Chia sẻ

Tre Làng

Nhớ về anh - người đâu tiên ngã xuống trong cuộc chiến chống bành trướng

Nhớ về anh - người đâu tiên ngã xuống trong cuộc chiến chống bành trướng

Cái tên Lê Đình Chinh quen thuộc với mình, từ cách đây hơn 30 năm.Hồi ấy, tuy còn bé tý nhưng vẫn nhớ Đài Tiếng nói Việt Nam, suốt ngày ra rả hát bài “Chúng tôi là đồng đội Lê Đình Chinh” và đọc vô vàn những bài xã luận, phản ánh… kể chuyện, phát động, nêu gương Anh hùng Lê Đình Chinh.

Anh hùng – Liệt sĩ Lê Đình Chinh.

Thậm chí hồi ấy, mình nhớ còn có khá nhiều sách truyện viết về anh, kể cả truyện tranh, vẽ hình to tướng…

Tất cả để thấm vào đầu mình: Anh Lê Đình Chinh là tấm gương yêu nước của cả 1 thế hệ thanh niên yêu nước Bảo vệ Tổ quốc, trước bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc tàn ác, thâm độc và tham lam.

Hơn 30 năm đã qua đi, lịch sử nước ta hình như có nhiều chương bị che phủ, nên rất nhiều người không biết tường tận về cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1979-1989 với bao địa danh thấm đẫm máu bộ đội – nhân dân, bao nhiêu tên người làm thành ý chí quật cường nước Việt giữ đất biên cương … Sự quên lãng ấy, nguy hiểm lắm.

Sự nguy hiểm này còn đồng nghĩa với có tội, với bao người đã ngã xuống, hiến dâng tuổi xuân trong trắng cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cương vực bờ cõi cha ông.

Một trong những người như vậy là Liệt sĩ Lê Đình Chinh, anh ngã xuống khi tròn 18 tuổi và anh là “Người chiến sĩ đầu tiên của các Lực lượng Vũ trang chúng ta hy sinh ở tuyến Biên giới phía Bắc, kể từ khi nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra các cuộc xung đột, tranh chấp biên giới từ năm 1974″.

Cuốn “Các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản, ghi rõ:

Lê Đình Chinh sinh năm 1960, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trú quán tại Nông trường Sông Âm (huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa).

Khi hy sinh, đồng chí là Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Đoàn viên Đoàn TNCSHCM).

Ở gia đình Lê Đình Chinh là người con ngoan, ở Trường Phổ thông Lê Đình Chinh là học sinh giỏi toàn diện, là đội viên tốt. Lê Đình Chinh luôn luôn gương mẫu, hăng hái phấn đấu, rèn luyện tốt, được mọi người rất quý mến. Được vào Lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Lê Đình Chinh học tập, rèn luyện hăng say, luôn luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, trưởng thành nhanh chóng và vững chắc.

Lê Đình Chinh đã tham gia chiến đấu nhiều trận chống quân Pôn Pốt-Iêng-xa-ri gây chiến tranh Biên giới Tây Nam. Đồng chí đã diệt và làm bị thương nhiều tên địch, góp phần tích cực bảo vệ vũng chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Biên giới của Tổ quốc.

Ngày 26/8/1978, hàng chục tên côn đồ đã vượt biên giới sang đất ta hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Lê Đình Chinh đã mưu trí tấn công địch, bằng tay không đánh gục hàng chục tên côn đồ góp phần tích cực cùng đơn vị và nhân dân biên giới giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực Biên phòng ải Bắc.

Trong cuộc chiến này, Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh, nêu gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã kịp thời tuyên dương công trạng và truy tặng đồng chí Huy hiệu “Vì thế hệ trẻ”; phát động trong thế hệ trẻ Việt Nam phong trào “Sống, chiến đấu rực lửa Anh hùng như Lê Đình Chinh”.

Ngày 31/10/1978, Liệt sĩ Lê Đình Chinh được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”.

Cụ thể hơn về trường hợp hy sinh của Thượng sĩ Lê Đình Chinh, tài liệu từ Bộ đội Biên phòng cho biết:

Ngày 12/7/1978, phía Trung Quốc đột ngột ra lệnh đóng Cửa khẩu. Từ đó, số người Hoa bị chặn lại ứ nghẽn ở các Cửa khẩu ngày càng đông (Bắc Luân hơn 1.000 người; Hữu Nghị hơn 4.000 người; Lào Cai 500 người). Họ sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất” gây nhiều khó khăn cho ta trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Vì vậy, vấn đề giải tỏa người Hoa ở các Cửa khẩu trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Ngày 8/8/1978, ta thực hiện kế hoạch giải tỏa người Hoa ở Cửa khẩu Bắc Luân (Quảng Ninh).

Đúng 9 giờ 25 phút, Đội Công tác (gồm 25 chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang, 13 đồng chí Cảnh sát nhân dân, 6 cán bộ Y tế và các Phóng viên báo chí quay phim, nhiếp ảnh) lên cầu giải thích, vận động người Hoa quay trở lại sinh sống ở Việt Nam.

Khi đoàn công tác vừa bước chân lên tới đầu cầu, thì bị bọn côn đồ ném gạch đá tới tấp vào đoàn ta, làm cho một số đồng chí bị thương. Do có kế hoạch trước nên khi xảy ra xung đột, các lực lượng ta liền tập trung tấn công trấn áp những tên côn đồ đầu sỏ, đuổi chúng chạy dạt về bên kia biên giới.

Đến 10 giờ 10 phút, cả 700 người Hoa ùn tắc tại Cửa khẩu kéo nhau chạy về bên kia cầu. Tình hình khu vực cửa khẩu Bắc Luân được kiểm soát.

Tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị, đến đầu tháng 8/1978, số người Hoa ùn lại đã lên tới trên 4.000 người. Họ dựng lán bừa bãi ở khu vực cấm, ăn ở rất mất vệ sinh. Bọn phản động trong số người Hoa chuẩn bị gây rối trật tự trị an ở khu vực cửa khẩu.

Kiên quyết không để tình trạng này kéo dài, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Cao Lạng quyết tâm giải toả toàn bộ số người Hoa đang ùn lại Cửa khẩu.

Ban “Giải toả người Hoa” được thành lập. Tỉnh ủy Cao Lạng huy động lực lượng Công an nhân dân vũ trang cùng các lực lượng khác ở địa phương phối hợp tham gia kế hoạch giải toả, lấy lực lượng Đồn Biên phòng Hữu Nghị và Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) làm nòng cốt.

Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Đảng đoàn Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang cử đồng chí Đại tá Trịnh Trân, Tham mưu trưởng lên Lạng Sơn trực tiếp chỉ đạo giải tỏa ở khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị.

Rút kinh nghiệm từ việc đấu tranh giải toả người Hoa ở Bắc Luân, ngày 25/8/1978, ta thực hiện kế hoạch giải toả Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Đúng 8 giờ 30 phút sáng, đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Lạng, Quảng Ninh, TP. Hà Nội và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Lạng, các Y bác sĩ với sự bảo vệ của 25 cán bộ, chiến sĩ Đồn Hữu Nghị và 20 đồng chí của Đại đội 6, Trung đoàn 12 (được tăng cường bảo vệ tại kilômét số 0) đến thăm hỏi, động viên bà con người Hoa trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống bình thường. Thì bọn côn đồ lăm lăm gậy gộc, dao quắm, gạch đá trong tay và được sự chi viện của 500 Công an từ bên kia biên giới tràn sang kilômét số 0, chiếm lĩnh đồi Pò Cốc Phung, xông vào hành hung đoàn Cán bộ ta.

Lực lượng bảo vệ của ta do đồng chí Hứa Viết Pháy chỉ huy đã dũng cảm bảo vệ đoàn Cán bộ, quật ngã hàng chục tên côn đồ, chặn đường tiến công của chúng, tạo điều kiện cho các đồng chí của mình đưa đoàn Cán bộ Dân vận xuống chân đồi.

Từ bên kia biên giới, bọn côn đồ lại ùn ùn kéo sang. Trên đỉnh đồi, hàng trăm tên côn đồ và Công an H1 (?) vẫn đứng đông đặc.

Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, Ban Chỉ đạo “Giải toả người Hoa” quyết định điều thêm lực lượng của Đồn Hữu Nghị và Đại đội 6 Trung đoàn 12 lên chi viện.

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra rất các liệt trên sườn đồi Pò Tèo Hào ở sát Cửa khẩu Hữu Nghị.

Một Tiểu đội thuộc Đại đội 6 Trung đoàn 12 do Tiểu đội trưởng Lê Đình Chinh chỉ huy, cùng các chiến sĩ lao thẳng lên đồi Pò Cốc Phung, bằng gậy gộc, gạch đá lấy được của địch, các chiến sĩ ta đánh gục hàng chục tên côn đồ hung hãn.

Đại đội trưởng Nguyên dẫn đầu một tổ, đánh dạt bọn côn đồ lên trận đỉnh đồi, đánh gục tên cầm loa làm cho hắn ngã lăn xuống tận sườn đồi bên kia.

Tiểu đội trưởng Lê Đình Chinh vượt qua trận mưa gạch đá, xông vào đánh gục 4 tên côn đồ, cứu được bà Thuận đang nằm ngất xỉu sau một tấm sạp.

Giữa vòng vây của đối phương, Lê Đình Chinh nghe tiếng kêu cứu của đồng đội Lê Xuân Tước, anh quay ngoắt lại, xông vào đánh gục 5 tên côn đồ đang vây chặt lấy Tước, cứu Tước thoát nạn.

Đang xông lên truy kích địch, Lê Đình Chinh bị một tên địch ném đá vào gáy, máu chảy đầm đìa nhưng Chinh vẫn xông lên tấn công bọn côn đồ. Bất ngờ, bọn côn đồ nấp sau một chiếc lán dùng gậy vụt ngang ống chân Lê Đình Chinh. Anh mất đà ngã sấp xuống.

4 tên côn đồ lao tới dùng dao quắm chém tới tấp vào đầu, vào cổ anh. Lê Đình Chinh anh dũng hy sinh lúc 10 giờ 30 phút trên đồi Pò Cốc Phung.

Giữa trưa, Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí: Trường Minh (Bí thư Tỉnh ủy Cao Lạng), Trung tướng Đàm Quang Trung (Tư lệnh Quân khu 1), Đại tá Trịnh Trân (Tham mưu trưởng Công an nhân dân vũ trang) đang họp thì nghe tin xảy ra xung đột lớn ở khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị.

Đồng chí Trịnh Trân lập tức lên trực tiếp chỉ đạo đấu tranh và quyết định điều gấp Trung đoàn 12 lên chi viện, quyết chiếm lại điểm cao Pò Cốc Phung. Đúng 15 giờ, lực lượng chi viện của ta nhất loạt xông lên.

Tiếng hô “xung phong” vang dậy núi rừng biên cương. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 dũng mãnh xông lên, đánh thẳng vào các điểm chốt đối phương, chiếm giữ trái phép trên các ngọn đồi.

Trước khí thế áp đảo của các chiến sĩ ta, bọn côn đồ kinh hồn bạt vía, chúng xô đẩy nhau, đạp lên nhau tháo chạy, trên 4.000 người Hoa bị ứ nghẽn tại đây cũng ùn ùn kéo nhau chạy theo về bên kia biên giới.

Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang dàn thành một hàng ngang, dùng những vật liệu đã chuẩn bị sẵn như dây thép gai, gạch đá, chông, mìn rào chặt biên giới.

Lúc 17 giờ 25 phút, lá cờ đỏ sao vàng của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 được kéo lên đỉnh đồi Pò Cốc Phung – nơi Lê Đình Chinh vừa mới hy sinh...

Nhà báo MAI THANH HẢI

18 nhận xét:

  1. Ở phần đầu bài viết nhà báo Mai thanh Hải ghi ngày mất của Lê đình Chinh là 26/8/1978
    Nhưng ở chú thích tấm ảnh thi thể LS Lê đình Chinh thì lại ghi là ngày 25/8/1978.
    Theo tôi thì ngày hy sinh chính xác của LS Lê đình Chinh là 25/8/1978.
    Hiện nay tư liệu dẫn về anh trên các trang mạng cũng có nhiều chi tiết không chính xác đâu bác Sơn ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Những người không quản máu xương, tính mạng của mình, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do của đất nước, các anh sẽ sống mãi trong trái tim của triêu triệu người dân Việt Nam, Tổ quốc ghi công các anh, dân tộc nhớ ơn các anh

    Trả lờiXóa
  3. Vào khi đất nước lâm nguy, khí chất con người Việt Nam thể hiên ở lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước bất diệt, sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù vì bình yên cuộc sống của đất nước, dân tộc. Đời đời nhớ ơn các anh

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn bài viết đã cho người đọc những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá, để người đọc được hiểu hơn về những giá trị của tình yêu nước. Giá mà những bài viết như thế này ngày càng nhiều và được nhân bản rộng rãi thì cái nhìn của người đọc sẽ được đúng đắn hơn, không bị ảnh hưởng bởi những luồng tin bậy bạ nhan nhản trên các mặt báo thường nhật

    Trả lờiXóa
  5. Chúng ta sẽ không quên những con người đã ngã xuống cho dân tộc, cho đất nước, hình ảnh của họ sẽ mãi ở trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, dù thời đại có thay đổi có phát triển thì lịch sử vẫn sẽ vẫn được ghi nhớ như một minh chứng cho những gì đã qua, một bài học cho thế hệ tương lai.

    Trả lờiXóa
  6. Nên viết về hai cuộc chiến tranh biên giới để giới trẻ biết

    Trả lờiXóa
  7. Lê Đình Chi- cái tên của người anh hùng đầu tiên ngã xuống vì chủ quyền dân tộc. Cuộc chiển thì vẫn cứ kéo dài cho đến ngày hôm nay. Chúng ta phải cố gắng bảo vệ dù chỉ là một tấc vì mọi sự hi sinh đều được trả giá xứng đáng

    Trả lờiXóa
  8. Phải có những bài viết thế này ta mới hiểu những thầm lặng hi sinh của các anh - những người lính can trường cho đất nước này

    Trả lờiXóa
  9. Xin tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống cho nước nhà được độc lập và các thế hệ mai sau được hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ấm no như ngày hôm nay. Điều đó càng làm cho các thế hệ mai sau khát khao kế thừa thế hệ cha anh đi trước quyết tâm giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho một Việt Nam phát triển

    Trả lờiXóa
  10. Với một lịch sử thăng trầm của nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, người Việt Nam sẽ không bao giờ quên những giá trị của độc lập, tự do. Trong đó, công lao to lớn của các thế hệ đi trước sẽ là ánh sáng soi đường cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước tươi đẹp hơn

    Trả lờiXóa
  11. trong chiến tranh rất cần những tên tuổi đi vào huyền thoại như thế này thì mới cổ vũ được sĩ khí của quân nhân được, họ mất đi không chỉ đạt được chiến công hiệu quả với sự hy sinh của mình mà còn tạo ra một sức mạnh to lớn cho nhiều người khác, đây thực sự là những hy sinh có ý nghĩa nhất trong những sự hy sinh, tên tuổi của họ đáng được ghi lại đại diện cho hàng ngàn người theo tấm gương của họ hy sinh theo

    Trả lờiXóa
  12. đọc xong bài này thực sự khinh bỉ những âm mưu, thủ đoạn của chính quyền trung quốc thời bấy giờ gây hấn ở vùng biên giới cửa khẩu, họ coi người hoa ở việt nam chẳng khác nào những con rối để làm vũ khí tạo cái cớ gây chiến, dù gì người hoa cũng có dòng máu dân tộc hoa hạ trong người mà họ đối xử như thế, đấy là một dân tộc luôn coi mình có chính nghĩa đấy

    Trả lờiXóa
  13. tôi thấy trung quốc rất hay thích dùng phim ảnh để tái hiện lại những hình ảnh lịch sử tôn vinh cho nghĩa khí của dân trung quốc, chúng ta cũng nên học tập làm phim đi, làm một bộ phim về anh Đình Chinh này quá đẹp và ý nghĩa luôn, đọc đoạn văn miêu tả hành động chính nghĩa của anh ngắn thôi mà đã sôi sục nhiệt huyết rồi, tôi thấy nước mà chính nghĩa hơn nhiều bọn tàu ngày ấy

    Trả lờiXóa
  14. Nặc danh22:02 31/8/15

    Mưu trí, anh dũng, tôi tự hào khi lực lượng Công an Nhân dân có một chiến sĩ như a, và càng tự hào hơn nữa khi những ngày này, cả nước đang sục sôi khí thế kỉ niệm 70 năm quốc khánh nước nhà. Rõ ràng, đây là minh chứng rõ nét nhất, phần nào làm rạng danh lực lượng CAND, làm sáng lên những hi sinh thầm lặng, gian khổ của các chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh nước nhà, giữ vững bình yên hạnh phúc của Nhân dân

    Trả lờiXóa
  15. Rõ ràng thì đây chính là tấm gương đối với các chiến sĩ Công an Nhân dân hiện nay, và cũng là động lực để những chiến sĩ nắm chắc tay súng, giữ vững lí trí nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc,bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân cũng như là đấu tranh tốt trước những thế lực thù địch trong và ngoài nước hiện nay

    Trả lờiXóa
  16. Rõ ràng đây chính là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức của người Công an Nhân dân đối với những chiến sĩ công an hiện nay. Khi mà đất nước ta ngày một đổi mới đi lên, đương đầu với rất nhiều thách thức thì lực lượng Công an cũng đòi hỏi mỗi chiến sĩ yêu cầu cao hơn, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc, cuộc sống bình yên của Nhân dân

    Trả lờiXóa
  17. Những con người như anh Lê Đình Chinh đại diện tấm gương yêu nước của cả 1 thế hệ thanh niên yêu nước Bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến chống Trung Quốc bảo vệ biên giới. Sự quên lãng là vong ân. Thế hệ trẻ ngày hôm nay và mai sau cần được biết về những anh hùng đã ngã xuống thầm lặng này trên mặt trận bảo vệ tổ quốc

    Trả lờiXóa
  18. Biết ơn các anh, những con người đã hi sinh thầm lặng vì chủ quyền của Tổ quốc. Vinh danh và nhớ ơn các anh là việc mà thế hệ chúng ta và con cháu mai sau cần phải làm, đó cũng là đạo lý tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc Việt

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog