Phát hiện lãng phí khủng khiếp trong việc mua sắm thiết bị y tế
Thùy Giang (VIETNAM+)
Nhiều thiết bị y tế hiện đại giúp công tác chẩn đoán, khám chữa bệnh chính xác. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội, ngày 22/5. Trong kỳ họp này, Kiểm toán Nhà nước đã tổng hợp kết quả báo cáo Quốc hội các nội dung về quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015 trên nhiều lĩnh vực.
Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán về chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 đã phát hiện ra nhiều sự lãng phí khủng khiếp trong việc mua sắm thiết bị khám chữa bệnh tại rất nhiều bệnh viện và Sở Y tế trên toàn quốc.
Cụ thể, Bộ Y tế chưa phân nhóm vật tư, hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế; chưa xây dựng bộ dữ liệu giá trúng thầu của các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao trong cả nước để cung cấp cho các cơ sở y tế căn cứ xây dựng giá kế hoạch.
Bên cạnh đó, việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.
Điển hình như, một hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml: Bệnh viện Chợ Rẫy 1.597.000 đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 5.067.000 đồng; Một thùng Diff Timepac, 2x2075ml: Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 42.607.000 đồng, còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy 14.163.950 đồng.
Chẳng hạn như, về vật tư, có loại gấp 6,7 lần, như 1 chiếc kim cánh bướm: Bệnh viện Việt Đức có đơn giá là 1.090 đồng, trong khi đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy giá lại là 7.350 đồng. Có loại vật tư y tế gấp 4,8 lần, như 1 dây truyền huyết thanh của Bệnh viện Bạch Mai có giá là 3.675 đồng, trong khi tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức mức giá lên tới 18.000 đồng.
Về hóa chất của cùng một nhà cung cấp, có loại gấp 5,8 lần (01 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 16.718.000 đồng, trong khi ở Bệnh viện Thống nhất mức giá lại là 2.874.375 đồng.
Qua kiểm tra, kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 cho thấy, việc xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định. Sự việc này xảy ra tại các tỉnh như Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum.
Cá biệt, qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nước.
Về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế là tài sản cố định, qua kiểm toán tại Bộ Y tế cho thấy một số đơn vị sử dụng trang thiết bị y tế kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Sự việc này diễn ra tại các bệnh viện như: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được như tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên: Máy theo dõi trẻ em S510 Colin, máy đo độ tập trung tuyến giáp, máy X Quang Tăng sáng Siemens, máy theo dõi nhi khoa; Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội: Nồi hấp tiệt trùng; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Hệ thống tagMan PCR-Roche, hệ thống máy chụp XQ cao tần, hệ thống XQ kỹ thuật số Konica...; Bệnh viện C Đà Nẵng; Bệnh viện Da liễu TW.
Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng. Trong đó số trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (68,554 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (151,763 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (151,519 tỷ đồng).
Theo Kiểm toán Nhà nước, đáng lưu ý có nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.
Đơn cử như, tại thành phố Hải Phòng, Trung tâm y tế dự phòng có 2 thiết bị (lò nung, tủ hút an toàn hóa học) được dự án ADB thuộc Cục Y tế Dự phòng cấp năm 2011 đến thời điểm kiểm toán vẫn để trong phòng làm việc, sử dụng làm tủ đựng tài liệu.
Tại Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt có 1 máy phân tích huyết học tự động Model MS9-3s (bàn giao tháng 12/2014); Bệnh viện đa khoa Cần thơ có 01 máy X-Quang đo loãng xương (từ nguồn dự án ODA, bàn giao năm 2009) đều đã lỗi, hỏng từ khi đưa vào sử dụng, hiện đang tồn kho.
Tại tỉnh Bình Dương, có 34 thiết bị của Trung tâm y tế thị xã Bến Cát, Thuận An được cấp từ những năm 2010 mới 100% nhưng chưa được sử dụng do không phù hợp hoặc không có nhu cầu.
Có 133 thiết bị tại 09 Trung tâm y tế tỉnh An Giang chưa đưa vào sử dụng từ nguồn đầu tư mua sắm của dự án xây dựng Trung tâm y tế huyện và dự án do Bộ Y tế cấp phát.
Tại tỉnh Đắk Nông, Sở Y tế có 2 kính hiển vi 2 mắt hiệu Olympus CX22LED nằm trong bộ dụng cụ, thiết bị phục vụ nuôi cấy, soi và phân lập vi khuẩn, 01 máy phân tích sinh hóa tự động 35 thông số hiệu Global 240 (giá mua 850 triệu động) chưa sử dụng từ khi nhận bàn giao, vẫn đang để trong kho.
Tỉnh Gia Lai, một số trang thiết bị được cấp về nhưng thực tế bệnh viện không có nhu cầu sử dụng nên phải trả lại Sở Y tế (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi).
Theo Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch dài hạn về đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.
Bộ Y tế chưa có hướng dẫn, quy định đối với hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức đặt máy bán hóa chất xét nghiệm chỉ để bán hóa chất nên trong công tác quản lý còn nhiều bất cập.
Về công tác đấu thầu, chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu trang thiết bị y tế, đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập.
Trước thực trạng trên, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2016./.
Vấn nạn này trong giáo dục còn trầm trọng hơn, từ máy tính, máy photocopy, máy chiếu, .... đến đồ dùng thí nghiệm, thiết bị học tập toàn đồ phế thải nhưng giá được đẩy lên gấp mấy lần hàng mới, hay hóa chất hết hạn không dùng được, mấy năm gần đây thêm khoản y tế học đường... Thuốc hàng năm đều được phân về nhưng chẳng thấy đâu
Trả lờiXóaCó xử lý thật nghiêm khắc những con người thoái hóa biến chất lợi ích nhóm có người chống lưng thì đất nước mình mới phát triển lên được. Đúng với những đồng tiền thuế của dân. Vụ cướp bánh mì trị giá 45 ngàn đồng hai học sinh phải chịu mức án 8 tháng và 10 tháng. Còn đây ăn chênh lệch nhiều tỷ đồng. Không những về y tế mà còn rất nhiều vụ việc khác. Mà báo chí đã đằng tin.
Trả lờiXóaNhiều nơi vùng sâu vùng xa điều kiện về Y tế còn quá thiếu thốn, nghèo nàn. Thậm chí tài sản y tế để phục vụ khám chữa bệnh chỉ đáng vài chục triệu. Trong khi đó, một số Viện thì mua sắm máy móc đắt tiền hàng tỷ đồng về chỉ để .. đắp chiếu, đợi vài năm cũ hỏng thì mang thanh lý giá sắt vụn. Mong rằng các cấp quản lý phải nhìn nhận vấn đề về cấp vốn đúng đắn để dân đỡ khổ, để tiền ngân sách không bị thất thoát một cách vô tội vạ.
Trả lờiXóaRõ ràng là tài chính tỉnh duyệt mới quyết toán những số tiền khổng lồ này. Đây chính là lợi ích nhóm (để cùng nhau chia chác) cần phải loại bỏ khỏi hệ thống. Đề nghị Chính phủ can thiệp để tình trạng "trên bảo dưới không nghe". Đây là việc không phải chỉ riêng ngành y tế mà thực tế là nhan nhản ở các ngành khác ở mọi tỉnh (họ học nhau cùng ăn cắp ngân sách nhà nước mà).Giải quyết được bài toán này sẽ chấn chỉnh được một phần quan trọng tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.
Trả lờiXóaMua sắm tiền nhà nước mà không lãng phí mới lạ, mua càng đắt thì hoa nở càng nhiều, thậm chị người bán không đưa giá đắt thì người mua cũng tự gửi giá lên cho đắt để hái hoa. nếu là tự bỏ tiền túi ra mua thì đến bó rau ngoài chợ cũng trả giá từng xu, lật qua lật lại bưng lên đặt xuống soi xem rau có sạch không, có tươi không rồi mới quyết định mua. Nhưng mua từ tiền ngân sách thì những thiết bị tiền tỉ chỉ là chuyện nhỏ, dự án hàng nghìn tỉ cũng là chuyện nhỏ, đại gia giàu nhất thế giới cũng phải ngã mũ vái lạy kiểu mua sắm này
Trả lờiXóaChỉ có tư nhân hóa dịch vụ y tế mới hết cảnh lãng phí này. Đó là chưa xem xét các dự án đầu tư TTBYT do các Bộ (kể cả các Bộ có hệ thống y tế riêng như Bộ công an, quốc phòng...) làm chủ trì bắt các bệnh viện chấp nhận không được bàn luận. Nhân đây cũng đề nghị các Lãnh đạo xém xét lại quy hoạch về hệ thống y tế giữa lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và dân y để tránh lãng phí của cải và nhân lực, tránh chồng chéo và giảm sức chiến đấu. Đề nghị tiếp tục kiểm toán các dự án này
Trả lờiXóaMiễn là có dự án để mua thiết bị, còn hiệu quả, chất lượng thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới biết, bởi tiền là của chung mà, thật đáng buồn cho ngành y ngành mà dân đã tôn thờ "lương y như từ mẫu". Không biết bà Bộ trưởng BYT nghĩ thế nào việc việc này?. Hay cũng có thể bà cũng là một mắt xích trong đường dây ăn chi này ấy chứ?
Trả lờiXóaCó gì lạ đâu tiền chùa ngân sách cứ mua, sử dụng hiệu quả hay không không quan trọng, quan trọng là hưởng phần "lại quả". Đầu tư dựng cơ bản từ trung ương đến địa phương đâu đâu cũng lãng phí, trục lợi, tham nhũng. Chỉ tội dân è cổ đóng thuế.
Trả lờiXóaTrước thực trạng trên, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2016.
Trả lờiXóaNhiều thiết bị y tế hiện đại giúp công tác chẩn đoán, khám chữa bệnh chính xác. Do đó, ở các bệnh viện cần được trang bị thiết bị y tế hiện đại để người khám chữa bệnh được khám chữa bệnh một cách tốt nhất. Hy vọng rằng trong thời gian tới người bệnh sẽ có những thiết bị tốt nhất, hiện đại nhất để khám và chữa bệnh.
Trả lờiXóanói về lãng phí, thất thoát thì phải nói là ngành nào cũng có. nhưng mà mức độ ảnh hưởng của nó tới lợi ích xã hội, lợi của người dân là bao nhiêu mới cần chúng ta phải bàn. người dân thì không có thuốc uống trong khi thuốc để quá hạn đem đi hủy, thiết bị y tế thì dùng vài lần đã hỏng làm cho hiệu quả trong điều trị, chuẩn đoán bệnh không cao, những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bà con nhân dân. rõ ràng y tế còn rất nhiều vấn đề mà ta cần chú tâm tìm giải pháp tháo gỡ. nên có 1 kế hoạch dài hơi để mà không xảy ra tình trạng lãng phí nữa
Trả lờiXóa