Chia sẻ

Tre Làng

ÔNG TRẦN ĐĂNG TUẤN BÀN VỀ VỤ CHỔI QUÉT RAU

Bình luận của cụ Trần Đăng Tuấn - cựu Phó TGĐ của VTV

Tôi rất ngạc nhiên khi đọc về vụ việc "Chổi quét lá rau". Tôi không hiểu sao lại có những lỗi như thế. Dù đã có hỏi các bạn ở đơn vị cũ về nội vụ nhưng tôi chưa xem phóng sự gốc được (link trên youtube có vẻ không còn), nên không thể xét đoán chuyện này là dạng lỗi gì, do động cơ hay do nghiệp vụ. Dù nguyên do gì thì hậu quả đã rất lớn.

Tạm để chuyện đó sang bên. Với các bạn trẻ khác, sắp làm hoặc mới làm truyền hình, đơn thuần từ góc độ nghề nghiệp, xin chia sẻ vài điều sau (xin đừng bực nếu với bạn nó quá abc):

1- Bạn hãy hình dung bạn muốn làm một chương trình với mục đích hướng dẫn và cảnh báo người đi mua thịt lợn quay.

Cách 1: Đích thân bạn hoặc bạn nhờ một ai đó làm thịt quay. Lần thứ nhất quay thịt bình thường, màu sắc thịt quay xong không đỏ đẹp lắm. Sau đó bạn nói đây là cách làm thứ hai, cách không tốt: Bạn hoặc "diễn viên" lấy phẩm màu quết lên thịt trước và trong khi quay nướng thịt. Kết quả màu sắc món ăn rất bắt mắt. Rồi bạn phân tích phẩm màu đó là chất gì, có hại ra sao. Bạn kết luận: Khi chọn thịt quay để mua, hãy lưu ý không nên bị hấp dẫn bởi sự "bắt mắt" mà không kiểm tra kỹ, sẽ không có lợi cho sức khoẻ.

Cách 2: Bạn ra chợ ghi hình các hàng thịt quay đang hoạt động. Bạn nói rằng có những hàng thịt quay dùng phẩm màu để hàng bán chạy. Rồi bạn quay được cảnh người ta đang phết phẩm màu (quay bằng cách gì - camera giấu kín hay công khai - là vấn đề khác và chúng ta có dịp bàn sau). Sau đó bạn cảnh báo người mua hàng về chuyện này.

Cách 3: Bạn nói là có chuyện bôi phẩm để quay nướng thịt. Nhưng bạn không thể quay được cảnh đó thật. Bạn chỉ quay được cảnh các quầy bán thịt quay đang bán hàng bình thường. Để diễn đạt được chủ đề "cảnh báo" của mình, bạn nghĩ mãi và rồi bạn thuyết phục một người đứng sau quầy bôi phẩm cho bạn quay (Lý do gì người ta làm theo như bạn nói, tôi chưa đi sâu ở đây, Vì có thể người ta chưa hiểu bạn định làm gì, mà họ nói chung rất "nể" bạn hay đúng hơn là cái máy quay của bạn).

Nếu bạn làm theo cách 1, bạn đã làm một clip mang tính KHOA GIÁO. Nếu bạn làm theo cách 2, bạn đã làm một phóng sự ĐIỀU TRA. Nếu làm tốt đều ổn.

Nếu bạn làm theo cách 3 - là sẽ có một thứ sản phẩm kiểu "Chổi quét rau".

Vấn đề là: Tâm thế khán giả xem một clip khoa giáo là đang xem một tình huống đóng diễn để hướng dẫn, cung cấp kiến thức. Tâm thế xem một phóng sự điều tra là tâm thế chứng kiến một sự việc có thật. Dùng vỏ phóng sự điều tra mà ruột lại dùng cách làm của clip khoa giáo thì dù động cơ bạn có tốt, bạn đã vi phạm mọi nguyên tắc của báo chí. Còn nếu động cơ bạn xấu thì khỏi nói - quá tệ, thậm chí đã không còn là vấn đề nghiệp vụ nữa, mà là vấn đề hình sự.

2- Bạn có thể hỏi: Nhưng trong nhiều phim tài liệu, phóng sự điều tra...cũng vẫn có dùng thủ pháp đóng diễn và vẫn được chấp nhận?
Vâng, đúng thế. Nhiều phim tài liệu có những đoạn đóng diễn để phản ánh về những sự việc đã diễn ra, những nhân vật lịch sử...

Và phóng sự điều tra về một vụ án (ví dụ thế) có thể có cảnh đóng diễn để kể lại hành vi gây án...

Đó là thủ pháp "Tái tạo hiện thực". Biện pháp này thực hiện trên nền tảng:

- Tác giả phim khi đó bằng nhiều cách truyền cho khán giả thông điệp RÕ RÀNG rằng phân khúc hình ảnh này là sự đóng diễn.

Thông điệp toát lên từ bản thân cách kể chuyện, từ lời dẫn, từ các thủ pháp đạo diễn, quay phim, dựng phim để người xem không lẫn lộn.

- Việc đóng diễn này không thể gây hại cho "diễn viên", cho dù đó là chuyên nghiệp hay không chuyên.

- Các cảnh đóng diễn trung thực với sự thật đã xảy ra và đã được ghi nhận bằng các hình thức tư liệu, cứ liệu khác. Việc đóng diễn chỉ là hình ảnh hoá, âm thanh hoá một hiện thực đã không lưu lại được bằng tư liệu hình ảnh, âm thanh ...

- Các tác giả làm phim tài liệu, phim phóng sự thường tiết chế tối đa, không lạm dụng thủ pháp này.

vv..vv

Cuối cùng: Nếu do động cơ xấu thì không bàn. Nhưng nếu muốn làm chương trình có ích, thì vẫn rất cần cẩn trọng để đừng rơi vào cái chết nghề nghiệp do không rạch ròi trong phương pháp thể hiện.

19 nhận xét:

  1. Chiến dịch "NÓI KHÔNG VỚI THỰC PHẨM BẨN" đã thu hút được sự chú ý của dư luận, người dân và kể cả với các cơ quan chức năng. Phong trào này thật sự là tốt đẹp. Và vì vậy, hãy điều tra, làm phóng sự... thật sự đúng sự thật, đúng chức trách nhiệm vụ.. Nhưng ở đây, vì mục đích có phóng sự, để thu hút dư luận mà đi ngược lại với lợi ích chính đáng của nhân dân là tội đồ, là đi phá hoại đời sống, sản xuất của nhân dân. Thật là đáng lên án và trừng phạt. hãy làm người tốt trước khi giúp người khác tốt lên.

    Trả lờiXóa
  2. Vấn đề của phóng sự dùng chổi quét rau không nằm ở chỗ nghiệp vụ của báo chí mà do cái tâm, cái đức của những phóng viên này. Họ không hề nghĩ đến những người nông dân mà chỉ vì mục đích có được phóng sự, đó là điều không thể chấp nhận được ở những nhà báo

    Trả lờiXóa
  3. Hungyen363622:16 14/5/16

    Chiến dịch "Nói không với thực phẩm bẩn" của VTV thực sự là một chương trình có ý nghĩa. Nó không chỉ cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về VSATTP mà còn giúp người dân nhận diện và tẩy chay những cơ sở có dấu hiệu vi phạm. sự việc phóng viên làm phóng sự "chổi quét rau" rồi cảnh báo người dân chắc chắn cũng không nằm ngoài mục đích đó nhưng rõ ràng trong trường hợp này, phóng viên đã cư xử hoàn toàn sai. Cái sai ở đây là chị đã tự ý ghi hình theo nhận định cá nhân mà không có sự đồng ý của người dân và cũng không tìm hiểu thực hư câu chuyện ra sao. Điều tối kỵ trong làm phóng sự là mang yếu tố cá nhân vào thì ở đây phóng viên lại vi phạm điều đó một cách nghiêm trọng. Thế mới thấy báo chí và truyền hình có ảnh hưởng thế nào tới người dân

    Trả lờiXóa
  4. Hoabinh023422:20 14/5/16

    Điều đáng bàn trong sự việc chổi quét rau lần này không chỉ là sự vi phạm nghiêm trọng nghiệp vụ của người làm báo mà nó còn là sự vô trách nhiệm với công việc, sự thiếu lương tâm với những gì mình làm của chị phóng viên kia. thiết nghĩ cần có những hành động thực tế hơn nữa trong việc xửlý sai phạm để mỗi người làm báo, làm truyền hình ý thức hơn được trách nhiệm của bản thân với công việc, với cộng đồng

    Trả lờiXóa
  5. Trong thời gian qua, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân, được coi là vấn nạn của quốc gia. các bản tin của Đài THVN cũng liên tục gửi đến khán giả những phóng sự liên quan đến chủ đề này. Tôi vô cùng lên án những người không có lương tâm chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn làm nguy hại đến sức khỏe của cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần có những chế tài xử phạt thật nặng như bỏ tù và phạt nặng về kinh tế để họ không có cơ hội tái phạm. Tuy nhiên,VTV24 cũng cần phải có phóng sự chính xác, rõ ràng chứ như vụ việc đổ lỗi cho người dân dùng chổi quét rau giả sâu ăn thì không thể nào chấp nhận được. Làm nghề nào cũng phải có tâm, các anh chị nhà báo làm như vậy chẳng khác nào bôi do chát trấu vào cái chương trình mà VTV đặt ra.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi cũng không biết là các bạn ấy được giao nhiệm vụ, giao chỉ tiêu như thế nào mà lại đi làm như vậy. Làm thế tố rau bẩn không đúng mà là hại những người làm rau chân chính

    Trả lờiXóa
  7. Có bàn tới bàn lui thì sự việc vtv24 nói người dân dùng chổi quét rau giả làm sâu ăn đều là lỗi của anh chị thực hiện phóng sự đó. Một hành động gắp lửa bỏ tay người,ăn không nói có, để rồi người dân phải chịu hậu quả để lại, một nghìn ba mớ rau chẳng ma nào mua, các anh chị nói rau bửn như thế thì ai còn dám mua nữa chứ, người dân đã nghèo giờ nhờ được phóng sự của vtv thành ra lại đi đến bước đừng cùng. Đạo đức nghề nghiệp ở đâu? Như thế này thì người dân bao giờ mới thoát nghèo?

    Trả lờiXóa
  8. Theo cụ Trần Đăng Tuấn - Cựu Phó TGĐ của VTV thì: Tôi rất ngạc nhiên khi đọc về vụ việc "Chổi quét lá rau". Tôi không hiểu sao lại có những lỗi như thế. Dù đã có hỏi các bạn ở đơn vị cũ về nội vụ nhưng tôi chưa xem phóng sự gốc được (link trên youtube có vẻ không còn), nên không thể xét đoán chuyện này là dạng lỗi gì, do động cơ hay do nghiệp vụ. Dù nguyên do gì thì hậu quả đã rất lớn.
    Như vậy, hành động của cô phóng viên thực tập Phạm Thu Phương đã để lại hậu quả rất lớn. Vậy, ai sẽ là người bồi thường những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu? VTV hay Thu Phương? Vì lỗi ở đây là cả hai đều có? Hay người dân thấp cổ bé họng phải chịu?

    Trả lờiXóa
  9. Đúng là phóng sự này được chị phóng viên thực tập thực hiện không rõ mục đích gì, nhưng chị ấy có thực hiện một mình đâu mà thực hiện cùng 2 người nữa mà.
    Thứ 2, VTV còn có khâu kiểm duyệt trước khi lên sóng nữa cơ mà. Vậy tại sao mình chị này chịu hết trách nhiệm. Phải chăng chị phóng viên thực tập này trở thành con tốt thí mạng cho những người khác?

    Trả lờiXóa
  10. Trong phóng sự về "Dùng chổi quét rau" này thì em nghĩ là lỗi cả từ 2 phía: Chị Phương và VTV. Bởi:
    Chị Phương gây ra lỗi là do chị dàn dựng cảnh quay. Không ai hiểu rõ nguyên nhân tại sao chị làm vậy. nhưng hành động của chị gây hậu quả rất lớn cho người trồng rau, nên chắc chắn chị phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Và không chỉ là chỉ bị đình chỉ công tác mà chị còn phải đền bù thiệt hại về kinh tế cho người dân. Song chị có thực hiện một mình đâu, ngoài chị ra còn 2 người nữa. Và phóng sự này gây hậu quả được hay không là do nó phải lên hình. Vậy khâu lên hình là do đội kiểm duyệt.
    Thứ 2, khâu kiểm duyệt trước khi lên hình. Đội kiểm duyệt sinh ra để làm gì, chưa kiểm duyệt đã cho lên hình. Đội này cũng phải chịu hình thức kỷ luật chứ.
    tại sao lại đổ lỗi hết cho một người. Chị ấy sai, điều này chị ấy phải chịu, nhưng khâu kiểm duyệt cũng sai rất lớn là không làm tròn chức trách nhiệm vụ của mình, và đội này cũng phải chịu hình phạt kỷ luật như chị Phương phải chịu

    Trả lờiXóa
  11. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang được nói rất nhiều. Hơn hết vấn đề thực phẩm bẩn giờ đây trở thành vấn đề nóng và được đông đảo người dân quan tâm. Quả thực con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ lại gần đến thế. Việc vào cuộc quyết liệt của các phóng viên nhà báo là hết sức cần thiết. Nhưng làm việc gì cũng phải có trách nhiệm với công việc và phải có đạo đức nghề nghiệp. với những hành động vô trách nhiệm thì không khác gì việc giết người hàng loạt

    Trả lờiXóa
  12. bệnh thành tích là đây ;))

    Trả lờiXóa
  13. Hoabinh03020012:13 17/5/16

    Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề nóng trong thời gian gần đây và đã được các phóng viên khai thác triệt để. Tuy nhiên, chỉ vì lợi nhuận, vì bệnh thành tích mà một bộ phận phóng viên đã giở trò bịa đặt, xuyên tạc sự thật trong phóng sự "chổi quét rau". Hành động này đã gây thiệt hại to lớn về kinh tế cho bà con trồng rau, cho dù phóng viên bị kỷ luật nhưng thử hỏi ai là người bù đắp cho những tổn thất kia đây

    Trả lờiXóa
  14. Thaibinh02340012:18 17/5/16

    Về vi phạm của phóng viên trong vụ "chổi quét rau", đây là trường hợp vi phạm về đạo đức nghề nghiệp và là lỗi cố ý, cho nên không chỉ kỷ luật phóng viên làm phóng sự được mà cần phải xem xét cả trách nhiệm của lãnh đạo ban, người đã duyệt cho phóng sự trên được phát sóng

    Trả lờiXóa
  15. Thaibinhquetoi23412:22 17/5/16

    Nếu các cấp lãnh đạo đài làm việc trách nhiệm hơn thì vụ việc đáng tiếc này đã không xảy ra, gây thiệt hại to lớn về kinh tế cho bà con trồng rau. Bởi sau khi phóng viên làm phóng sự thì đều phải qua lãnh đạo kiểm duyệt thì phóng sự trên mới được lên sóng truyền hình, nếu khâu kiểm duyệt chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn thì sẽ không bao giờ có chuyện bịa đặt, xuyên tạc như trên xảy ra

    Trả lờiXóa
  16. Hagiang83612:28 17/5/16

    Trách nhiệm của một phóng viên là phải truyền tải những thông tin chính xác, trung thực và khách quan đến người đọc, người xem truyền hình. Nhưng tiếc thay, chỉ vì lợi nhuận và bệnh thành tích mà một bộ phận phóng viên đã bán rẻ cả lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của mình để bịa đặt, xuyên tạc sự thật rồi giật tít để thu hút người xem, cuối cùng thì thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về bà con trồng rau, đã khó khăn nay càng khó khăn hơn

    Trả lờiXóa
  17. Bacgiang19012:36 17/5/16

    Người làm phóng sự trên truyền hình có rất nhiều cách để phản ánh vấn đề và truyền tải nó đến người xem, tuy nhiên dù làm theo cách nào vẫn phải dựa trên nguyền tắc là tôn trọng sự thật. Còn phóng viên trong phóng sự "chổi quét rau" kia đã cố ý để xuyên tạc sự thật, bịa đặt thông tin để làm chương trình, như vậy là vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp và là lỗi cố ý, do đó cần phải bị xử lý nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe

    Trả lờiXóa
  18. Hungyen363612:40 17/5/16

    Đây chắc chắn không phải là rủi ro nghề nghiệp, cũng không phải là lỗi về nghiệp vụ báo chí mà vấn đề là đạo đức của người làm báo. Chị phóng viên này đã bịa đặt chuyện không thành có, dàn dựng vụ chổi quét rau rồi kết luận lung tung, gây ra bao thiệt hại cho bà con nông dân, đúng là không thể chấp nhận được

    Trả lờiXóa
  19. Hoabinh023412:43 17/5/16

    Thời gian gần đây vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề nóng trên các chương trình truyền hình cũng như trên mặt báo. Tuy nhiên, một số phóng viên biến chất đã lợi dụng sự quan tâm của công chúng về vấn đề này để bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm giật tít thu hút người đọc, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc nghề nghiệp và cần phải bị xử lý nghiêm khắc

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog