Ký ức về cô giáo làng của một thời xa lắm
Nhà cô giáo lúc ấy đúng là thiên đường, đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Quây quần bên cô, chúng tôi tìm thấy hơi ấm của một người mẹ.
Mấy hôm nay Bống, con gái tôi hầu như dành toàn bộ buổi tối để nằm bò ra vẽ tranh. Cháu vẽ đi vẽ lại một bức tranh cô giáo cháu mặc áo dài hoa đứng trên bục giảng. Bống bảo con vẽ nhiều bức, bức nào đẹp nhất con sẽ dành tặng cô nhân ngày 20/11… Trước đó, vào ngày 20/10 (Ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam) khi đưa cháu đên cổng trường, nhìn thấy những cửa hàng hoa lưu động, cháu cứ nài nỉ bố mua cho một bó hoa để mang tặng cô giáo. Chiều con, tôi chọn mua cho cháu lẵng hoa to nhất ở đấy. Cô giáo phải như thế nào, con tôi mới dành nhiều tình cảm cho cô như vậy.
Lúc ấy, rõ ràng lắm, tôi nhớ cô. Đấy không hẳn là một nỗi nhớ mà là cảm xúc ấm áp và tiếc nuối về một thời vô cùng trong trẻo tưởng như đã lùi xa lắm lắm.
Từ khi biết dùng email đến giờ, tôi vẫn duy trì hộp thư lập đầu tiên là hộp thư giao dịch chính. Tên cô được dùng làm đáp án cho câu hỏi bảo mật của email. Mỗi lần đi xa, đặc biệt là khi ra nước ngoài công tác, truy cập thường bị trục trặc, khi điền tên cô để trả lời câu hỏi bảo mật: “Tên cô giáo cấp 1 của bạn là gì?”, trong tôi lại trào lên cảm giác vừa ấm áp, buồn buồn và áy náy. Mấy chục năm rồi tôi không gặp lại cô, một cô giáo làng nghèo và có cuộc sống cô độc, nhưng cô là hình mẫu vĩnh cửu đến mức cực đoạn của tôi về một người thầy lý tưởng.
Thế hệ học trò những năm tám mươi đều không thể quên cảnh nghèo khó tiêu điều lúc ấy. Cái nghèo hằn lên từng gia đình, từng cách đi, dáng đứng của mỗi người. Làng tôi chìm trong cái nghèo khó chung ấy. Ra đường nhìn ai cũng cũ kỹ, u tối, âu lo. Người ta có thể giấu được cái giàu, không ai giấu được sự nghèo. Hầu như cả làng chả ai có quần áo lành lặn, chuyện mặc quần áo không vá víu, không có vài miếng tích kê ở bả vai, đầu gối hay mông là điều quá xa xỉ, thậm chí là lập dị.
Thế nên ngày đầu tiên vào lớp 1, nhìn thấy cô đứng trên bục giảng, áo trắng tinh, quần là theo nếp thẳng tắp, mái tóc vấn cao, phong thái vừa nghiêm nghị, vừa dịu dàng, tôi như nhìn thấy hào quang toả ra từ một thế giới khác. Sau này tôi mới để ý, cô chỉ có đúng 2 bộ quần áo như vậy. Đi từ nhà tới trường, mặc dù chỉ hơn 1 cây số, bao giờ cô cũng mặc quần áo vá. Chỉ đến cổng trường, cô mới ghé qua phòng thường trực thay bộ quần áo đã được là ủi nghiêm chỉnh để sẵn trong cặp. Tan lớp, cô lại thay lại bộ quần áo vá trước khi ra khỏi cổng trường. Lên cấp hai, rồi cấp ba, khi về gặp lại cô, tôi vẫn thấy cô chỉ có hai bộ quần áo như vậy, tất nhiên là chúng đã sờn cũ theo tháng năm, nhưng bao giờ cũng được là ủi phẳng phiu, ngay ngắn.
Cô tôi nhanh chóng thuộc tâm tính, gia cảnh, lực học của từng học trò. Đứa nào nhà đứt bữa thường xuyên, luôn luôn chậm tiền đóng học phí, đi học quần áo phong phanh giữa mùa đông lạnh giá. Đứa nào mặc cảm cảnh cha mẹ bất hoà, gia đình ở địa vị thấp kém trong làng. Đứa nào nghịch ngợm, không ngoan… Mỗi đứa cô đều có cách quan tâm rất khéo léo. Vì nghèo nên chúng tôi không có tiền góp giúp các bạn, cô nghĩ ra những cách rất đơn giản như cả lớp đi bắt cá, mót khoai, ngô…, mùa nào thức ấy, gom thành quĩ chung để chia sẻ với các bạn. Ngoài giờ dạy học trên lớp, buổi chiều cô thường tụ tập những đứa học yếu đến nhà dạy thêm, tất nhiên là không thu tiền, cô còn gọi chúng tôi, những đứa học khá hơn đến giúp cô kèm cặp các bạn. Nhà cô lúc ấy đúng là thiên đường, đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Quây quần bên cô, chúng tôi tìm thấy hơi ấm của một người mẹ, điều mà thậm chí nhiều bạn tôi không tìm thấy ở chính gia đình mình.
Đến ngày nhà giáo Việt Nam, chúng tôi hay gom góp tặng cô hoa hái ngoài vườn hay trên những hàng rào cây lá um tùm bên đường làng và những trái cam chua loét trẩy từ vườn nhà muốn ăn được phải cần thêm rất nhiều đường hoặc muối, thậm chí là vài bắp ngô non, vài củ xu hào… Khỏi phải nói niềm tự hào hạnh phúc bừng sáng trong đôi mắt long lanh của cô trước vẻ ngượng nghịu xấu hổ của đám học trò.
Lúc ấy tôi còn quá bé để đọc được nỗi cô đơn sâu thẳm ẩn giấu trong ánh nhìn, tiếng cười của cô. Tôi không hiểu vì sao cô không lấy chồng và cứ ở vậy một mình. Thời ấy, mỗi buổi tối đi qua cổng nhà cô, thấy bóng cô ngồi nghiêng nghiêng soạn bài bên ánh đèn dầu leo lét, tôi chỉ thấy đẹp và ấm áp mà không nhìn thấy một khối cô đơn vĩnh cửu toả ra từ đấy.
Bây giờ cô đã già, các bạn tôi ở quê nói rằng mắt cô đã mờ đục, không còn nhận ra người quen nữa. Ngôi nhà cô ở vẫn không thay đổi, nó trở nên nhỏ bé và lạc lõng giữa một cái làng đang ầm ào vỡ ra thành phố thị…Bây giờ nhiều người nói là khó tìm thấy những người thầy như cô tôi nữa. Mà có lẽ cũng không thể bắt những thầy cô giáo phải tuyệt đối sống như các thế hệ đi trước. Thời thế đã khác rồi, như dòng nước chảy qua cầu không bao giờ dừng lại. Thế nhưng, cách ứng xử của con gái tôi lại tạo ra niềm tin, vẫn còn những người thầy tuyệt vời mang đến tình yêu thương và sự tin cậy, hy vọng cho con trẻ. Bởi vì nếu thầy cô không phải là những người mang đến niềm tin về sự Tử Tế thì chúng ta còn biết tin vào điều gì nữa ./.
Phạm Kinh Bắc/VOV.VN
Những lời nói, cử chỉ dịu dàng của cô vẫn còn hiện hữu trong e, Mấy chục năm trong sự nghiệp trồng người, cô vẫn là cô, không thay đổi, có chăng là mái tóc cô đã ngả màu, dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt đã có nếp nhăn. E nhớ cô nhiều lắm, tự hào về cô.
Trả lờiXóaĐọc bài viết cảm động quá.Cô giáo là người mẹ hiền thứ hai của chúng e.
Trả lờiXóaHình ảnh thầy cô giáo đã bao đời nay được ví với hình ảnh của người lái đò. Những người “lái đò” thầm lặng được xã hội tôn vinh bởi những chuyến đò chở nặng tri thức và đạo đức làm người và lấy sự thành công của học trò làm thành công, làm niềm vui lớn nhất của đời mình. Những người “lái đò” ấy đã lựa chọn cuộc sống thanh bạch, giản dị, gần gũi mà không màng đến danh lợi
Trả lờiXóaLàm nhà giáo chỉ cho mà không bận lòng nghĩ đến nhận, là con ong chăm chỉ xây tổ gom mật cho đời, là cây thân mộc vươn mình trong nắng gió tỏa bóng mát cho người, là kiếp con tằm đến chết còn vương tơ... Ôi! Biết nói sao cho hết nỗi niềm! Chỉ đến khi lớn khôn, bầy học trò nhỏ hôm nay mới hiểu được tình cảm của thầy cô dành cho chúng
Trả lờiXóa"Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" câu nói này ngàn đời xưa đến nay luôn được ghi lòng tạc dạ trong tâm trí mỗi người con Việt Nam.
Trả lờiXóaKhi ở nhà mẹ là cô giáo, lúc đến trường cô giáo như mẹ hiền, trong lòng tôi cô giáo luôn là người mẹ thứ 2 mà tôi yêu thương nhất, người cho tôi bao nhiêu tình thương, và kiến thức để tôi bước vào đời
Trả lờiXóaNhững lời nói, cử chỉ dịu dàng của cô vẫn còn hiện hữu trong e, Mấy chục năm trong sự nghiệp trồng người, cô vẫn là cô, không thay đổi, có chăng là mái tóc cô đã ngả màu, dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt đã có nếp nhăn. E nhớ cô nhiều lắm, tự hào về cô
Trả lờiXóa