay một vài từ ngữ, cũng có trường hợp vì thế mà giảm giá trị tác phẩm những đấy là những siêu phẩm của những nhà đại thi hào thôi, chứ còn bây giờ thì văn con cóc còn được chấp nhận nữa là chỉ sai vần một tí hay nghĩa không trơn một tí mà chê cả bài được, nếu thích thì góp ý câu nào hay hơn là được

    Trả lờiXóa
  2. Thuở xa lắc mẹ sinh con ra
    Trong nhọc nhằn đớn đau khổ ải
    Cửu Long xanh, sông Hồng đỏ ối
    Sữa trong lành nuôi dưỡng đời con.
    công nhận tác giả viết ẩn dụ hoàng sa là con của đất mẹ tổ quốc quả là hay, rất chất với ý nghĩa xâu xa, con thì không bao giờ bỏ được cha mẹ mình rồi, sớm hay muộn thì con cũng sẽ về với vòng tay mẹ hiền mà thôi

    Trả lờiXóa
  3. quả đúng là một bài thơ để đưa vào SGK phải có giá trị lâu bền về nhiều mặt, có giá trị giáo dục cao, và cần rất nhiều yêu cầu khác nữa, chỉ cần sai sót thôi cũng đủ để chết tiền đi sửa rồi, ví như truyện cổ tấm cám giờ cũng có lý luận chống đối tư tương cũ nữa là một bài văn mà chân ướt chân ráo ra đời, rất dễ bị vạch lá tìm sâu, bài thơ chỉ dừng lại ở mức khen ngợi thôi là đủ rồi

    Trả lờiXóa
  4. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Từ trước đến nay vẫn thế, tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc đã luôn ở trong tiềm thức và tâm trí của người dân Việt Nam; tình yêu đó còn đi vào thơ văn, thơ ca. Đã bao nhiêu thế lực thù địch nhăm nhe Việt Nam vì muốn nhằm vào biển đảo của Việt Nam và đã phải thất bại ê chề. Ngày trước đã vậy, hôm nay cũng sẽ vậy, dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo đến cùng

    Trả lờiXóa
  5. Bây giờ để có được bài thơ hay và ý nghĩa rất ít, toàn kiểu thơ con cóc là nhiều, để có bài thơ ý nghĩa như thế này thì người làm thơ rất sâu sắc, cần phát huy hơn nữa và phát triển rộng cho mọi người biết đến, nhất là giới trẻ

    Trả lờiXóa
  6. Dạo này tre làng hơi ít bài mới :)

    Trả lờiXóa
  7. Đặng Văng Thời, Tuyên Huấn viên thất nghiệp dạt về Hưng Yên08:27 10/9/14

    Đầu óc chuyên lo cơm áo gạo tiền, mặc dù theo lệnh phải làm chứ cơ lào óc não vận động viên phọt được bài.

    Loạn nẫu rùi còn biên ắt chẳng za mẹ giề.

    Các tác phẩm văn học thời thổ tả nên độc như:

    Đêm giữa ban ngày, Trần Dân Tiên tự sướng, Nhật ký trong tù đạo thơ TungKua, Đèn Cù Mông, Việt Nam tôi đâu, Lê Văn Tám - anh khùng đuốc sống, La Văng Cầu - sống mãi cái tên anh, Đất nước đứng lên, Rừng Xà nu - một thời thổ tả, ăn lông ở lỗ theo định hướng của Ngài, Các văn kiện định hướng sau 1986 - thổi gió lên cho thuyền lật, ... Ôi mẹ kiếp văn hóa nhừ lồn trâu ...

    Trả lờiXóa
  8. vấn đề tranh chấp trên biển đông đang ngày càng có những diễn biến phức tạp.và đề tài về tình yêu quê hương biển đảo đã được nhiều tác giả sáng tác,nó thể hiện tinh thần yêu nước bất diệt của dân tộc và nhân dân VIệt Nam,nó vốn dĩ đã tồn tại từ xa xưa rồi.mong rằng sẽ có nhiều bài viết hay như vậy nữa.

    Trả lờiXóa
  9. đó là một việc làm đúng đắn và cần thiết trong thời điểm này.vấn đề tranh chấp trên biển đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp.những gì mà trung quốc đang làm là không thể chấp nhận được.chính vì thế việc thể hiện lòng yêu nước cũng như tình yêu quê hương biển đảo của người dân Việt Nam phải được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  10. Một bài thơ quá hay, ngắn gọn, xúc tích. Đúng là tâm huyết, tình cảm của một người con đất Việt.

    Trả lờiXóa
  11. Tôi thấy qua sự kiện hoàng sa trường sa mới hiểu được tấm lòng yêu nước của người dân ta cao như thế nào, chắc cũng chính vì điều này mà Mỹ phải chịu thất bại trước quân và dân ta đây, ở quê tôi có một ông 65 tuổi ông ta bảo ông ta bảo ông ta sẽ sẵn sàng đi theo lệnh tổng động viên nếu như nhà nước ban hành tổng động viên, chỉ thế thôi cũng đủ cho lũ trẻ như tôi thấy khâm phục và có ý chí xây dựng và bảo vệ tổ quốc rồi

    Trả lờiXóa
  12. Một bài thơ quá hay, ngắn gọn, xúc tích. Đúng là tâm huyết, tình cảm của một người con đất Việt. có thể thấy, sau sự kiện trung quốc đưa HD981 ra biển đông và vào vùng kinh tế của nươc ta mới thây được tinh thần yêu quê hương đất nước của chúng ta nó cao như thế nào tôi tin ràng dù nước ta không có vũ khí mạnh nhưng với lòng yêu nước cao cả đó có thể đánh thắng mọi thế lực

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog