Chia sẻ

Tre Làng

Tóm lược về rác thải bệnh viện


Nóng vụ rác thải Y tế của bệnh viện Bạch Mai tôi sẽ biên bài này để các bạn cùng hiểu bản chất của việc quản lý, xử lý rác thải Y tế ra sao. Và cũng đừng có lo việc tái chế có ảnh hưởng đến chúng ta khi nó đã hoàn thành thành phẩm (Đã biến rác thải y tế có khả năng tái chế thành đồ hữu ích).

Tất cả những thông tin tôi đưa ra sẽ được tóm lược từ các tài liệu của Cục quản lý môi trường y tế. Nôi dung và kiến thức xung quanh vấn đề rác thải y tế rất là nhiều, tôi chỉ đưa lại những phần được các bạn quan tâm.

Ngày 3/7/2014 Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế đã căn cứ kết quả đánh giá các tài liệu hướng dẫn về quản lý chất thải y tế của các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Cục Quản lý môi trường y tế để ban hành “QUYẾT ĐỊNH về việc ban hành tài liệu hướng dẫn quản lý chất thải y tế”.

Tài liệu này gồm 3 quyển sách
1. Sổ tay hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong bệnh viện;
2. Hướng dẫn áp dụng công nghệ xử lý nước thải y tế;
3. Hướng dẫn áp dụng công nghệ không đốt xử lý chất thải rắn y tế.
………………….

1. Chất thải y tế bao gồm những gì?

80% - 90% là chất thải thông thường 10% - 20% là chất thải y tế nguy hại, lây nhiễm và hóa học vì thế cần phải được xử lý theo quy trình. Cái mà chúng ta để ý ở đây chỉ là 10% - 20% rác thải nguy hại.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tăng cường tái chế chất thải y tế nhằm mục đích tránh lãng phí, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và lợi ích về kinh tế.

Luật bảo vệ môi trường 2014 (Khoản 3 Điều 6) khuyến khích hoạt động giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (Điểm b Khoản 5 Điều 49) của Chính phủ cũng quy định “chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn thì được xử lý như đối với chất thải thông thường bằng phương pháp phù hợp.

Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế cũng đã quy định danh mục chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế, trong đó các chất thải là các chai nhựa đựng các dung dịch không có chất hóa học nguy hại như: dung dịch NaCl 0,9%, glucose, natri bicacbonate, ringer lactat, dung dịch cao phân tử, dịch lọc thận và các chai nhựa đựng dung dịch không nguy hại khác; các vật liệu nhựa khác không dính các thành phần nguy hại; các chai thủy tinh đựng các dung dịch không chứa các thành phần nguy hại; các lọ thủy tinh đựng thuốc tiêm không chứa các thành phần nguy hại; các vật liệu kim loại không dính các thành phần nguy hại; Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc và các vật liệu giấy là những chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế.

2. Sổ tay hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong bệnh viện (Tóm lược)

Chất thải y tế thông thường là chất thải có chứa thành phần và tính chất tương tự như chất thải sinh hoạt… Một phần chất thải y tế (CTYT) thông thường có thể tái sử dụng hoặc tái chế và đem lại nguồn thu cho các cơ sở y tế. Thực hiện triệt để đúng quy định trong công tác phân loại CTYT sẽ góp phần giảm tải tác động của CTYT nói chung tới con người và môi trường.

CTYT nguy hại là các chất thải phát sinh từ hoạt động y tế có chứa các thành phần gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khỏe con người và môi trường. CTYT nguy hại có một trong các đặc tính sau:
+ Gây độc;
+ Gây dị ứng;
+ Dễ cháy;
+ Phản ứng;
+ Ăn mòn: pH ≤ 2,0 hoặc pH ³ 12,5; có chứa chất độc hại, kim loại nặng như: chì, niken, thủy ngân,...;
+ Chứa các tác nhân gây bệnh.
Chất thải y tế nguy hại có một số đặc tính như sau: Có khả năng lây nhiễm; Gây độc gen, gây độc tế bào; Có chứa độc chất, hóa chất độc hại; Có tính ăn mòn; Có tính phóng xạ (đối với các cơ sở có xạ trị); Sắc nhọn.

3. Một số nguyên tắc trong quản lý chất thải y tế

- Nguyên tắc “Gần nhất - Proximity” đảm bảo việc xử lý chất thải tại địa điểm gần nhất với nguồn phát sinh chất thải nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thu gom, lưu giữ,vận chuyển chất thải (Nghĩa là xử lý ngay tại cơ sở y tế được khuyến khích).

- Nguyên tắc “Phòng ngừa - Precautionary” được ưu tiên trong công tác quản lý CTYT. Khi mà quy mô của rủi ro chưa xác định được thì rủi ro đó phải được coi là đáng kể và phải có các biện pháp phòng ngừa và an toàn được triển khai nhằm ngăn ngừa các rủi ro xẩy ra;

- Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền - Polluter Pays” quy định rõ người làm phát sinh chất thải phải có trách nhiệm xử lý an toàn và thân thiện với môi trường tất cả chất thải họ tạo ra. (Nếu áp dụng chuẩn cái này, bệnh viện sẽ phải thu thêm phí của bệnh nhân để xử lý chính sản phẩm rác thải y tế từ bệnh nhân thải ra. Theo các quy định hiện hành thì các bệnh viện cũng chưa được thu phí xử lý chất thải y tế theo giường bệnh hoặc theo các dịch vụ khám chữa bệnh. Nhiều nước trên thế giới đã đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “ người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm giúp tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước và sử dụng hai nguồn kinh phí chính để quản lý chất thải y tế là viện phí và thuế bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, từ năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ-TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nêu rõ “Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường”.).

4. Xử lý sơ bộ
Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải được xử lý an toàn ở gần nơi chất thải phát sinh. Phương pháp xử lý ban đầu chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao có thể áp dụng một trong các phương pháp sau:

+ Khử khuẩn bằng hóa chất: ngâm chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao trong dung dịch Cloramin B 1-2%, Javen 1-2% trong thời gian tối thiểu 30 phút hoặc các hóa chất khử khuẩn khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

+ Khử khuẩn bằng các thiết bị công nghệ không đốt: cho chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao vào trong thiết bị và vận hành theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và quy định hiện hành.

5. Các phương pháp xử lý chất thải rắn y tế (CTRYT)

- Thiêu đốt: Là phương pháp sử dụng nhiệt độ cao trong các lò đốt chuyên dụng có nhiệt độ từ 800 C¸ 1200 C hoặc lớn hơn để đốt CTRYT.. Tuy vậy nhược điểm của phương pháp đốt là nếu chế độ vận hành không chuẩn và không có hệ thống xử lý khí thải sẽ làm phát sinh các chất độc hại như Dioxin, Furan gây ô nhiễm môi trường thứ cấp; chi phí vận hành, bảo dưỡng và giám sát môi trường cao.

- Khử trùng bằng hơi nóng ẩm (lò hấp): Là phương pháp tạo ra môi trường hơi nước nóng ở áp suất cao để khử trùng dụng cụ và CTYT. Các loại CTLN có thể xử lý được: CTLN không sắc nhọn, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, chất thải giải phẫu.

- Khử trùng bằng hóa chất: Phương pháp này thích hợp đối với chất thải lỏng như: nước tiểu, phân, máu, nước thải BV. Tuy nhiên, hóa chất cũng có thể áp dụng để xử lý CTR, thậm chí cho cả chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao..

- Phương pháp khử khuẩn bằng vi sóng: Có hai phương pháp đó là sử dụng vi sóng thuần túy trong điều kiện áp suất thường (có hoặc không có bổ sung nước/hơi nước) và sử dụng vi sóng kết hợp hơi nước bão hòa trong điều kiện nhiệt độ, áp suất cao. Trong phương pháp này thường đi kèm các thiết bị máy cắt, nghiền và máy ép để giảm thể tích chất thải.

- Phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh: Chỉ áp dụng tạm thời đối với các BV thuộc khu vực khó khăn chưa có cơ sở xử lý CTYTNH đạt tiêu chuẩn tại địa phương. Không chôn chất thải lây nhiễm lẫn với chất thải thông thường.

- Phương pháp đóng rắn (trơ hóa): Chất thải cần đóng rắn được nghiền nhỏ, sau đó được đưa vào máy trộn theo từng mẻ. Các chất phụ gia như xi măng, cát và polymer được bổ sung vào để thực hiện quá trình hòa trộn khô, sau đó tiếp tục bổ sung nước vào để thực hiện quá trình hòa trộn ướt. Sau 28 ngày bảo dưỡng khối rắn, quá trình đóng rắn diễn ra làm cho các thành phần ô nhiễm trong chất thải hoàn toàn bị cô lập. Khối rắn sẽ được kiểm tra cường độ chịu nén, khả năng rò rỉ và lưu giữ cẩn thận tại kho, sau đó vận chuyển đến bãi chôn lấp an toàn.

- Bao gói: Chất kết dính vô cơ thường dùng là ximăng, vôi, thạch cao, silicat. Chất kết dính hữu cơ thường dùng là epoxy, polyester, nhựa asphalt, polyolefin, ure formaldehyt… Chất thải thường là chất thải hóa chất hoặc dược phẩm được đưa vào 3/4 thể tích các thùng bằng polyethylene hoặc thùng kim loại. Sau đó được điền đầy bằng các chất kết dính - để khô - dán niêm phong và đưa đi chôn lấp.











Các quyển “Hướng dẫn áp dụng công nghệ xử lý nước thải y tế, Hướng dẫn áp dụng công nghệ không đốt xử lý chất thải rắn y tế” các bạn có thể tải trực tiếp theo đường link dưới đây để nghiên cứu thêm.

Đọc thêm các bài sau:

OGVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog