Vụ phó giám đốc bệnh viện vào nhà nghỉ: Có dấu hiệu 'làm nhục người khác'
(VTC News) – Một vị bác sĩ vào nhà nghỉ với một phụ nữ không có dấu hiệu phạm tội, nhưng lại bị công an lập biên bản và được 'bêu riếu' trên mặt báo.
Cách đây ít ngày, một số tờ báo đưa tin về việc một vị Phó giám đốc bệnh viện bị công an phát hiện tại nhà nghỉ cùng một người phụ nữ, không phải vợ, cũng không phải họ hàng. Sau đó, phía bệnh viện đã cử người tới bảo lãnh cho vị cán bộ này.
Khi sự việc nói trên được đăng tải trên một số tờ báo, nhiều bạn đọc thắc mắc rằng, việc vị lãnh đạo bệnh viện kia vào nhà nghỉ với phụ nữ có phải hành vi vi phạm pháp luật hay không và việc báo chí đăng tải thông tin này liệu có hợp lý?
Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng văn phòng Luật Huy An về khía cạnh pháp lý của sự việc này.
Ảnh minh họa.
- Thưa ông, việc vị Phó giám đốc bệnh viện nói trên vào nhà nghỉ với một phụ nữ thì có vi phạm pháp luật hay không?
Căn cứ vào thông tin mà phóng viên cung cấp, tôi xin khẳng định, đây không phải hành vi phạm tội. Nếu chứng minh được vị cán bộ này mua dâm thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Nhưng trong trường hợp này, không có cơ sở gì cho thấy vị cán bộ đó đã mua dâm.
Thậm chí, ngay cả việc hai người đó vào nhà nghỉ để quan hệ tình dục hay không cũng không chứng minh được. Nếu họ vào đó chỉ để nói chuyện cá nhân thì có lý do gì để lập biên bản, hay tạm giữ họ?
Giả sử nếu họ có quan hệ tình dục, thì việc một người đàn ông vào nhà nghỉ với một người phụ nữ đã thành niên mà cả hai bên đều đồng ý thì đó có chăng là vi phạm về đạo đức chứ pháp luật không cấm.
Tôi thấy, sự việc này có vấn đề từ việc cơ quan công an lập biên bản đối với vị cán bộ kia. Nếu công an tạm giữ họ thì càng sai. Vì như tôi đã nói, không có căn cứ nào để lập biên bản hay tạm giữ vị Phó giám đốc này cả.
Giả sử khi có tố cáo, khiếu kiện và cơ quan điều tra chứng minh được người cung cấp thông tin có mục đích ngay từ đầu là để làm nhục vị cán bộ kia thì tùy vào tình tiết vụ việc, người cung cấp thông tin cũng có dấu hiệu phạm vào tội danh “Làm nhục người khác"
- Được biết, vị cán bộ này đã vào nhà nghỉ trong giờ hành chính. Vậy ông này có vi phạm hay không?
Trong giờ hành chính, quy định không cho anh đi làm việc riêng nhưng anh lại đi thì đó là vi phạm nội quy, kỷ luật của cơ quan. Vi phạm này sẽ được chính cơ quan nơi vị cán bộ đó công tác xem xét, xử lý kỷ luật chứ không thuộc quyền xử lý của cơ quan công an.
Tôi chưa được biết nội quy, kỷ luật của cơ quan nơi vị Phó giám đốc này làm việc như thế nào. Nhưng tôi cho rằng, với việc đi ra ngoài trong giờ hành chính như vậy thì có thể vị cán bộ này chỉ bị nhắc nhở, cảnh cáo. Khó có chuyện giáng chức hay buộc cho thôi việc với những sai phạm như vậy được.
- Vậy việc một số tờ báo đăng tin về sự việc này có hợp lý hay không?
Theo thông tin mà phóng viên cung cấp thì tôi cho rằng, báo chí đăng tải thông tin sự việc này là không hợp lý. Ở đây, tờ báo nào đăng thông tin này thì có dấu hiệu vi phạm đạo đức báo chí, có thể gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng tới đời sống, công việc của vị cán bộ này.
Trong trường hợp này, vị cán bộ kia có thể yêu cầu các báo đã đăng tải thông tin tiến hành đính chính hoặc gỡ bỏ bài báo đã đăng. Thậm chí, tùy vào tính chất, tình tiết của sự việc mà vị cán bộ này còn có thể khởi kiện đối với các tờ báo đã đăng tin vì hành vi “Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 121 Bộ Luật Hình sự.
- Báo chí đưa tin chắc chắn phải có nguồn tin cung cấp. Liệu chăng sự việc này có một sự sắp đặt hay là ngẫu nhiên?
Rất khó để nói rằng người cung cấp thông tin cho báo chí có vi phạm pháp luật hay không. Bởi khi phát hiện sự việc (chưa rõ đúng sai thế nào), một người nào đó hoàn toàn có thể thông tin với cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí phải tiến hành xác minh, cân nhắc xem có nên đăng tải thông tin đó hay không?
Tuy nhiên, giả sử khi có tố cáo, khiếu kiện và cơ quan điều tra chứng minh được người cung cấp thông tin có mục đích ngay từ đầu là để làm nhục vị cán bộ kia thì tùy vào tình tiết vụ việc, người cung cấp thông tin cũng có dấu hiệu phạm vào tội danh “Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 121 Bộ Luật Hình sự với vai trò đồng phạm hoặc chủ mưu.
Điều luật này nêu rõ: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Các trường hợp như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người thi hành công vụ; phạm tội đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình… thì bị phạt tù từ 1 đến 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Bài Entry hay lắm. Cảm ơn Admin đã đăng bài. Ngày từ đầu tìm hiểu v/v này mình đã thấy có sự mờ ám, cài bẫy người khác rồi. Vị luật sư kia phân tích chính xác !
Trả lờiXóaChuẩn luôn.
Trả lờiXóa