Chia sẻ

Tre Làng

VỈA HÈ TÈ HE.

Vỉa hè là công thổ quốc gia, phải khẳng định và công nhận với nhau là như vậy. Ấy nhưng ở ta, vỉa hè đã và đang biến thành tư thổ của các hộ gia đình. Không tin ư, tôi đố các bạn đỗ xe hay bày biện cái gì trước vỉa hè cửa nhà người ta được đấy. Không bị đuổi như tà ma thì cũng nghe ngay bài tráng ca “mặt nặng như chì và hãy đi chỗ khác”. Vỉa hè không hiểu tự khi nào đã biến thành khoảng sân riêng một cách cắc cớ và vô duyên như vậy.

Vài người bạn từ Sài Gòn ra, nói Hà Nội là một ngôi làng, tôi cho là thỏa đáng lắm. Phố phường gì mà qua 12h đêm đã đèn mờ và hun hút thâm sâu với những ngõ nhỏ, phố nhỏ rồng rắn quanh co vô định. Và ở đó phép vua đều thuê hết lệ làng. Bằng chứng ư? Hãy nhìn các “ liền anh, liền chị “ phóng xe như bay trên phố đầu không mũ bảo hiểm và xe không gương chiếu hậu. Cố dõi mắt tìm mấy chú cảnh sát giao thông thì càng thất vọng bởi mấy chú cũng chỉ hơn cái cột đèn tín hiệu tí chút mà thôi. Hiểu ra thì mới biết ở đây chẳng có cái luật lệ gì sất mà chỉ có “ mối quan hệ” kiểm soát mọi thứ. Đâm ra người ta “ngại “ bắt xe vì kiểu gì “ đối tượng” cũng sẽ gọi cho người quen làm nhơn nhớn, rồi lại phải thả ra sau khi vâng dạ mỏi mồm.

Hay như những sinh hoạt bên cái “ ao làng” được người ta khoác lên mỹ từ là Hồ Gươm cũng vậy. Đừng ngạc nhiên kiểu mắt chữ A mồm chữ K khi nhìn thấy cô hàng nước hắt vut vút nào trà đá cà phê và vỏ hạt hướng dương xuống hồ. Và cũng đừng xấu hổ khi một trung niên bù bựa dạng chân chữ bát bê dái mà đái vèo vèo xuống “ ao”. Nếu có cảm cảnh thì cũng nên dành một phút xót xa mà “ mặc niệm” cụ Rùa vậy.

Ấy chửa kể đến cái lối ăn uống rặt làng xã aha. “ Hàng quán” là từ được dùng phổ biến chỉ nơi ăn uống hơn là từ “ Nhà hàng”. Hàng quán có khắp mọi nơi, từ vỉa hè, ven hồ, chân cầu, công viên, quảng trường…, cứ chỗ nào hở ra là mọc lên chỗ đó. Từ giải chiếu ngồi bệt cho đến lê lết ghế nhựa, chõng tre. Người ta thích lệt phệt ở quán xá hơn là nhà hàng, từ già trẻ - lớn bé cho đến nghèo hèn – giàu sang. Quả không hổ cho cái câu “ một miếng giữa đàng bằng một sàng…xó bếp”.

Nhưng cái tệ nhất là “ làng” đang bị hiện đại hóa nhưng lại theo lối dở chuột dở voi. Nếu như bạn muốn xem cái “ cổ” của 36 phố phường thì chịu khó ngước lên tầm trên 5 mét. Còn nếu “lé mắt trông ngang” thì chẳng thấy “ cổ” gì đâu hoặc có “ cổ” thì trông cũng rất “ quái” bởi mặt bằng phía dưới đều đã bị cải tạo cho hợp thời để kinh doanh với những bảng hiệu xanh đỏ lập lòe và nhiều món hàng cao sang thời thượng.

Ơ đấy, đang tản mạn về vỉa hè mà lại lang thang tận đẩu tận đâu. Nhưng tôi biết viết gì về vỉa hè bây giờ khi từ lâu nó đã không thuộc về tôi? Nhưng tôi xin được kể một câu chuyện vậy.

Ấy là chỗ gần nhà tôi ở có một con phố rộng. Bởi là khu đô thị mới nên được quy hoạch khá bài bản và vỉa hè cũng rất phong quang. Cứ chiều đến, người ta giăng mắc bàn ghế ra mà bày biện lên trên nhiều bia hơi và các món nhậu. Vài hàng chè bồm thuốc lào kẹo lạc cũng khép nép ẩn mình bên cạnh để sinh tồn. Tôi thi thoảng vẫn ra ngồi nhâm nhi ly bia với dăm con cá chỉ vàng khoái khẩu mà nhìn thiên hạ ngược xuôi trong cái náo nức đến ngộp thở của công cuộc mưu sinh. Một chiều như bao chiều, khi tôi đang lặng thing với những vẩn vơ ngớ ngẩn thì nghe tiếng khóc xé lòng của một người đàn bà trong bộ dạng lam lũ và tiếng quát nạt nhặng xị cửa vài anh Cẩm ( công an ) phường và đôi ba chú “ tuần đinh” ( dân phòng). Ồ, hóa ra người đàn bà kia đang ra sức van nài khi hai sọt ngô và chiếc xe thồ bị “ lực lượng chức năng” bốc lên thùng xe “ đặc chủng con cóc” bán tải năm tạ. Lý do a? Chiếm dụng vỉa hè lòng đường buôn bán gây mất trật tự giao thông và mỹ quan đô thị. Chiếc xe vù đi. Giọng một anh Cẩm ngồi trong cabin mang chất Nghệ nằng nặng “ khóc lóc chi, có gì lên phường”.

Tôi hỏi thằng chủ quán bia “ sao các ông bày biện ra đây mà không bị dọn?”. Nó không nói gì mà lừ mắt nhìn tôi. Bà hàng chè bồm thuốc lào kẹo lạc kề bên lẩm bẩm “ bé như chúng em đây mà hàng ngày vẫn phải đóng hụi chết nữa là”.

À, ra thế! Vỉa hè luôn là công thổ quốc gia, khà khà. Và xin được nói lời cáo lỗi với những ai thuộc cái gọi là…tư thổ, ô hô.



Nguồn: ở đây

12 nhận xét:

  1. Nặc danh16:08 10/12/15

    Vỉa hè là nơi mưu sinh của nhân dân đấy phẹt liệt ạ. Nói cho chuẩn vỉa hè là của nhà nước có lợi nhất với nhân dân. Nó sinh lợi gấp vạn lần cái nghị quyết phẹt liệt ạ

    Trả lờiXóa
  2. Việc chiếm dụng lòng đường vỉa hè là sai thì ai cũng biết. Nhưng thật khó để giải quyết bởi quy hoạch đô thị không tốt từ xưa để lại. Cái nền kinh doanh hàng hoá của ta lại là kinh doanh tư nhân nhỏ lẻ. Kinh tế người dân không phải ai cũng tốt thì mấy ai dám sáng ăn sáng nhà hàng, tối uống cà phê khách sạn.

    Trả lờiXóa
  3. Văn hoá vỉa hè lề đường một phần nào đó trở thành cái văn hoá của người thành phố nói chung và người Hà Nội nói riêng. Nếu không tin các bạn cứ thử dạo quanh Hà Nội và hỏi các quán ăn ngon nổi tiếng, người ta sẽ chỉ cho bạn toàn các quán vỉa hè. Mong rằng sau này chúng ta sẽ có quy hoạch đô thị tốt hơn. Sao cho vẫn giữ được cái nét văn hoá của mình mà không gây mất mỹ quan.

    Trả lờiXóa
  4. Không biết ở tỉnh thành khác thế nào chứ ở Hà Nội thì văn hoá lề đường đang dần trở thành văn hoá của người Hà Nội. Nói thật, tiện thì có tiện nhưng bẩn không chịu nổi, ngồi cái vỉa hè bé tí, rác ngay bên cạnh, chếch chếch 2 3 gang tay là cái cống. Ruồi muỗi từ đó bay lên chưa tính, riêng cái bụi khói xe nườm nượp thổi vào đã đen hết cả mặt rồi. Cơ mà nó tiện, nó rẻ. Nên một khi vẫn còn người có nhu cầu thì nó vẫn còn tồn tại.

    Trả lờiXóa
  5. Vỉa hè là nơi chen lấn mưu sinh của những người lao động tay chân nhỏ lẻ. Họ hầu hết là những người ít được đi học đến nơi đến chốn, chỉ nghĩ những người nào đụng chạm đến bát cơm của mình là phản ứng lại ngay, không ngại văng tục chửi bậy ngay lập tức. Không đánh đồng tất cả nhưng hầu hết họ đều không có ý thức công cộng, không có ý thức tự giác và nghĩ đến cảm nhận của người khác.

    Trả lờiXóa
  6. Em cũng đến ạ mấy nhà văn nhà báo coi các món ăn đường phố là nét đẹp của Hà Nội. Nói chả ngoa chứ em ghét nhất lê la vỉa hè ăn uống bụi bặm, nhiều hôm đói mờ mắt, cơ mà nhìn ra vỉa hè thấy mấy bác ăn bún đậu mắm tôm húp sột soạt là em mất luôn cảm hứng ăn uống.

    Trả lờiXóa
  7. Tác giả nên thêm mấy bài về bún mắng cháo chửi, bánh trung thu xếp hàng nữa. Thật tình cá nhân tôi cũng không hiểu có gì hấp dẫn, cao lương mĩ vị quái gì mà để con hàng bún, bà hàng cháo chửi xa xả vào mặt mà vẫn nuốt được, nghèo đói, giá rẻ đã đành, đằng này giá thì đắt, mấy anh chị vào quán cũng toàn người sang chảnh. thế mà…. thật ko hiểu nổi

    Trả lờiXóa
  8. Đừng cái gì cũng đổ cho quy hoạch, người ta quy hoạch đàng hoàng, xây chợ mới thì biểu tình phản đối, không xây bảo không quy hoạch, trốn thuế chợ thuế cửa hàng nên cứ bày ra đường, coi như nhà mình. Công an dân phòng có đi nhắc nhở, thu phạt thì chống đối, quay phim, chụp ảnh, dựng chuyện bôi nhọ người ta.

    Trả lờiXóa
  9. Có những cái vỉa hè nó thần thánh lắm, 1 tháng đem lại cả 6-7 triệu cho bà già bán trà đá. Nếu quy hoạch kĩ quá mà cấm tiệt vỉa hè không được phép kinh doanh buôn bán thì em tin thế nào cũng có biểu tình )

    Trả lờiXóa
  10. Muốn ngồi buôn bán trên vỉa hè mà dễ à? Không đóng tiền thì còn lâu nhé.

    Trả lờiXóa
  11. Vỉa hè là công thổ quốc gia, phải khẳng định và công nhận với nhau là như vậy. Ấy nhưng ở ta, vỉa hè đã và đang biến thành tư thổ của các hộ gia đình. Người ta còn cho thuê vỉa hè để còn kinh doanh cơ mà.

    Trả lờiXóa
  12. Vỉa hè là chỗ kinh doanh kiếm tiền từ cô bán trà đán, đến bún phở, hoa quả gì cũng có hết. Nhưng đừng tưởng muốn đứng đấy bán mà dễ nhé.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog