Chia sẻ

Tre Làng

Nhiều vi phạm trong quản lí và đào tạo tại Viện Quản lý Giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có kết luận thanh tra về công tác tuyển sinh, đào tạo; tổ chức cán bộ; quản lí tài chính, cơ sở vật chất; trách nhiệm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Học viện Quản lí Giáo dục…

Theo Kết luận thanh tra, trong số 28/30 bài thi có điểm chênh lệch trong khung cho phép và không phải điều chỉnh. Điểm bài thi có số phách 403 có thay đổi nhưng vẫn đủ điểm đỗ, điểm bài thi có số phách 405 có thay đổi và nằm trong vòng giáp ranh giữa đỗ và không đỗ. Tuy nhiên, việc thi cử và điểm số là cụ thể, khoa học, vô cùng quan trọng đối với uy tín của người chấm cũng như sinh mệnh chính trị của người dự thi, do đó Thanh tra Bộ GD&ĐT dùng từ “giáp ranh” là tránh chỉ thẳng nhưng có thể hiểu thí sinh có số phách 405 không đủ điểm đỗ đầu vào lớp Thạc sĩ Quản lí Giáo dục K9? Nội dung này, Báo Người cao tuổi đề nghị Đoàn thanh tra Bộ GD&ĐT làm rõ tố cáo 2 bài thi có dấu hiệu sửa chữa. Dư luận chờ xem Học viện xử lí thế nào với khái niệm hết sức mơ hồ “giáp ranh” mà Thanh tra Bộ đưa ra!

Việc tổ chức lớp học Thạc sĩ tại Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học Bắc Giang, Kết luận thanh tra nêu, tổ chức lớp học ngoài Học viện không xin phép là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 24 Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28/2/2011 ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ và vi phạm điểm d khoản 2 Điều 6 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Về bảng điểm thi vấn đáp môn tiếng Anh ngày 7/3/2014 của lớp Thạc sĩ K7 ngành Giáo dục, kết luận thanh tra cho biết, 2 bảng điểm đang lưu giữ tại Trung tâm Sau đại học (SĐH) khác nhau. Cụ thể: Bảng điểm được Trung tâm SĐH kết hợp với Tổ tiếng Anh làm lại trên cơ sở bản chụp từ điện thoại của bà Đỗ Thị Thanh Tú, giảng viên Bộ môn tiếng Anh, không có chữ kí của học viên, chữ kí của 01 cán bộ chấm thi phòng thi số 3 do người khác (Phạm Thị Bích Hồng, cán bộ khoa cơ bản lại là học viên của lớp cao học K7 – PV); Bảng điểm được chụp lại từ điện thoại của bà Đỗ Thị Thanh Tú (đầy đủ bảng điểm cả 3 phòng thi): Không xác định rõ thời điểm chụp, không có chỗ sửa đã được thống nhất giữa 2 cán bộ chấm thi phòng thi số 3 (sửa điểm cho 1 thí sinh tại phòng thi số 3 từ 5 điểm lên 6 điểm) như xác nhận của 6 cán bộ chấm thi. Về việc này, Báo Người cao tuổi đã nêu rõ những sai sót cả trong quá trình giải quyết vụ việc cũng như xử lí vi phạm. Bởi lẽ, việc học viên Phạm Thị Bích Hồng giả mạo chữ kí giảng viên Trần Thị Loan là vi phạm hình sự, cấu thành tội phạm ngay khi hành vi xảy ra.

Khi mất bảng điểm, bà Nguyễn Thu Hà (người trực tiếp lưu giữ bảng điểm) đã báo cáo bà Trần Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm SĐH, tuy nhiên, bà Hằng không báo cáo với lãnh đạo Học viện để giải quyết theo quy trình như ông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói (báo cáo với Công an sở tại, báo cáo PA 83 và Bộ GD&ĐT) mà đề nghị bà Hà kết hợp với Tổ chấm thi tiếng Anh làm lại, sau đó trình bảng điểm làm lại để ông Nguyễn Công Giáp, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo kí Quyết định số 191/QĐ-HVQLGD (ngày 19/3/2014) công nhận học viên cao học khóa 7 đạt tiếng Anh khung B1 Châu Âu là sai phạm nghiêm trọng, cần xử lí nghiêm khắc. Mặc dù sai phạm này được Báo Người cao tuổi nêu đầy đủ, vậy mà ngày 30/6/2014, Học viện có Văn bản số 230/HVQLGD-ĐTSĐH đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận kết quả điểm thi môn tiếng Anh khung B1 Châu Âu lớp Quản lí Giáo dục khóa 7 (QLGD – K7) theo Quyết định số 191/QĐ-HVQLGD nhưng do 2 bảng điểm thiếu cơ sở pháp lí để công nhận kết quả cho học viên nên Bộ GD&ĐT chỉ đạo Học viện xử lí, bảo đảm tính pháp lí và quyền lợi cho học viên. Điều này thể hiện sự bao che của lãnh đạo Học viện trong xử lí sai phạm mất bảng điểm phần thi nói lớp QLGD – K7.

Sau đó, Học viện có Công văn số 334/HVQLGD-TTr ngày 15/8/2014 đề nghị Viện Khoa học Hình sự giám định 4 bức ảnh chụp bảng điểm. Về việc này, Kết luận thanh tra nêu, bảng điểm gốc môn tiếng Anh phần thi nói của học viên K7 bị mất và Trung tâm SĐH đã làm lại từ bản chụp điện thoại để trình lãnh đạo Học viện. Vì bảng điểm gốc đã mất nên không đủ căn cứ xác định có hay không việc sửa chữa bảng điểm gốc môn tiếng Anh phần thi nói theo tiêu chuẩn B1 Châu Âu của học viên K7. Nếu khắc phục việc mất bảng điểm theo hướng công nhận kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự (chỉ là không sửa file) đồng nghĩa với việc thay cái sai này bằng cái sai khác để bảo đảm quyền lợi cho học viên, chứ sai sót của cán bộ, giảng viên Trung tâm SĐH không thay đổi.

Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra việc liên kết đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, hình thức vừa làm vừa học tại Thanh Hóa và Lào Cai chưa được phép của Bộ GD&ĐT vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2008 của Bộ GD&ĐT quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và điểm c khoản 2 Điều 2 Quyết định số 62/2008/QĐ- BGD&ĐT ngày 25/11/2008 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học.

Về nguồn thu học phí, lệ phí, kết luận thanh tra cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 15, Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ thì toàn bộ số học phí Học viện thu từ sinh viên phải chuyển vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi. Tuy nhiên, Học viện chưa nộp đầy đủ tiền thu học phí, lệ phí vào Kho bạc Nhà nước theo quy định mà giữ lại chi cho hoạt động tuyển sinh và các lớp bồi dưỡng. Ngoài ra, Học viện còn tổ chức thu một số khoản không có trong quy định của Nhà nước với tổng số tiền là: 4.728.895.000 đồng.

Về công tác quản lí và sử dụng tài sản, tính đến thời điểm thanh tra, Học viện đã hoàn thành Dự án từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giáo dục đào tạo – Dự án tăng cường năng lực đào tạo cơ sở giáo dục bảo đảm đúng mục tiêu, các gói thầu đã được quyết toán theo quy định hiện hành. Việc mua sắm và cải tạo, sửa chữa nhà đúng quy định của Nhà nước… Về quản lí diện tích đất hiện có tại số 31 và 62 Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội là 17.258m2. Trong đó: Diện tích sử dụng vào mục đích làm việc: 13.597,9m2; diện tích sử dụng làm khu phòng học: 739m2; diện tích bố trí làm nhà ở, đất ở: 5.476m2. Tuy nhiên, tổng 3 con số này chênh lệch hơn 2.000m2.

Kết luận cũng chỉ ra một số sai sót về công tác tổ chức cán bộ, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại… trong đó có việc xét tuyển đặc cách 8 viên chức (6 người năm 2012 và 2 người năm 2013) không trình Bộ GD&ĐT thẩm định là vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 9 Thông tư số 15/2012/TT-BNV về việc hướng dẫn tuyển dụng, kí hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lí kỉ luật từng cá nhân trong Ban Giám đốc gồm các ông Lê Phước Minh và Nguyễn Công Giáp, Phó Giám đốc Học viện; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện; trách nhiệm của ông Lê Thành Kiên, Phó Trưởng phòng Phụ trách Tổ chức Cán bộ; Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng phòng Phụ trách Kế hoạch – Tài chính; đặc biệt là trách nhiệm của bà Trần Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo SĐH và những người có liên quan trực tiếp việc vi phạm về tổ chức lớp cao học tại Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học Bắc Giang, việc mất bảng điểm và làm lại bảng điểm môn tiếng Anh phần thi nói của lớp Thạc sĩ QLGD – K7… Kết quả xử lí báo cáo Bộ GD&ĐT trước 30/12/2014.

Tuấn Đạt/Báo Người Cao Tuổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog