Nhà Báo – Vì Đâu Nên Nỗi Thế Này
Toa Thuốc Lăng Tần
Hoàng Hữu Phước, MIB
05-8-2016
1) Sự Cố Phóng Sự Syria
Vừa qua rộ lên sự cố phim phóng sự mang tên Ký Sự Syria: Góc Nhìn Từ Phía Trong Cuộc Chiến của Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV). Đã có rất nhiều dư luận phê bình và phê phán bộ phim ấy; song, vẫn chưa có ai nêu được cái lõi dẫn đến các rắc rối nổi cộm đáng xấu hổ trong thế giới báo chí hiện nay ở Việt Nam nói chung và trong những cái gọi là phóng sự cũng của cái thế giới ấy mà Ký Sự Syrialà thùng nước làm tràn hồ bơi.
Trước khi đi vào phân tích cụ thể cái lõi trầm kha của vấn đề, xin kính mời bạn đọc lưu ý đến chi tiết cực kỳ quan trọng của “ê-kíp phim gồm nhà báo Lê Bình, quay phim Ngọc Phúc, cùng hai phóng viên Vân Anh và Phương My thực hiện”.
2) Căn Bịnh Trầm Kha Việt Nam
Thời bao cấp gian khổ đã qua trong thắng lợi tuyệt toàn: chính trị ổn định, lãnh thổ vẹn toàn trước cuộc xâm lăng của bọn bá quyền Trung Quốc và cuộc xâm lược của bọn man rợ Kampuchia, chế độ củng cố vững chắc, kinh tế tự bồi đắp trên những phiến đá thô ráp để chất chồng lên thành nền móng cao hơn cho những kiến trúc kỳ vĩ hơn.
Thời bao cấp gian khổ đã qua đi với những tàn tích thượng tầng hằn sâu như những vết nứt rạn xuống hạ tầng. Đây là nói về những phát huy sáng kiến để tồn tại qua cơn thử thách nghiệt ngã không bút mực nào tả xiết (untold hardship) để tự đứng lên (self-sustainment) và gượng hết sức bình sinh để sinh tồn (surviving the ordeals). Cũng vì thành công cho sự tồn tại và phát triển, các sáng kiến ấy từ vị trí một thứ nam châm hút lấy những biện pháp cải tổ, những nguồn vốn đầu tư, trở thành lực cản như sức hút mãnh liệt của từ trường cản trở mọi thứ muốn vượt khỏi tầm trọng lực. Cái cơ chế tổ chức vật chất và tinh thần dường như không thể nào còn có thể sửa chữa được nữa. Thay vì đặt nặng chuyên nghiệp chuyên môn, Việt Nam lại đặt nặng vấn đề khoa giáo, đưa giáo dục lên hàng đầu; song, bản thân từ “giáo dục” đã chưa từng được hiểu đúng, dẫn đến tình trạng mất trật tự trong giao thông, xuống cấp trong đào tạo, và xuống cấp trong những chức nghiệp mà chế độ đặt trọng tâm nặng hơn hết.
Bày ra Ngày Nhà Giáo, đặt “nhà giáo” rời xa mãi mãi vị trí “phục vụ khách hàng” (customer service) vốn đòi hỏi chất lượng giảng dạy phải ở mức tuyệt hảo, để ngự tại vị trí “đấng ban ơn cứu dốt” cho học trò – cực đoan vô lối của “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy – dẫn đến tâm lý phải được xã hội trọng vọng cũng như phải được phụ huynh cung phụng. Hậu quả là học sinh sinh viên trình độ học lực kém đi, trong khi tư cách đạo đức thì ôi thôi bao điều tai tiếng trong xã hội, kể cả động thủ với cả “đấng ban ơn cứu dốt”.
Bày ra Ngày Thầy Thuốc, đặt “thầy thuốc” rời xa mãi mãi vị trí “phục vụ khách hàng” (customer service) vốn đòi hỏi chất lượng chữa trị phải ở mức tuyệt hảo, để ngự tại vị trí “đấng ban ơn cứu mạng” cho bịnh nhân, dẫn đến tâm lý phải được xã hội trọng vọng cũng như phải được thân nhân bịnh nhân cung phụng. Hậu quả là bịnh nhân đa số bị kê đơn thuốc vô tội vạ, trong khi tư cách đạo đức “thầy thuốc” thì ôi thôi bao điều tai tiếng trong xã hội, còn thân nhân bịnh nhân thì động thủ với cả “đấng ban ơn cứu mạng”.
Bày ra Ngày Nhà Báo, đặt “nhà báo” rời xa mãi mãi vị trí “phục vụ khách hàng” (customer service) vốn đòi hỏi chất lượng nghề nghiệp phải ở mức tuyệt hảo, để ngự tại vị trí “đấng thi hành công vụ” truy tìm “chân lý” cho xã hội, dẫn đến tâm lý phải được xã hội trọng vọng cũng như phải được mọi người kinh sợ. Hậu quả là độc giả nhận được đa số thông tin không hoặc kém trung thực vô tội vạ, trong khi tư cách đạo đức “nhà báo” thì ôi thôi bao điều tai tiếng trong xã hội, mà hậu quả là “Ký Sự Syria” cùng những thứ tương cận.
3) Nạn Kiêu Báo
Nếu xưa kia ở Việt Nam – chẳng nơi nào khác có tình huống tương tự – có Loạn Kiêu Binh thời Lê Trung Hưng do những quân binh vùng Thanh Hóa và Nghệ An cậy có công phò tá quân vương, đã kiêu căng chà đạp vương pháp gây điêu đứng cho triều chính và dân tình, khiến sụp đổ cơ nghiệp Nhà Lê; thì nay Việt Nam đang có Loạn Kiêu Báo, chẳng qua do chế độ đã ban cho báo chí tầm quan trọng vượt bậc chỉ có ở Việt Nam từ cả trước thời bao cấp: tuyên giáo tức tuyên truyền và giáo dục để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, truyền bá tư tưởng cách mạng Mác-xít Lê-nin-nít, đấu tranh chống Mỹ cùng hệ tư tưởng thù địch, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước, v.v. Kết quả đã chưa từng được như ý khi chưa hề xuất hiện những con người mới xã hội chủ nghĩa, tư tưởng thù địch vẫn đang lấn lướt, chủ trương – chính sách của Đảng và Nhà Nước được phổ biến rộng khắp nếu tin vào báo cáo của Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Không đâu trên thế gian này mà “nhà báo” lại được xem như “đang thi hành công vụ” khi tác nghiệp như ở Việt Nam.
Không đâu trên thế gian này mà “nhà báo” lại được cho cái quyền uy tiếp cận bất kỳ ai và bất kỳ ai phải cung cấp thông tin cho “nhà báo” như ở Việt Nam.
Không đâu trên thế gian này mà “nhà báo” là danh xưng không mang chút hơi hướm nào của tính chuyên nghiệp cao chuyên môn giỏi như ở Việt Nam. Ông Lại Văn Sâm mà là “nhà báo” mới là chuyện lạ. Lê Bình đi làm phóng sự Ký Sự Syria mới là chuyện lạ.
4) Tham Khảo Tổ Chức Công Ty Truyền Hình Hoa Kỳ
Khi đọc đến chữ chót của phần trên, các “nhà báo” ắt cảm thấy không cam tâm. Ở đây xin mổ xẻ vấn đề cụ thể rõ ràng như sau về cái gọi là “Đài Truyền Hình”:
Trên thế giới có hai loại “Đài Truyền Hình”, đó là đài công và đài tư. Đã là “đài công” thì hoàn toàn không có quảng cáo hay kinh doanh. Đã là “đài tư” thì phần chính và chủ lực là quảng cáo và kinh doanh.
Việt Nam ta sính dùng cụm từ “ham học hỏi” nhất là phải ra nước ngoài du học để thu gom tất tần tật từ đời này đến đời kia muôn kiếp, tuyệt đối né cụm từ “thích truyền thụ” nhất là khi liên tưởng đến việc dạy cho thế giới cái gì đó. Vậy thử xem danh mục tổ chức một “cơ quan truyền hình tư” của Mỹ ra sao theo tài liệu của Hiệp Hội Quốc Gia Các Nhà Truyền Thông Hoa Kỳ:
Trong danh mục tổ chức ở trên, chúng ta thấy có tất cả 9 “phòng ban” và “phòng” tin tức đứng hàng thứ 5 theo vị trí quan trọng từ cao xuống thấp, theo đó, bộ phận lãnh đạo ở vị trí hàng đầu, tiếp theo sau là tuần tự các “phòng ban” kinh doanh – tiếp thị, phòng phát hình chương trình quảng cáo, phòng điều nghiên, rồi mới đến phòng tin tức, theo sau là các phòng thương hiệu-hình ảnh-hình tượng, phòng quan hệ công chúng – cộng đồng, phòng chương trình, và phòng kỹ thuật.
Trong phòng tin tức ở ô được tô vàng như trên, ta thấy hoàn toàn không có chức danh hay nghề nào mang tên “journalist” tức “nhà báo”, mà chỉ có “reporter” tức “phóng viên”. Người viết tin (news writer) là người quan trọng hơn phóng viên. Và “phóng viên” gồm phóng viên thường, phóng viên quảng cáo, và phóng viên đưa tin từ trực thăng rượt đuổi hiện trường.
Phóng viên thực hiện việc phỏng vấn, lấy tin, đưa tin truyền hình trực tiếp; hoặc phỏng vấn, lấy tin về cho cấp trên là người viết tin để biến thành bài viết đăng báo.
Phóng viên là nghề nghiệp vừa nguy hiểm (vì không được bảo vệ gì do không bao giờ có chuyện “thi hành công vụ” vốn là chuyện riêng của cơ quan cảnh sát an ninh), vừa lương thấp (vì không quan trọng, do quan trọng là người viết tin chứ không phải là người lấy tin vì tin lấy về có thể bị loại bỏ bởi người viết tin), vừa khó có việc chính quy toàn thời gian (vì chẳng “đài” nào thuê như vậy và vì phóng viên phải tự bươn chải đi tìm nguồn tin đa dạng để “bán” cho nhiều tòa soạn khác nhau có những chuyên mục khác nhau).
Như vậy, VTV được tổ chức có trên cơ sở “học hỏi” của cường quốc công nghiệp truyền hình?
Như vậy, các nhà chuyên nghiệp của ngành truyền hình thế giới sẽ ngạc nhiên tại sao việc thực hiện Ký Sự Syria không do hai phóng viên Vân Anh và Phương My cùng quay phim Ngọc Phúc đảm trách” mà hai phóng viên ấy lại đi hầu “nhà báo” Lê Bình để “nhà báo” này giữ vai trò… “phóng viên”.
Như vậy, các nhà chuyên nghiệp của ngành truyền hình thế giới sẽ ngạc nhiên tại sao Ông Lại Văn Sâm lại được gọi là “nhà báo” trong khi Ông chuyên tổ chức các gameshow từ thời Trò Chơi Liên Tỉnh cách nay 30 năm cho đến giờ; chưa kể các gameshow đều để thu tiền tài trợ của các công ty lớn.
Như vậy, các nhà lãnh đạo chuyên nghiệp của ngành truyền hình thế giới sẽ ngạc nhiên tại sao Ông Tổng Giám Đốc Đài Truyền Hình Việt Nam lãnh đạo một đài “công” (của nhà nước) sao lại kinh doanh quảng cáo ì xèo thu lợi nhuận, mà đã kinh doanh thì việc đưa tin tức thời sự chỉ là thứ yếu sao lại được tôn vinh như phần việc chính; và vì sao đã là lãnh đạo cơ quan truyền thông chuyên nghiệp lại có cơ chế tổ chức nhân sự không giống ai, chẳng khác nào bịnh viện chuyên khoa thần kinh lại có các phòng ban đầu tư chứng khoán, địa ốc, và sàn vàng vậy. Thậm chí ông còn trao thưởng ngay cho ê-kíp làn phim mà không biết rằng giải thưởng liên quan đến… “báo” phải do tổ chức lớn của hiệp hội báo chí xét cấp, chẳng khác nào ông tự nhận VTV không dính dáng gì đến cộng đồng kỹ nghệ truyền hình quốc tế vậy.
5) Tham Khảo Tổ Chức “Công Ty” Báo Chí Âu Mỹ
Thông tin về sơ đồ tổ chức của các “công ty” đại gia báo chí như Time hoặc Newsweek và Washington Post, v.v., đều có thể truy cập được qua internet tại các trang web của họ, chẳng hạn như
sơ đồ trên cho thấy không có chức danh “nhà báo” journalist mà chỉ có các “phóng viên” reporter ở dưới đáy tháp tổ chức, gồm phóng viên thể thao, phóng viên tin tức, phóng viên kinh doanh, và phóng viên phóng sự mà thôi. Như vậy, chỉ có phóng viên “phóng sự” (tức feature reporter) mới có vẻ là đối tượng mà Việt Nam muốn “bảo vệ” nhưng đã áp dụng lầm cho tất cả không những tất cả các loại phóng viên “reporter” mà còn là tất cả những ai được gọi là “nhà báo”.
6) Thuốc Đắng Dã Tật: Toa Thuốc Lăng Tần
a- Đã là “chuyên nghiệp” thì phải có chức danh trên danh thiếp phù hợp với tương đương trên thế giới, không thể có việc ai cũng có “Thẻ Nhà Báo” với tiếng Anh là Journalist, khiến quốc tế không biết phải cử ai ra đón tiếp cho thích hợp. Việt Nam nhất thiết phải tổ chức lại cơ cấu chức danh của Đài Truyền Hình Việt Nam cũng như các tòa soạn báo “nhà nước”.
b- Đã là “nhà báo chuyên nghiệp” thì không có nội hàm “thi hành công vụ” để dẫn đến tâm lý tự mãn “bất khả xâm phạm”, từ đó tự tung tự tác, phản Đảng, phản quốc, nhũng nhiễu doanh nghiệp, bày trò hề bằng những tác phẩm giả trá. Cần nhớ rằng Rino Barillari là “nhà báo ảnh” được gọi là Vua Paparazzi có Huân Chương Cộng Hòa Ý vẫn bị những người mà ông ta chụp ảnh đánh đập do xâm phạm đời tư cá nhân mà bức ảnh sau đây cho thấy người ra tay hạ thủ là diễn viên điện ảnh Mickey Hargitay cùng bạn gái của anh ta:
Tương tự, tại Euro 2016 vừa qua đã có chuyện cực kỳ bình thường khi cầu thủ Christiano Ronaldo của đội Bồ Đào Nha giật micro của một phóng viên (reporter, không phải journalist) đài CMTV rồi ném xuống hồ. Tất cả điều này có nghĩa rằng Việt Nam đang tạo ra Loạn Kiêu Báo khi vừa không những sử dụng từ “nhà báo” ôm quá rộng nghĩa mà lại còn cho “nhà báo” có quyền tiếp cận phỏng vấn bất kỳ ai cũng như các nghị sĩ buộc phải trả lời phỏng vấn của các “nhà báo” khi có yêu cầu; đã vậy, cơ quan công an phải bảo vệ “nhà báo” khi “nhà báo” đến tác nghiệp tại địa phương. Sự bảo vệ sẽ đúng hoàn toàn nếu “nhà báo” bị tấn công bởi bên thứ ba, trong khi bên thứ hai lẽ ra phải có toàn quyền (nhân quyền và dân quyền) từ chối yêu cầu phỏng vấn hoặc tố cáo “nhà báo” quấy rầy hoặc ra tay tự vệ khi bị “nhà báo” quấy rầy.
Phải ngăn ngừa Loạn Kiêu Báo vì “loạn” đã không còn “trong trứng nước”.
Phải chuyên nghiệp hóa ngành truyền hình theo tổ chức đẳng cấp quốc tế để tránh loạn “Ký Sự Syria”.
Phải chuyên nghiệp hóa ngành “báo chí” theo tổ chức đẳng cấp quốc tế để tránh nạn những chức sắc cấp cao giỡ trò rồi Nhà Nước phải nhức đầu thu hồi “thẻ Nhà Báo” thật chẳng ra làm sao cả.
xe điện 1 bánh
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaSau hàng loạt các vụ bê bối ngành bá chí như vụ thu hổi thẻ nhà báo Mai Phan Lợi, hay các vụ bê bối gần đây của VTV.. Đã đến lúc phải chuyên nghiệp hóa ngành “báo chí” theo tổ chức đẳng cấp quốc tế để tránh nạn những chức sắc cấp cao giỡ trò rồi Nhà Nước phải nhức đầu thu hồi “thẻ Nhà Báo”.
Trả lờiXóaMột bài viết đáng được các nhà lãnh đạo, quản lí suy ngẫm.
Trả lờiXóathật sự mà nói báo chí nước ta thời gian qua đã thể hiện rõ sự nghiệp dư của mình, không thể chấp nhận được cung cách làm việc như vậy, không khoa học cũng như không phù hợp với sự phát triển, đổi mới của nước ta trong tương lai, cần phải chuyên nghiệp háo ngành báo chí hơn nữa để báo chí thực sự góp phần vào công cuộc phát triển đất nước, không thể tình trạng lộn xộn như thế này tiếp diễn được
Trả lờiXóaSống trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, việc nắm bắt được những thông tin nhanh, bản sắc, nóng hổi luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự sống còn của mỗi cơ quan báo chí. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua quyết liệt ấy, không ít nhà báo và cơ quan báo chí vì "sốt ruột" muốn thực hiện mục đích "giành giật" thông tin mà đã bỏ qua vấn đề trách nhiệm và lương tâm người làm báo, từ đó đánh mất tính nhân văn và làm suy giảm niềm tin yêu của bạn đọc dành cho báo chí
Trả lờiXóasuy cho cùng quan niệm về đạo đức nghề báo cũng vẫn dựa trên đạo đức xã hội nói chung để phân biệt tốt - xấu, thiện - ác. Lạm dụng báo chí vì lợi riêng là việc làm xấu, ác. Công cuộc đổi mới đất nước của chúng ta cần chống lại sự lạm dụng báo chí, một khía cạnh quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, để gìn giữ năng lực giải quyết vấn đề của hệ thống truyền thông trong một nền dân chủ, ngược lại với kết quả không mong muốn và một số lỗi lầm thực tế của báo chí hiện nay.trong hệ thống truyền thông công khai, báo chí đã được điều chỉnh và điều khiển bằng nhiều cách khác nhau. Những điều kiện mà cơ cấu truyền thông tạo ra rất khó hòa hợp với phạm trù đạo đức.
Trả lờiXóabáo chí hoạt động trong nền kinh tế thị trường tất nhiên phải chấp nhận sự cạnh tranh và không thể không tính đến lợi nhuận. Điều đó dễ dẫn đến sự lạm dụng báo chí nhằm tăng lợi nhuận cho đơn vị mình mà các phóng viên có thể "câu khách" bằng những thông tin phi nhân bản. Đối với công luận thì khi có sự giận giữ đối với nó, người ta mới tìm kiếm chuẩn mực để đánh giá thái độ cư xử của báo chí. Sau đó mới có phê bình báo chí. Song báo chí cũng tự viết về mình.Công tác báo chí vốn dĩ vẫn gây ấn tượng mạnh cho công chúng và trở thành đối tượng của những lý lẽ trong các cuộc tranh luận về đạo đức. Những tranh luận đó có thể làm sáng tỏ những vùng xung đột của đạo đức báo chí. Sau đó lại có những bài phê phán riêng rẽ, những lưu ý đến các mâu thuẫn hoặc tin tức sai
Trả lờiXóaVấn đề đạo đức học báo chí đã được bàn bạc khá nhiều và cũng không ít văn bản của các cơ quan quản lí nhà nước về báo chí được ban hành. Quy ước đạo đức báo chí Việt Nam trở thành văn bản pháp quy. Tuy nhiên, những văn bản đó hầu như chưa phát huy được vai trò của chúng trong hoạt động thực tiễn. Khoa học truyền thông và khoa học báo chí cũng không quan tâm mấy đến chủ đề này. ở các cơ sở đào tạo người làm báo có nơi đưa vào giáo trình giảng dạy, có nơi chỉ coi như một phần của chương trình ngoại khoá. Họ hầu như không chú ý đến vấn đề “quan điểm” và “trách nhiệm” như là một phạm trù nhằm đạt được mục đích của hành vi báo chí. Đó là chưa nói đến tình trạng đội ngũ nhà báo hiện nay đang hoạt động ở các cơ quan truyền thông đại chúng có đến 55% không qua đào tạo chuyên ngành, 12, 5% chưa học qua đại học (số liệu từ Bộ Văn hoá - thông tin). Không học chuyên môn, chưa có đủ thời gian công tác để đúc rút kinh nghiệm, chỉ viết báo bằng năng khiếu trời cho, thật khó mà trách móc các nhà báo trẻ khi họ không phân biệt được những hành vi nhỏ nhoi nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp
Trả lờiXóaVấn đề đạo đức học đối với nhà báo cần phải được chấp nhận một cách khoa học và có niềm tin. Trong thời kì chuyển đổi cơ chế như hiện nay, hệ thống giá trị đang thay đổi thì đạo đức học rất khó tìm thấy sự đồng thuận ở tất cả mọi nhà báo và nhà nghiên cứu, kể cả các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực triết học. ở đó, sự hoài nghi đối với đạo đức học được phản ánh thông qua tính đa dạng trong quan niệm về giá trị đang tăng lên trong xã hội.Trong thời đại báo chí hiện đại, khi mà tin nóng, nhanh chính là đòi hỏi sống còn của từng tòa soạn, hơn lúc nào hết, bên cạnh "cái đầu lạnh", mỗi nhà báo còn cần phải có một "trái tim nóng" để không bước qua lằn ranh mong manh giữa đạo đức hành nghề và sự cám dỗ của vật chất
Trả lờiXóa