Chia sẻ

Tre Làng

NHŨNG DỊ BẢN SÁCH KINH HOÀNG: DO NXB BÁN GIẤY PHÉP!


(PetroTimes) - Trả lời phóng viên về việc không ít cuốn sách, truyện dành cho trẻ em khi phát hành ra thị trường mới phát hiện nhiều lỗi, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho rằng lỗi xuất phát từ việc nhà xuất bản “bán giấy phép” cho nhà phát hành để lấy lợi nhuận mà không quan tâm đến hậu quả.

PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam).

Theo ông, việc nhiều cuốn sách, truyện dành cho trẻ em khi phát hành ra thị trường phát hiện nhiều lỗi, dị bản do lỗi từ khâu nào?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Trước hết thuộc về khâu biên tập, tổ chức bản thảo. Nguồn cung cấp bản thảo cho các nhà xuất bản thì có nhiều: Do cơ quan nhà nước, do các tổ chức có chuyên môn khác nhau, do một cá nhân nào đó… Bản thảo về qua khâu thẩm định, biên tập của các NXB. Nếu biên tập viên và những người chịu trách nhiệm cẩu thả, thiếu trách nhiệm, làm đại khái thì rất dễ xảy ra sai sót.

Cũng có khi họ là những người nghiêm chỉnh, có trách nhiệm nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ non yếu thì có khi những sai sót nằm ngoài ý muốn của họ (ví dụ cho ra những cuốn từ điển chất lượng yếu kém, những tác phẩm văn học non tay, những công trình nghiên cứu không đảm bảo yêu cầu khoa học…).

Cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc để sách xuất bản có nhiều sai phạm thưa ông?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Như tôi vừa nói, lỗi đầu tiên thuộc về mỗi nhà xuất bản có sách vừa in. Họ là người “lính gác” đầu tiên tiếp xúc và xử lí bản thảo. Họ có chức năng, quyền hạn và trình độ chuyên môn riêng (Sách Văn học, Từ điển, Sách thiếu nhi, Sách phổ biến kiến thức, Sách pháp luật…) vì vậy, mỗi nhà xuất bản có một “vùng lãnh thổ”, là thế mạnh của họ.

Chính họ là người biết rõ nhất trách nhiệm của họ cần phải làm gì. Đó là chọn sách sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mỗi nhà xuất bản. Trong tay nhà xuất bản cũng có đội ngũ biên tập (hoặc chuyên gia) có trình độ về vấn đề ấy. Vậy thì ai còn có khả năng thẩm định tốt hơn họ?

Hình ảnh minh họa truyện “Sọ Dừa”, ấn bản của NXB Hồng Đức.

Mỗi khi phát hiện sách, truyện dành cho trẻ em có lỗi, Cục Xuất bản, In và Phát hành vẫn trả lời chung chung sẽ kiểm tra và sai đến đâu xử lý đến đó. Vậy theo ông, trách nhiệm của cơ quan này ra sao?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Cục Xuất bản là cơ quan cấp trên của nhà xuất bản cũng một phần liên đới chịu trách nhiệm. Với tư cách là cơ quan quản lí, Cục Xuất bản phải có một cách thức theo dõi, quản lí, điều hành sao cho việc giám sát của Cục đạt tới hiệu quả tốt nhất. Cục Xuất bản không thể phó mặc cho các nhà xuất bản làm mọi thứ rồi đến khi có “sự cố” mới tá hỏa chạy theo giải quyết hậu quả và đổ lỗi cho cấp dưới.

Thưa ông, có hay không việc liên kết giữa nhà xuất bản và nhà phát hành. Nghĩa là xin giấy phép khống và khi xuất bản cuốn sách nào chỉ cần điền tên cuốn sách vào nên không qua kiểm duyệt?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Việc liên kết giữa nhà xuất bản với các nhà sách, các tổ chức phát hành nhà nước hay tư nhân là chuyện bình thường, nhất là trong cơ chế mở hiện nay. Vấn đề là ở chỗ, nhà xuất bản phải chủ động và có trách nhiệm. Việc phó mặc cho đối tác liên kết “tự tung tự tác” (miễn là nộp lợi nhuận cho nhà xuất bản) rất dễ xảy ra sai sót (và sai sót nghiêm trọng). Không ít nhà xuất bản “bán giấy phép”, để các đầu nậu tự lo mọi thứ, chỉ khi sách in ra, nộp lưu chiểu rồi mới phát hiện ra lỗi này lỗi nọ. Lúc đó thì mọi việc đều đã muộn.

Cảnh chặt đầu cùng câu hỏi rùng rợn được đưa vào sách hỏi đáp cho trẻ.

Vậy với những cuốn sách, truyện có lỗi mà đã được xuất bản ra ngoài thị trường sẽ phải xử lý như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Xử lí sách vi phạm thế nào ư? Lĩnh vực này thuộc về các cơ quan xuất bản và quản lí xuất bản phẩm chứ. Nhưng theo tôi, phải có quy định, chế tài chặt chẽ trong việc thẩm định, đánh giá và xử lí những trường hợp xuất bản sách có vấn đề sai sót, tùy theo mức độ nặng nhẹ. Có lẽ cũng nên có những hội thảo, những hội nghị chuyên về xuất bản để trao đổi, rút kinh nghiệm, nhằm từng bước lành mạnh hóa và đưa hoạt động xuất bản vào quy củ.

Dĩ nhiên, phải mời các cơ quan hữu quan cùng tham gia thảo luận, vì sự nghiệp xuất bản là của toàn dân. Tiếng nói chung của dư luận xã hội, của cộng đồng văn hóa đọc cũng rất cần thiết.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

*****************
Truyện cổ tích biến tấu “sọ dừa” thành “sọ người”

Trong tập truyện dành cho trẻ nhỏ của Nhà xuất bản Hồng Đức, Sọ Dừa - nhân vật cổ tích quen thuộc - được mẹ sinh ra sau khi uống nước đựng trong chiếc sọ người. Ngay từ trang đầu tiên đã có dòng dẫn: “Xưa có hai vợ chồng kia đi ở cho phú ông, ngoài năm mươi vẫn chưa có mụn con. Một hôm trời nắng gắt, người vợ vào rừng lấy củi, khát nước quá mà không tìm đâu ra nước, nên đành liều uống nước trong cái sọ người ở một gốc cây". Truyện còn dùng ngôn từ khá “mạnh” với trẻ nhỏ như: “quái thai”, “đem chôn sống nó đi...”.

Không chỉ có lời kể khác biệt so với nhiều bản truyện cổ tích về Sọ Dừa trước đây, hình ảnh minh họa trong sách còn khá rùng rợn với cảnh người đàn bà cầm trên tay chiếc đầu lâu.

Tập Sọ Dừa nằm trong bộ Truyện cổ tích Việt Nam, do NXB Hồng Đức ấn hành. Bộ sách được in khổ nhỏ 13x19cm, theo dạng truyện giản lược kèm hình minh họa bắt mắt cho nhiều sự tích phổ biến trong kho tàng truyện cổ Việt Nam như: Sự tích con muỗi, Sự tích Chú Cuội, Sự tích Trầu cau... Mỗi tập truyện, trong đó có tập Sọ Dừa, được in khoảng 1.000 cuốn, nộp lưu chiểu từ cuối năm 2013, nhưng đến nay vẫn còn trên kệ sách.

Cũng mới đây, ấn phẩm Truyện cổ tích Việt Nam quyển I của Nhà xuất bản Kim Đồng (tái bản vào tháng 10/2014) bị phát hiện mang dị bản lạ đồng thời có những chi tiết không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Trong đó, truyện Thạch Sanh khiến độc giả ngỡ ngàng với chi tiết mẹ nhường quần cho con. Bộ truyện “Thần thoại Hy Lạp” cũng của NXB này gây sốc với những hình vẽ lõa thể.

http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/nhung-di-ban-sach-kinh-hoang-do-nxb-ban-giay-phep.html

Thảo Phượng
(tổng hợp)

22 nhận xét:

  1. biên tập viên và những người chịu trách nhiệm cẩu thả, thiếu trách nhiệm, làm đại khái trong khâu kiểm định và biên soạn thì rất dễ xảy ra sai sót. Nên họ là những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cho ra lò những cuốn dị bản sách kinh hoàng, đặc biệt là dành cho thiếu nhi. Hơn nữa những người đứng đầu nhà xuất bản cũng không tránh khỏi trách nhiệm khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà dễ dàng bán giấy phép phát hành

    Trả lờiXóa
  2. việc trẻ em nước nhà bị tiếp xúc với những dị bản sách hết sức kinh dị, chỉ làm cho trẻ em ngày càng thêm tâm lý tội phạm, suy nghĩ lệch lạc mà thôi. Ấy vậy mà không chỉ một mà liên tiếp, thi thoảng lại có những cuốn sách có nội dung cẩu thả đến như vậy đòi hỏi các cơ quan chức trách phải vào cuộc ngay để chấn chỉnh những cuốn trách có nội dung như vậy trước khi xuất bản ra thị trường

    Trả lờiXóa
  3. Không thể chấp nhận được những dị bản như thế này. Đây là cái giá phải trả cho sự thiếu trách nhiệm của các nhà xuất bản

    Trả lờiXóa
  4. Vô trách nhiệm trong vấn đề gì còn có thể chấp nhận, chứ vô trách nhiệm trong y tế và giáo dục là điều khốn nạn nhât

    Trả lờiXóa
  5. Vấn đề này phải xử lý thật mạnh, lỗi trong giáo dục, trong xuất bản sách nếu ko được xử lý nó sẽ là mối nguy hại cho cả một thế hệ

    Trả lờiXóa
  6. Bây giờ đi mua sách cho con trẻ, bố mẹ cần coi kĩ nội dung, hình ảnh. Bữa nay các anh chị nhà xuất bản vừa làm liều, vừa làm láo. Cầm nhiều cuốn sách trên tay mà tôi ko có nghĩ đó là sách dành cho trẻ con đâu, hình ảnh gì mà rùng rợn, bạo lực. Khiếp hồn

    Trả lờiXóa
  7. Phải có chế tài rõ ràng, quy định chặt chẽ, nếu vi phạm phải có hình thức xử lý mạnh tay, liên quan đến giáo dục, ko thể để vì đồng tiền lợi nhuận của các nhà xuất bản mà làm vấy bẩn các tâm hồn trẻ thơ

    Trả lờiXóa
  8. Hay thật, sách cơ mà? Công cụ, sản phẩm trí tuệ để giáo dục con trẻ cơ mà? Sao các bác vô tâm thế? Các bác ko sợ con các bác sau này nó học về nó áp dụng hay sao? Giả sử các bác ko có con có cháu, các bác cũng phải có tý trách nhiệm với thế hệ trẻ của đất nước chứ

    Trả lờiXóa
  9. biết nhà xuất bản “bán giấy phép” cho nhà phát hành để lấy lợi nhuận mà không quan tâm đến hậu quả mà không làm gì chữa tận gốc được mà chỉ có thể chỉ ra đó là nguyên nhân gây lũng loạn sách thiếu nhi là không được, đến sách thiếu nhi còn bị lũng loạn thì các thể loại sách khác sẽ còn thế nào đây

    Trả lờiXóa
  10. Làm giáo dục, nhà xuất bản là ko được mắc những lỗi như thế này, ko là mắc tội với 1 thế hệ

    Trả lờiXóa
  11. Đây chỉ là những phẩn rất nhỏ của 1 tảng băng chìm về vấn nạn xuất bản lậu, xuất bản chui, mua giấy phép, ko giấy phép, trái phép. Đó là những điều đáng lên án, mới nó ảnh hưởng đến văn hóa, giáo dục của chúng ta

    Trả lờiXóa
  12. truyện dành cho trẻ em khi phát hành ra thị trường mới phát hiện nhiều lỗi là thứ rất nhạy cảm đối với dư luận, việc trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước là một phần thôi, cái trực tiếp nhất là người dân cảm thấy mình bất lực trong việc dạy bảo con cái vì đôi khi phát hiện ra trẻ em đọc truyện độc hại thì thấy rằng công sức mình dạy con dường như bị mất hết

    Trả lờiXóa
  13. Đây là những đầu sách mới phát hiện, chứ rà soát hết thì ko biết đến mức như thế nào nữa

    Trả lờiXóa
  14. đến giờ mà vẫn còn hỏi câu việc nhiều cuốn sách, truyện dành cho trẻ em khi phát hành ra thị trường phát hiện nhiều lỗi, dị bản do lỗi từ khâu nào? thì chưa được, tôi thấy tình trạng sách trẻ em bị nội dung không đúng từ lâu rồi, từ cái hồi có cậu bé bút chì đã rộ ra rồi, từ đấy đến giờ vẫn còn hỏi vì sao, làm thế nào thì chưa ổn rồi

    Trả lờiXóa
  15. Bản thảo về qua khâu thẩm định, biên tập của các NXB. Nếu biên tập viên và những người chịu trách nhiệm cẩu thả, thiếu trách nhiệm, làm đại khái thì rất dễ xảy ra sai sót. nếu ở nước ngoài thì đây chính là cơ hội để người ta đào thải những nhân viên yếu kém, còn ở mình thì hình như vào nhà nước rồi thì không sợ bị đuổi việc thì phải

    Trả lờiXóa
  16. Nguồn cung cấp bản thảo cho các nhà xuất bản thì có nhiều: Do cơ quan nhà nước, do các tổ chức có chuyên môn khác nhau, do một cá nhân nào đó, thế nhưng là cơ quan nhà nước hay tổ chức chuyên môn thì nội dung đáng lẽ ra phải được gần như đảm bảo chứ, đây còn gọi là uy tín, còn do cá nhân nào đó thì thường phải xuất sắc thì mới được đưa lên chứ

    Trả lờiXóa
  17. những cuốn từ điển chất lượng yếu kém, những tác phẩm văn học non tay, những công trình nghiên cứu không đảm bảo yêu cầu khoa học…tôi thấy những điều trên không phải là lỗi, thực tế thì xã hội không phản đối gì những cái trên vì chính quá trình lựa chọn sẽ đào thải thôi, người ta chỉ phản đối những thứ chướng tai gai mắt thôi

    Trả lờiXóa
  18. mà rõ ràng câu chuyện ở đây đang bàn là việc xảy ra lỗi ở sách thiếu nhi gần đây cơ mà, sao lại nhắc đến những cái lỗi :những cuốn từ điển chất lượng yếu kém, những tác phẩm văn học non tay, những công trình nghiên cứu không đảm bảo yêu cầu khoa học..là sao, sách thiếu nhi đâu có cần văn học xâu xa, khoa học cao đâu, hay là đang cố tình không muốn nhìn vào sự thật

    Trả lờiXóa
  19. tôi thấy nguyên do chủ yếu những lỗi về hình ảnh đều do người kiểm tra thấy nhưng chỉ ngờ ngợ xong cảm thấy không biết có sao không, rồi ngĩ nhiều phiền nên cho qua, hoặc yêu cầu người viết vẽ sửa lại thì ngại vì chắc có quan hệ lâu dài rồi, nói chung là cả nể, chỉ từ những cái đây thôi nhưng cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về danh dự

    Trả lờiXóa
  20. Trong thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin có rất nhiều thông tin được viết trên các sách tài liệu cho học sinh có nội dung sai sự thật và có nội dung không phù hợp với kiến thức của các em mà lỗi đầu tiên của việc này theo tôi đó nguyên nhân là do nhà xuất bản đã không kiểm tra kỹ trước khi in ra và bán ra thị trường.

    Trả lờiXóa
  21. Chỉ là cái đức, cái tâm của người làm sách thôi. Chấn chỉnh được một thời gian rồi lại đâu vào đấy

    Trả lờiXóa
  22. Thực sự là sốc khi cầm mấy cuốn sách thiếu nhi. Lương tâm, đạo đức nhà xuất bản để đâu chứ?

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog