Chia sẻ

Tre Làng

VÌ SAO TÔI KHÔNG TRỞ THÀNH GIÁO VIÊN?

Vì sao tôi không trở thành giáo viên?

"Một cô vợ, một con lợn và mấy vồng khoai - đó là tất cả tương lai của chú ở Sơn Tây đấy! Chú suy nghĩ kỹ đi!". Nếu không có mấy dòng đó, tôi chắc đã bước lên bục giảng và ngày hôm nay đang rất chỉnh tề, vui vẻ đón nhận hoa, quà và cả phong bì ngày 20-11.

Tháng 1/1992 chúng tôi tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, lớp hơn 50 người, tan tác về quê, lên rừng xuống biển để tìm việc làm. Sau 1 tháng nghỉ ngơi, tôi đi làm thêm, phụ giúp các cô chú họ đi mua mỳ tôm trên các chuyến tàu Thống Nhất. Công việc của tôi là nhảy tàu đi vào ga Tân Ấp (Quảng Bình) đón các chuyến tàu từ miền Nam ra, nhận các thùng mỳ tôm đã được các cô chú đặt hàng, áp tải về ga Vinh và chuyển xuống. Công việc không có gì vất vả, ngoại trừ việc nhảy từ trên đoàn tàu đang chạy xuống ga Tân Ấp, cũng có 1 vài lần ngã dúi dụi vì tàu chạy nhanh thôi.

Sau 3 tháng đi làm thêm, bắt đầu từ tháng 6/1992 tôi vào thử việc tại Báo Nghệ An. Năm đó Báo Nghệ An nhận sinh viên vào thử việc với rất nhiều người giỏi: Sơn (con trai nhà văn Thạch Quỳ); Nguyên Anh (con trai nhà báo Lan Xuân - TTXVN); Vĩnh (con trai nhà báo Trần Cẩm - Đài TH Nghệ An); Tú - Tổng hợp Sử 32; Ngân - Tổng hợp Văn K28, tôi và 1 -2 người nữa không nhớ rõ. Sau 3 tháng thử việc, chạy long cong suốt ngày từ Vinh ra Nghi Lộc để viết tin bài, tôi bị out. Đang chán đời thì cô bạn Nguyễn Tuyết Mai (PGĐ - Trung tâm Tin VOV) nhắn tin bảo ra Hà Nội đi, Trường sỹ quan Hậu Cần đang tuyển giáo viên. Thế là ra Hà Nội.

Hồi năm 1987, làm hồ sơ thi đại học, tôi chỉ thích thi vào 2 trường là Đại học An ninh và Đại học Pháp lý. Khổ nỗi, hồi đó 2 trường này sơ tuyển trước, thấp bé nhẹ cân, dị tật là bị loại. 17 tuổi, cao 1m43, nặng 31 kg (nhỏ hơn cả con trai tôi 14 tuổi bây giờ) nên chả có cơ hội. Còn lại 2 trường là Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Tổng hợp Hà Nội để lựa chọn. Bố mẹ tôi muốn tôi học Sư phạm Vinh cho gần nhà, ăn cơm nhà, ngủ ở nhà thì đi học không tốn kém mấy. Tôi chọn Tổng hợp, nói thẳng là trượt năm nay thì thi năm khác chứ nhất định không học sư phạm. Bây giờ nhiều lúc vẫn ân hận, bởi 5 năm đi học ở Hà Nội của tôi đã vắt kiệt tiền bạc của bố mẹ tôi, thậm chí em gái tôi đỗ vào Đại học Tài chính - Kế toán mà không dám đi học, bởi một mình anh học HN mà bố mẹ còn chả lo được, lấy đâu cho em.

Tôi không ghét bỏ gì nghề giáo viên cả, nhưng sâu thẳm tôi sợ, sợ vì bố mẹ tôi đều là giáo viên và quá nghèo. Gia tài của cả 2 bố mẹ chỉ là căn nhà gỗ lợp ngói, mà cột kèo đều chắp, ngói cũ mới lẫn lộn vì không đủ tiền để mua ngói mới, phải đi mua mót của những gia đình khác trong xóm. Hai cái xe đạp Thống Nhất có từ lúc nào tôi không nhớ chỉ nhớ là nó vẫn còn sau 5 năm tôi học đại học. Bố mẹ nuôi 3 chị em chúng tôi ăn học bằng đồng lương giáo viên, bằng mảnh vườn nhỏ trồng rau theo vụ, hè thì trồng mướp, đông thì bắp cải, su hào, chen giữa các vụ là hành lá, cà, rau cải, nuôi lợn... Mỗi dịp nghỉ hè, bố mẹ tôi lại bươn chải khắp các chợ ở Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, mua gom các loại hoa quả mang về thành phố bán mà chủ yếu là chanh, chuối, đu đủ... mỗi chuyến đi vậy, cả 2 ông bà kiếm được mấy trăm tiền lãi, và chị em chúng tôi những dịp hè như vậy cũng lê la chả sót chỗ nào ở ga Vinh.

Bố tôi là giáo viên dạy trung học sư phạm ở Nam Đàn, cách nhà 30 km, ông không phải là giáo viên giỏi, lúc trẻ còn được dạy toán, nhưng sau già, chỉ được bố trí dạy các môn phụ như kỹ thuật. Ngày 20-11, môn phụ thì không có học sinh đến thăm, tặng quà, thi thoảng có người trước đây được ông giúp đến chơi, tặng cái này cái kia, nhưng rất hiếm. 

Mẹ tôi dạy cấp 1, hồi đó chắc dạy tốt - cũng có thể bà là người nghiêm khắc, bằng chứng là nhiều người gửi con học, bản thân tôi cũng phải học bà 2 năm. Như những cô giáo cấp 1, cấp 2 khác, ngày 20-11 rất đông học trò. Các học trò đang học thì thập thò ở cổng, nhưng cũng có nhiều anh chị lớp trước đến thăm. Những ngày 20-11, quà mà bà nhận được thường là hoa (nhưng ít thôi), thứ mà tôi thấy nhiều nhất vẫn là những bộ ấm chén, cốc, tranh ảnh và đặc biệt là nhiều cam - Vinh là xứ cam và tháng 11 là mùa cam. Hồi ấy tuyệt nhiên chả thấy phong bì.

Cho đến khi em gái tôi tốt nghiệp đại học, tôi và chị gái có việc làm, khoảng năm 1996 thì bố mẹ tôi mới đỡ thở hơn, dù lúc đó bố mẹ tôi cũng đã lớn tuổi, 6 năm sau là 2 ông bà đã về hưu. Đến năm 2004, bố mẹ tôi mới làm được 1 ngôi nhà mới - một ngôi nhà mái bằng mà ông bà ao ước từ bao nhiêu năm. Sự vất vả, nghèo khó của nghề giáo viên mà bố mẹ tôi trải qua, là một trải nghiệm thực tế mà chị em chúng tôi chắc chắn không bao giờ quên. Chị gái, em gái tôi dù học sư phạm đều không đi dạy - không phải vì chê nghề nghèo mà không thể xin được đi dạy. Ba đứa con không có đứa nào theo nghề của bố mẹ, song bố mẹ tôi lại có con rể và con dâu nối nghiệp - bây giờ đi dạy không khổ như thời bố mẹ nhưng cũng vẫn là nghề nghèo.

Đầu tháng 11/1992, tôi lên Trường Sỹ quan Hậu cần Sơn Tây. Ngọc Dũng - (VTV bây giờ) chở tôi đi bằng cái xe Cup 80 mượn của thầy giáo. Trường hồi đó cách Thị xã Sơn Tây khoảng 5 - 6 km. Lớp Văn K32 Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có 02 bạn đang làm giáo viên ở đó - trong khi chúng tôi ăn trưa với 2 bạn học thì một anh bạn học trên 2 khoá ở trường đã đi nói chuyện với người phụ trách tổ Văn của Trường Sỹ quan Hậu cần và đã lấy được lới hứa là sẽ nhận tôi vào làm giáo viên ở đấy. Ăn cơm xong, 2 bạn tôi soạn sửa đi làm, nhìn bọn xống áo chuẩn bị, tôi hỏi thì bảo là đi tập văn nghệ chuẩn bị 20 -11. "Con trai cũng phải tập văn nghệ à?" "Tập hết, trai gái gì cũng phải tập". "Thế không biết hát thì tập gì?" "Không biết hát thì tập múa"! Nghe bạn trả lời tự nhiên tôi thấy chán hẳn. Có lẽ chuyện bỏ ý định lên đó đi dạy bắt đầu từ đó.

Tháng 11, trời mưa phùn, đường loét nhoét, hai thằng về đến Hà Nội để trả xe máy cho thầy thì đã cuối buổi chiều. Thầy đi vắng, vợ thầy trao cho tôi bức thư. Thầy viết ngắn gọn, chỉ trong 1 trang giấy ô li. Nét chữ thầy đẹp, tôi không nhớ hết nhưng lời nhắn nhủ: "Một cô vợ, một con lợn và mấy vồng khoai - đó là tất cả tương lai của chú ở Sơn Tây đấy! Chú suy nghĩ kỹ đi!" thì nhớ mãi - lời đó là của thầy Nguyễn Hùng Vỹ - một người rất quen thuộc với các thế hệ sinh viên Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Và đó chính là lý do tôi không trở thành giáo viên.

Chúc mừng 20 - 11 đến tất cả các thầy cô giáo! 


Tác giả của lời nhắn nhủ làm thay đổi cuộc đời tôi, người ngồi bên phải - thầy Nguyễn Hùng Vỹ. Người rất quen thuộc với các thế hệ sinh viên khoa Văn - Đại học Tổng hợp.

Nguồn: Bố Cu Dỗi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog