Chia sẻ

Tre Làng

PHẢI CHĂNG HỌ ĐANG MUỐN ĐI NGƯỢC LẠI CÁC NGUYÊN TẮC ĐÃ CAM KẾT?

Phải chăng họ muốn đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết?

Năm 2013, Tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và Tổng thống Mỹ có đoạn viết: "Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Ðối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam, trong đó có tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Song, căn cứ vào một số sự kiện diễn ra thời gian gần đây, thì dường như một bộ phận trong chính giới Mỹ đang muốn đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết?

Ngày 16-5, một bản tin trên RFA cho biết: Trong ba ngày từ 15 đến 17-5 tại Singapore, Ðài châu Á tự do (RFA) kết hợp tổ chức khủng bố "Việt tân" và tổ chức "hiến chương 19" (Article 19) đã tiến hành khóa huấn luyện về một công cụ truyền thông mới; đồng thời tổ chức cho người tham gia gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các tổ chức nhân quyền. Tham dự huấn luyện có hơn 30 người đến từ Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Ðáng chú ý là các cá nhân trực tiếp đứng ra huấn luyện gồm: giám đốc Ban tiếng Việt RFA, giám đốc chương trình của SBTN, chuyên viên kỹ thuật của tổ chức khủng bố "Việt tân", đặc trách châu Á của Article 19, đặc trách châu Á của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) - đây là các tổ chức, cá nhân vốn có thái độ thù địch, hoặc rất thiếu thiện chí với Việt Nam, thường xuyên vu cáo, xuyên tạc, bịa đặt về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Sự kiện này cho thấy RFA, SBTN, RSF,... đã không chỉ ngang nhiên thách thức dư luận, mà còn công khai bắt tay với tổ chức khủng bố "Việt tân" tổ chức các hoạt động chống phá Việt Nam. Người ta không thể không đặt câu hỏi: với tiền thân là "đài phát thanh tuyên truyền của chính phủ Mỹ" và hiện nay "được tài trợ bởi một quỹ hàng năm của liên bang do Hội đồng quản trị phát thanh điều hành", liệu những người ở RFA có dám "tự tung, tự tác" đi ra ngoài phạm vi yêu cầu của nơi tài trợ cho họ hoạt động?

Nhìn trên diện rộng và trong tính quá trình, việc tổ chức huấn luyện của RFA là không đơn lẻ, đó là sự nối dài chuỗi các hoạt động mà một bộ phận trong chính giới Mỹ, cùng một số tổ chức, cá nhân có thái độ thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam đã tiến hành trong dịp cuối tháng 4-2015 và đầu tháng 5-2015, trong đó nổi lên là cố gắng biến một số người viết blog đã lợi dụng internet để hoạt động vi phạm pháp luật thành "nhà báo", từ đó vu cáo Việt Nam. Sơ bộ liệt kê: cuối tháng 4-2015, đề cập tới Việt Nam, Phúc trình năm 2015 của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) đưa ra các đánh giá xuyên tạc quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tự do tôn giáo và khuyến cáo Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách "các nước đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo" (CPC); nhân Ngày tự do báo chí thế giới, ngày 1-5 tại Nhà trắng, Tổng thống B.Obama tiếp ba nhà báo đến từ ba nước được gọi là "vi phạm tự do báo chí", trong đó có một người Việt Nam từng phải nhận bản án 12 năm tù vì vi phạm pháp luật; cũng dịp này, Bộ Ngoại giao Mỹ mở chiến dịch đòi "trả tự do cho báo chí" và trong Thông cáo ngày 5-5, Bộ trưởng Ngoại giao J.Kerry đã kêu gọi "trả tự do ngay lập tức cho các phóng viên bị cầm tù" trong đó có Tạ Phong Tần - người viết blog đang thi hành án với tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam"; ngày 30-4, dân biểu C.Smith (C.Xmít) thay mặt các dân biểu bảo trợ trình Tiểu ban nhân quyền (Ủy ban Ðối ngoại - Hạ viện Mỹ) cái gọi là "dự luật nhân quyền Việt Nam" (HR. 2140), và ngày 14-5, Tiểu ban nhân quyền đã thông qua "dự luật", tiếp tục trình Ủy ban Ðối ngoại. Ðáng nói là dù đã năm lần đề xuất và không được thông qua ở cấp cao hơn, nhưng các dân biểu bảo trợ HR. 2140 vẫn không từ bỏ ý định. Thậm chí, qua cái gọi là HR. 2140, họ còn đưa ra một số đòi hỏi vô lý và phản nhân quyền, như: coi nhân quyền là một điều kiện để Mỹ bán thiết bị quân sự cho Việt Nam; chương trình trao đổi giáo dục, văn hóa giữa Mỹ với Việt Nam cần thúc đẩy tự do, dân chủ; Việt Nam cần được coi là một nước phải đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo...

Về nhân quyền ở Việt Nam, trả lời phỏng vấn VOA nhân 40 năm kết thúc chiến tranh, cựu Ðại sứ P.Peterson (P.Pi-tơ-xôn) đã khẳng định: "Tôi cho điểm Việt Nam khá cao trong những thay đổi về nhân quyền và quyền tự do tôn giáo trong những năm qua. Tôi theo dõi rất chặt chẽ và nhận thấy những cải thiện lớn trong hai lĩnh vực này ở Việt Nam. Tôi nghĩ cần phải cho điểm Việt Nam vì các bước đi đó". Dù coi "nhân quyền vẫn còn là trở ngại cho quan hệ Việt Nam đối với Mỹ", thì cựu đại sứ P.Peterson cũng thừa nhận: "không mấy nước đạt được 100 điểm tuyệt đối. Sự hoàn thiện về nhân quyền là điều mong muốn nhưng không hẳn là mục tiêu. Cam kết về "nhân quyền hoàn thiện" là điều không thể, khó nước nào làm được". Ý kiến của ông P.Peterson cho thấy sự hoàn thiện về nhân quyền luôn là cái đích để các quốc gia phấn đấu đạt tới chứ không phải là thực tế hiển nhiên để quốc gia nào cũng có thể tự coi là hình mẫu để soi chiếu, áp đặt lên quốc gia khác. Ngay ở Mỹ cũng vậy, khó có thể coi đây là hình mẫu "hoàn thiện nhân quyền" khi hằng ngày ở nước này vẫn xuất hiện các tin như: "Một số cơ sở kinh doanh của người Mỹ gốc Việt ở thành phố Baltimore (Ban-ti-mo), thuộc tiểu bang Maryland (Ma-ri-len) của Hoa Kỳ, đã bị ảnh hưởng vì tình trạng bạo loạn. Tuần trước, thành phố này đã bị chìm trong hỗn loạn sau tang lễ của Freddie Gray (P.Grây). Người thanh niên 25 tuổi này đã thiệt mạng hồi tháng trước trong lúc bị cảnh sát câu lưu" (nguoi-viet, 5-5), "San Jose Mercury News cho hay, trong năm ngoái, các số liệu cho thấy cảnh sát San Jose thường chặn xe lại, lục soát, rồi còng tay hoặc bắt giữ những người da mầu và Latino với một tỷ lệ cao hơn bất cứ sắc dân nào trong thành phố" (nguoi-viet, 12-5)...

Nếu suy nghĩ chín chắn, người trong chính giới Mỹ không thể phát ngôn tự thị, kỳ quặc như bà Janet Nguyễn (thành viên Thượng viện bang Ca-li-pho-li-a) khi trả lời phỏng vấn RFA ngày 14-5 nói: "Nước Mỹ là nước tự do dân chủ nên mình phải buộc Việt Nam phải có tự do dân chủ, nếu không thì không nhận được những cái tốt đẹp từ nước Mỹ", và không cần biết thực hư ra sao chỉ cần xem mấy bức ảnh là bà đã vội vàng la lối "công an đánh dân"! Nếu quan tâm tới nhân quyền, một số dân biểu Mỹ vốn luôn lớn tiếng lên án Việt Nam nên suy nghĩ, hành động sao cho mọi người dân Mỹ được hưởng nhân quyền, để các thanh niên như F.Gray không bị cảnh sát bắn chết, để cơ sở kinh doanh của người gốc Việt không bị cướp phá, để người da mầu hay người Latin không bị kỳ thị, để tội hiếp dâm trong quân đội được xét xử công bằng... Ðáng tiếc họ không làm như vậy, mục đích của họ được dân biểu A.Lowenthal (A.lô-oen-than) nói rõ trong bài trên VOA ngày 14-5: "Một trong các lý do mà tôi có mặt tại Quốc hội, đó là tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng mà tôi đại diện và cho nhân quyền", vậy, thử hỏi nhân quyền ở Việt Nam liên quan gì tới "quyền lợi" của cộng đồng mà dân biểu A.Lowenthal là đại diện? Hơn nữa, tại sao tới Việt Nam, các dân biểu như A.Lowenthal không tìm hiểu nhân quyền qua bất kỳ người nào trong 90 triệu công dân mà chỉ nhắm vào mấy người như Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Lý,... cùng một số tổ chức không được Nhà nước công nhận, không tìm hiểu cặn kẽ để biết những người họ o bế, đỡ đầu là ai, hoạt động như thế nào? Riêng mấy người được họ o bế, đỡ đầu thì ý kiến của một "nhà dân chủ" công bố trên facebook gần đây đã nói lên tất cả: "Lực lượng đấu tranh trong nước được sự hỗ trợ tài chính từ những tổ chức, đảng phái ở hải ngoại nên chịu sự "lãnh đạo" thành văn hoặc bất thành văn của họ". Liệu các dân biểu như A.Lowenthal có biết cộng đồng họ đại diện đang một mặt hỗ trợ tài chính cho các hoạt động phá hoại Việt Nam, một mặt dùng lá phiếu để buộc các vị o bế, đỡ đầu, bảo vệ mấy kẻ đã vi phạm luật pháp Việt Nam? Về điều này, chính Nguyễn Ðình Thắng - kẻ chống cộng ở Mỹ gần đây đã nói huỵch toẹt qua bài Cộng đồng Việt có thể làm lệch cán cân rằng: "Trong vận động chính sách quốc gia Hoa Kỳ, vốn liếng quý nhất của chúng ta là tư thế cử tri của chính mình"!

Ðáng tiếc là các sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã có những bước phát triển tốt đẹp, mong muốn: "mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung" như Tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước công bố nhân chuyến thăm Mỹ vào năm 2013 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Về các sự kiện đáng tiếc này, một blogger coi là không ngẫu nhiên vì diễn ra liên tiếp đúng thời điểm "Việt Nam rầm rộ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước"? Ý kiến khác cho rằng sự xăng xái đến bất thường của một số dân biểu Mỹ vừa qua là chiều theo ý muốn cử tri nhằm kiếm phiếu bầu trong mùa bầu cử sắp tới? Dẫu xác suất hai giả thuyết đến đâu thì cũng là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh các chuẩn mực văn minh đang trở thành nguyên tắc chi phối ứng xử giữa các quốc gia trong thế giới hiện đại. Ðó cũng là điều mà trong cuộc họp báo ngày 19-5 tại TP Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm Việt Nam, ông Antony J.Blinken (An-tô-ni G.Blin-ken) - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã nói: "Các cựu thù trong chiến tranh với nhau vẫn có thể trở thành bạn bè. Chúng ta không những chỉ có hòa bình mà còn xây dựng được quan hệ đối tác". Chẳng lẽ một bộ phận trong chính giới Mỹ lại không hướng tới điều này? Chẳng lẽ vì quyền lợi ích kỷ của mình, họ không ngần ngại "đầu cơ chính trị" trên uy tín, danh dự của một quốc gia có chủ quyền?

http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_chinhtri/_mobile_binhluanphephan/item/26438602.html

VŨ HỢP LÂN
(Nhân Dân)

20 nhận xét:

  1. Người Mỹ thường tự hào về cái "nhân quyền" ở quốc gia họ. Họ tự coi mình là đất nước tự do, tiến bộ và có nhân quyền nhất. Cứ coi những điều ấy là đúng, vậy họ lấy danh nghĩa gì để ban phát cái "nhân quyền" của họ cho các quốc gia khác mà cụ thể là Việt Nam? Việt Nam là một quốc gia, độc lập, tự chủ đã được thế giới công nhận, Việt Nam có những đường lối, quyết sách riêng chứ không phải là một bang của Mỹ, càng không phải lệ thuộc vào Mỹ. Đấy là chưa nói đến liệu ngay trên đất Mỹ có phải tất cả người dân đều đang có nhân quyền và được hưởng quyền con người của mình hay không? Hãy tự xem lại mình trước khi rêu rao về người khác.

    Trả lờiXóa
  2. Người xưa có câu "Lười không xương ngàn đường lắt léo" vì thế mà lúc nói này lúc nói kia là điều chúng ta không nên thấy bất ngờ. Có bất ngờ là cái hành động trái với lời nói của họ là chính thôi

    Trả lờiXóa
  3. Người Mỹ thực ra vẫn chưa vượt qua được nỗi ám ảnh thất bại của một cường quốc hàng đầu thế giới trong cuộc chiến Việt Nam. Điều này ảnh hưởng tương đối sâu sắc với những phản ứng của họ. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua những phát ngôn của nhiều giới chức trong chính phủ của họ

    Trả lờiXóa
  4. Từ trước tới nay, chưa bào giờ Hoa Kỳ có một mối quan hệ với nước khác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Bằng nhiều cách khác nhau họ tìm cách can thiệp vào tình hình các nước, qua đó tạo sức ép nhằm thực thi những điều khoản có lợi cho họ. Thêm vào đó, họ luôn tự coi mình là sen đầm quốc tế, luôn coi mình có quyền can thiệp vào bất kỳ vấn đề nào, quốc gia nào dù có liên quan hay không. Vậy nên không thể hy vọng nhiều vào một mối quan hệ công bằng

    Trả lờiXóa
  5. Đôi khi chúng ta cần sự tỉnh táo hơn trong việc suy xét về các mối quan hệ của đất nước với các quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta phải tự nhìn nhận xem chúng ta đang đứng ở vị trí nào trên trường quốc tế. Chúng ta chỉ thật sự có một mối quan hệ công bằng, cả hai cùng có lợi chỉ khi chúng ta có sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự ngang bằng. Vậy nên thay vì ngồi đó và than vãn, hãy đóng góp sức lực của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, để nước ta có đủ quyền đứng lên nói chuyện ngang hàng với các quốc gia khác

    Trả lờiXóa
  6. Nước Mỹ luôn ra rả luận điệu về một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa hai nước dựa trên sự tôn trọng, công bằng và vì những lợi ích chung. Không thể vì những lời nói đó mà hy vọng vào đó một cách thái quá. Hãy thử suy luận ý tứ của họ qua những lời nói sáo rống đó xem nhé: Về tôn trọng, thực lực hai nước như thế nào? Mỹ mạnh hơn cả về kinh tế lẫn quân sự. Vậy nên họ sẽ nghĩ Việt Nam phải tôn trọng họ hơn. Về công bằng, lại tất nhiên là Mỹ sẽ được hưởng nhiều hơn, cũng chỉ vì Mỹ mạnh hơn.Về phần cả hai cùng có lợi tự các bạn cũng có thể suy diễn nốt. Vậy nên đừng quá tin những gì họ nói. Tự lực mà vươn lên đi

    Trả lờiXóa
  7. Đúng như bác Phạm Ba nói. Không bao giờ có sự công bằng giữa nước lớn và nước nhỏ. Dù được chia lợi ích bao nhiêu thì nước nhỏ cũng là người phải chịu thiệt. Việc Mỹ tìm cách o ép, hay can thiệp vào việc nội bộ của Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Vậy nên ngoài con đường ngoại giao đúng đắn, chúng ta phải tự lực cánh sinh, cố gắng để giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ

    Trả lờiXóa
  8. Lại muốn đánh bóng tên tuổi của bản thân mình rồi, các vị cứ thỏa sức mà phối kết hợp, bắt tay cùng thực hiện cái nguyện vọng không bao giờ thành hiện thực ấy đi. Mỹ hay các tổ chức có cùng kết hợp đi nữa thì cũng không thay đổi được cái gì đâu, sự thật thì vẫn là sự thật đó thôi

    Trả lờiXóa
  9. Mồm thì luôn miệng nói tôn trọng quyền tự do của mỗi quốc gia không can thiệp vào nội bộ của nhau nhưng thực chất lại chuyên đi nói xấu sau lưng rồi bắt tay hợp tác để xuyên tạc vu khống người khác. Làm như thế mà cũng có thể chấp nhận mà ngẩng cao đầu được nữa hay sao

    Trả lờiXóa
  10. Mở rộng mối quan hệ ngoại giao phải dựa trên lòng tin của mỗi quốc gia, cũng cần phải có sự chân thành trong mối quan hệ thì tình cảm mới bền lâu được. Chứ ngoài miệng nói một đằng lúc làm lại ra một kiểu thì ai mà tin tưởng được đây, đúng là những người hai mặt, khó lòng thấu hiểu được

    Trả lờiXóa
  11. Đi ngược lại các nguyên tắc thì từ trước đến giờ Mỹ cũng làm rất nhiều lần rồi. Nếu như lục lại lịch sử chúng ta có thể thấy được bản tính hai mặt của Mỹ, chỉ cần không mất lòng ai, cái gì có lợi thì Mỹ đương nhiên sẽ làm thôi. Thật sự thì chẳng có ai là không biết bản chất ấy của nước này

    Trả lờiXóa
  12. Các tổ chức này lúc nào cũng ngấm ngầm hoạt động và có sự hậu thuẫn của Mỹ, chỉ cần lướt qua xem hành động và quy mô của họ là biết được ai đứng sau ngay. Suốt ngày nói là ủng hộ, tăng cường mối quan hệ nhưng thực chất họ đã làm những gì cho chúng ta, thật sự là quá thất vọng

    Trả lờiXóa
  13. Em ạ các anh Mẽo và các anh chị cuồng Mẽo. Mẽo luôn đâm bị thóc, chọc bị gạo, chê bai dè bỉu các kiểu về nhân quyền với cả tự do bla....bla..... nhưng bản thân họ thì sao??? Hay cái tự do của họ đó là tự do xả súng, tự do giết người.....

    Trả lờiXóa
  14. Mỹ và Trung quốc là đại diện cho cái kiểu nói có thành không, không thành có mà. Họ là những kẻ luôn chê bai các đất nước khác, luôn hạ thấp các nước khác để tôn mình lên. Nhưng mà cả thế giới này có ai mà ko rõ bản chất xấu xa của họ

    Trả lờiXóa
  15. "Nước Mỹ là nước tự do dân chủ nên mình phải buộc Việt Nam phải có tự do dân chủ, nếu không thì không nhận được những cái tốt đẹp từ nước Mỹ", ôi vãi linh hồn. Mỹ hãy lo cho cái dân chủ của bản thân đất nước mình đi trước khi xía vào chuyện của nước khác trong khi bản thân đã chả tốt đẹp cái giề

    Trả lờiXóa
  16. Mỹ mở mồm ra là mong muốn "mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung" . Nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn vì lúc nào cũng thích xía vào công việc nội bộ của VN

    Trả lờiXóa
  17. Không thể có mội mối quan hệ bình đẳng, vững mạnh nếu không có sự tôn trọng lẫn nhau từ hai phía. Việt Nam là một mối quan hệ cần thiết trong việc phát triển ảnh hưởng của Mỹ cũng như ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc ở khu vực Đông và Nam á. Vậy nên chúng ta cứ việc làm những gì chúng ta coi là đúng. Mỹ sẽ phải hợp tác với chúng ta

    Trả lờiXóa
  18. việc tổ chức huấn luyện của RFA là không đơn lẻ, đó là sự nối dài chuỗi các hoạt động mà một bộ phận trong chính giới Mỹ, cùng một số tổ chức, cá nhân có thái độ thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam đã tiến hành trong dịp cuối tháng 4-2015 và đầu tháng 5-2015, trong đó nổi lên là cố gắng biến một số người viết blog đã lợi dụng internet để hoạt động vi phạm pháp luật thành "nhà báo", từ đó vu cáo Việt Nam. Theo quan điểm của tôi cho dù lãnh đạo có ngồi trên cùng một bàn đàm phán nhưng nước ta vẫn phải luôn cảnh giác với TQ và Mỹ.

    Trả lờiXóa
  19. Nặc danh07:27 31/5/15

    Mấy cái đài RFA, RFI gì đó toàn là bọn phản động nếu không muốn nói trắng ra là được sự hậu thuẫn của Mỹ. Nói chung mặt thì thơn thớt nói cười trong thì nham hiểm giết người không dao. Nói túm lại cảnh giác tuyệt đối

    Trả lờiXóa
  20. cựu Ðại sứ P.Peterson (P.Pi-tơ-xôn) đã khẳng định: "Tôi cho điểm Việt Nam khá cao trong những thay đổi về nhân quyền và quyền tự do tôn giáo trong những năm qua. Tôi theo dõi rất chặt chẽ và nhận thấy những cải thiện lớn trong hai lĩnh vực này ở Việt Nam. Tôi nghĩ cần phải cho điểm Việt Nam vì các bước đi đó". Giá như người Mỹ nào cũng nhìn được điều đó thì xã hội VN đỡ mọc ra một lũ rận chủ rẻ rách như hiện nay

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog