Tại sao nhiều người Mỹ ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump?
Cả thế giới rúng động và có nhiều xáo trộn, thậm chí hỗn loạn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành lệnh cấm nhập cảnh áp dụng đối với công dân 7 quốc gia có nhiều người Hồi giáo. Sự kiện này gặp phải sự phản đối ở nhiều nơi trên thế giới và ngay tại nước Mỹ thì việc chống lại lệnh cấm này của người đứng đầu Nhà Trắng cũng rất mạnh mẽ.
Vậy nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos thực hiện, công bố ngày 31.1.2017, sắc lệnh nói trên của ông Trump lại nhận được sự ủng hộ nhiều hơn là phản đối của người Mỹ. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, có 49% người Mỹ trưởng thành ủng hộ “mạnh mẽ” hoặc “ở một mức độ nào đó” sắc lệnh của ông Trump, 41% người phản đối và 10% trả lời “không biết”.
Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy, có 31% người Mỹ được khảo sát cho biết họ cảm thấy “an toàn hơn” nhờ lệnh cấm mà ông Trump đưa ra và có 26% nói rằng cảm thấy “kém an toàn” với sắc lệnh của người đứng đầu Nhà Trắng.
Cũng nên nhắc lại là sắc lệnh của ông Trump ban hành cấm người tị nạn nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 120 ngày, nhưng có hiệu lực vô thời hạn đối với người tị nạn Syria. Ngoài ra, lệnh cấm cũng áp dụng đối với công dân 7 nước Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen.
Thực tế hiện nay cho thấy Mỹ đang bất lợi trước cả công luận và dư luận về lệnh cấm của Tổng thống Trump, vậy đâu là cơ sở khiến người dân Mỹ ủng hộ sắc lệnh này?
Có thể yên tâm hơn về một vụ 11.9 kinh hoàng không thể lặp lại
Sự kiện kinh hoàng xảy ra cách đây hơn 15 năm khi nước Mỹ bị khủng bố tấn công vào ngày 11.9.2001 chưa thể nhạt nhoà trong ký ức của người dân Mỹ và luôn là lời cảnh báo với giới lãnh đạo về sự an toàn cho nước Mỹ.
Sự kiện đó diễn ra sau khi Tổng thống George W.Bush lên nắm quyền chưa tròn 8 tháng, luôn là lời nhắc nhở cho những thế hệ lãnh đạo nước Mỹ thời hậu Bush.
Sự kiện kinh hoàng ngày 11.9.2001 chưa thể phai mời trong ký ức của người dân Mỹ
Với cựu Tổng thống Obama, ông chọn làm giảm nguy cơ cho an ninh của nước Mỹ bằng cách rút quân Mỹ khỏi Iraq – kết quả một nước đi bị cho là sai lầm của Tổng thống George W.Bush khi mục đích chỉ nhằm lật đổ một nhà nước có chủ quyền vì là cái gai trong mắt Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama đã không chuẩn xác trong việc triệt thoái quân đội Mỹ khỏi Iraq.
Bởi lẽ chỉ một thời gian ngắn sau khi quân đội Mỹ rời khỏi Iraq thì tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã hiện nguyên hình. Mặc dù IS hình thành được nhận diện bởi sai lầm của ông Bush khi lật đổ chế độ của Saddam Hussein, nhưng IS không thể nhanh chóng lớn mạnh như vậy nếu Mỹ không sớm vắng bóng tại Iraq.
Từ khi IS thành hình và tác oai tác quái thì an ninh của nước Mỹ cũng bị thách thức và nguy hiểm hơn. Mặc dù không xảy ra một vụ như vụ 11.9 trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, song nguy cơ bị tấn công luôn đe dọa nước Mỹ. Những vụ khủng bố liên tục xảy ra trên đất Mỹ trước sự bất lực của cả an ninh và tình báo Mỹ.
Đây là lời cảnh báo cho ông Trump, do đó người đứng đầu Nhà Trắng quyết tìm cách ngăn chặn nguy cơ lặp lại một vụ tương tự như vụ 11.9 trong lịch sử nước Mỹ. Việc ban hành lệnh cấm nhập cảnh một cách dứt khoát được cho là biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn nguy cơ đó với nước Mỹ trong bối cảnh hiện nay.
Có thể nước Mỹ sẽ bất ổn ngay sau lệnh cấm được ban hành, song chắc chắn nước Mỹ an toàn hơn nhờ tác dụng của lệnh cấm. Bởi ông Trump đã có thể ngăn chặn nhiều kẻ thù ngay từ ngoài biên giới nước Mỹ, còn những kẻ thù ở trong nước Mỹ thì phải xuất đầu lộ diện sau lệnh cấm của ông.
Có thể tin tưởng chủ nghĩa khủng bố sẽ bị tiêu diệt, đảm bảo cho nước Mỹ an toàn hơn?
Cá nhân người viết cho rằng, khi IS ra đời cũng chính là lúc chủ nghĩa khủng bố thành hình với đầy đủ chủ thuyết và lực lượng. Khi khủng bố chỉ là những nhóm nhỏ riêng rẽ, tiến hành các vụ tấn công đơn lẻ thì điều kiện tiên quyết cho chúng có thể thực hiện các hành động vô luân là phải có cơ hội và vũ khí, điều đó khiến việc tấn công tiêu diệt những kẻ khủng bố khả quan hơn.
Tuy nhiên, khi IS ra đời và chủ nghĩa khủng bố quốc tế chính thức thành hình thì điều kiện cho các cuộc tấn công khủng bố chỉ cần sự thấm nhuần chủ thuyết – thấm nhuần tư tưởng cực đoan cổ vũ sử dụng bạo lực để giải quyết bất công trong xã hội. Điều đó khiến cho lực lượng khủng bố đã như những con virus có thể phá vỡ mọi cấu trúc xã hội.
Do vậy, từ khi IS ra đời, các cuộc tấn công khủng bố kiểu “con sói đơn độc” đã trở nên phổ biến và khó lường hơn rất nhiều. Thực tế đó khiến việc xóa sổ IS, tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố được xem là không thể, nếu không có biện pháp hữu hiệu làm thay đổi, qua đó gia cố lại các cấu trúc xã hội, các kết nối cộng đồng và các liên kết quốc tế, bởi đây là những yếu tố giúp khủng bố tồn tại và phát triển.
Xã hội có thể xáo trộn nhưng trật tự sẽ được vãn hồi và nước Mỹ sẽ an toàn hơn sau tác dụng bởi sắc lệnh của Tổng thống Trump
Có thể nhận diện đó là mục đích và hiệu ứng của lệnh cấm nhập cảnh mà ông Trump vừa ký ban hành. Việc đối tượng điều chỉnh là công dân 7 quốc gia có nhiều người Hồi giáo chỉ xuất phát từ sự trùng hợp ngẫu nhiên, đó là hầu hết các cuộc tấn công khủng bố được thực hiện bởi người Hồi giáo nhiều hơn người của các tôn giáo khác.
Do vậy, "đây không phải là thử nghiệm tôn giáo và không phải là lệnh cấm người của bất kỳ tôn giáo nào", như lời khẳng định của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, theo tường thuật của The New York Times ngày 29.1.2017.
Theo giới phân tích thì điều khiến IS có thể lẩn như trạch, tránh được hỏa lực của liên minh chống khủng bố do Mỹ cầm đầu cũng như của mặt trận chống khủng bố do Nga cầm trịch, là bởi vòng vây quanh chúng có quá nhiều lỗ hổng.
Lỗ hổng do sự liên kết giữa các lực lượng chống khủng bố quá lỏng lẻo, thậm chí có hành động trái ngược nhau khiến cho IS có cơ hội sống và có đất sống. Chỉ qua việc IS bị Mỹ đánh đuổi từ Mosul, Iraq chạy sang Palmyra, Syria và tấn công lại Nga là có thể thấy IS không thể bị tiêu diệt.
Một thực tế nữa khiến cho chủ nghĩa khủng bố không thể bị tiêu diệt là khoảng trống trong các cấu trúc xã hội. Lực lượng an ninh, tình báo tấn công khủng bố, nhưng có nhiều rào cản pháp lý đã khiến cho lỗ hổng trong các cấu trúc xã hội không thể bịt kín, giúp lực lượng khủng bố thoải mái tồn tại và mặc sức hoành hành.
Không những vậy, sự mâu thuẫn quốc tế còn khiến cho lực lượng khủng bố, trong nhiều trường hợp, được sử dụng như những con bài chính trị.
Như vậy, để tiêu diệt IS và chiến thắng chủ nghĩa khủng bố quốc tế thì phải làm sao khiến chúng không còn chỗ ẩn náu. Việc Nga – Mỹ liên minh trong cuộc chiến chống khủng bố đã được Tổng thống Trump và Tổng thống Putin cam kết ngay trong cuộc điện đàm đầu tiên dưới triều đại Trump.
Như vậy, còn hai lỗ hổng là các cấu trúc xã hội và mâu thuẫn quốc tế vẫn có thể là nơi ẩn nấp của lực lượng khủng bố. Và việc ban hành lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump được xem là nhằm bịt hai lỗ hổng này.
Cứ hình dung để bắt được một kẻ cướp đang lẩn trốn nhanh nhất chính là việc làm sao cho hắn không còn nơi ẩn nấp. Một sắc lệnh của nhà cầm quyền yêu cầu không ai được chứa chấp, che giấu tội phạm, nếu vi phạm sẽ bị kết tội đồng loã, thì lúc đó việc bắt kẻ cướp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, dù lúc đầu có người băn khoăn phản đối lệnh của nhà cầm quyền.
Tác hiệu lệnh cấm nhập cảnh của Trump cũng tương tự như vậy và đây mới là cơ hội có thể xóa sổ IS và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Sự quyết liệt của lệnh cấm sẽ gây xáo trộn nhưng trật tự sẽ được vãn hồi, nguy cơ bất ổn cho an ninh đất nước không kéo dài như biện pháp mang tính nhân văn kiểu của cựu Tổng thống Obama.
Do đó, Tổng thống Trump yêu cầu quân đội Mỹ trong 30 ngày phải hoàn tất kế hoạch tiêu diệt IS là có cơ sở và cuộc chiến tiêu diệt những kẻ khát máu chỉ có thể thành công bắt đầu bằng việc ban hành lệnh cấm nhập cảnh để chúng không còn nơi ẩn nấp.
Có thể nhận diện đây chính là cơ sở khiến cho người dân Mỹ tin rằng nước Mỹ sẽ an toàn hơn nếu sắc lệnh di trú được thực thi quyết liệt tại xứ cờ hoa.
Ngọc Việt
Yên tâm hơn chứ còn để mà nói sẽ chấm dứt nguy cơ khủng bố là điều không thể, bởi cái nguyên nhân trực tiếp không được giải quyết thì giải quyết các vấn đề bên lề cũng chỉ là phần nào thôi.
Trả lờiXóaCả thế giới giường như đang rung động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành lệnh cấm nhập cảnh áp dụng đối với công dân 7 quốc gia có nhiều người Hồi giáo. Sự kiện này gặp phải sự phản đối ở nhiều nơi trên thế giới và ngay tại nước Mỹ, tuy nhiên nhiều người dân Mỹ vẫn hy vọng đây là biện pháp hiệu quả để giúp tiêu diệt IS.
Trả lờiXóaTác hiệu lệnh cấm nhập cảnh của Trump cũng tương tự như vậy và đây mới là cơ hội có thể xóa sổ IS và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Sự quyết liệt của lệnh cấm sẽ gây xáo trộn nhưng trật tự sẽ được vãn hồi, nguy cơ bất ổn cho an ninh đất nước không kéo dài như biện pháp mang tính nhân văn kiểu của cựu Tổng thống Obama.
Trả lờiXóaQuan điểm của tôi là tôi không đồng tình với sắc lệnh của tổng thống trump, sắc lệnh này như nói lên nước Mỹ kỳ thị người hồi giáo, trong khi thế giới đang cố gắng xây dựng môi trường hòa bình, có rất nhiều các để hạn chế khủng bố xảy ra, Mỹ cấm nhập cảnh với công dân của 7 quốc gia này theo tôi khủng bố sẽ không chấm rứt mà còn xảy ra nhiều hơn.
Trả lờiXóa