Chia sẻ

Tre Làng

Chuyện mốt "áo dài váy đụp"

Thời trang dậy sóng của chị em năm Đinh Dậu: Áo dài váy đụp

***

Cụ Lý rất ngạc nhiên khi thấy vào đầu năm Đinh Dậu, việc chị em diện mốt mới du Xuân (gọi là mốt “áo dài váy đụp”) bỗng trở thành sự kiện gây xôn xao dư luận và cũng là đề tài bàn tán nóng hổi của cư dân mạng.

Những chiếc áo dài vạt được cắt ngắn trên đầu gối, diện cùng chiếc váy bồng bềnh xếp ly xinh xắn làm nảy sinh nhiều quan điểm và tranh luận trái chiều.

Đa phần các bạn nữ cho rằng thiết kế này đẹp, năng động, trẻ trung, tiện dụng mà lại có tính thời trang. Thực tế, các cửa hàng thời trang năm nay cho biết bộ váy áo này đã được rất nhiều bạn gái trẻ mua về sử dụng.

Những người không ủng hộ thường là những người lớn tuổi, các nhà thiết kế thời trang hoặc cũng có khi đó là các vị mang danh “chuyên gia thời trang”, dĩ nhiên các “chuyên gia” này cóc cần đến bằng cấp.

Nhưng họ nhân danh đủ thứ để ném đá chị em, nào là “truyền thống” để đâu?; “văn hóa” thế à; nào là “phản cảm”, là “phá hoại trang phục Việt Nam”, nào là “xúc phạm quốc phục”. Thậm chí có ông còn bảo chị em ta mặc như thế là “làm nhục quốc thể”.

Họ bảo mặc như thế thì “Tấm Cám chẳng ra Tấm Cám, Xuý Vân chẳng phải Xuý Vân, Thị Nở không ra Thị Nở, chả ra làm sao cả”, giống như “mắm tôm pha với ca cao”. Nghĩa là rặt một đám “lai căng, mất gốc”.

Nghe đến mấy chữ “lai căng, mất gốc”, cụ Lý bỗng giật mình, chống suy thoái, tự kiểm thảo, chỉnh đốn trang phục, củ soát lại toàn bộ từ chân lên đến đầu. 

Bỏ mẹ thật, thì rõ dưới chân đang dận đôi tông Lào, chứ không đi chân đất hay dép mo cau. Lại còn mặc quần “gin” (Mỹ), bụng thì thắt cái “xanh – tuya” (Pháp) cho quần khỏi tụt chứ không xài cái “giải rút” theo truyền thống cha ông. Đi sâu đi sát hơn nữa vào quần chúng thì bên trong còn cái quần “xà-lỏn” (Pháp), trong cái “xà-lỏn” còn cái “xì-líp” (cũng Pháp nốt) chứ không đóng khố hoặc cởi truồng như các thanh niên thời Annamite. Trên thì có cái áo “sơ-mi” mặc trùm ra ngoài cái “may-ô”, còn may cụ Lý là giống đực rựa chăm phần chăm nên không phải đeo thêm cái“xu-chiêng” còn gọi là cooc- xê (Pháp) như chị em.

Vậy thì các vị anh hùng trên mặt trận thời trang nên học tập và làm theo cụ Lý, trước hết cần phải nhòm lại mình từ đầu tới chân cái đã rồi hẵng tiếp tục hiên ngang mạt sát cái model “áo dài váy đụp” Xuân Đinh Dậu của chị em mình.

TB: À mà còn quên, trong số các vị đại lão anh hùng, có vị nào còn giữ được bộ răng đen hoặc răng cải mả, cụ Lý tôi xin được mua lại nguyên hàm với giá cao ngất ngưởng!


Được đăng bởi Thiên lý

21 nhận xét:

  1. Ai thì không biết, mình thì mình thấy cái bộ này cũng đẹp mà, cũng chẳng phải là hở hang khoe da thịt gì, vẫn tôn được vẻ đẹp phụ nữ vậy thì tại sao lại ném đá làm gì.

    Trả lờiXóa
  2. Đa phần các bạn nữ cho rằng thiết kế này đẹp, năng động, trẻ trung, tiện dụng mà lại có tính thời trang. Thực tế, các cửa hàng thời trang năm nay cho biết bộ váy áo này đã được rất nhiều bạn gái trẻ mua về sử dụng.

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là chẳng còn thời ăn no mặc ấm nữa, xã hội chuyển sang thời ăn sang mặc mốt. Và bây giờ thì không còn biết là mốt gì nữa rồi. Ra ngoài đường thấy nhiều chị em phụ nữ ăn mặc nhìn mà đỏ mặt thay. Không biết họ có suy nghĩ gì không. Chỉ mong rằng dù thời trang cỡ nào thì chúng ta vẫn giữ lấy bản sắc của người phụ nữ á đông.

    Trả lờiXóa
  4. Những chiếc áo dài vạt được cắt ngắn trên đầu gối, diện cùng chiếc váy bồng bềnh xếp ly xinh xắn. Đây là một thiết kế đẹp, năng động, trẻ trung, tiện dụng mà lại có tính thời trang. Tôi cũng rất thích trang phục này mà. Đẹp nhưng kín đáo theo phong cách của người á đông.

    Trả lờiXóa
  5. Giờ đang là thời kỳ phát triển của nền kinh tế. Người phụ nữ không còn chỉ quanh quẩn lo ở nhà và quanh cái bếp nữa. Mà người phụ nữ đã ra hội nhập với xã hội. Cho nên nhận thức về cách ăn, cách mặc của người phụ nữ cũng thay đổi, khác xa với thời kỳ phong kiến. Vì vậy, tôi nghĩ mặc thế nào cũng được, miễn là đẹp, hợp với thuần phong mỹ tục, không lố lăng là được.

    Trả lờiXóa
  6. Đẹp hay không do con mắt thẩm mỹ của mỗi người, tôi cũng đọc rất nhiều bài báo viết về cái áo dài và váy đụp của chị e nhưng bản thân tôi thấy nó không có cái gì đáng để bàn cãi cả. Mặc áo dài váy đụp không nói lên tính cách của con người, cái mà chúng ta quan tâm là cách ứng xử và văn hóa của người mặc cái áo đó phải không các bạn. Trong cuộc sống của chúng ta cần sự cách tân, phá mốt chứ không phải nhất nhất theo cái cũ. Tuy nhiên hai cái cũ cùng nhau phát triển chứ không phải "có mới nới cũ".

    Trả lờiXóa
  7. Mình chả thấy thiết kế áo dài cách tân này có gì mà "xúc phạm nhục thể" cả. Vẫn kín đáo mà lại hợp thời trang, lại có tính ứng dụng. Nó lại giúp chúng ta gợi nhớ đến trang phục truyền thống của dân tộc. Khi nào những bộ trang phục này được sử dụng trong các sự kiện lớn có tầm quốc tế thì hãy đem ra soi mói

    Trả lờiXóa
  8. Sáng tạo không đồng nghĩa với việc sỉ nhục hay bôi nhọ trang phục truyền thống của dân tộc. Ít nhất là tôi thấy bộ áo dài cách tân này còn hơn gấp vạn lần những thiết kế trang phục khó hiểu thời đại bây giờ. Và trong khi những cái tết trước, mọi người ngại mặc áo dài vì bất tiện thì nay họ có thể sử dụng trang phục cách tân này một cách tiện lợi. Ra đường thấy chị em mặc mình lại thấy vị Tết đậm hơn

    Trả lờiXóa
  9. Thế hệ trước cần nghĩ thoáng cho con cháu một chút. Cũng giống như âm nhạc vậy, những bài hát dân ca được phối lại theo phong cách hiện đại, nhạc điện tử kết hợp với nhạc cụ dân tộc, giới trẻ sẽ tiếp thu cái truyền thống một cách dễ dàng và chủ động hơn. Bộ áo dài cũng thế, thiết kế cách tân này cơ bản vẫn giữ được những đường nét, tính chất đặc trưng của bộ áo dài truyền thống mà

    Trả lờiXóa
  10. Áo dài mà mọi người gọi là "truyền thống" bây giờ thực chất nó cũng đã được cách tân rất nhiều lần rồi, ngày xưa thời phong kiến, nói thật, ai mặc quần? Chưa kể áo dài không phải ai mặc cũng đẹp, và nó thực sự rất bất tiện khi di chuyển và hoạt động. Mọi người bảo áo dài cách tân nhìn giống sườn xám, vậy chắc áo dài truyền thống mà bỏ quần đi thì không giống đâu ha.

    Trả lờiXóa
  11. Tôi nhìn bộ áo dài cách tân và vẫn nhận ra nó là áo dài như thường, chứ không phải mới nhìn vô là như đồ TQ như mọi người nói. Đúng là áo dài truyền thống nhìn rất dịu dàng, nhưng mà cũng như áo dài cách tân vậy, không phải ai cũng thích, đừng dùng những lời lẽ khó nghe như vậy.
    Giờ giới trẻ mặc áo dài cách tân đi chơi tết hay hơn hay là mặc áo bó váy ngắn hay hơn đây? Nói thật trước đây chưa có áo dài cách tân thì cũng có mấy ai đi chơi xuân mặc áo dài đâu? Vậy sao giờ giới trẻ mặc một bộ quần áo mang nét truyền thống pha lẫn hiện đại lại kín đáo thì bị chê? Hay là phải mặc áo tứ thân đi chơi tết thì mới vừa ý mọi người?

    Trả lờiXóa
  12. Mình thấy đẹp & tiện, đâu thể bắt người ta mặc đúng chuẩn truyền thống, tà dài, quần dài lượt thượt đi du xuân, nơi vừa chật chội, đông đúc, cách tân lên trông gọn gàng hơn hẳn, cũng không quá kén dáng. Còn NTK bảo nó lai tạp thì làm ơn nhìn lại, mấy bộ áo dài thiết kế để thi hoa hậu trong nước & quốc tế gần đây có bộ nào đúng chuẩn nữa không, cũng váy xoè, cũng xẻ nhiều tà như cái áo tứ thân, nhìn chẳng giống cái áo dài, rườm rà, rối rắm, thật kinh khủng! . NTK mà còn như vậy thì đủ tư cách nói người dân sao?

    Trả lờiXóa
  13. Nếu loài người ai cũng quan niệm cổ hủ không chịu tiếp thu cái mới thì chắc giờ vẫn còn sống trong hang động và và không mặc đồ quá . Con người Vn quả thật là rất cổ hủ và lạc hậu, cách tân và bảo tồn là 2 việc hoàn toàn khác nhau . Những ai lên tiếng nói đến truyền thống thì có biết cái áo dài đời đầu nó thế nào k? ... Khác xa áo dài mà các bạn tự nhận là "truyền thống" bây giờ nhé . Thứ gì trong cuộc cũng vậy, nếu nó không hợp với thời đại thì sẽ bị đào thải thôi

    Trả lờiXóa
  14. Gu thẩm mỹ là của từng người khác nhau, không ai có quyền ép buộc gu thẩm mỹ. Mọi người thấy đi chơi, chùa, du lịch... V. V mặc áo dài cách tân kiểu này đẹp hơn hay mặc quần đùi, áo hở như đời thường. Anh có thể chê xấu nhưng trong mắt ngứời khác thì nó lại khác. Đừng đem gu thẩm mỹ của mình á đặt lên người khác. Các lễ hội, các sự kiện quan trọng các nhà tổ chức đều cho mặc áo dài truyền thống chứ đâu có bắt mặc áo dài cách tân mà nói là mất đi vẻ đẹp truyền thống. Cái tên "Áo dài cách tân" không quan trọng, nó từ đâu đến cũng không quan trọng, đơn giản nó chỉ là thời trang, thời trang thì rất sáng tạo từng quốc gia. Quan trọng là chưa ai nói "Áo dài cách tân" thay thế cho "Áo dài truyền thống", cũng chưa nhà tổ chức hay sự kiện quan trọng nào mang "Áo dài cách tân" nói đây là truyền thông dân tộc VN. Thời trang mọi người thì làm sao cấm được. Việc xuất hiện "Áo dài cách tân" khiến nhiều người thích thú, hưởng ứng, mặc đi chơi, nhưng nó vẫn không thể thay thế "Áo dài truyền thống" ở những lễ hội, sự kiện truyền thống thì là đúng với câu "HÒA NHẬP CHỨ KHÔNG HÒA TAN".

    Trả lờiXóa
  15. Những người phê phán phần đông còn không biết cái áo dài truyền thống là gì. Cái họ nói đến chính là áo dài tân thời chít eo, tay raglan. Tà áo dài truyền thống rất rộng, phần lớn chỉ ngắn tới gối, tay ráp đô và có 1 lớp lụa bên trong. Mình thấy rất rất nhiều mẫu áo dài cách tân có những đặc điểm như đã nêu trên. Đó là chưa kể đến vào thời Nguyễn, mặc dù chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban lệnh phải mặc quần thay vì váy để khác với người Đàng Ngoài nhưng vẫn không triệt để được thói quen mặc váy qua mấy ngàn năm. Đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước, người ta mặc áo dài, nhưng vẫn không thể sửa thói mặc với váy được. Tận lúc vua Minh Mạng lên ngôi, siết chặt luật lệ này, đôi lúc người ta vẫn mặc váy, kể cả các lệnh bà trong cung. Có thể thấy, trong bề dày lịch sử, váy được mặc nhiều hơn cả. Kết hợp những điều trên, rốt cuộc "áo dài truyền thống" mà người ta hay nói, thật ra là áo dài tân thời, với chiếc áo dài mặc với váy hiện nay, cái nào mới truyền thống và bảo lưu giá trị văn hóa Việt hơn?

    Trả lờiXóa
  16. Nặc danh12:57 14/2/17

    tôi thấy rõ ràng là kiểu áo của người Tàu nhưng tôi không phản đối, ai mặc gì thì mặc, rõ ràng kể cả phương tây họ cũng còn mặc sườn xám đầy ra, Việt Nam thì cổ xúy mấy thằng chữ xấu dùng mực tàu bút lông viết chữ hệ Latinh gọi là thư pháp, nước ngoài...kể cả tàu nó mặc áo dài thì vỗ tay như cún...cớ gì mình không mặc áo kiểu khác...

    Trả lờiXóa
  17. Mình thấy kiểu áo dài cách tân này cũng đẹp và tiện nữa. Mà lại cũng kín đáo không phải lố lăng gì. Mà nói chung là mình không thấy ảnh hưởng gì đến thuần phong mỹ tục của dân tộc cả. Mà ngược lại là giới trẻ vẫn thể hiện sự yêu thích đối với áo dài dân tộc, chỉ là cách tân một chút để làm cho nó tiện dụng hơn, mặc được nhiều hơn thôi.

    Trả lờiXóa
  18. Truyền thống là truyền thống, truyền thống sẽ được gìn giữ và phát huy, tuy nhiên không nên nhầm lẫn giữa truyền thống và hiện đại. Con người phát triển bởi chúng ta biết cải tiến mọi thứ để thích nghi với môi trường sống.

    Trả lờiXóa
  19. Đối với nhận xét “Tấm Cám chẳng ra Tấm Cám, Xuý Vân chẳng phải Xuý Vân, Thị Nở không ra Thị Nở, chả ra làm sao cả”, giống như “mắm tôm pha với ca cao”. Nghĩa là rặt một đám “lai căng, mất gốc”. thì mình không đồng tình. Mình thấy kiểu váy này đẹp và tiện chứ không phải tự dưng mà nó được ưa chuộng.

    Trả lờiXóa
  20. Mỗi người có một gu thẩm mĩ khác nhau, mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau. Nhưng đối với người á đông thì tôi nghĩ rằng ăn mặc thế nào mà vừa tôn vinh được dáng, nhưng lại phải phù hợp với người á đông. Với những bộ áo dài truyền thống, thì các nhà thiết kế đã thiết kế cách tân nó đi,làm mới nó đi, để được cả giới trẻ, trung tuổi và người có tuổi đón nhận. Vừa tôn vinh được áo dài truyền thống, vừa là đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dùng, điều này phù hợp mà.

    Trả lờiXóa
  21. Mấy người chê toàn đàn ông, quá chán. Các anh cứ thử mặc áo dài truyền thống một ngày xem có ngốt ko. Cách tân để dễ mặc hơn, để thoải mái hơn cho chị em chả có gì mà phê phán cả. Ok rằng dáng váy đụp ko phải ai cũng mặc đẹp nhưng nó cũng chả xấu. T thì t vẫn ủng hộ nên chị e nào thích cứ mặc đi, mặc xác mấy cha chê bai, cổ hủ

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog