Chia sẻ

Tre Làng

TRÀ ĐÁ MIỄN PHÍ - LÒNG TỐT TÙY TIỆN NƠI VỈA HÈ?

Cuteo@

Chúng ta đang phân phân giữa bên lý và bên tình trong việc phân xử đúng sai ở câu chuyện công an tịch thu trà đá từ thiện.

Trước hết phải nói thế này, làm từ thiện là việc làm rất đẹp, rất đáng khuyến khích. Việc một công dân hay một nhóm công dân tự nguyện làm từ thiện bằng cách đặt bình nước miễn phí trên vỉa hè giúp người có hoàn cảnh khó khăn vơi đi cơn khát là nghĩa cử đẹp, và chúng ta trân trọng, đánh giá cao tấm lòng của họ.

Chúng ta cũng phải nói rằng, vỉa hè, lòng đường rất cần phải sạch, đẹp, và vì thế cần phải có kỉ cương để bảo đảm rằng văn minh đô thị được thực hiện. Bạn để bất kể thứ gì, treo bất cứ thứ gì trên hè phố đều có thể ảnh hưởng mỹ quan đô thị và một bình nước làm từ thiện là một ví dụ.

Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh ở chỗ, một mặt chúng ta muốn đô thị có bộ mặt thật đẹp, thật văn minh, nhưng chúng ta lại cũng muốn người có hoàn cảnh khó khăn phải mưu sinh nơi hè phố có được sự tiện lợi. Vậy nên, vấn đề là ở chỗ làm sao giải quyết được mâu thuẫn này. 

Tôi đã đánh giá cao, ý kiến của bạn nào đó nói rằng, nếu bạn đã làm từ thiện bằng bình nước miễn phí, hãy để nó trong khuôn viên nhà bạn, và treo tấm biển "Nước uống miễn phí" ngay trên tường nhà bạn. Người muốn uống sẽ vào nhà bạn để uống, và như vậy hè phố vẫn đẹp mà bạn lại vẫn có dịp để thể hiện tấm lòng thảo thơm của mình. 

Người chủ của bình nước đã có lòng tốt đến thế, sao lại không thể tốt hơn nữa bằng cách động viên người muốn uống vào tận cửa nhà mình mà uống?

Chả lẽ, những người muốn uống nước miễn phí kia lại "lười" đến độ không muốn dựng xe ngay ngắn trên hè để uống một ngụm nước thơm thảo? Và nếu họ "lười" tới mức không muốn làm điều ấy thì họ hoàn toàn không xứng đáng để uống như ly nước nghĩa tình này đâu. Nếu chỉ vì chữ "tiện" mà làm hỏng mỹ quan đô thị thì cả bạn lẫn người muốn uống đều rất đáng chê trách.

Quan điểm của tôi là một xã hội văn minh thì dứt khoát phải thượng tôn luật pháp. Làm từ thiện cũng phải tuân thủ luật pháp từ việc nhỏ nhất.

Từ suy nghĩ này, tôi nghĩ bạn nào đó viết trên Thanh Niên rằng công an đã thực thi luật một cách cứng nhắc là không đúng. Ở đây, các bạn cũng mâu thuẫn ở chỗ, một mặt yêu cầu công an, trật tự đô thị phải thực thi luật pháp nghiêm chỉnh để bạn có được vỉa hè thoáng đẹp, trật tự, nhưng mặt khác bạn lại cũng muốn bình trà đặt trên vỉa hè cùng tờ logo nhem nhuốc trên gốc cây. 

Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: "Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trái phép". Dưới góc nhìn này, hành vi đặt bình nước trên vỉa hè đó là vi phạm quy định của chính phủ. Nếu như công an, trật tự phường không tịch thu thì bản thân họ đã không hoàn thành nhiệm vụ. Vậy điều gì sẽ xảy ra đối với họ?

Mặt khác, lực lượng công an, dân phòng sẽ bị các bạn lên án nếu không đảm bảo cho vỉa hè được trật tự văn minh bằng cách tịch thu bình nước. Nhưng chính các bạn lại cũng la toáng lên khi họ thu bình nước đó. Sao các bạn lại vô lý đến thế?

Các bạn cũng không nên quy kết rằng, việc giúp đỡ dân nghèo phải xin phép là hành động quan liêu. Như đã nói, nếu tôn trọng luật pháp, bạn cần xin phép chính quyền để đảm bảo rằng, việc bạn là được nhà nước cho phép, kiểm soát và bảo vệ. Nói một cách nôm na là, việc xin phép không khó  và nó sẽ làm cho mọi hành động của bạn trở nên hợp pháp, được xã hội công nhận. Ở ta, việc xin phép hoàn toàn không khó khăn gì (tham khảo trình tự, thủ tục ở đây).

Các bạn cũng không nên quá lời khi nói rằng, tịch thu bình trà miễn phí là tịch thu sự tử tế hay tịch thu lòng tốt. Lối nói quá ấy tạm thời xoa dịu cơn bực tức của một số người, nhưng về lâu dài, nó cổ súy cho thói tùy tiện, coi thường luật pháp.

Nói ra sự thật dù có bị ném đá cũng là điều nên làm. Rất không nên nhân danh lòng tốt để đặt cái tình trên cái lý, dẫn tới hệ lụy kỉ cương xã hội bị phá vỡ, tạo ra các tiền lệ không hay. 

Lòng tốt rõ ràng đáng trân trọng nhưng cần được đặt đúng chỗ. Không thể nói, một bình nước không phải là lấn chiếm vỉa hè và hãy tưởng tượng vì bình nước đó mà bạn bán được nhiều hàng, thì sẽ có ngay hàng trăm bình nước được đặt trên vỉa hè đó vì doanh số của cửa hàng chứ không phải vì lòng tốt. 

Cũng không nên so sánh rằng, ở tây, người ta có vòi nước công cộng phục vụ dân sinh vì vòi nước đó là do nhà nước lắp đặt (hợp pháp) và đảm bảo vệ sinh. Suy nghĩ về vòi nước công cộng thực ra cũng đáng để chính quyền cân nhắc lắp đặt, nhưng không thể so sánh với bình nước tùy tiện đặt trên vỉa hè được. Có người đã nói rằng, để bình nước ở sát lòng đường là tiện cho người uống, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông vì thói tùy tiện của người dân.

Cuối cùng, cần phải thẳng thắn chỉ ra rằng, việc để bình nước trên vỉa hè mà không xin phép là vi phạm các quy định về trật tự xã hội và nó cần phải bị chỉnh đốn cho dù nó nhân danh lòng tốt. 

Người viết rất tâm đắc khi ai đó đã nói, lòng tốt không thể dùng để bào chữa cho việc vi phạm luật pháp, vì luật pháp phục vụ toàn dân chứ không phục vụ cá nhân, cho dù là cá nhân nghèo, lang thang hay đang trong trạng thái khát nước giữa trưa hè 40 độ của thủ đô Hà Nội.

Bonus: Hãy xem, bình nước miễn phí lợi hay hại?








  





12 nhận xét:

  1. Các hình ảnh nhìn phản cảm quá. Dân ta tùy tiện thật, kể cả lòng tốt cũng tùy tiện.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh16:05 2/8/15

    @Mỹ Hoa Nguyễn
    Mình nghĩ là tịch thu là nhẹ, nếu tái phạm sẽ phạt

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết của Cuteo@ có cái lý – hay của nó, mình trân trọng. Nhưng theo mình nên làm thấu tình, đạt lí thì hay hơn, Chẳng hạn : nên gặp và nhắc các chủ bình nước này nên để các bình nước từ thiện này vào các cửa hoặc cổng nhà mình, đồng thời chú ý thêm về mặt vệ sinh nước uống. Mặt khác đã làm thì phải làm triệt để, phải dẹp được nạn lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh; chứ không thể nơi làm, nơi không, nhân dân người ta không vừa lòng.

    Trả lờiXóa
  4. LÊ MINH HẢI01:46 3/8/15

    NHỮNG CON ROBOT SỐNG?!
    Một sự thật không thể và không nên nhắm mắt chối bỏ: Có một phần khá lớn CSND không được giáo dục, dạy dỗ đến nơi đến chốn vì thế "phông" văn hóa của cái phần khá lớn này rất mỏng .Từ cái gốc "văn hóa mỏng" ấy mới nảy sinh ra rất nhiều ngộ nhận về "quyền lực" và "trách nhiệm" (?!) Nhân sinh quan , thế giới quan sẽ bị sơ cứng thậm chí méo mó . Góc nhìn đối với xã hội, nhân sinh trở nên xa lạ với nhân dân .Cũng từ đó nảy sinh nhiều hành động, lời nói phản cảm, thậm chí sai trái làm mất lòng dân, tạo ra sự ác cảm trong nhân dân đối với lực lượng.
    Dù CSND giỏi giang tinh thông nghiệp vụ đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu không chịu học hành , cập nhật kiến thức xã hội, trau dồi đạo đức , bồi dưỡng tinh thần văn hóa để có một nền tảng tri thức tương xứng thì không chóng thì chày sẽ dần thoái hóa biến chất không còn là người Cảnh Sát của Nhân Dân nữa. Nếu may mắn không bị biến thành lực lượng đối địch với nhân dân thì họ cũng chỉ trở thành những kẻ vô tri, những con robot sống
    Trong tầm nhìn xa thì những robot sống kia dù không nguy hại trực tiếp nhỡn tiền như những kẻ "đối địch với nhân dân" nhưng cũng chính là một tác nhân phá hoại uy tín chế độ của chúng ta mà thôi !

    Trả lờiXóa
  5. Công bằng mà nói thì từ thiện là đúng, đáng trân trọng nhưng vẫn phải tuân thủ pháp luật và mỹ quan đô thị. Nếu cứ lấy lý do từ thiện mà tiếp tục thể hiện như vậy thì sẽ ảnh hưởng xấu đến văn minh đô thị, tạo điều kiện cho bọn xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá chính quyền

    Trả lờiXóa
  6. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là câu nói đã ăn sâu vào trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, chúng ta không thể nhân danh từ thiện mà làm trái pháp luật được. Nếu cố tình thì khác gì luật pháp là trò đùa và tất nhiên khi đó, xã hội sẽ loạn. Nếu cứ lấy danh nghĩa từ thiện thì việc cướp của giàu chia cho người nghèo là quá nguy hiểm hay sao

    Trả lờiXóa
  7. đôi khi cứ đem luật ra mà thực thi với nhân dân thì quả thực có lúc sẽ là không đúng đắn. Tư duy luật, luật, cái gì cũng luật thì áp dụng với người thành phố nhé. Còn về nơi khác ý, lý mà không có tình thì là đồ bỏ đi thôi, sẽ là cái tạo ra bất ổn đó.
    Liên quan đến cái thùng trà đá miễn phí thì làm phải có cái tình và phải có tư duy, làm việc bằng cái đầu chứ không phải hùng hùng lao xuống mà lấy như thói quen vẫn làm. Nói thật là nhiều cán bộ làm trật tự có những hành động giật (dẹp) đồ thật sự khó mà chấp nhận được. Hà Nội đầy ra đấy thôi. Nếu để kinh doanh thì thu nhưng đây là lòng tốt, vậy nên nhắc nhở mọi người trước rồi hãy làm gì thì làm. Mấy ông ạ!
    Có những thứ không phải cứ lôi luật ra là đúng nhé!

    Trả lờiXóa
  8. Đây có phải là một tấm gương mẫu mực để CAND cả nước soi vào mà học tập, tu dưỡng không nhỉ ? (Thực tiễn xã hội đã chứng minh:Sẽ có rất ít người trong lực lượng CSND thực tâm muốn soi và muốn học gương này đâu.Vấn đề quan trọng là nằm trong hại chữ "thực tâm" ấy)
    Chuyện lạ ở Đà Nẵng Chúng tôi đem câu chuyện đang lan truyền trên mạng ca ngợi CSGT Đà Nẵng phát hiện người vi phạm luật không xử lý mà chỉ nhắc nhở khiến cộng đồng mạng cho là “chuyện lạ”, chỉ có ở Đà Nẵng, hỏi đại tá Lê Ngọc - Trưởng phòng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng. Đại tá Ngọc cho biết: “Chủ trương của chính quyền TP Đà Nẵng là nếu phát hiện khách du lịch hay người ở các tỉnh thành đến Đà Nẵng nếu vi phạm các lỗi như đi ngược chiều, không đúng làn đường... thì CSGT thực hiện dừng xe, giải thích lỗi vi phạm cho người dân, cho lái xe hiểu. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ xử lý nghiêm”.
    Đại tá Lê Ngọc nhấn mạnh. “Nếu cứ theo luật mà xử phạt vi phạm thì không có gì phải nói. Nhưng CSGT là công chức nhà nước, phục vụ nhân dân nên làm gì cũng phải có cái lý, cái tình. Việc này đã diễn ra từ thời cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và được lãnh đạo CA TP Đà Nẵng yêu cầu phải duy trì. Người CSGT cũng phải có văn hóa, phải phục vụ nhân dân tận tụy góp phần xây dựng TP Đà Nẵng thành TP đáng sống”-
    http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/252362/-chuyen-la--ve-canh-sat-giao-thong-da-
    nang.html
    Hoan hô CAND Đà nẵng.Nhân dân sẽ tin yêu và nể trọng các anh vì các anh đã suy nghĩ và hành động đúng như những người công an của nhân dân. Chúng tôi tin rằng, với suy nghĩ "từ nhân dân mà ra , vì nhân dân phục vụ" chuẩn mực như thế thì trong mọi công việc khác các anh cũng sẽ suy nghĩ và hành động vì nhân dân, cùng nhân dân như thế. Công an thủ đô và lực lượng công an cả nước có mấy ai dám dũng cảm chân thành tự soi lòng mình trước gương CAND Đà nẵng?!

    Trả lờiXóa
  9. Người quan sát13:19 5/8/15

    Với giá 40 đến 60 triệu cho một "suất" đi công an nghĩa vụ.300 đến 400 triệu cho một suất vào trung cấp công an và từ 500 triệu đến 800 triệu cho một "vé chắc" đậu vào các học viện chưa kể để có chỗ làm "đẹp" khi tốt nghiệp phải chỉ tùy theo tình thế nữa thì ai muốn "học" muốn "soi" tấm gương công an Đà nẵng? Soi và học gương đó để "cạp đất mà ăn" à?! Ông Nguyen van Ba hỏi như vậy có nghĩa là ông còn ...ngây thơ lắm.

    Trả lờiXóa
  10. "Ở đây, các bạn cũng mâu thuẫn ở chỗ, một mặt yêu cầu công an, trật tự đô thị phải thực thi luật pháp nghiêm chỉnh để bạn có được vỉa hè thoáng đẹp, trật tự, nhưng mặt khác bạn lại cũng muốn bình trà đặt trên vỉa hè cùng tờ logo nhem nhuốc trên gốc cây. " - giờ việc của mấy ông ấy là viết báo kiếm tiền thôi bác Tre Lang ạ. Nói chung ngồi một nơi mà phán thì cái gì cũng phán được. Không cần đặt mình vào vị trí của ai cả.

    Trả lờiXóa
  11. "Lối nói quá ấy tạm thời xoa dịu cơn bực tức của một số người, nhưng về lâu dài, nó cổ súy cho thói tùy tiện, coi thường luật pháp." - Hôm nay đặt ra ngoài một bình nước. Ngày mai, ngày kia ai biết họ sẽ đặt ra ngoài vỉa hè những thứ gì nữa.
    Tuy nhiên, trong trường hợp này. Bên trật tự vẫn nên thông báo và nhắc nhở trước khi thu bình nước đó.

    Trả lờiXóa
  12. "Với giá 40 đến 60 triệu cho một "suất" đi công an nghĩa vụ.300 đến 400 triệu cho một suất vào trung cấp công an và từ 500 triệu đến 800 triệu cho một "vé chắc" đậu vào các học viện chưa kể để có chỗ làm "đẹp" khi tốt nghiệp phải chỉ tùy theo tình thế nữa thì ai muốn "học" muốn "soi" tấm gương công an Đà nẵng? " - Sao chú không thử cho con đi xem có được không =))))

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog