Ba lần bị cáo được tuyên vô tội, Chánh án khóc
VOV.VN - Ông khóc vì thực trạng pháp luật nước ta hiện nay còn không ít điều vô lý đang bị lạm dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến thân phận pháp lý một con người.
Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Ninh Bình vừa xét xử phúc thẩm lần thứ ba và tuyên vô tội đối với bị cáo Vũ Phan Điền bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Khi phiên tòa vỡ òa trong niềm vui và nước mắt cũng là lúc phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đề nghị phỏng vấn Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình về suy nghĩ của ông trước phán quyết của hội đồng xét xử. Nhưng, cũng như nhiều người dự phiên tòa, ông Chánh án đã khóc nên phóng viên không thực hiện được cuộc phỏng vấn.
Hình ảnh tại phiên tòa
Cách đây 2,5 năm, vào tháng 11/2012, anh Vũ Phan Điền (sinh năm 1986, ở xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình) đang tham gia giao thông thì bị Công an thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình kiểm tra hành chính, dẫn giải về đồn rồi bất ngờ “phát hiện có 8 gói heroin trong xe máy?”.
Điền bị cuốn vào vòng xoáy tố tụng, phải nằm trong trại tạm giam gần hai năm và 6 lần đứng trước vành móng ngựa. Trong ba lần xét xử sơ thẩm, thì cả ba lần TAND thị xã Tam Điệp đều tuyên Vũ Phan Điền phạm tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” với mức án 33 tháng và 24 tháng tù giam. Ngược lại, TAND tỉnh Ninh Bình ba lần phúc thẩm, thì hai lần tuyên vô tội và một lần hủy án điều tra lại.
Một vụ án oan mà nhiều người dự phiên tòa cùng khóc là chuyện bình thường, nhưng đến cả người nhân danh nhà nước để “cầm cân nảy mực” như ông Chánh án cũng khóc, thì đó là một hiện tượng đáng suy ngẫm.
Có thể ông khóc do cùng tâm trạng “mừng mừng tủi tủi” với người thân bị cáo. Nhưng có lẽ còn vì một lý do sâu thẳm mà ông chưa nói được bằng lời và không thể giải thích trong bản án. Đó là thực trạng pháp luật của nước ta hiện nay còn không ít điều vô lý đang bị lạm dụng gây ảnh hưởng tiêu cực đến thân phận pháp lý một con người.
Ông khóc vì cấp dưới của mình đã dũng cảm vượt qua rất nhiều áp lực, với 3 lần phúc thẩm giữ nguyên quan điểm, dành thời gian tới 3 tuần nghị án để ra một quyết định thật khách quan nhằm bảo vệ sự thật, bảo vệ người vô tội và cả danh dự những thẩm phán chân chính.
Trong thực tiễn xét xử, chuyện tòa phúc thẩm và sơ thẩm nhận định, phán quyết khác nhau là bình thường. Nhưng sự khác nhau lạ thường giữa ba lần sơ thẩm và ba lần phúc thẩm trong vụ án này thì dư luận thật dễ dàng đặt dấu hỏi về một áp lực nào đó đã đè nặng lên các vị thẩm phán ở cấp sơ thẩm. Có lẽ, ông Chánh án khóc vì cả hai lý do: Áp lực trước một vụ án oan sai và bản lĩnh thẩm phán trước sự lựa chọn “còn” - “mất”!
Chính đồng nghiệp ông cũng đã từng “bị oan” khi tuyên Vũ Phan Điền vô tội tới hai lần, mà cấp trên vẫn ra quyết định giám đốc thẩm, hủy án. Bởi nếu thiếu dũng khí và đảm bảo “an toàn” cho những người tiến hành tố tụng ở địa phương, họ có thể “y án sơ thẩm” buộc bị cáo phải chịu mức án 24 tháng tù giam, vì đằng nào cũng đã tạm giam ngần ấy thời gian. Nhưng, với vụ án này lương tâm mách bảo họ không được phép làm như vậy.
Thật may mắn khi gần 300 lá đơn của người cha Vũ Phan Điền gửi đi các nơi suốt mấy năm qua đề nghị minh oan cho con và những lời kêu cứu của bị cáo từ trại tạm giam cũng như khi đứng trước vành móng ngựa đã thấu đến người có quyền phán quyết ở cấp phúc thẩm. Hãy thử hình dung, nếu Điền bị tuyên phạm tội tàng trữ ma túy thì tương lai của Điền và niềm tin của người dân vào công lý sẽ ra sao?
Lâu nay, dư luận vẫn bất bình về những “bản án bỏ túi”, tỉ lệ oan sai và đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa giảm là bao.
Người ta vẫn lo lắng nếu cơ quan bảo vệ pháp luật cấp trên thiên vị cấp dưới mỗi khi cấp dưới có dấu hiệu sai luật trong điều tra, truy tố, xét xử. Và trong bộ máy vẫn chưa hết những cán bộ thiếu lương tâm, trách nhiệm, chạy theo thành tích, mặc nhiên coi người bị tạm bắt giam là có tội và tìm mọi cách buộc tội họ để tránh bồi thường oan sai.
Cách làm việc như vậy sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm, khiến bất cứ người dân nào rơi vào vòng xoáy tố tụng cũng có thể trở thành tội phạm ngay cả khi bằng chứng buộc tội họ còn rất lơ mơ - mà vụ án Vũ Phan Điền là một ví dụ.
Vậy nên, rất mong những người có quyền phán quyết không chỉ biết khóc mà hãy bằng mọi giá giữ được niềm tin của nhân dân vào công lý./.
Nguyễn Ngọc Năm/VOV
Nguồn: http://vov.vn/binh-luan/ba-lan-bi-cao-duoc-tuyen-vo-toi-chanh-an-khoc-396067.vov
Hệ thống luật pháp nước ta đang được xây dựng và hoàn thiện về mọi mặt, chính vì vậy mà nhiều điểm còn thiếu sót, còn chưa hợp lý cần được điều chỉnh để có thể xử lý các sai phạm một cách công bằng nhất, tránh các vụ án oan sai sảy ra.
Trả lờiXóanếu nói rằng "thực trạng pháp luật của nước ta hiện nay còn không ít điều vô lý" thì tôi chỉ đồng tinh với trường hợp kiểu này thôi, nhưng về khách quan suy xét thì pháp luật nước ta đúng với nhiều trường hợp những một vài trường hợp không hợp lý, cần phải bổ xung chứ không thể đổ cho pháp luật vô lý cho được, thế là không xây dựng cho lắm
Trả lờiXóatôi hiểu và thông cảm cho bị cáo và gia đình bị cáo, thông cảm cho cảm xúc áp lực vì chính nghĩa của chánh án, thông cảm cho cảm xúc bức xúc muốn truyền đạt vụ việc đến cộng đồng của tác giả, thế nhưng 1 vụ án oan không đánh giá được trăm nghìn vụ án khác bị phủ nhận tính đúng đắn, pháp luật không toàn năng nên không giải hết các bài toán được
Trả lờiXóathời gian gần đây chúng ta đã chứng kiến một số vụ án oan sai gây bất bình cho người dân.nó xuất phát từ nhiều lí do.chúng ta thấy rõ được tác hại của việc kết án oan sai một người,chính vì vậy những người có quyền phán quyết cần phải đảm bảo công lí cho người dân để họ luôn giữ vững niềm tin vào luật pháp và công lí.
Trả lờiXóaĐúng là thời gian qua trên đất nước ta đang xuất hiện một số các vụ án oan, những vụ án oan đó đã làm thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân không những sinh mệnh chính trị của những người bị oan bị ảnh hưởng nặng nề cho nên chúng tôi rất mong muốn nước ta có hệ thống pháp luật thật chặt chẽ và các lực lượng tiến hành tố tụng hãy làm việc thật công minh để có những vụ án oan xảy ra nữa.
Trả lờiXóatheo tôi thì đây là một bước phát triển mới trong ngành luật, cần phải phát triển hơn nữa việc tranh tụng trong các phiên tòa, vì thực tế cho thấy việc tranh tụng không được phát huy hết khả năng, đặc biệt việc tự bào chữa của các bị cáo gần như không được thực hiện, việc bào chữa nếu có thì đều được thực hiện do luật sư
Trả lờiXóatôi đồng ý với Minh Anh, xem phim nước ngoài thấy thích nhất những đoạn tranh tụng trong phim, thấy khi ấy mọi người phát huy hết khả năng, phát huy hết vốn hiểu biết về pháp luật, đồng thời thể hiện sự linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật. Việc tranh tụng và tự bào chữa ở nước ta chưa được chú trọng lắm,
Trả lờiXóa"Người ta vẫn lo lắng nếu cơ quan bảo vệ pháp luật cấp trên thiên vị cấp dưới mỗi khi cấp dưới có dấu hiệu sai luật trong điều tra, truy tố, xét xử. Và trong bộ máy vẫn chưa hết những cán bộ thiếu lương tâm, trách nhiệm, chạy theo thành tích, mặc nhiên coi người bị tạm bắt giam là có tội và tìm mọi cách buộc tội họ để tránh bồi thường oan sai." Nếu những người cầm cân mà tắc trách thì người dân còn biết lương tự vào ai. Rồi những vụ oan sai sẽ là mục tiêu của các chú diều hầu "rân chủ" bu vào nhằm bôi nhọ xuyên tác, nói xâu chế độ, bôi nhọ đất nước, làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Thiết nghĩ cần phải có những người công tâm như vụ án này thì nước ta mới giữ vững được ổn định như bây giờ.
Trả lờiXóaNhưng tại sao lại tới tận 3 lần mà vẫn khác nhau nhỉ? Không nhẽ trình độ cán bộ của ta kém đến như vậy sao? Hay biết mình sai nên vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm. Tôi nghĩ cái thằng mà kết luận anh Điền này có tội phải cho vào tù để nó biết thế nào là ngồi nhà đá bóc lịch, họ phải đặt mình vào trường hợp của người khác thì nó mới thấu hiểu được nỗi khổ của người khác. Làm gương cho kẻ khác để tránh bớt cảnh làm ăn tắc trách, vô cảm của một số cán bộ
Trả lờiXóa"Ông khóc vì cấp dưới của mình đã dũng cảm vượt qua rất nhiều áp lực, với 3 lần phúc thẩm giữ nguyên quan điểm, dành thời gian tới 3 tuần nghị án để ra một quyết định thật khách quan nhằm bảo vệ sự thật, bảo vệ người vô tội và cả danh dự những thẩm phán chân chính." Giá như ông nào cũng được như này thì bà con được nhờ. Thật cảm ơn những con người làm việc có tâm có đức.
Trả lờiXóaLàm nghề gì thì cũng cần có tâm, làm gì cũng có cần có sự nhiệt huyết, không chỉ ngành luật mà nhiều ngành khác đều cần những con người nhiệt huyết như thế thì mới hi vọng đất nước phát triển hơn, xã hội tiên tiến hơn
Trả lờiXóaCần lắm những con người như thế này, đọc qua báo thôi mà thấy như trong phim mà mình vẫn xem trên tivi, một người luật sư vẫn kiên trì theo kiện đến cùng để chứng minh cho thân chủ là người không vi phạm, không phải tội phạm và kết quả đã thành công với những câu hỏi thông minh đã chứng minh được thân chủ vô can
Trả lờiXóaKhông những từ phía luật sư, cả các thẩm phán cũng cần có tâm huyết, sự sáng tạo, nhiệt huyết trong công việc và đặc biệt là sáng suốt trong mọi tình huống để không xảy ra oan sai thêm nữa
Trả lờiXóaCó lẽ ông cũng khóc vì bản thân ông là người cầm cân này mực đã giúp cho một người vô tôi được chứng minh mình vô tội. Giọt nước mắt của niềm vui và ẩn chứa nỗi buồn bên trong đó
Trả lờiXóavụ án oan sai là một điều không ai mong muốn sảy ra điều đó ảnh hưởng không tới sinh mệnh của một con người mà còn ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của luật pháp, và chúng ta có thể nói luật pháp ở nước ta đang trong quá trình hoàn thiện vì thế không tránh khỏi được những thiếu sót và điều quan trọng thấy sai mà sửa là điều đáng mừng, và vụ án trên cho thấy được điều đó tính minh bạch của luật pháp việt nam, xin chúc mừng bị cáo và gia đình đã được minh oan.
Trả lờiXóa