Thời những năm 198x đấy không khí trong lành lắm. Người ta không phải chia sẻ nhau những nỗi lo ngại về ô nhiễm không khí, tỷ lệ bụi mịn…các kiểu như bây giờ. Xe cộ thì ít, thảng hoặc mới có cái xe có động cơ chạy qua đường, để lại mùi xăng pha chì thơm ngọt. Bọn trẻ cứ chun mũi mà hít hà.
Cái mùi duy nhất đeo đẳng tôi đến giờ là mùi cám lợn.
“Cám lợn” là cách gọi chung của thời ấy về thức ăn cho lợn. Nó cấu thành từ thức ăn thừa không ăn được nữa của gia đình (cái gì ăn được là còn quay vòng mấy bữa cơ), cơm thừa canh cặn xin được của các hàng ăn để cho đến lên men. Cuộng rau già, rau dại, thân chuối, bèo băm các kiểu. Nói chung toàn những thứ con người không ăn đến thì được trộn vào nhau, cho vào cái nồi to tướng đun sình sịch lên rồi đổ cho ông lợn xơi. Nghe tiếng ông lợn đớp trong máng cứ “chộp..chộp..” liên hồi ngon ngon là.
Hầu như tất cả các nhà bình thường hồi đó đều đã từng nuôi lợn. Con lợn trở thành một niềm ước mơ, một sự gửi gắm gì đó của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Ờ, giống như “nhét lợn tiết kiệm” bây giờ vậy. Gia đình nuôi một con lợn, cố chăm cho béo để khi bán đi có một món tiền lo việc gì đó cho gia đình, hay sắm sanh cho con cái manh áo tấm quần, hoặc một cái Tết cho tươm tất, đỡ tủi với ông bà…
Nhà tập thể hay chung cư, dẫu chật thì người ta cũng cố dùng ván ngăn một khoảng nhỏ trong bếp hay nhà tắm lấy chỗ cho ông lợn ngự. Ông phải được cho ăn ngủ đúng giờ, tắm táp sạch sẽ, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa…Thằng con nhỡ mải chơi quên nấu cám hay rải rau cho ông ăn thì sẽ được xem là một trọng tội. Dẫu gì ông cũng là niềm hy vọng của cả gia đình cơ mà. Nhiều khi mải chơi quá giờ quy định, chính bọn trẻ con lại là những đứa nhắc nhau “Mày nấu cám lợn chưa?”. Đứa nào chót quên là hốt hoảng ba chân bốn cẳng chạy về bắc bếp kẻo đến giờ bố mẹ về mà ông lợn chưa được ăn, ông lồng lên phá chuồng thì no đòn. Gần như không ngày nào là trong khu tập thể của tôi không có cảnh một thằng đang gào khóc cong đuýt chạy vì mẹ đuổi đánh vì cái tội quên nấu cám cho lợn, có khi còn phải “vay” tạm hàng xóm rồi trả sau. Bọn trẻ con hồi đấy còn hay xuyên tạc đọc oang oang “Khi xưa mẹ ốm cha lo. Bây giờ lợn ốm cha lo hơn nhiều!”. Mùi cám lợn chua chua nồng nồng lúc nào cũng luẩn quẩn trong không khí. Trong nhà thì mùi phân lợn, tiếng lợn ụt éc suốt ngày. Vậy mà người ta cũng quen.
Ở nhà đã vậy. Đi học cũng không khác gì. Ngay phía sau lưng trường tôi học là một con ngõ dài. Cư dân ngõ này cũng kê bếp nấu cám lợn đun âm ỷ suốt cả ngày, hàng chục nồi luôn ấy. Cái mùi chua nồng của cám lợn bốc lên chui vào cửa sổ, vấn vít trong mũi thầy trò. Nhẽ vào bây giờ là có đơn thư khiếu kiện lên Phường rồi ấy. Nhưng thời đấy người ta dễ thông cảm cho nhau. Tắc lưỡi một cái “Ai chả thế!”. Cả một xã hội ám mùi cám lợn.
Bây giờ ra đường đi đâu cũng thơm nức mùi mỹ phẩm. Đủ loại Chanel, Hermes, Dior, YSL…hửi thôi cũng thấy rạo rực. Cơ mà thế đéo nào hở ra là tìm cách cắn nhau.
Đêm qua nhậu về khuya. Đường làng thoang thoảng mùi cám lợn của nhà nào đấy đang nấu. Dừng xe lại hít hà một lúc. Về nhà kể lại. Vợ lẩm bẩm “Thầy em dở hơi mẹ gòi!”
Bài viết rất hay, cảm ơn Long Bé Nhỏ nhiều!
Trả lờiXóa