Phó giáo sư Hà Mỹ Hương, chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhận định với Zing.vn rằng có thể xung đột khó nổ ra song cuộc đàm phán sẽ không làm giảm căng thẳng Hàn - Triều.
Xe tải chở binh sĩ Hàn Quốc ở huyện Yeoncheon, tỉnh Gyeonggi tới khu vực phi quân sự hôm 22/8. Ảnh: AP
Quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc đàm phán tại làng Bàn Môn Điếm hôm 22/8 trong khu phi quân sự để giảm căng thẳng trong bối cảnh Bình Nhưỡng ra tối hậu thư để Seoul ngừng chương trình tuyên truyền chống Triều Tiên trên hệ thống loa phóng thanh. Theo yêu cầu của Triều Tiên, chương trình tuyên truyền qua loa phóng thanh của Hàn Quốc phải dừng vào 17h hôm 22/8. Bình Nhưỡng dọa rằng họ sẽ hành động cứng rắn nếu Seoul không chấp hành tối hậu thư.
Trao đổi với Zing.vn, Phó giáo sư Hà Mỹ Hương, chuyên gia từng làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng khả năng hai bên đạt kết quả tích cực sau cuộc đàm phán ở làng Bàn Môn Điếm không cao, bởi Hàn Quốc không muốn dừng chương trình tuyên truyền chống Triều Tiên qua hệ thống loa.
Hôm 21/8, khi thăm Quân đoàn 3 ở một thành phố phía nam thủ đô Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye yêu cầu quân đội đáp trả dứt khoát mọi hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên, đồng thời khẳng định chính phủ không có ý định ngừng chương trình tuyên truyền qua loa phóng thanh.
Giới phân tích nhận định rằng yêu cầu của Triều Tiên phản ánh mức độ lo lắng cao độ ở Bình Nhưỡng. Cheong Seong Chang, một nhà phân tích thuộc Viện Sejong ở Hàn Quốc, nhận định, có thể giới chức Triều Tiên lo sợ loa tuyên truyền sẽ làm suy giảm tinh thần binh lính ở tiền tuyến gần biên giới.
"Hành động quân sự rất có thể xảy ra nếu Hàn Quốc không dừng việc sử dụng loa phát thanh", ông Cheong nói. Trong khi đó, Phó đại sứ của Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc, ông An Myong Hun, gọi chương trình phát thanh của Hàn Quốc là đòn "chiến tranh tâm lý" và "thực chất là một hành động khơi mào chiến tranh".
Khả năng nổ ra xung đột?
Binh lính Hàn Quốc lắp đặt hệ thống loa tuyên truyền ở khu vực phi quân sự giữa hai miền. Ảnh: Getty
Mặc dù vậy, Phó giáo sư Hương dự đoán, xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ không xảy ra nếu đàm phán giữa hai bên thất bại.
"Có thể mức độ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không giảm, thậm chí tăng, song chiến tranh sẽ không nổ ra", bà lập luận.
Cùng quan điểm với Phó giáo sư Hương, bà Andrea Berger, chuyên gia an ninh và vũ khí hạt nhân của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), cũng tin rằng khả năng Triều Tiên bắn tên lửa SCUD sang Hàn Quốc rất thấp.
"Thay vì bắn tên lửa SCUD sang Hàn Quốc, có lẽ quân đội Triều Tiên sẽ phóng chúng về phía đông để làm tăng căng thẳng và phô diễn sức mạnh với Seoul", bà nói với Telegraph.
Giới quan sát nhận định cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều chuẩn bị cho một cuộc đối đầu mới trong bối cảnh Seoul khước từ yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc ngừng hoạt động công kích Triều Tiên bằng loa, còn Kim Jong Un yêu cầu quân đội sẵn sàng cho chiến tranh.
Hôm 21/8, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung Joo thông báo rất có thể Triều Tiên sẽ bắn pháo về phía 11 vị trí mà Seoul đặt loa tuyên truyền dọc theo khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai nước.
Quân đội Triều Tiên bắn 4 quả đạn pháo vào lãnh thổ Hàn Quốc để phản đối hoạt động tuyên truyền bằng loa của nước láng giềng hôm 20/8. Quân đội Hàn Quốc đáp trả bằng 29 phát pháo. Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul tạo cớ để bắn vào lãnh thổ của họ.
Cả hai bên đều khẳng định họ không hứng chịu bất kỳ tổn thất nào về nhân mạng và tài sản, một dấu hiệu cho thấy những phát pháo chỉ là hành đọng cảnh cáo.
"Việc đạn pháo hai bên không gây tổn thất cho thấy hai nước đều không muốn xung đột vũ trang. Chiến tranh luôn có thể xảy ra, song khả năng ấy rất thấp", Yang Moo Jin, một giáo sư của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, phát biểu.
Từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, chứ không phải hiệp ước hòa bình, Hàn Quốc và Triều Tiên thường xuyên hăm dọa đối phương và hàng chục binh sĩ của hai bên đã mất mạng. Nhưng cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng đều tránh chiến tranh tổng lực.
Tình trạng căng thẳng tăng lên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm hiện nay là một tổn thất đối với những nỗ lực cải thiện quan hệ hai miền của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Quan hệ của hai nước xuống mức rất thấp sau khi một tàu hải quân của Hàn Quốc đắm vào năm 2010. Hàn Quốc cáo buộc quân đội láng giềng phóng ngư lôi để diệt tàu của họ, song Triều Tiên phủ nhận.
Nguồn: Zing
Dự báo về một cuộc chiến rất gần với hai miền triều tiên. Hàn và Triều hâu như không có động thái nào làm cho tình hianhf giảm căng thẳng hơn và hòa giải kéo dài. Một căng thẳng bùng nổ bất kỳ khi nào
Trả lờiXóa