Xin phép được chia sẻ bài viết của Bs Trần Văn Phúc (không phải ông TS Lê Văn Phúc) về thực trạng BHYT - Những câu chuyện dở khóc, dở cười. Bài viết đáng để đọc.
3000 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm 2017
Tôi nhẩm tính, khoảng 350 nghìn nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia khám chữa bệnh trong cả nước, mỗi người bỏ ra 2 tháng thu nhập, thì vừa tròn con số 3000 tỉ đồng mà BHYT vừa xuất toán. Và cuối năm, sẽ có 6 tháng tiền lương cơ bản, tiền trực, tiền phúc lợi… bị đốt cháy bởi sự chấp nhận trong im lặng.
3000 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm 2017.
Nếu chia đều cho 1180 bệnh viện trong cả nước, thì mỗi bệnh viện sẽ mất đi 2,5 tỉ đồng. Và trong một năm, số tiền sẽ lên đến 7,5 tỉ. Đủ để mua một máy chụp cắt lớp vi tính tốt, hay thay mới toàn bộ một khoa chẩn đoán hình ảnh bằng các máy Xquang kĩ thuật số, máy siêu âm màu, đảm bảo phục vụ cho một bệnh viện lớn có quy mô hàng nghìn giường.
3000 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm 2017.
Đó là con số mà ông Dương Tuấn Đức và Bác sĩ Lê Văn Phúc vừa đại diện cho BHYT công bố trước cơ quan báo chí. Con số xót xa nhưng biết nói ấy, nó đã lí giải tại sao từ bác sĩ đến y tá lại sợ BHYT xuất toán đến như vậy!
Hãy thử nhìn vào mấy lí do xuất toán để làm ví dụ:
- Sonde tiểu thì được, Sonde đái thì không = Xuất toán.
- Xi lanh thì được, bơm tiêm thì không = Xuất toán.
- Bệnh nhân gầy cho làm xét nghiệm mỡ máu là không được = Xuất toán.
- Bệnh án không có dòng nào chẩn đoán “suy nhược”, tại sao lại truyền đạm = Xuất toán.
- Chụp cắt lớp vi tính là “kĩ thuật cao”, bệnh nhân vừa vào viện chưa có thời gian theo dõi mà đã chụp là không được = Xuất toán…
Đừng tưởng những lí do trên là nhỏ nhặt, không có gì đáng nói. Chỉ mỗi một lí do như thế thôi, BHYT cũng có thể xuất toán hàng tỉ bạc, đủ sức làm lao đao các bệnh viện, đánh vào túi tiền của từng anh chị em nhân viên y tế, nó làm cho bất cứ ai cũng phải kinh sợ khi nghe đến 2 chữ “xuất toán”.
Có một đồng nghiệp của tôi hỏi: tại sao BHYT đòi xuất toán tất cả những phim chụp tim phổi ghi chữ “Bt”, vì người giám định không hiểu “Bt” là chữ “Bình thường” hay có nghĩa “Bất thường”?
Tôi nói với đồng nghiệp rằng, bác sĩ trên toàn thế giới này, họ có hệ thống kí hiệu riêng, có đặc điểm chữ viết xấu xí rất đặc trưng. Thời gian của bác sĩ không nhiều, trong khi hàng ngày họ phải ghi một đống giấy tờ sổ sách, nên chữ viết cũng phải nhanh gọn nhất có thể. Vì thế mà chữ của bác sĩ, chỉ để chính họ và đồng nghiệp đọc được, chứ không phải viết cho công chúng đọc.
Sẽ là thảm họa, khi giám định viên BHYT không hiểu gì về ngành y, bởi dịch chữ bác sĩ là công việc khó khăn và tồi tệ nhất trong các loại công việc. Chưa biết chừng, tương lai sẽ có bệnh viện nào đó bị BHYT xuất toán, cũng chỉ vì nguyên nhân chữ viết trong bệnh án không đẹp như BHYT mong đợi!
Chúng tôi, những bác sỹ ngồi trong phòng khám, tương tác với bệnh nhân, mọi tâm trí và hoạt động đều xoay quanh những điều chúng tôi được đào tạo, từng kĩ thuật áp dụng cho người bệnh đều được dựa trên những kiến thức mà chúng tôi mới cập nhật, đó là mong ước tuyệt vời nhất.
Nhưng BHYT với những quy định kỳ quặc, đã phá hỏng những mơ ước, làm cho chuyên môn của chúng tôi dần phai nhạt.
Đầu năm 2017, cán bộ BHYT có nói với tôi rằng, bệnh nhân sỏi thận phải chụp phim Xquang tiêm thuốc gọi tắt UIV, việc một số bệnh viện chụp cắt lớp vi tính liều thấp là không thể chấp nhận, BHYT sẽ xuất toán.
Các đồng nghiệp của tôi đã toát mồ hôi hột, bởi mỗi ca chụp cắt lớp vi tính như thế, tính theo giá quy định trong Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC, là 536 ngàn đồng. Mỗi bệnh viện lớn, sẽ chụp từ vài ca cho đến vài chục ca mỗi ngày, nên khi bị xuất toán, thì tiền tỉ sẽ bốc hơi trong chớp mắt.
Tôi đã giải thích với cán bộ BHYT rằng, chúng tôi đang làm theo Hướng dẫn Bệnh lí sỏi tiết niệu của Hiệp hội Niệu khoa Châu Âu năm 2015 (Guidelines on Urolithiasis 2015 - European Association of Urology). Theo đó, để chẩn đoán bệnh lí sỏi tiết niệu, thì kĩ thuật chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu liều thấp là “nấm mồ” chôn của kĩ thuật chụp UIV cổ điển.
Từ trang 11 đến trang 15 của tài liệu này nói rất rõ 6 ưu điểm của chụp cắt lớp vi tính (CLVT):
- Một là, thời gian chụp của CLVT (khoảng 5’) thấp hơn rất nhiều so với UIV (khoảng 45’).
- Hai là, độ nhạy và độ đặc hiệu của CLVT cao hơn hẳn so với UIV.
- Ba là, mức độ nhiễm xạ của CLVT (1,9mSv) thấp gần bằng một nửa so với UIV (3,5mSv).
- Bốn là, thông tin chẩn đoán của CLVT cao hơn gấp nhiều lần UIV.
- Năm là, chụp CLVT không gây đau đớn và nguy hiểm cho người bệnh như UIV.
- Sáu là, giá thành của CLVT thấp hơn nhiều so với chụp UIV. (Đối chiếu với Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC, thì chụp CLVT giá 536 ngàn, trong khi UIV có giá 594 ngàn).
Rất may, sau khi nghe tôi giải thích, nhân viên giám định BHYT đã đồng ý không xuất toán số tiền chụp CLVT trong suốt hơn 2 năm qua. Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp được những người biết lắng nghe và chia sẻ như vậy!
Đã đến lúc cơ quan BHYT cần hiểu rõ những việc chúng tôi làm, hiểu rõ người bệnh, để cùng bắt tay với chúng tôi, cùng hỗ trợ người bệnh, thúc đẩy ngành y và xã hội phát triển.
Tôi sẽ tiếp tục chủ đề này bằng những bài viết sâu hơn nữa, sẽ đưa ra những góc nhìn của tôi về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả xã hội, giải pháp khắc phục. Rất cám ơn các bạn đã đón đọc và chia sẻ với tôi!
Thực tế là năm nào cũng chăm chỉ nộp bảo hiểm y tế nhưng chưa bao giờ đi khám chữa bệnh dùng đến bảo hiểm. Mà thực tế là đi khám tự nguyện đã khiếp rồi nói chi bảo hiểm chứ
Trả lờiXóaĐã đến lúc cơ quan BHYT cần hiểu rõ những việc chúng tôi làm, hiểu rõ người bệnh, để cùng bắt tay với chúng tôi, cùng hỗ trợ người bệnh, thúc đẩy ngành y và xã hội phát triển. Và hy vọng rằng trong năm tới người bệnh sẽ có những dịch vụ khám, chữa bệnh hiện đại hơn
Trả lờiXóaĐã đến lúc cơ quan BHYT cần hiểu rõ những việc chúng tôi làm, hiểu rõ người bệnh, để cùng bắt tay với chúng tôi, cùng hỗ trợ người bệnh, thúc đẩy ngành y và xã hội phát triển
Trả lờiXóa