Là công dân thì phải tuân thủ luật pháp
Mấy tuần qua, trên internet, một số tổ chức, cá nhân có ý kiến phản đối việc Cơ quan an ninh điều tra tạm giữ hình sự hai ông Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập. Từ CHLB Ðức, tác giả Hồ Ngọc Thắng đã gửi tới Báo Nhân Dân bài viết để bàn về ý kiến của những người phản đối, xin giới thiệu với bạn đọc.
Swj kiện Cơ quan an ninh điều tra tạm giữ hình sự hai ông Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật liên quan Ðiều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam), Ðiều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân) của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam, đang được một số người bàn luận trên internet, và RFA, RFI, BBC, VOA cũng kiếm được cơ hội phê phán Việt Nam. Ðể ủng hộ hai ông, có người đăng bài viết riêng trên mạng, có người ký tên vào danh sách yêu cầu "trả tự do". Rất tiếc, cơ sở để họ yêu cầu không phải là bằng chứng có tính pháp lý, mà chủ yếu suy luận dựa theo cảm tính, như cho rằng người bị bắt là "người tốt, là người yêu nước", vậy tại sao lại bắt người yêu nước?
Ở quốc gia nào cũng vậy, lý do để tạm giữ hoặc bắt giam (biện pháp hạn chế quyền tự do) là từ việc cơ quan điều tra thu thập được chứng cứ bước đầu. Khi kết thúc thủ tục điều tra, cơ quan điều tra sẽ chuyển kết quả điều tra cho viện kiểm sát. Viện kiểm sát sẽ quyết định có đưa ra cáo trạng chuyển tới tòa án có thẩm quyền. Tòa án sẽ là nơi quyết định, liệu thủ tục xét xử có mở ra hay không, sau khi cho mở thủ tục mới quyết định liệu cáo trạng có cơ sở hay không. Ðể đánh giá khách quan một vụ án, trước hết cần xem xét hai yếu tố: cơ sở pháp lý và sự việc bị tố cáo. Trừ một số nước theo đạo Hồi lấy kinh Cô-ran (Quran) làm chuẩn mực pháp lý, còn lại, các nước khác trên thế giới đều đưa ra quy định pháp lý của luật hình sự dựa trên nguyên tắc có từ thời La-mã: "không có tội phạm nếu không có luật pháp" (tiếng La-tin: "nullum crimen sine lege", tiếng Ðức: "kein Verbrechen ohne Gesetz"), và "không có hình phạt nếu không có pháp luật" (tiếng La-tin: "nulla poena sine lege", tiếng Ðức: "keine Strafe ohne Gesetz"). Dựa trên các nguyên tắc này, tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi quốc gia đưa ra quy định của luật hình sự nói rõ hành động nào bị cấm và hậu quả của việc không chấp hành các điều răn đe. Các hành động bị coi là phạm tội và phải chịu hình phạt được quy tụ trong một bộ luật hoàn chỉnh được gọi là bộ luật hình sự. Quy định về tiến trình từ tạm giam (bắt giam), điều tra đến xét xử được gọi là quy định của thủ tục tố tụng, cụ thể hóa qua bộ luật tố tụng hình sự. Cơ sở pháp lý trực tiếp của hai bộ luật này là hiến pháp. Những nguyên tắc cơ bản của hiến pháp cần được bảo vệ được cụ thể hóa trong hai bộ luật này.
Ðiều 88, Ðiều 258 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam (được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21-12-1999 và sửa đổi ngày 19-06-2009) vẫn có hiệu lực vào thời điểm hai ông Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập thực hiện hành vi được coi là phạm pháp. Như vậy, cơ sở pháp lý cho việc bắt giam đã và đang tồn tại. Vậy nhưng một số tổ chức và cá nhân đưa ra lý lẽ: các quy định này vi phạm nhân quyền. Lý lẽ đó là không thể chấp nhận vì phi lý, thiếu khách quan, thiếu công bằng. Như mọi quốc gia khác, CHXHCN Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền, có nghĩa vụ, quyền chính đáng trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân cả về vật chất và tinh thần cũng như duy trì hoạt động của các cơ quan trong hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp của mình. Ở một số quốc gia vẫn tự hào là nhà nước, xã hội đều được điều hành bằng những quy định pháp lý dựa trên nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, cũng có các quy định mang nội dung tương tự nội dung Ðiều 88, Ðiều 258 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Ở CHLB Ðức, theo Ðiều 5 Ðạo luật cơ bản (tức Hiến pháp) thì mọi người có quyền thể hiện quan điểm của mình qua hình ảnh, lời phát biểu, bài viết trên sách báo, phát qua phát thanh, truyền hình. Nhưng không có nghĩa mọi người có thể phát biểu, viết lách hoàn toàn tự do, không cần quan tâm tới sự thật và hậu quả việc mình làm. Một số quy định cụ thể được đưa ra nhằm xác định đâu là giới hạn của quyền tự do theo Hiến pháp. Ðiều 187 Bộ luật Hình sự CHLB Ðức quy định tội vu khống (tiếng Ðức: Verleumdung): ai đã quả quyết, hoặc phổ biến những lời sai sự thật, tỏ thái độ khinh thường, xúc phạm danh dự người khác là phạm tội vu khống, khung hình phạt từ phạt tiền đến 5 năm tù. Một tội khác được quy định rõ là tội phỉ báng (tiếng Ðức: Verunglimpfung), có hai loại phỉ báng gồm: phỉ báng cá nhân và phỉ báng một cơ quan. Phỉ báng được hiểu là làm mất uy tín (làm ô danh) qua một phát biểu, một hành động hay một thể hiện ở nơi đông người, hoặc phát tán rộng rãi bài viết. Ðiều 90 Bộ luật Hình sự CHLB Ðức quy định tội phỉ báng Tổng thống với khung hình từ ba tháng đến 5 năm tù (ở các nước có chế độ quân chủ, tội này gọi là tội khi quân). Khoản 1 Ðiều 90a quy định tội phỉ báng Nhà nước, khung hình phạt là từ phạt tiền đến ba năm tù. Nhưng theo khoản 3 của Ðiều này, khung hình phạt tối đa là 5 năm tù, nếu như người phạm tội cố tình chống lại sự tồn tại của nhà nước Ðức hay chống lại các nguyên tắc của Hiến pháp. Ðiều 90b Bộ luật Hình sự quy định tội phỉ báng có tính chất thù địch cơ quan lập pháp. Ðối với nạn nhân là người đã chết thì Bộ luật Hình sự quy định tội phỉ báng anh linh người đã khuất ở Ðiều 189, với khung hình phạt là từ phạt tiền cho đến hai năm tù.
Ở CH Áo cũng có quy định tương tự về tội vu khống, nhưng không chỉ với cá nhân mà cả với cơ quan tư pháp và quy định cụ thể ở Ðiều 297 Bộ luật Hình sự. Ở Thụy Sĩ có hành động bị cấm cũng được gọi là tội vu khống và quy định cụ thể trong Ðiều 174 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt như ở Ðức. Ở Pháp cũng có các quy định tương tự và ở I-ta-li-a cũng vậy. Nhưng ở I-ta-li-a có điểm hơi khác, xuất phát từ quan điểm, nếu bị phỉ báng trực tiếp thì người bị hại dễ dàng bảo vệ mình hơn trong trường hợp vắng mặt, vì vậy Bộ luật Hình sự có quy định khác nhau ở Ðiều 594 và Ðiều 595. Những tình tiết tăng nặng là phỉ báng trước đông người hay sử dụng báo chí, tài liệu công cộng hoặc liên quan đến các cơ quan hành chính, tư pháp... Khung hình phạt từ phạt tiền đến ba năm tù. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các hành động thể hiện sự phỉ báng dân tộc, nhà nước, các cơ quan, tổ chức quốc gia đều bị trừng phạt theo quy định của Ðiều 301 Bộ luật Hình sự. Ở các quốc gia khác, như Mỹ, Vương quốc Anh, Ô-xtrây-li-a là những nước có hệ thống pháp luật được gọi là "pháp luật theo tập quán thông thường" thì việc truy cứu trách nhiệm của việc vi phạm và làm tổn hại danh dự không nghiêm khắc bằng các nước phương Tây khác, chủ yếu là bắt đền bù thiệt hại. Ðiều đó không có nghĩa là ở các nước này mọi người có thể tự do vu khống và phỉ báng.
Ở Việt Nam, khi xem xét yếu tố bị tố cáo, phải tuân thủ nguyên tắc được nêu trong khoản 1 Ðiều 31 Hiến pháp sửa đổi năm 2013: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Trong hai trường hợp đã nêu, viện kiểm sát chưa ra bản cáo trạng cho nên trong thời điểm hiện tại không thể đánh giá toàn diện về sự việc. Nhưng chắc hẳn các bài được hai ông phát tán rộng rãi là một phần của chứng cứ đưa ra xem xét để buộc tội hay giảm tội. Cho đến nay, trên internet đã có nhiều bài viết, đặc biệt là những người tham gia mạng xã hội facebook liên tục tải các bài viết liên quan. Phần lớn người tham gia ủng hộ biện pháp cơ quan điều tra đã thi hành. Họ ủng hộ vì bất bình, có người thấy bị xúc phạm qua bài viết được hai blog của hai ông này đăng tải, phổ biến. Số ủng hộ hai ông thì đưa ra lý lẽ: đây là các "bài phản biện xã hội", "chỉ ra mặt tiêu cực" của xã hội... Nhưng đó có lẽ vẫn chỉ là ý kiến riêng, ít nhiều ngụy biện, và không ngoại trừ những người muốn sử dụng vụ việc này làm cái cớ để phê phán Nhà nước Việt Nam. Ðiều đó rất mâu thuẫn, vì một mặt họ yêu cầu phải xây dựng nhà nước pháp quyền, cả về tổ chức, văn bản và thực hiện văn bản; mặt khác họ lại đưa ra yêu sách phải bãi bỏ các quy định pháp lý có tính chất phổ quát với nhiều quốc gia, thuộc về kỷ cương để tạo lập nên trật tự xã hội. Mọi người đều biết, Nhà nước Việt Nam đã và đang hoan nghênh những người có ý thức tố giác các hành vi vi phạm pháp luật. Nhờ sự tố giác mà một số người, trong đó có cả cán bộ cao cấp, đã bị hầu tòa, bị tuyên án với bản án tù lâu năm. Vì thế, Tòa án nhân dân mới chính là nơi có thẩm quyền xét xử và phán quyết.
Từ xa, nhìn về đất nước, tôi nghĩ bất kể ai, dù là nhà văn, blogger nổi tiếng, là người yêu nước, Việt kiều hồi hương,... thì trước hết vẫn là công dân của xã hội. Mà đã là công dân của xã hội thì phải tuân thủ luật pháp. Nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì dù là ai cũng không thể ở ngoài khuôn khổ pháp luật. Ðọc bài của tôi, có thể có người bảo ở nước ngoài nói thì dễ. Ðúng là nói vọng về nước thì rất dễ, nhưng ngay từ những ngày chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, tôi đã tự ý thức rằng dù khó khăn đến đâu vẫn có thể vượt qua, nếu thật sự yêu Tổ quốc thì một ý kiến trung thực, chân thành vẫn có ý nghĩa. Những lần về nước cùng bạn bè người Ðức, tôi tự hào giới thiệu với họ bao điều tốt đẹp của Tổ quốc. Thấy Tổ quốc đổi thay từng ngày, tôi lại ao ước giá như pháp luật thực sự được thượng tôn và mọi người đều tuân thủ pháp luật thì còn tự hào biết bao nhiêu!
HỒ NGỌC THẮNG (CHLB Ðức)
hahaa đúng là buồn cười với đám rận, hết lần này đến lần khác đưa ra lý do để thả người là "Họ là người tốt, người yêu nước" tốt với yêu nước thì không cần phải tuân thủ pháp luật à. Việc họ có nhân thân tốt (nếu có) chỉ là yếu tố giúp họ được giảm nhẹ tội chứ không phải để họ "thoát" tội
Trả lờiXóangười tốt mà vi phạm pháp luật sao, yêu nước thì phải là người tôn trọng và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật chứ
Trả lờiXóaLà một người công dân tốt thì phải tuân thủ pháp luật đó là điều đương nhiên, không thể có chuyện một người yêu nước mà lại không tuân thủ pháp luật được, đó là điều phi lý. Hơn nữa đã là công dân thì phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật của mình, không có việc viện lý do này lý do nọ mà đòi chốn tránh trách nhiệm được.
Trả lờiXóa