Chia sẻ

Tre Làng

SẾP LUÔN LUÔN ĐÚNG?

Nếu luôn phải tuân theo lời "sếp"

Trần Thị Trường

VNN - Thời đại mới, “linh mục” có thể là bất kỳ ai… Những người đó phải luôn lắng nghe người khác, tôn trọng những khác biệt qua ý kiến (thắc mắc) của họ.

Con tôi làm giám đốc một công ty chuyên sản xuất hàng thêu tay cao cấp. Nhìn sản phẩm của công ty đó, tôi nhận ra vì sao nó có đơn hàng nhiều hơn các công ty cùng thể loại. Không chỉ là sự tinh tế đến từng chi tiết mà còn bởi mẫu mã luôn khác biệt, luôn mới dù là mặt hàng truyền thống. Không những thế giá cả còn chiều lòng những đối tác có tiếng là chặt chẽ như người Nhật, người Mỹ.

Dụng nhân như dụng mộc

Mỗi khi, có dịp, chạm ly với con trai để chúc mừng và có ý khen ngợi, sau tiếng “cách” của chiếc ly thủy tinh, sóng sánh màu hổ phách của rượu, con trai tôi cười khá tự tin: Thành công là cái giá được trả bởi chúng con đã tạo ra sự khác biệt. Trong sự khác biệt về đường lối phát triển của công ty với chủ trương đầu tư sâu, sản xuất và cung ứng những mẫu mã không có, hoặc rất ít đối thủ có khả năng cạnh tranh về giá trị mỹ thuật cũng như các giá trị gia tăng khác, công ty còn cho phép, khuyến khích tất cả những ai có đề xuất mới, mẫu mã mới bằng cách trả thêm tiền.

Việc thành công của con trai khiến tôi giật mình nhớ lại, nếu nó cứ phải nghe theo tôi như trước đây, giống tôi luôn tuân theo những gì sếp của tôi muốn tôi chấp hành, là làm cái gì dễ dễ thôi, giống mọi người thôi, đi theo một cái khuôn có sẵn, không được “chệch hướng”, thì có lẽ công ty của con trai tôi không vượt được giai đoạn khó khăn này của nền kinh tế.

Nhiều người đều hiểu câu nói của tiền nhân: “Dụng nhân như dụng mộc”. Nói rộng ra địa phương hay quốc gia cũng thế, mỗi người là mỗi khác biệt, mỗi địa phương là một đặc thù, mỗi quốc gia là mỗi nền văn hóa. Hiểu, nhưng khi triển khai, hiện thực hóa điều đó không dễ tý nào. Hầu hết các leader (người đứng đầu) đều không thích những người… đặc biệt.

Họ đều hiểu người tài là của hiếm, người tài đem lại nhiều sáng kiến nhưng họ sợ phần sau của câu cách ngôn: “Có tài là có tật”. Làm thế nào để khuyến khích tài mà khắc chế tật là câu hỏi không có nhiều người giải được. Những người giải được đều đưa được cơ hội thành công đến gần với sự nghiệp của mình.

Thời đại mới và “linh mục” mới

Thầy của tôi đã giải câu hỏi đó như thế nào?

Trong doanh nghiệp mà bà phụ trách (vâng, người thầy đó là phụ nữ) có một số người rất nhanh nhẹn, xốc vác nhưng không chuyên sâu. Một số người khác lại rất chuyên sâu về kiến thức nhưng làm gì cũng thận trọng, vì thận trọng nên thường… chậm chạp. Cả hai thành phần đó đều có người ít cởi mở, có người hay thắc mắc… Bà phân loại và có những phân công rõ rệt, cụ thể với từng người.

Đôi khi, bà lấy chuyện thời Tam quốc ra nói: Các bạn hãy tự xét mình, hơn kém người khác ở điểm nào để biết lãnh đạo đãi ngộ các bạn đã đúng chưa? Ai không tự đánh giá được mình và người thì hãy gặp tôi, và chúng ta sẽ trao đổi một cách cởi mở nhé. Bà đặc biệt có chế độ đãi ngộ với những người bà cho rằng có tài hơn bà. Đó là những người rất thạo về công nghệ, và những người có khả năng ứng xử tinh tế trong mọi tình huống, bà gọi họ là cố vấn. 

Những cố vấn của bà đã giúp bà nhìn nhận về phía trước, nghĩa là, nhờ họ bà có thể làm chủ một tương lai gần. Dĩ nhiên, nghệ thuật của bà chính là nghệ thuật dùng người với slogan “tôn trọng khác biệt để phát triển”.

Trợ lý của bà, học ở Anh về, mỗi khi họp cơ quan, cô ấy thay mặt ban giám đốc nhắc lại câu trong Nội quy của Trường Hoàng tử Edward : “Chúng ta cần nỗ lực thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng, một nền văn hóa đề cao sự đa dạng, tôn trọng quyền lợi và sự khác biệt giữa các cá nhân”, vừa nói vừa pha trò để câu nói không làm cho cuộc họp căng thẳng hay có vẻ giáo điều. Là chủ doanh nghiệp tư nhân, lẽ ra bà ấy toàn quyền, nhưng bà ấy lại tạo ra không khí dân chủ rất giỏi. Những thành viên của công ty rất trung thành với doanh nghiệp của bà vì họ nhìn sang các doanh nghiệp khác thấy 02 thứ cơ bản họ được hưởng hơn. Hai thứ cơ bản đó là quyền lợi vật chất và tinh thần.

Trong lần trò chuyện, bà có nói với tôi, bà triệt để học Victo Huygo. Ông từng viết rằng: “ Cửa nhà linh mục không bao giờ được đóng, cửa nhà bác sĩ thì luôn phải mở”. (Hai thành phần chữa bệnh tinh thần và thân xác con người). Bà cười cười, thời đại mới, “linh mục” có thể là ông tuyên giáo, bà chủ tịch phường, anh giám đốc công ty… Những người đó phải luôn lắng nghe người khác, tôn trọng những khác biệt qua ý kiến (thắc mắc) của họ. Đúng thì tiếp thu và sửa ngay. Sai thì giải thích cho họ thấu đáo, không được trù dập. Nghe họ như người “linh mục” tốt nghe tâm sự của họ.

Bà cũng nói với tôi, bà luôn phải lao tâm khổ tứ để kiếm việc thêm cho người dưới quyền, để không phải sa thải ai nếu chỉ vì người đó khác biệt với người khác. Các trợ lý của bà luôn giúp cho bà những con số chính xác về hiệu quả để những đối xử với những khác biệt của các cá nhân, không gây ra xáo trộn trong tập thể. Lựa chọn nhiệm vụ và lựa chọn người phù hợp để thực hiện nhiệm vụ đó luôn là điều quan trọng. Bà bảo: Trời sinh ra tất cả chúng ta không ai giống ai. Nếu như thế giới này tất cả giống nhau thì không có Apple không có Google và Samsung… và thật là tồi tệ. Chính sự khác biệt đã làm nên thế giới.

Đắn đo mãi tôi mới đưa ra câu hỏi: Nếu là một “tổng giám đốc” (cứ gọi thế cho dễ hiểu) của toàn thế giới bà sẽ xử lý thế nào với khác biệt của IS? Nhóm Hồi giáo đang đưa ra những giải pháp đòi sự tôn trọng cho sự khác biệt của họ? Tưởng bà lúng túng, té ra bà vẫn tự tại, nhỏ nhẹ mà nói rằng: “ Không có một chức vụ nào như thế cho toàn thế giới là một sự chứng tỏ, khác biệt cần được tôn trọng. Nhưng nếu hỏi tôi coi sự khác biệt của IS là thế nào thì tôi nói ngay: Trời sinh ra có những con người có những khác biệt quá lớn, vượt khỏi tư duy thông thường đến mức không ai hiểu được họ, và họ cũng không hiểu ai- có thể ví với một dạng của tâm thần vượt ngưỡng. Đó là bi kịch của nhân loại.

Tôi hiểu, bà đã thành công chính vì biết tôn trọng sự khác biệt của cá nhân mỗi người.

2 nhận xét:

  1. những người đang và sẽ dự định làm giám đốc, lãnh đạo hay leader thì nên đọc bài viết này, cái gì mà "dụng nhân như dụng mộc", chúng ta còn phải học từ tiền nhân nhiều thứ nhất là đối nhân xử thế rất nhiều điều hay mà giờ đang dần bị thất truyền thì phải, ví như đi tán gái thôi, nếu mà học được phong thái nho nhã thư sinh ngày xưa thì sát gái phải biết

    Trả lờiXóa
  2. Thời đại mới và phong cách làm việc cũng phải mới dần, tuỳ vào từng công việc thì cách đối nhân xử thế của từng lãnh đạo khác nhau thôi, chúng ta không thể áp đặt tất cả vào một phong cách được, dù cho cách mà tác giả đưa ra ở đầu bài viết là sếp luôn luôn đúng đi thì nó đã tồn tại rất lâu rồi và hầu như ai cũng biết nó có rất nhiều điểm mạnh và thành công rực rỡ, mọi người nên có cách sống của riêng mình để xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog