Chia sẻ

Tre Làng

TẢN MẠN VỀ CUỘC CHIẾN XE ÔM Ở SÀI GÒN


Anh bạn đồng nghiệp của tôi vừa có trải nghiệm không mấy vui vẻ khi đi công cán khu vực phía Nam, anh bị bội chi một chút xíu, số tiền không nhiều nhưng qua lời kể của anh, hình ảnh của thành phố lớn nhất đất nước trong mắt chúng tôi, có vẻ bớt lung linh đi một tí.

Sau khi trải qua 2 tiếng lắc lư trên máy bay thưởng thức bánh mỳ kẹp với chè khoai nguội như tử thi thực nghiệm ở khoa giải phẫu Y Hanoi, anh đến được Saigon, thủ phủ của miền Đông Nam Bộ. Với ngân quỹ khiêm tốn anh đã chọn phương tiện di chuyển là xe ôm để về khách sạn nghỉ ngơi, hành lí nhõn 3 bộ quần áo và thân thể lực lưỡng 51kg tương đương bao xi măng Hoàng Thạch, thì phương tiện này xem ra rất hợp lí.

Nhưng có vẻ như anh đã nhầm. Phục vụ anh là một trung niên U50 có đôi mắt buồn, lặng lẽ trao anh chiếc mũ bảo hiểm có dán logo của một mùa Euro thế kỷ trước, loại chụp kín 2 tai và chấm xuống tận bả vai thoang thoảng một mùi hương nhè nhẹ của nước kênh Vân Đình mỗi mùa hoa phượng nở.

Rất nhiều người trong chúng ta vẫn hay phàn nàn khi bị chụp mũ trên facebook, nhưng nếu so với việc bị chụp lên đầu mũ bảo hiểm của xe ôm sân bay Tân Sơn Nhất, thì đó vẫn là một điều may mắn.

Hiện nay trong địa bàn sân bay Tân Sơn Nhất TP HCM, luôn có một đội ngũ trực chiến 100 xe ôm chia làm 2 ca, được điều hành bởi một nhóm bảo kê, cắt phế 20k trên mỗi lần đưa đón khách. Điều này không chỉ đẩy giá dịch vụ lên cao mà còn tạo ra xô xát thường xuyên với các nhóm xe ôm ngoài khi đưa đón khách trong địa bàn. Theo lời kể của anh bạn tôi thì giá cước xe ôm ở đây đắt hơn cả thuê xe ba gác thương binh chở lợn ở Giải Phóng, khi tôi đặt nghi vấn phụ phí thì anh thề rằng suốt quãng đường ngồi trên xe không hề kêu eng éc hay ỉa bất kỳ một bãi nào mà vẫn bị tính đắt hơn chở lợn, đây là một điều khó chấp nhận.

Việc các công ty kinh doanh xe ôm như Grabbike không thể đón khách trong sân bay đã được phản ánh nhiều lần, tuy nhiên do tính chất quan trọng chưa thể bằng vớt lục bình ở Rạch Dừa nên tình hình suốt mấy tháng Nguyễn Y Vân. Đất có thổ công, sông có thuỷ điện, có vẻ như can thiệp vào miếng cơm của giới giang hồ không phải là một nhiệm vụ hấp dẫn cho lắm.

Máu vẫn đổ giữa những xe ôm truyền thống và tài xế Grabbike giá rẻ và phục vụ lịch sự, tận tình hơn. Tôi không trách các anh xe ôm kia, họ ở đây giữa cái nắng 40 độ vì không có quyền được chọn, nếu được chọn, thì họ đã chọn ngồi ô tô biển xanh có người cõng qua vũng nước chứ chẳng phải nai lưng miu sinh nuôi lũ côn đồ hút máu.

Đêm vẫn buông xuống trên Sài Gòn hoa lệ. Những tiếng nổ pô xe cà tàng pha lẫn tiếng thở nặng nhọc của giai cấp cần lao hoà với bụi đường bay trên phố, len vào gió vào mũi rồi vào phổi người đi đường. Họ vẫn cứ hối hả như vậy, chợt nghĩ về lời anh Sinclair Lewis nói đại í người lao động là những tù binh khốn cùng của thế kỷ sao mà sâu sắc, đồng hồ Tây cấm có bao giờ chạy sai.

2 nhận xét:

  1. Những người xe ôm ở sân bay này bị đám giang hồ bảo kê chèn ép quá nên tăng giá, tăng phí, chèn ép khách thành ra nhiều khách chọn đi taxi hay grabbike để cho rẻ và an toàn hơn. Công an nên vào cuộc để dẹp được đám giang hồ này

    Trả lờiXóa
  2. Cảnh tượng tranh giành khách bảo kê địa bàn hoạt động vẫn diễn ra ở một số nơi nhất là khu vực bến xe điều này đã làm phát sinh rất nhiều các tệ nạn và phí dịch vụ lại được đẩy cao hơn gây thiệt thòi cho khách hàng các co quan chức năng cần đẩy lui tệ nạn này.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog