Chia sẻ

Tre Làng

Vụ Tân Hiệp Phát: "GÀI BẪY" LÀ XẤU CÒN "CƯỠNG ĐOẠT" LÀ TỐT?

Nhiều người đang hiểu rất sai khái niệm "gài bẫy", đánh đồng khái niệm này với quyền tố cáo, tố giác tội phạm.

Liên quan vụ việc Võ Văn Minh bị tố chiếm đoạt tài sản của công ty Tân Hiệp Phát, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã đưa ra những nhận định của mình.

Hiểu theo nghĩa thông thường thì "gài bẫy" là tạo ra sự nguy hiểm cho người khác, để hại người ta một cách có chủ đích. Hành vi tạo tình huống nguy hiểm này và hậu quả thiệt hại xảy ra cho người bị gài bẫy, hoàn toàn do người "đặt bẫy" tạo ra. Gài bẫy, lập mưu để hãm hại người khác (người lương thiện) là không nên cả về đạo đức và pháp luật. Tuy nhiên, bố trí, mật phục để bắt quả tang hành vi phạm tội của ai đó là một hành động hợp pháp để đấu tranh với tội phạm khi ý định phạm tội đã nảy sinh, hành vi phạm tội đã và đang thực hiện.

Đối với pháp luật thì tố cáo, tố giác tội phạm là hành vi hợp pháp, được pháp luật khuyến khích mọi công dân thực hiện cái quyền này để đấu tranh với tội phạm, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mình... Về phía cơ quan điều tra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT thì khi nhận được tin báo, tố giác tội phạm thì phải có nghĩa vụ xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật. Để có căn cứ xử lý các đối tượng phạm tội thì bắt quả tang hành vi phạm tội là việc làm hoàn toàn hợp pháp, giúp cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nhanh chóng, đúng đắn hơn.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Trong các vụ có tính chất cưỡng đoạt như: Cưỡng dâm, hiếp dâm nhiều lần, cưỡng đoạt tài sản... hoặc những vụ việc như đánh bạc, mại dâm, buôn bán trái phép chất ma túy..., thì cơ quan điều tra thực hiện các nghiệp vụ điều tra, để bố trí mật phục bắt quả tang đối tượng phạm tội là hoạt động hoàn toàn hợp pháp và có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc bắt quả tang đối tượng phạm tội, sẽ rút ngắn thời gian điều tra, xét xử một vụ án...

Nếu một người đang bị kẻ khác đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản... mà âm thầm chịu đựng, không trình báo cơ quan công an thì đó là hại mình và đang dung túng cho cái ác hoành hành. Việc cơ quan điều tra không thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để bắt quả tang đối tượng phạm tội, sẽ tạo cơ hội cho đối tượng phạm tội quanh co, chối tội gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa.

Đối tượng phạm tội cũng không thể ngụy biện rằng người bị hại đã "chơi xấu", "gài bẫy" là "báo công an". Nếu không trình báo thì tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm hoặc tài sản của họ đã bị xâm hại rồi. Vì vậy, việc tố cáo, tố giác tội phạm không có gì là xấu, và việc cơ quan điều tra bố trí, mật phục để bắt quả tang đối tượng phạm tội là hành động hợp pháp và góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm.

Hành vi phạm tội sẽ xảy ra nếu cơ quan công an không mật phục, không bắt quả tang. Việc báo công an, bắt quả tang không phải là nguyên nhân phạm tội của bị cáo, dù gì thì sự việc cũng đã xảy ra, tội phạm hình thành từ khi bị cáo đưa ra những lời hăm dọa nhằm chiếm đoạt tài sản. Nguyên nhân việc phạm tội, là do lòng tham của bị cáo, chứ không phải là do người bị hại báo công an hay do công an phát hiện. Nhiều người không phân biệt được quan hệ "nhân-quả" trong một số tội danh, một số vụ án dẫn đến tình trạng nhầm lẫn giữa "nguyên nhân" với "nguyên cớ"...

Tại tòa án trong vụ án hiếp dâm, bị cáo không thể chỉ trích bị hại rằng: Tại sao kêu bé thế, kháng cự yếu ớt thế? Tại sao lại trình báo công an? Tại sao công an không bảo họ là đừng làm chuyện đấy mà lại bố trí bắt quả tang?... Khi không nhận ra sai phạm của mình thì khó mà cải tạo, sửa chữa.Người xưa nói "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Nếu khi vụ việc xảy ra mà cứ đổ diệt lỗi do đối phương, thì e rằng khó có thể tiến bộ.

Theo quy định của pháp luật, một số tội phạm có cấu thành hình thức, nghĩa là không nhất thiết người phạm tội phải đạt được mong muốn, thỏa mãn nhu cầu của mình, trong đó có tội cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, hiếp dâm... Trong tội cưỡng đoạt tài sản, chỉ cần bị cáo có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của người khác "nhằm" chiếm đoạt tài sản là cấu thành tội phạm, chưa cần phải nhận được tài sản đó từ phía người bị hại.

Việc cơ quan điều tra phối hợp với người bị hại trong các vụ án cưỡng dâm, cưỡng đoạt tài sản... để bắt quả tang hành vi phạm tội là chuyện hết sức bình thường, và hoàn toàn hợp pháp. Đố tượng phạm tội không thể lấy cái cớ đó để chối tội cho mình. Trong vụ án cưỡng đoạt tài sản, cần làm rõ hai yếu tố cơ bản là có hành vi uy hiếp, đe dọa hay không? và hành vi đó có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không? là có thể kết tội bị cáo. Còn những yếu tố khác như nhân thân, động cơ, mục đích... chỉ có tính chất phụ trợ để cân nhắc khi lượng hình.

Ngày nay, vẫn có những người đeo đuổi những suy nghĩ hết sức mông muội là "lấy của người giàu, chia cho người nghèo" là hành động nghĩa hiệp. Cứ bảo vệ người nghèo bằng mọi giá là chính nghĩa. Tuy nhiên, trong một xã hội văn minh thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần phải được phát hiện, ngăn chặn và phải xử lý kịp thời để đảm bảo trật tự xã hội.

Việc xử lý một hành vi phạm tội của một người, không đơn giản chỉ là một biện pháp trừng phạt, mà còn là hành động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hình phạt ở đây còn mang một ý nghĩa khác là để răn đe, phòng ngừa chung. Kết quả xét xử một vụ án hình sự kết tội bị cáo, sẽ là bài học cho bị cáo và là bài học cho những người khác trong xã hội.

Bài viết thể hiện quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

http://www.nguoiduatin.vn/tan-hiep-phat-vu-an-con-ruoi-gai-bay-la-xau-con-cuong-doat-la-tot-a220060.html

14 nhận xét:

  1. nhiều người cứ nghĩ đấu tranh với tội phạm là dễ dàng lắm hay sao ý. Và họ cũng không hiểu rằng đối với tội phạm thì phòng ngừa là quan trọng chứ không phải để xảy ra rồi mới xử lý. Việc cơ quan công an bố trí để bắt quả tang việc tống tiền trong vụ này chẳng khác gì so với việc bố trí, giăng bẫy để kẻ bắt cóc người tống tiền rơi vào bẫy cả. Đúng là nhiều người nếu đã không hiểu về kiến thức pháp luật thì nên im lặng, nhưng lại cứ thích tỏ ra mình nguy hiểm, phán như thánh. Ngu si còn gây sự chú ý.

    Trả lờiXóa
  2. để có đầy đủ bằng chứng, chứng cớ thì cơ quan công an cần bắt quả tang để kẻ tống tiền không thể chối cãi được. cách làm việc của cơ quan công an là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. hành động và suy nghĩ của đối tượng đã hoàn toàn sai khi nó mới hình thành. dù hình thức tống tiền chưa thực hiên dc nhưng với hành động đó thì đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. mong mọi người qua vụ án này rút ra dc bài học cho bản thân mình

    Trả lờiXóa
  3. Nhiều người luôn có ý nghĩa chủ quan của riêng họ, không cần biết đúng sai như thế nào. nhưng nhìn chung là cứ thấy đâu có hội thì tụ tập vào đấy cũng dễ hiểu là do tâm lý đám đông tạo ra mà thôi, giữa hai sự việc khác nhau nhưng thực sự là những hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại một bị coi là vi phạm, một lại là không, thật không thể hiểu nổi?

    Trả lờiXóa
  4. 7 năm tù thì chắc cũng chỉ còn lại chừng 3 4 năm nếu cải tạo tốt, hành vi của Minh là hòng chiếm đoạt tài sản, Minh hoàn toàn sai, nhưng ở đây Minh không biết nhân ra lỗi của mình, măt vẫn trơ trơ, nếu tha cho Minh sẽ gây ra hệ lụy xấu cho xã hội, xã hội chỉ tha cho những người biết ăn năn quay về, còn những người không biết nhận ra cái sai như Minh thì không đáng được tha. Còn THP sau việc này sẽ bị không ít người tẩy chay, nhưng theo mình nghĩ đó chỉ là ý chí chủ quan của người tiêu dùng khi chưa nghĩ đến sâu xa sự việc. Về căn bản nước ngọt thì chẳng có hãng nào tốt cho sức khỏe hết, nhưng theo tôi nếu THP không báo công an thì sẽ phải làm gì, chuyện không ai muốn dây vào. Nhưng do đã thỏa thuận không thành công mà còn bị Minh uy hiếp tống tiền, Minh bất nhân thì người ta bất nghĩa thôi các ban ạ. Sau viêc này hy vọng Hội bảo vệ người tiêu dùng sẽ làm tròn làm đúng trách nhiệm của mình, như vậy người dân mới tin tưởng mà liên lạc với Hội.

    Trả lờiXóa
  5. ng Minh này đáng bị truy tố để kết tội cho dù ruồi trong chai nước là lỗi của THP hay không. Nếu ông Minh là một người công dân tốt , một người bán hàng có trách nhiệm thì phải thông báo cho công ty THP và sở kiểm tra vệ sinh thành phố biết ngay để kiểm tra lại quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Nếu là lỗi của THP thi công ty sẽ bị phạt bởi thành phố, báo chí sẽ phê phán... Có vậy thì các công ty mới sợ và phải làm tốt hơn để đảm bảo vệ sinh cho ngưòi tiêu dùng. Ngược lại, hành vi của ông Minh như một kẻ tống tiền, vô trách nhiệm với người tiêu dùng, bỏ qua sự kiện nếu được mua chuộc tiền. Đây là hành vi xấu xa, cần phải bị truy tố trước pháp luật để làm gương cho mọi người.

    Trả lờiXóa
  6. Trong kinh doanh bây giờ các đối thủ không ngần ngại sử dụng vô vàn cách để hạ bệ đối thủ của mình để có cơ hội phát triền. Điều này nguy hiểm vô cùng

    Trả lờiXóa
  7. Tôi không bàn đến cách hành xử của THP, tôi chỉ thấy người tham thì sẽ thâm. Chính anh này đã ngã giá và tống tiền trước, chưa biết chai nước có thật sự có ruồi hay không hay anh tự tạo ra, chỉ vì anh tham mà ra nông nỗi này. Nên xem đây là một bài học. Lợi dụng cái sai, cái dở, cái sót của người khác để trục lợi thì phải chịu hậu quả thôi.

    Trả lờiXóa
  8. Trong việc này anh Minh cũng có ý định tống tiền thật. Bởi Sai sót là chuyện thường tình, không ai muốn. Khi đóng chai, co thể ruồi bay qua và bị rơi vào chai. Không có doanh nghiệp nào lại tự bỏ sinh vật lạ vào chai.để "đầu độc" người tiêu dùng. Vậy nên, nếu phát hiện sai sót này thì nên trả lại chai nước và góp ý. Nếu DN không tiếp thu thì nhờ đến báo, đài góp ý. Sai sót nhỏ như thế mà đòi bồi thường 1 tỉ đồng. Thật quá đáng!

    Trả lờiXóa
  9. Mọi việc cần nhìn nhận thật khách quan . Không có chứng cứ phạm tội thì làm sao viện kiểm sát dám phê chuẩn và công an bắt khẩn cấp. Anh Minh đòi khoản tiền lớn như vậy là quá tham lam. Nếu doanh nghiệp sơ xuất thì khách hàng có quyền khởi kiện ra toà đòi bồi thường theo đúng quy định. Anh này tự ý đòi tiền nếu ko thì làm mất uy tín doanh nghiệp là cưỡng đoạt tài sản rồi. Nói dễ hiểu thì hành vi này là " tống tiền".

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh05:02 19/12/15

    Vâng THP nhiều tiền nên họ đúng ! tin mới nhất 79 chai nước ngọt của THP bị phát hiện bị đóng cặn và còn nhiều chai khác chắc đã đóng cặn trong bụng người tiêu dùng.Tương lai cho thấy mọi nẻo đường dẫn đến nghĩa địa của người Việt thật huy hoàng

    Trả lờiXóa
  11. Anh sai anh tham thì anh sẽ phải trả giá, tất nhiên công ty THP cũng không phải không có vấn đề ở đây. rất nhiều sản phảma của họ đang có vấn đề.

    Trả lờiXóa
  12. Sự tham lam đã phải trả giá, cũng như bài học đắng cho doanh nghiệp về cách hành xử quá dở của họ.

    Trả lờiXóa
  13. Việc xử lý một hành vi phạm tội của một người, không đơn giản chỉ là một biện pháp trừng phạt, mà còn là hành động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hình phạt ở đây còn mang một ý nghĩa khác là để răn đe, phòng ngừa chung. Kết quả xét xử một vụ án hình sự kết tội bị cáo, sẽ là bài học cho bị cáo và là bài học cho những người khác trong xã hội. Phải có cái nhìn toàn cục về vấn đề này.

    Trả lờiXóa
  14. THP quả là một cái kết đầy đáng tiếc, gây ra một thiệt hại lớn cho các nhà quản lý, cũng như nhân viên của THP. Trên phương diện kinh doanh thì uy tín của THP bị ảnh hưởng không hề ít, nó tạo ra một làn sóng dư luận trong lòng nhân dân và khách hàng của THP vì vậy cần có những biện pháp và bài học kinh nghiệm từ vụ THP này.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog