Chia sẻ

Tre Làng

CHẲNG LẼ NĂM NÀO CÁN BỘ, GIÁO VIÊN CŨNG PHẢI LÀM SÁNG KIẾN?

Thiên Ấn

(GDVN) - Áp lực, mệt mỏi phải làm sáng kiến tiếp tục “hành hạ”, “tra tấn” hầu hết đội ngũ nhà giáo ở tất cả bậc học.

LTS: Những bất cập về việc làm sáng kiến kinh nghiệm đã được nhiều thầy cô giáo phản ánh trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thầy giáo Thiên Ấn tiếp tục chỉ ra những lãng phí trong việc yêu cầu giáo viên mỗi năm đều phải có sáng kiến hoặc công trình khoa học, đề án...

Đồng thời, thầy cũng nêu lên những áp lực mà hầu hết các giáo viên tại tất cả các bậc học đang phải chịu do vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP tại các Điều 18, 19, 20, 25, 26 và 27 về tiêu chí phân loại đánh giá công viên chức ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm thì đều phải có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận diện. 

Như vậy, gần 3 triệu cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính, sự nghiệp của cả nước, hằng năm muốn được cơ quan, đơn vị đánh giá, phân loại từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì không thể thiếu ít nhất một sản phẩm nêu trên. 

Riêng ngành giáo dục có trên 1,2 triệu thầy, cô giáo (trừ diện không hoàn thành nhiệm vụ) từng năm học phải “sản sinh” ra và nộp lên cấp quản lý một công trình khoa học, đề tài hoặc sáng kiến. 

Mỗi sáng kiến chỉ viết 7-10 trang giấy thôi nhưng với số lượng người tham gia lên tới hàng triệu như thế, khối lượng giấy in cùng công sức, thời gian nhiều vô cùng. Nếu quy ra tiền tiêu tốn hàng mấy trăm tỉ đồng. 

Có lẽ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy nếu thực hiện đúng như Nghị định 56 thì “tội” cho đội ngũ nhà giáo, những người thẩm định, đánh giá sáng kiến nên trong Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục, tại Điều 10, Khoản 2 quy định: đạt một trong các thành tích sau được tính là sáng kiến áp dụng xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”:

a) Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên;

b) Giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh. Riêng hội đặc biệt khó khăn có học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp huyện trở lên;

c) Giáo viên, giảng viên là tác giả chính bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế;

d) Công chức, viên chức và người lao động tham gia soạn thảo đề án, dự án, quy chế của đơn vị đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền. 

Tại Điều 11, Khoản 2, một số thành tích được tính là sáng kiến áp dụng khi xét, công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bộ:

a) Tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền;

b) Giáo viên, giảng viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh, sinh viên đạt một trong các giải nhất, nhì, ba hoặc Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế;

c) Tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được nghiệm thu;

d) Giáo viên, giảng viên đạt giải nhất, nhì, ba trong các hội thi do cấp tỉnh, Bộ tổ chức. 

Tuy nhiên, trong thực tế, năm học 2015-2016 vừa qua, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên được “đặc cách”, tính như sáng kiến vì đạt các thành tích nêu trên không nhiều, nhất là các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các trường ở những nơi điều kiện kinh tế khó khăn, chất lượng đầu vào của học sinh chưa tốt. 

Như vậy, áp lực, mệt mỏi phải làm sáng kiến tiếp tục “hành hạ”, “tra tấn” hầu hết đội ngũ nhà giáo ở tất cả bậc học.

Nghị định 56/2015/NĐ-CP, Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT đã có hiệu lực gần một năm rưỡi nhưng nhiều trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo rất lúng túng, bất nhất trong việc tổ chức triển khai, tổ chức thực hiện. 

Phòng tổ chức - cán bộ thì chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo phải có hội đồng đánh giá, chấm sáng kiến và mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc biên chế nhà nước đều phải làm và nộp sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học. 

Trong khi đó, bộ phận phụ trách thi đua - khen thưởng lại bảo không cần phải làm hết, diện cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký các danh hiệu thi đua, các hình thức khen từ cấp huyện, cấp sở trở lên mới làm. 

Rồi từng đơn vị trường cũng không thống nhất, có trường làm, có trường không. Đã là văn bản quy định của nhà nước thì không thể có chuyện nơi có, nơi không, chỗ này thế này, chỗ kia thế khác. 

Câu chuyện về đề tài, sáng kiến trong ngành giáo dục đến thời này vẫn chưa có hồi kết, đặc biệt là chất lượng và hiệu quả của nó qua thực tiễn.

11 nhận xét:

  1. Đã gọi là sáng kiến thì số lượng không thể nhiều, chất lượng phải tốt, ý tưởng phải độc đáo chứ không thể đại trà được. Vậy cái việc mà Bộ Giáo dục bắt cán bộ, giáo viên năm nào cũng phải làm sáng kiến thì quả thực quá bất hợp lý, và những sản phẩm tạo ra bởi tính áp đặt như vậy liệu có thực sự là sáng kiến hay không?

    Trả lờiXóa
  2. cái việc chỉ đạo cán bộ, giáo viên phải nộp sáng kiến nghe đã thấy bất cập rồi. Đã là sáng kiến thì yếu tố trước tiên của nó phải là tính độc đáo và hợp lý. Vậy một ý tưởng ra đời nhờ ép buộc thời hạn, ép buộc tiêu chuẩn liệu có đảm bảo được yếu tố sáng tạo hay không? Chẳng cần suy nghĩ cũng đủ rõ câu trả lời là gì rồi

    Trả lờiXóa
  3. Bangtuyetnhietdoi20:44 2/4/17

    Việc cán bộ, giáo viên đưa ra sáng kiến tôi nghĩ chỉ nên mang tính chất khuyến khích, thức đẩy chứ không nên mang tính áp đặt theo kiểu mỗi năm phải có ít nhất một sáng kiến hay đề tài nghiên cứu khoa học. Nói thật ai cũng phải có thời gian nghiên cứu, trau dồi kiến thức thì mới nâng cao được trình đọ chứ đâu phải cứ ngồi đó là tự giỏi, tự nghĩ ra được sáng kiến hay đề tài. Vậy nên không nên đưa ra cái hạn mốc thời gian như vậy, làm vậy chỉ làm thui chột đi sự sáng tạo của những giáo viên hay những cán bộ làm công tác nghiên cứu mà thôi

    Trả lờiXóa
  4. Cả năm ko có lổi 1 cái bằng sáng chế, đăng ký bản quyền. Bày đặt. Mấy ông tài giỏi ngồi cao không biết đã là được gì chưa. Mà cái việc bắt ép giáo viên phải đưa ra sáng kiến đó cũng là sáng kiến của 1 kẻ sáng kiến.

    Trả lờiXóa
  5. Thực sự mà nói, với sáng kiến cải tiến, bài dạy giỏi ... đang được áp đặt cho giáo viên của ngành giáo dục là chưa ổn. Thực sự, một người giáo viên, khi đứng lớp thì họ rất mong muốn chuyên sâu, phát triển lĩnh vực của mình. nhưng nếu áp vào họ phải làm thì rất áp lực.

    Trả lờiXóa
  6. vì những áp lực ấy ko thể kham nổi mà một bộ phận giáo viên mới bắt đầu tìm cách để đối phó lại băng hình thức đấy,rồi sinh ra các bệnh khác trong ngành giáo dục.chắc nghĩ loại hình này nên dẹp đi đc rồi đấy.thay vào đấy là khuyến khích tinh thần sáng kiến của các giáo viên bằng các giải thưởng khác nhau để kích thích tư duy sáng tạo của họ.còn làm theo cái lối ép buộc như thế này thì có phải ai cũng nghĩ ra đc cái mới đâu

    Trả lờiXóa
  7. Đây là hình thức giả tạo hết sức tầm bậy mà nghành giáo dục đưa ra hết sức phản cảm thử coi gần cả triệu giáo viên các cấp đã đua được bao nhiêu sáng kiến vận dụng vào trong cuộc sống để nâng cao học và hành của giáo viên hay chưa hay đây là một lý do để tiêu hóa ngân sách trên phân bổ . Đây là việc làm tạo ra một tiền đè thiếu trung thực của thầy cô mà do cấp trên vạch đường chu hưu chạy đây

    Trả lờiXóa
  8. Thực sự tôi thấy rằng, với người giáo viên, mỗi năm không biết có bao nhiêu chỉ tiêu trong công tác, ví dụ: số tiết dạy quy định, bài giảng, nghiên cứu bài giảng mới, ... Nói chung là khá nhiều áp lực. Tuy nhiên, chính sách đối với đội ngũ giáo viên thì tôi thấy chưa hợp lý. Và với việc hàng năm phải đăng ký sáng kiến cải tiến, bài dạy giỏi, một số chỉ tiêu khác thì tôi nghĩ cũng nên đừng quá khắt khe. Có lẽ chỉ nên ở mức vừa phải, theo sự đăng ký của giáo viên thì tốt hơn.

    Trả lờiXóa
  9. Văn Hữu21:35 3/4/17

    "Giáo Dục VN" là tờ báo giả danh Bộ Giáo Dục, một trong những tờ báo điện tử phản động nhất trong cả nước VN, với các loạt bài có tính chất Đốt Đền, cào bằng lịch sử, và nguy hại nhất là các loạt bài kích động chống Trung Quốc, một trong những đối tác gần gũi của VN.

    Trả lờiXóa
  10. Áp lực, mệt mỏi phải làm sáng kiến tiếp tục “hành hạ”, “tra tấn” hầu hết đội ngũ nhà giáo ở tất cả bậc học. Đôi khi lâu lâu mới phải sáng kiến thì người ta còn thực sự đầu tư để tìm kiếm, chức năm nào cũng phải có sáng kiến thì lại thành đối phó.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog