Chia sẻ

Tre Làng

ĐỪNG DỒN NHAU TỚI BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG

Đừng dồn nhau tới bước đường cùng

Thanh Niên Online

Dư luận phẫn nộ vụ con dâu kiện bố mẹ chồng và hai ông bà cụ phải rời toà trên xe cứu thương. Tại sao những người thân cứ phải giải quyết chuyện nhà ở toà án? Tại sao chúng ta cứ muốn dồn nhau tới đường cùng?

Đọc loạt bài báo về vụ việc con dâu kiện mẹ chồng ở Hà Tĩnh và người mẹ tội nghiệp phải rời phiên toà trên xe cấp cứu mà đau lòng quá. Chẳng ai muốn thấy cảnh mẹ con, anh chị, bà con thân thiết láng giềng lại đứng ra tố nhau trước toà cả. Ấy vậy mà những cảnh tượng đó vẫn diễn ra, chỉ vì xâu xé nhau một chút quyền lợi vật chất.

Tôi không khỏi xót thương tình cảnh hai cụ già gần đất xa trời lại phải bị bế ra hầu toà trong tình trạng sức khoẻ yếu và rời toà trên xe cứu thương. Ai kiện họ? Chính là người con dâu của họ. Kiện vì điều gì? Cô con dâu muốn bán căn nhà mà hai vợ chồng cô đã mua trước đó, nhưng nay anh chồng vắn số mất đi. Hai cụ già bố mẹ anh chồng không cho. Thế là cô đâm đơn kiện.

Theo Điều 675 và Điều 676 Luật Dân sự thì phần tài sản chung của cả hai vợ chồng trong quá trình hôn nhân mà có, khi một trong hai người mất đi, cụ thể trong trường hợp này là anh chồng mất đi, thì được chia đều cho những người được thừa kế ở hàng thứ nhất là bố mẹ ruột, vợ và con. Như vậy, bố mẹ anh này được hưởng một nửa số tài sản thuộc về anh, tức một phần tư giá trị căn nhà. Dựa trên điều đó, họ không cho chị này bán đi và muốn dùng ngôi nhà làm nơi thờ tự cho con trai đã mất của mình.

Tuy nhiên, thông qua sự chia sẻ của người vợ trên mạng xã hội thì anh con trai của hai cụ mất đi trong sự khó nghèo, túng thiếu vì bệnh tật và thói cờ bạc của anh. Được biết, anh là một người mắc bệnh trước khi cưới vợ. Sau khi cưới vợ, anh sa đà vào cờ bạc, rượu chè, nhiều lần bị công ty khiển trách, chuyển công việc, thu nhập rất thấp và mượn nợ khắp nơi. Chị còn cho biết, sau khi mất đi, anh để lại số nợ ngân hàng lên tới 800 triệu đồng. Bản thân chị phải sống đời goá bụa suốt 5 năm trời để nuôi con, trả số nợ cho chồng và giờ chị muốn bán căn nhà để cùng con mình thoát khỏi cảnh nợ nần khi mà chị chỉ mới 29 tuổi đời.

Đừng vội trách cô con dâu bạc tình kiện bố mẹ chồng ra toà mà hãy thử hỏi bố mẹ chồng đã làm gì để đến nỗi cô con dâu phải kiện ra toà dù đã ngót nghét 80 tuổi rồi? “Già néo đứt dây, chó cùng dứt dậu”. Chẳng ai muốn phải đâm đơn kiện cáo ở toà, nên xin hãy mở lòng ra, đừng dồn nhau tới bước đường cùng.

Cuộc đời, ai cũng có cho mình một hoàn cảnh để biện minh. Nhưng xót xa cho tấm thân già giữa chốn công đường một thì lại xót xa cho cảnh mẹ goá con côi gấp mười lần. Gì thì gì, anh đã là người khuất núi, thờ tự, tưởng nhớ hay không là ở tấm lòng. Còn vợ anh, con anh, là những mảnh đời đang oằn mình để trả những món nợ của anh nhưng sao không ai đoái hoài tới?

Tôi cam đoan rằng, nỗi đau hay sự thiếu thốn tình cảm của một người mẹ mất đi đứa con không thể nào to lớn bằng hai nỗi đau mất chồng – mất cha mà một goá phụ và một đứa trẻ phải gánh suốt quãng đời quá dài còn lại. Báo chí chỉ khai thác góc cạnh hút khách của nó là sự vô tâm, bất hiếu của cô con dâu để câu kéo độc giả nhưng được mấy ai đứng ở góc nhìn của người phụ nữ goá bụa dưới một số nợ oằn vai không?

Cả xã hội ta luôn đặt người phụ nữ cùng những giá trị giáo điều với lễ giáo gia phong, tam tòng tứ đức mà quên mất rằng họ cũng là những con người, họ cũng có cuộc sống riêng của chính họ. Người chồng đã vì bệnh tật mà qua đời, họ thành vợ goá, trẻ nhỏ thành con côi. Với số nợ oằn lưng phải gánh từ người chồng quá cố, tại sao gia đình chồng không mở lòng mình ra để chị có thể bán căn nhà đó đi mà trả nợ, cho đứa trẻ lớn lên được tươm tất đàng hoàng chứ không phải trong tâm thế là kẻ đối đầu với số nợ mà bố nó đã gây ra?

Một gian nhà không thể chứa hết tình yêu của những thành viên gia đình, một phần thừa kế nhỏ không thể dựng xây nên hình ảnh đẹp đẽ trong lòng con trẻ. Xin hãy đừng vì một chút vật chất nhỏ nhoi mà chĩa những mũi dùi cay nghiệt về một goá phụ đã thờ chồng nuôi con suốt 5 năm trời giữa tuổi xuân phơi phới. Đừng vì một phần thừa kế nhỏ mà đưa hai cụ già đến bên bờ vực của sự sống còn, đừng vì một chút lợi ích nhỏ nhoi mà làm méo mó góc nhìn và lòng thương yêu của trẻ nhỏ đối với gia đình.

Chắc chắn rằng trong chúng ta không ai vui vẻ gì khi phải lớn lên giữ sự thiếu thốn tình thương của cha hoặc mẹ, cũng chẳng mấy ai vui vẻ gì khi giữa dòng tộc họ hàng lại có những sự khinh ghét chỉ vì một chút lợi ích vật chất nhỏ nhoi. Và cả xã hội sẽ càng không thể tiến lên nếu hết lần này đến lần khác dư luận luôn chỉ nghe ngóng và dậy sóng bằng một lỗ tai.

Hãy cởi mở, hãy lắng nghe và chia sẻ. Ai cũng có những hoàn cảnh, ai cũng có những số phận của riêng mình. Đừng vội trách cô con dâu bạc tình kiện bố mẹ chồng ra toà mà hãy thử hỏi bố mẹ chồng đã làm gì để đến nỗi cô con dâu phải kiện ra toà dù đã ngót nghét 80 tuổi rồi? “Già néo đứt dây, chó cùng dứt dậu”. Chẳng ai muốn phải đâm đơn kiện cáo ở toà, nên xin hãy mở lòng ra, đừng dồn nhau tới bước đường cùng.

Hà Đạt

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một công nhân đang lao động tại TP.HCM.

3 nhận xét:

  1. Hungyen363622:46 15/12/15

    Ủng hộ quan điểm của tác giả, sao ông bà cụ không nghĩ cho đứa cháu của mình, nếu chị con dâu trả hết nợ nần sẽ tập trung lo cho cháu ông bà cuộc sống tốt hơn

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta không ít lần được nghe thấy hay chứng kiến thấy cảnh anh em ruột tranh giành, đánh chém nhau, đưa nhau ra tòa kiện cáo chỉ bởi vì "ăn chia" tài sản thừa kế không đều hay bởi lòng tham của con người, cứ cho là họ còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm sống thì nay hai ông bà tuổi gần đất xa trời lại đòi quyền quyết định bán nhà của hai vợ chồng con trai họ khi người con trai mất đi với lý do làm nơi thờ tự trong khi anh ta chết đi với số nợ "khủng" bắt con dâu phải oằn mình ra mà trả, cháu mình phải chịu khổ

    Trả lờiXóa
  3. Thân làm phụ nữ trong xã hội còn tư tưởng phong kiến đè nặng như thế này đúng là khổ trăm bề, người phụ nữ đã chịu góa bụa 5 năm, một mình nuôi con, lo cho bản thân mình và con cái còn chưa xong lại còn gánh nặng do lão chồng chơi bời để lại, thật sinh ra chỉ có bố mẹ đẻ mới thực sự yêu con mình, vậy nên mới có cái cảnh chị em phụ nữ sợ đi làm dâu

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog