Chia sẻ

Tre Làng

NGẪM VỀ NGHỀ


Ngẫm về nghề

Bố đi công tác, sáng nay Cu phải đi học sớm với mẹ. Tới trường sớm nửa tiếng, mẹ xi nhan chọn một đoạn đường rộng vỉa hè vắng để tấp vào. Từ đây đến cổng trường Cu phải đi bộ một đoạn, nhưng an toàn và không ảnh hưởng tới giao thông, mẹ nhắc con xuống nhanh để tránh tắc đường.

Bỗng đâu một ê kíp 4 người lao tới. Bên trái cửa xe, một chú công an khom người chào khi mẹ hạ cửa kính.

- "Xin lỗi chị cho các bạn quay phim"

- "Em thông cảm nhé, chị phải vội tới cơ quan bây giờ"

- "Vâng ạ, vậy chị đi đi". Chú công an cười chào mẹ

Mẹ định đi thì chú camera man mặc áo phông trắng lăm lăm hướng ống kính đứng chặn trước mũi xe.

Còn bên phải cửa xe là một chú camera man khác mặc áo màu tối, cùng một cô có vẻ là phóng viên. Cô này hối hả gõ vào xe, mẹ đành hạ kính xuống xin lỗi vì không thể ở lại cho họ phỏng vấn.

Cô ta không chịu buông tha, ra sức gõ vào xe một cách hối hả hơn. Và lần này, ngoài cửa xe còn có thêm Cu. Không hiểu bằng cách nào cô ta lôi thằng bé quay trở lại.

- "Mẹ ơi cô í bắt con quay phim", Cu ngơ ngác nói với mẹ, còn cô "phóng viên" tiếp tục gõ mạnh vào thành xe và gào lên rất to với mẹ

- "Chị đang bận đúng không ạ? Nhưng chị cần phải có ý thức thắt dây an toàn cho con khi lái xe"

- "Con không cần quay gì cả, con lên lớp ngay cho mẹ", nói rồi mình kéo kính lên và định đi làm.

Nhưng... Cô ta nói gì nhỉ. "Chị cần có ý thức thắt dây an toàn cho con khi lái xe". Ah, hóa ra đây là lý do cả một ê kíp vây quanh xe của mẹ con mình. Không thể nhẫn nhịn được nữa, mình phanh xe lại, hạ cửa kính và gọi cô "phóng viên":

- Em nhìn này - mình chỉ vào dây an toàn chỗ ghế ngồi của Cu, vẫn còn đang cắm - Ai bảo em chị không thắt dây an toàn cho cháu?

- Em xin lỗi em tưởng chị... Cô ta không còn hùng hổ nữa

- Em đứng ngoài, chưa biết chị có thắt dây an toàn hay không, mà em đã khẳng định chắc nịch như vậy? Ai cho em cái quyền làm như thế? AI cho em cái quyền làm cho con chị hoảng sợ? Em là phóng viên báo nào?

Gửi ê kíp 3 người làm truyền hình sáng nay.

Rất tiếc mình không biết các bạn làm ở cơ quan nào, trên thân máy không có logo - biển hiệu của cơ quan nào cả. Các bạn còn rất trẻ, cô "phóng viên" xinh đẹp có tatoo nhành hoa hồng trên ngực chắc chưa tới 30. Các bạn rất xông xáo, nhiệt tình. Làm nghề cần dấn thân như vậy.

Mình muốn chia sẻ với các bạn 2 điều làm nghề:

1. ĐỪNG BAO GIỜ MANG ĐỊNH KIẾN đi làm nghề. Dù sếp các bạn có giao làm đề tài phản ánh tình trạng vi phạm giao thông, thiếu ý thức của người tham gia giao thông, thì trong đầu các bạn đừng nghĩ rằng MỌI NGƯỜI THAM GIA GIAO THÔNG ĐỀU ĐANG PHẠM LUẬT hoặc lăm lăm chỉ đi tìm những người vi phạm giao thông và thậm chí nhờ công an can thiệp để phỏng vấn.

Định kiến đó sẽ giết chết tác phẩm của các bạn, dù nó có hay đến mấy. Với định kiến đó, bạn sẽ không bao giờ tìm được cái mới trong quá trình khai thác thông tin. Với định kiến đó, bạn đánh mất cơ hội được kiểm chứng thông tin. Với định kiến đó, bạn tước quyền phản biện của những người bị kết án oan ức. Và định kiến đó sẽ tạo ra những tác phẩm kiểu dàn dựng ‪#‎cầmchổiquétrau‬ hay‪#‎phárừngĐắkLắk‬.

2. ĐỪNG ẢO TƯỞNG VỀ QUYỀN LỰC BÁO CHÍ. Quyền lực đó sẽ tự nhiên hình thành khi các bạn lao động chân chính để mang lại những thông tin hữu ích cho công chúng. Chứ nó không là vũ khí trang bị cho các bạn đi hành nghề, để mà các bạn có quyền sỗ sàng yêu cầu bất cứ ai trả lời phỏng vấn của các bạn, nếu không được thì các bạn dọa nạt. Nếu bạn ảo tưởng về quyền lực đó, bạn sẽ trở thành một nhà báo xấu xí, hống hách. Và khi đó, xã hội sẽ dùng các đại từ "CON", "THẰNG" gắn với tên gọi nghề nghiệp "Nhà báo" mà các bạn đang rất tự hào.

Trước khi viết ra những dòng này, mình rất phẫn nộ, vì các bạn đã xúc phạm mẹ con mình và xúc phạm những người làm nghề báo như mình. Con trai mình rất có ý thức và biết tôn trọng lẽ phải, tôn trọng pháp luật. Lên xe, việc đầu tiên là thắt dây an toàn. Hành động của các bạn hôm nay sẽ hằn sâu trong tâm trí con trai mình. Chắc chiều nay về, con sẽ hỏi "Các cô chú ấy CŨNG LÀM BÁO hả mẹ? Tại sao các cô í lại làm như thế hả mẹ? Mẹ có biết các cô ấy không?".

Nhưng viết đến đây rồi, mình không còn giận nữa, chỉ muốn nhắn nhủ tới các bạn: HÃY LÀM NHỮNG NHÀ BÁO TỬ TẾ, ĐÁNG YÊU. ĐỪNG LÀM NHỮNG NHÀ BÁO ĐÁNG GHÉT, GÂY PHẪN NỘ CHO CÔNG CHÚNG.

8 nhận xét:

  1. Một trong những chức năng cơ bản của báo chí là tham gia quản lý, giám sát và phản biện xã hội. Báo chí quản lý, giám sát, phản biện xã hội bằng dư luận xã hội. Chỉ có thông qua dư luận xã hội, báo chí mới làm tròn trách nhiệm của mình là cầu nối quan trọng của Đảng, nhà nước với nhân dân; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của quần chúng nhân dân. Do vậy trước hết cần có đạo đức nghề nghiệp

    Trả lờiXóa
  2. Nhà báo ngày nay được tự do, cởi mở, dân chủ hơn về thông tin, được “trao quyền” nhiều hơn, người làm báo lại càng phải có bản lĩnh vững vàng và sự từng trải, nhạy cảm nghề nghiệp, khả năng vượt qua sức ép để làm đúng chức trách nghề nghiệp: đưa tin chính xác, trung thực, khách quan. Nghề báo là một nghề cao quý và rất đáng được trân trọng. Vì vậy hãy giữ đúng đạo đức nghề nghiệp, hãy trở thành nhà báo đáng yêu đừng trở thành nhà báo đáng ghét

    Trả lờiXóa
  3. Người làm báo xưa nay vẫn theo những tiêu chuẩn của nghề nghiệp như trong mỗi bài viết đều đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng, đa chiều. Cùng với sự thay đổi lớn lao và nhanh chóng của công nghệ, báo chí nói chung và những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói riêng đang trải qua những sự thử thách khắc nghiệt để có thể tồn tại tử tế với nghề. khắc nghiệt thì càng phải có gắng học hỏi, chứ đừng cố gắng lươn lẹo. Phải giữ đúng đạo đức nghề nghiệp, mà chỉ lo câu like, câu view thì chẳng có ý nghĩa gì cả

    Trả lờiXóa
  4. làm nghề gì cũng cần có cái tâm, cần có đạo đức và trách nhiệm với công việc mình làm, đặc biệt là báo chí. Mọi người hay nói "báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư" nhưng xin các anh chị nhà báo đừng ảo tưởng về thứ quyền lực hữu danh vô thực đó. Quyền lực có được khi các anh chị lao động chân chính chứ không phải quyền lực bỗng nhiên rơi xuống để các anh chị sử dụng như công cụ hành nghề

    Trả lờiXóa
  5. Làm báo cần tôn trọng những nguyên tắc riêng của nghề như đưa tin một cách khách quan, nhanh chóng, đa chiều và chính xác tới độc giả nhưng hình như hiện nay một số anh chị nhà báo, phóng viên đã quên mất điều này. mải chạy theo số lượng bài viết, số lượng tin tức đăng lên mà hình như họ bỏ qua cái gọi là khách quan và chính xác của thông tin rồi. Nếu không nhanh chóng chấn chỉnh thì không biết nền báo chí sẽ đi về đâu

    Trả lờiXóa
  6. Bangtuyetnhietdoi16:30 11/8/16

    Cùng sự phát triển của ngành truyền thông báo chí thì chắc chắn mỗi tờ báo đều phải đối mặt với những thử thách khó khăn. Nhưng không phải vì khó khăn mà các anh chị nhà báo phóng viên có thể bỏ qua những nguyên tắc của nghề được. Càng khó khăn thì càng cần cố gắng, khắc phục khó khăn để tìm ra giải pháp pháp hoàn thiện chứ không phải viết bài đăng tin kiểu chộp giật để tồn tại được. Nếu như vậy thì sớm muộn cũng bị độc giả quay lưng lại thôi

    Trả lờiXóa
  7. Hungyen363616:41 11/8/16

    Làm nghề báo thì điều tối kỵ là mang định kiến cá nhân đi làm nghề. Nếu các anh chị để tác phẩm báo chí mang đậm quan điểm cá nhân thì chắc chắn tác phẩm đó là tác phẩm thất bại, dù nó hay tới cỡ nào vì nó đã mất đi bản chất của nghề là đưa tin một cách chân thực và khách quan. Thế nên hy vọng những anh chị nhà báo đừng vì áp lực nghề mà giết chết nghề, đó là một điều không nên

    Trả lờiXóa
  8. Hoabinh023416:49 11/8/16

    Chức năng nhiệm vụ của báo chí là phản ánh chân thực hiện trạng thông tin xã hội. Và để làm được điều này, báo chí cần tôn trọng sự thật, tôn trọng dư luận xã hội. Nếu các anh chị nhà báo phóng viên áp đặt quan điểm cá nhân trong quá trình tác nghiệp, vô hình chung các anh chị đánh mất cơ hội khai thác và kiểm chứng thông tin, đó là một sự thiệt thòi cho các anh chị chứ không phải độc giả

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog