Tiếng lóng
Một ngày, đang ăn cơm, tôi quay sang nói: “Con ăn cẩn thận vãi hết ra bàn”. Con mắng ngược lại: Bố nói bậy. Tôi lại ngạc nhiên không hiểu. “Vãi là từ bậy” - nó tuyên bố.
Tôi hỏi, con học ở đâu. Nó bảo, từ YouTube. Tôi giải thích cho con, rằng “vãi” có nghĩa là “rơi vãi”, là một từ bình thường không có gì bậy cả. Rồi tôi phải lờ đi sự liên quan đến những thứ "vãi" khác nhan nhản trên mạng cũng như cửa miệng giới trẻ. Có thể nếu phản ứng mạnh hơn, cặn kẽ hơn sẽ mang lại tác dụng ngược bởi đứa trẻ sẽ lại càng nhớ cái từ ấy. Nhưng tôi biết, thế là chưa đủ để giải quyết mâu thuẫn trong đầu con: nó đã tiếp nhận trước đấy về một nét nghĩa khác.
Sau tìm hiểu, hóa ra ông con còn biết rất nhiều từ lóng tiếng Việt với nghĩa rất dung tục nữa - đến mức tôi không thể lấy làm ví dụ ở đây. Đều học từ YouTube.
“Vãi” vốn là một động từ thuần Việt đàng hoàng tồn tại trong nhiều thế kỷ, bây giờ với sự giúp sức của Internet, trở thành một từ vựng mới, bậy bạ. Cái cách dùng tục tĩu của từ “vãi”, tôi nhớ, có lẽ đã ra đời đâu đấy quãng năm 2000, bởi chính thế hệ sinh viên tôi ngày ấy. Thời đó, các trường nghệ thuật, với những sinh viên trẻ rất giỏi sáng tạo, là lò sản xuất của những ngôn ngữ kiểu này. Chúng tôi học theo và nói rất vô tư.
Nhưng thế hệ chúng tôi, dù sao vẫn hình thành thói quen sử dụng tiếng Việt từ sách vở, từ cha mẹ, nếu có tiếp nhận từ lóng, thì cũng biết nó là một dạng “ngôn ngữ đồng nát”, dùng theo phong trào, chứ không phải tiếng mẹ đẻ của mình. Rất nhiều từ lóng đã xuất hiện rồi biến mất, vô tư như tuổi trẻ như: ông Bô, bà bô, vài sọi...
Tuyên bố của ông con về từ “vãi” gợi ý một thực tế đáng sợ hơn: chúng tiếp nhận cái nét nghĩa suồng sã và dung tục của các từ tiếng Việt trước cả nghĩa gốc. Chúng chưa học xong tiếng Việt đã học từ lóng tiếng Việt. Và chúng có điều đó, nhờ vào Internet, cũng như là nhờ vào các bậc phụ huynh quá trông cậy vào chức năng giáo dục của cái iPad, như là tôi.
Cộng thêm cả kho từ lóng tiếng Anh mà YouTube dạy (mà con tôi thậm chí chẳng biết có từ tiếng Việt thay thế), thì tôi thực sự lo lắng cho tiếng Việt của con mình.
Tôi tự hỏi rằng ngoài việc kiểm soát việc tiếp cận với Internet, chúng ta có thể làm được gì? Gần như không thể cắt đứt liên hệ của bọn trẻ với môi trường số ở thời đại này. Trên truyền hình, các nhà sản xuất giờ cũng dùng “ngôn ngữ mạng” như mấy từ con tôi nói, vô tội vạ. Chúng còn học từ bạn bè ở trường. Và chỉ vài năm nữa thôi, tôi buộc phải cho con mình không gian riêng tư.
Đó không phải là một thực tế mới, hay chỉ tồn tại ở Việt Nam. Từ quãng những năm đầu thập kỷ trước, báo giới tiếng Anh đã gióng lên một hồi chuông khắc nghiệt cảnh báo về sự suy thoái của tiếng Anh - khi mà đời sống giao tiếp của các bạn thiếu niên chủ yếu tồn tại trong môi trường số, nơi tiếp nhận đủ thứ thượng vàng hạ cám và không có tiêu chuẩn gì. “Tiếng Anh đang bị hạ gục, nền văn minh của chúng ta đang có nguy cơ đổ vỡ” - báo Observer của Anh cường điệu hồi năm 2004.
Từ đó tới nay, rất nhiều cuộc tranh luận ở cả môi trường học thuật và công chúng được mở ra để đi tìm câu trả lời: có tồn tại một thứ “tiếng Anh chuẩn” (proper English) hay là “tiếng Anh chính tông” (mainstream English) hay không, có phải nó đang bị kỷ nguyên số đe dọa hay không, và nếu có, thì chúng ta bảo vệ ngôn ngữ của giới trẻ kiểu gì.
Chưa có hồi kết. Nhiều người nói: ngôn ngữ vẫn biến đổi liên tục, chính ngôn ngữ của chúng ta cũng khác so với thời cha ông, nên hãy cứ để bọn trẻ phát triển tự nhiên. Nếu các nhà hữu trách và các trí thức muốn bảo tồn tiếng Anh trong sáng, họ phải làm việc đó qua văn hóa đại chúng, qua phim Hollywood hay sách vở.
Tiếc rằng chúng ta có thứ gì mang tính truyền bá văn hóa mạnh như Hollywood.
Tôi nói chuyện với con tôi nhiều hơn, bằng thứ ngôn ngữ mà tôi đã được dạy. Vả bản thân, tôi cũng sẽ phải điều chỉnh ngôn ngữ mạng xã hội của mình, điều chỉnh thứ tiếng lóng mà chính tôi cũng nhiều lần sử dụng vô lối.
Tôi muốn để mở chủ đề này cho các bậc phụ huynh cùng suy nghĩ. Có phải tôi đã cả nghĩ, và rồi thế hệ YouTube này cũng sẽ tự đào thải, chọn lọc và tự trưởng thành?
Hoàng Minh Trí
Tiếng lóng thì ở ngôn ngữ nào cũng có, bản thân t nghĩ nó không xấu nhưng không nên quá lạm dụng nó và nên biết dùng đúng lúc, ví dụ nói chuyện với bạn bè thân thiết dùng cũng chả sao. Tuy nhiên nó được mang cả lên mạng lên phim, lên tv và những đứa trẻ như bài viết trên thì lại tiếp xúc vs tiếng lóng quá dễ dàng qua các kênh đó. Nó còn biết bậy là may đấy nhiều đứa còn xài luôn cơ.
Trả lờiXóa