Chia sẻ

Tre Làng

KHÔNG AI ĐƯỢC PHÉP ĐỨNG NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT

Không ai được phép đứng ngoài pháp luật

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, tối 7-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), đại biểu HĐND TP Hà Nội.

Thông tin khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với bà Châu Thị Thu Nga đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (cơ quan tiến hành điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất do bà Châu Thị Thu Nga làm Chủ tịch HĐQT): Từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội, chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng nhưng bà Châu Thị Thu Nga và đồng phạm tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất đã tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng, đến nay không còn khả năng chi trả. Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Từ kết quả này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group); khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với bà Châu Thị Thu Nga. 

Sở dĩ vụ việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì bà Châu Thị Thu Nga là đại biểu Quốc hội - một vị trí có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn rất quan trọng trong xã hội. 

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Pháp luật bảo vệ những quyền đặc biệt của đại biểu Quốc hội như: Không có sự đồng ý của Quốc hội, khi trong thời gian Quốc hội không họp không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó... Dẫn ra những quy định như vậy để thấy rằng vị trí cũng như quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cao như thế nào trong xã hội. 

Nhưng dù có quyền và trách nhiệm rất cao trong hoạt động xã hội, đại biểu Quốc hội trước hết phải là công dân, và phải là công dân gương mẫu. Họ có nghĩa vụ (cũng như quyền lợi) tuân thủ mọi quy định của pháp luật. Để thực hiện quyền hạn cũng như nhiệm vụ, đại biểu Quốc hội bình đẳng như mọi công dân khác, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động, hành vi của mình. Hành vi vi phạm của bà Châu Thị Thu Nga được cho là xuất phát từ quan hệ đầu tư, kinh doanh giữa Housing Group với nhiều cá nhân, tổ chức. Dù là đại biểu Quốc hội, bà Châu Thị Thu Nga cũng không được phép lợi dụng quyền hạn của mình để vi phạm pháp luật trong tất cả lĩnh vực của đời sống, trong quan hệ dân sự hay kinh tế... Ở đây dù là ai thì ranh giới giữa tuân thủ và vi phạm cũng không được lẫn lộn. 

Do có vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt quan trọng, bên cạnh những tiêu chuẩn như trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ sức khỏe, kinh nghiệm, uy tín, có điều kiện tham gia các hoạt động Quốc hội..., đại biểu Quốc hội còn phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần - kiệm liêm - chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật. Không những vậy, theo Điều 53, Luật Tổ chức Quốc hội, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức kinh tế, xã hội hoặc của công dân... đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật đó... Tuy nhiên, từ những kết quả điều tra ban đầu có thể thấy dấu hiệu về việc bà Châu Thị Thu Nga không những không gương mẫu chấp hành pháp luật với tư cách công dân mà còn có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng chứ chưa nói đến việc thực hiện quyền hạn cũng như làm tròn nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội. 

Điều cần nói là quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Hà Nội rất rõ ràng ngay từ khi có thông tin, đơn thư tố giác liên quan dấu hiệu vi phạm của bà Châu Thị Thu Nga. Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Hà Nội thanh tra, xác minh làm rõ. Qua việc chỉ đạo vào cuộc kịp thời của lãnh đạo Hà Nội, từ kết quả thanh tra, Ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thường trực Thành ủy về vụ việc. Trong Thông báo kết luận số 829-TB/TU, Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất chỉ rõ: Những sai phạm của Housing Group là nghiêm trọng và có hệ thống, hậu quả khó khắc phục; đồng thời, Thường trực Thành ủy chỉ đạo cơ quan chức năng hoàn thiện kết luận chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Bà Châu Thị Thu Nga luôn phải chịu sự giám sát của nhân dân, của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng nơi làm việc, hoạt động với tư cách là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như với tư cách công dân. Và như vậy khi bà Nga có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ lãnh đạo thành phố cho đến các cơ quan chức năng ở Hà Nội đã làm rõ để ngăn chặn, chuyển cơ quan công an xử lý theo thẩm quyền. 

Trước khi cơ quan công an thực hiện lệnh tạm giam, khám xét đối với bà Châu Thị Thu Nga, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga và Chủ tịch Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vị đại biểu Quốc hội này. Ngay sau đó, ngày 8-1, HĐND TP Hà Nội cũng đã có Quyết định số 01/QĐ-HĐND về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố khóa XIV nhiệm kỳ 2011-2016, đối với bà Châu Thị Thu Nga. Như vậy, về thủ tục pháp lý đối với một đại biểu Quốc hội có dấu hiệu phạm tội đã được xử lý theo đúng quy định. 

Trước vụ việc bà Châu Thị Thu Nga, hẳn nhiều người còn nhớ trường hợp Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với hai đại biểu Quốc hội khác là Mạc Kim Tôn (Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình), Lê Minh Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh). Cả hai đại biểu này đều có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và sau đó đã bị xử lý trước pháp luật, phải chấp hành hình phạt. Luật pháp trao cho đại biểu Quốc hội cả trách nhiệm cũng như quyền hạn lớn, song không có nghĩa đại biểu Quốc hội có "quyền miễn trừ". Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai phạm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. 

Mọi hoạt động kinh tế, xã hội... đều phải vận hành theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Mọi người, bất kể là ai, ở cương vị nào, từ một công dân bình thường đến những "công dân đặc biệt" như đại biểu Quốc hội, nắm giữ chức vụ, trọng trách nào cũng đều có quyền và nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Vụ việc bà Châu Thị Thu Nga - ở khía cạnh thông tin - đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, song đây có thể xem là điều hoàn toàn bình thường trong một xã hội thượng tôn pháp luật. Quá trình vào cuộc thanh tra, xác minh những vấn đề liên quan đến bà Châu Thị Thu Nga của các cơ quan chức năng của TP Hà Nội, quá trình cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, khởi tố vụ án đã chứng tỏ tinh thần này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có băn khoăn: Phải chăng quy trình xem xét, thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội có vấn đề nên để lọt những người như bà Nga trúng cử? Trên thực tế, hoàn toàn có thể xảy ra việc một đại biểu Quốc hội đương nhiệm vi phạm pháp luật bởi trước khi được bầu thì bảo đảm tiêu chí nhưng sau đó lại bị tha hóa. 

Sai phạm của bà Châu Thị Thu Nga đến mức độ nào, cơ quan điều tra sẽ làm rõ. Đại biểu Quốc hội bị tòa án kết án thì kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội. Có thể khẳng định một điều: Luật pháp cũng như công luận không dung thứ bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào của bất kỳ ai, ở bất cứ cương vị nào. Đại biểu Quốc hội là "công dân đặc biệt", do đó càng phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Không ai đứng ngoài pháp luật. Đây cũng là đòi hỏi bắt buộc của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Lã Nguyên An
Báo Hà Nội Mới

12 nhận xét:

  1. CHúng ta đã biết rằng pháp luật Việt Nam luôn công bằng và cũng nghiêm khắc,bất kể ai dù người đó có làm chức vụ gì thì làm sai cũng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật cả mà thôi,Mong rằng sự việc sớm sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ,để xử lí đúng người đúng tội,

    Trả lờiXóa
  2. Còn rất nhiều mặt mo đang giấu mình trong bộ máy tham quyền cố vị, bọn này tội ác còn ghê gớm hơn vạn lần ...má Nga - đại biểu ưu tú Quốc hội, tay buôn bất động sản nổi tiếng xứ Hà thành.

    Đối với bọn chóp bu, chả phải để lâu lũ ác bá nầy chết toi mạng thì cuối cùng ép cung xương đéo còn gì ngoài cám phân gio.

    Trả lờiXóa
  3. Pháp luật Việt Nam khá là chặt chẽ nên hầu như không có bỏ lọt những con người vi phạm pháp luật. CÓ chăng thì họ chỉ chưa bị phát hiện nhưng rồi sớm muộn họ cũng bị phát hiện mà thôi. Pháp luật không bỏ sót ai đâu dù có là quan hay thường dân đi nữa

    Trả lờiXóa
  4. "KHÔNG AI ĐƯỢC PHÉP ĐỨNG NGOÀI VÒNG PHÁP LUẬT" Điều này đã được khẳng định trong BLHS từ lâu. ĐỐi với bà Nga, bỏ qua các tình tiết để giảm nhẹ, nhưng cái không thể giảm nhẹ được mà thành tăng nặng là bà đại diện cho nhân dân nhưng lại đi lừa lòng tin của nhân dân.

    Trả lờiXóa
  5. Pháp luật Việt Nam công bằng lắm, ai có tội phải chịu tội. cứ chiếu theo luật mà xử thôi

    Trả lờiXóa
  6. Những người như thế này là những con sâu làm rầu nồi canh, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, cần xử mạnh tay nêu gương. Pháp luật ko chừa 1 ai cả. Cứ đúng người, đúng tội mà xử lý thôi

    Trả lờiXóa
  7. Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ làm rõ, và xử lý đúng người, đúng tội, củng cố thêm niềm tin của dân vào Đảng, nhà nước

    Trả lờiXóa
  8. Dù bạn là ai, khi bạn làm sai, bạn vi phạm pháp luật thì bạn sẽ đều bị xử lý thôi

    Trả lờiXóa
  9. Pháp luật chúng ta không bao giờ nhân nhượng cho những ai có hành vi vi phạm pháp luật, có tội phải chịu tội.

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh14:49 14/1/15

    Cho dù người đó là ai, giữ chức vụ gì cao đến thế nào nữa nếu phạm tội thì đều chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.

    Trả lờiXóa
  11. Tại sao những con người có học thức, trình độ hiểu biết cao mà vẫn sa vào con đường của tội lỗi vậy cơ chứ? Đáng buồn.

    Trả lờiXóa
  12. Bà Nga là một đại biểu Quốc Hội là người đại diện cho nhân dân thể hiện ý trí nguyện vọng cho nhân dân nhưng bà ấy lại có những hành động không xứng đáng với những niếm tin của nhân dân trao cho bà, bà ta đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng theo tôi chúng ta phải nghiêm khắc kỷ luật bà Nga để lấy lại niềm tin cho nhân dân về Đảng và Nhà Nước.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog