Chia sẻ

Tre Làng

Tri ân các chiến sĩ Gạc Ma: CON GÁI LIỆT SĨ GẠC MA VÀ THƯ BỘ TRƯỞNG TIẾN

Con gái liệt sỹ Gạc Ma và thư gửi Bộ trưởng Tiến

“Em biết đến facebook Bộ trưởng Kim Tiến chỉ là sự tình cờ và gửi trong thư cả niềm tin và những hi vọng. Không ngờ Bộ trưởng đã phản hồi ngay và mang đến cho em cơ hội thay đổi cuộc sống”, em Phan Thị Trang (Diễn Châu, Nghệ An), con gái liệt sỹ Gạc Ma kể lại với VietNamNet.


Mất ngủ, nghẹn ngào vì vui sướng

Sáng 16/3, Trang cùng mẹ dậy sớm đi chợ Dinh sắm đồ cúng cho bố. “Ngày mai theo lịch âm là giỗ bố, em theo mẹ đi mua ít hoa, nải chuối và hương về thắp”, Trang kể khi đón chúng tôi trước cổng.

Trong căn nhà nhỏ, chị Trần Thị Ninh cùng con gái tỉ mỉ chọn những bông hoa cúc đẹp nhất chuẩn bị cắm lên bàn thờ. Thi thoảng Trang lại phải nghe điện thoại.

“Hai ngày qua nhiều người gọi cho em. Đây là chiếc điện thoại dì em cho, nhờ đó mà em kết nối được facebook”, vẫn lời Trang.

Phan Thị Trang nhiều lần xúc động khi nhắc đến bố, liệt sỹ Phan Huy Sơn hy sinh trong sự kiện Gạc Ma.

Trong lời kể chậm rãi của cô gái, một tuổi thơ khó nhọc với người mẹ đau ốm và anh trai tật nguyền đã ám ảnh chúng tôi. Trang chào đời năm 1988 khi bố đã hi sinh tại Gạc Ma ít tháng trước đó. 

Những gì Trang biết về bố chỉ là bức di ảnh đen trắng phóng to, tấm bằng Tổ quốc ghi công và những dòng thư ngắn ngủi của bố mà mẹ đã giữ như báu vật suốt hàng chục năm qua!

“Năm 2007 em đậu vào Đại học Vinh, ngành Cử nhân Sinh học. Nhưng 2 năm sau do mẹ đau ốm, em đã phải nghỉ giữa chừng dù mẹ em không muốn. Năm 2011, em nộp hồ sơ vào hệ cao đẳng điều dưỡng của Đại học Y khoa Vinh, với mong muốn ra trường có thể chăm sóc mẹ và anh trai”, Trang kể.

Tốt nghiệp tháng tháng 6/2014, Trang mang hồ sơ xin việc đến nộp tại BVĐK Diễn Châu , xin vào làm điều dưỡng.

“Trước ngày thi viên chức, em theo ông ngoại là Trần Ngọc Thanh (78 tuổi) vào TP. Vinh, trình bày hoàn cảnh với lãnh đạo Sở Y tế và Sở Nội vụ Nghệ An. Ở đây các bác đều tỏ sự quan tâm với hoàn cảnh của em, nhưng nói chỉ có thể ưu tiên bằng việc cộng điểm khi thi”

Kết quả thi không như mong muốn, Trang khép lại giấc mơ công tác tại bệnh viện gần nhà để chăm mẹ và anh. Những ngày sau đó, cô gái mang đơn xin việc đến các phòng khám tư nhân trên địa bàn nhưng không nơi nào nhận.

“Tình cờ, em biết được facebook của Bộ trưởng Kim Tiến. Em đã trình bày hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng của em với Bộ trưởng. Em gửi trong thư những niềm tin, hi vọng dù biết Bộ trưởng bận rộn làm gì có thời gian.

Nhưng chỉ 2 ngày sau, em nhận được phản hồi từ Bộ trưởng. Rồi vào ngày 13/3, một ngày trước dịp kỷ niệm sự kiện Gạc Ma, Bộ trưởng đã có công văn về Sở, em và mẹ vui sướng đến mất ngủ”, vẫn lời em Trang.


“Sẽ cố không phụ niềm tin”

Trang kể, mẹ là người tin tưởng em nhất. Chính chị Ninh đã động viên con gái đi học trở lại. Trang cũng chính là niềm hi vọng duy nhất, kể từ lúc chị nhận hung tin về chồng từ biển khơi!

Chị Trần Thị Ninh và những kỷ vật từ người chồng liệt sỹ, được chị nâng niu, gìn giữ như báu vật suốt hàng chục năm qua. Chị cùng mừng rỡ đến mất ngủ khi biết Bộ trưởng quan tâm đặc biệt đến con gái và gia đình. 

Chị Ninh bị sỏi thận nặng, đi viện liên miên. Người con trai đầu đã hơn 30 tuổi nhưng bị tàn tật, ngày ngày chạy khắp xóm, nhiều bữa chị và con gái phải đi từ làng trên xóm dưới để tìm.

“Trang nó có nghị lực và biết quan tâm mẹ và anh trai. Nó theo ngành y và muốn công tác gần nhà để chăm sóc mẹ và anh. Tôi cũng không biết con gửi thư cho Bộ trưởng thế nào, khi nhận tin, tôi vui đến mất ngủ”,

Chồng chị, liệt sỹ Phan Huy Sơn trước lúc hi sinh là cán bộ y tế của binh chủng Hải quân. Có lẽ cũng chính vì thế mà con gái muốn gắn bó với nghề y để tiếp tục cống hiến những gì bố còn dang dở.

Trong buổi trò chuyện, cô gái nhiều lần rơi nước mắt khi nhắc đến bố.“Ngày mai theo lịch âm là giỗ của bố rồi. Nhận được tin vui từ Bộ trưởng đúng vào những ngày này, em cứ rơi nước mắt! Em sẽ cố gắng làm việc thật tốt để không phụ niềm tin và sự quan tâm quá lớn của mọi người”, Trang nghẹn ngào.

Chị Trần Thị Ninh cũng không kìm được xúc động, nhất là khi run rẩy lần giở những bức thư và kỷ vật của người chồng liệt sỹ. “Tôi chắc bố nó cũng đã thanh thản. Mẹ con tôi cám ơn Bộ trưởng, cám ơn các cấp, ngành đã quan tâm, giúp đỡ đến gia đình”, chị Ninh sụt sùi.

Trưa 16/3, trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Đăng Hảo, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, ông vẫn chưa nhận được văn bản công văn từ Bộ Y tế, nhưng đã xem qua nội dung từ trên báo chí.
“Chiều 16/3, Sở sẽ có cuộc họp lãnh đạo về vấn đề này, sau đó sẽ có hướng triển khai”

Cao Thái

5 nhận xét:

  1. thật là cảm động với những hoàn cảnh khó khăn nhưng muốn vươn lên trong cuộc sống chỉ bằng những hy vọng mong manh, may mắn thay cho hoàn cảnh em này đã được đền đáp với những hy vọng mong manh ấy trở thành hiện thực, chúc em sẽ đạt được nhiều hơn nữa vì em là người có nghị lực thắng số phận

    Trả lờiXóa
  2. Rất cảm động! Mong có sự chia xẻ của tất cả mọi người.

    Trả lờiXóa
  3. Những gia đình có người thân hy sinh vì tổ quốc hầu như có một cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn dù đã, đang nhận được sự quan tâm của nhà nước. Nhưng cảm giác như những gì họ được nhận chưa xứng đáng với những mất mát của gia đình, bản thân. Hy vọng bộ trưởng Tiến có thể làm được những gì mình hứa hẹn

    Trả lờiXóa
  4. Như chúng ta đã biết Đảng và nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến chính sách cho người có công với cách mạng, quan tâm chăm sóc cho họ và gia đình của những người có công với cách mạng. đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta thể hiện tinh thân uống nước nhớ nguồn biết ơn các anh hùng liệt sỹ.

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh09:51 1/4/15

    Mong em Trang hãy cố gắng làm việc thật tốt sau khi được phân công công tác để không phụ lòng sự tin tưởng của mọi người dành cho em, và nhất là đối với người bố liệt sỹ của em

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog