Bài trên báo Gia đình chấm nét - Không biết có tin được không đây? Tôi đăng vào đây cho các cụ thẩm.
Thâm nhập đường dây “cò” giấy thông hành ở Lạng Sơn: Cán bộ công an khuyên khách làm dịch vụ
GiadinhNet - Ngay tại trụ sở công quyền, cán bộ Phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Lạng Sơn không ngại ngần giới thiệu khách thông qua các công ty làm thủ tục xin giấy thông hành.
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, từ tháng 7/2016, việc cấp giấy thông hành cho tài xế chở hàng hóa qua cửa khẩu sang Trung Quốc được chuyển giao từ biên phòng sang lực lượng công an.
Theo đó, dù đi qua cửa khẩu nào trên địa bàn tỉnh, tài xế cũng phải quay về thành phố Lạng Sơn - nơi đặt trụ sở Phòng quản lý xuất nhập, để làm thủ tục.
Tài xế L.V.K (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết: “Chúng tôi được thuê chở nông sản và hoa quả tươi từ miền Nam ra Bắc rồi đưa sang Trung Quốc giao hàng. Trước đây ở cửa khẩu nào cũng có lực lượng biên phòng, họ xác nhận luôn cho chúng tại đó, rất tiện.
Từ khi chuyển sang công an cấp giấy thông hành chúng tôi phải về thành phố. Có những cửa khẩu rất xa và hẻo lánh nên việc đi lại rất vất vả. Chưa kể để hàng ở cửa khẩu chúng tôi phải nhờ người trông nom”.
Tài xế L.V.K kể về nỗi khổ cực khi xin giấy thông hành để đưa hàng hóa qua cửa khẩu.
“Mỗi lần chúng tôi đến đây xin giấy thông hành qua cửa khẩu Tân Thanh để đưa hàng hóa sang Trung Quốc thì các cán bộ cho biết chỉ các công ty có trụ sở đóng tại các huyện biên giới mới đủ điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa (theo yêu cầu từ phía Trung Quốc).
Do vậy chúng tôi không thể tự xin giấy thông hành mà được giới thiệu thông qua các công ty có chức năng xuất nhập khẩu bảo lãnh”, anh K. cho hay.
Tài xế này cũng cho biết, theo quy định thời gian cấp giấy thông hành cho lái xe trong tỉnh là 1 ngày và ngoài tỉnh là 2 ngày. Tuy nhiên, các
cán bộ công an đã giới thiệu cho anh làm việc với nhân viên các công ty để có thể nhận giấy thông hành sau vài giờ với giá cao gấp 5 đến 6 lần quy định.
Phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Lạng Sơn - Nơi tài xế phản ánh nhiều dấu hiệu tiêu cực.
Trong nhiều ngày cuối tháng 4/2017, nhóm PV Báo Gia đình & Xã hội đã nhập vai là tài xế chở nông sản giao cho chủ hàng bên Trung Quốc đến Phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Lạng Sơn để xin giấy thông hành.
Sau khi nghe trình bày, nữ cán bộ tiếp nhận hồ sơ lắc đầu từ chối và khuyên chúng tôi nên thông qua các công ty có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa có trụ sở trên địa bàn các huyện biên giới bảo lãnh. Dứt lời, cán bộ này gọi một người đàn ông trung tuổi đang đi loanh quanh trong trụ sở phòng đến làm việc với chúng tôi.
Nữ cán bộ công an tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục cấp giấy thông hành giới thiệu chúng tôi nên làm việc với nhân viên công ty cho nhanh.
Ngay tại trước mặt các cán bộ công an, người đàn ông này giới thiệu là nhân viên của công ty và đòi giá 300.000 đồng để làm thủ tục cấp giấy thông hành. Trong khi đó, giá niêm yết theo quy định của Bộ Tài chính về làm thủ tục xin cấp giấy thông hành là 50.000 đồng.
“Không thông qua công ty tôi thì anh chờ ở đây cả tháng cũng không xin được giấy thông hành. Để lâu, chậm giao hàng, hỏng hàng các anh còn tốn kém hơn”, người đàn ông này cho biết,.
Tiếp tục trong vai là người dân muốn đi qua cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc mua bán, cán bộ Phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Lạng Sơn nhanh chóng đọc quy định về việc cửa khẩu này dành riêng cho lái xe xuất nhập khẩu hàng hóa nên các cá nhân không thể xin lấy thông hành để đi qua được.
Tuy nhiên, cán bộ công an cũng “mách nước” chúng tôi có thể đi qua cửa khẩu này bằng cách làm dịch vụ với các công ty bảo lãnh. “Nếu em cần thì chị giới thiệu cho”, cán bộ này vừa nói vừa lớn tiếng gọi một nữ nhân viên đeo thẻ của một công ty đang ngồi tại bàn kê khai thủ tục gần đó.
Nhân viên công ty đề nghị chúng tôi nộp lệ phí cấp giấy thông hành cao gấp 5 lần trước mặt các cán bộ công an.
Dù chúng tôi đã mang theo ảnh 4x6 đúng quy định, tuy nhiên nhân viên này vẫn yêu cầu phải nhờ công an “chụp lại cho chuẩn”. Tiếp đó, chúng tôi phải trả phí 250.000 đồng và đưa chứng minh thư cho nhân viên này để làm thủ tục xin giấy thông hành.
Đáng ngạc nhiên, dù quy định thời gian chờ từ 1 đến 2 ngày tuy nhiên khi thông qua các công ty (trả phí gấp 5 đến 6 lần quy định) chúng tôi có thể nhận giấy thông hành sau vài giờ đồng hồ.
Theo quan sát, do có khá nhiều công ty đứng ra nhận làm dịch vụ ngay tại trụ sở Phòng quản lý xuất nhập cảnh nên giá cả cũng khá tương đồng và cạnh tranh. Lơ ngơ như chúng tôi thì bị “hét giá” 300.000 đồng, còn nhìn cứng cỏi hơn thì chỉ 250.000 đồng.
Đặc biệt, đối với trường hợp giấy tờ bị mờ dấu nổi do ép dẻo, ép plastic các nhân viên của công ty du lịch sẽ yêu cầu người đăng ký phải trả thêm một khoản tiền để hoàn thành thủ tục.
Tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Lạng Sơn có khoảng 10 công ty nhận làm dịch vụ giấy thông hành. Họ được "tạo điều kiện" ngồi ngay trong trụ sở công quyền.
Cũng theo quan sát, việc trả kết quả thường theo đợt với số lượng lớn. Sau khi cán bộ của Phòng quản lý xuất nhập cảnh chuyển tập giấy thông hành cho nhân viên các công ty, khách hàng sẽ tìm người mình nộp tiền làm dịch vụ để nhận lại giấy thông hành.
Qua trò chuyện với những tài xế ngồi chờ lấy giấy thông hành, họ chia sẻ là người ở nơi xa đến, nên chấp nhận làm “dịch vụ” vì không thể để bỏ mặc hàng hóa tại cửa khẩu quá lâu, nhất là hàng lạnh cần phải được bật điều hòa 24/24.
Tuy nhiên, cũng có người rất bức xúc vì đây là một số tiền khá lớn so với luật định chỉ 50.000 đồng/sổ.
“Bản chất việc này là các công ty bán dấu. Họ gom các hành khách có nhu cầu xin giấy thông hành sau đó đóng cộp một cái xác nhận là người của công ty rồi chuyển sang bên công an và thu phí gấp 5 đến 6 lần.
Tại sao cơ quan chức năng không tạo điều kiện cho chủ hàng và lái xe làm thủ tục cấp giấy thông hành một cách thuận lợi và nhanh nhất mà cứ phải đẩy sang các công ty. Rõ ràng có sự móc nối, lợi dụng quy định thông quan để “thổi giá” và trục lợi”, anh H. một lái xe bức xúc.
Sau vài giờ đồng hồ, cán bộ công an chuyển giấy thông hành cho nhân viên các công ty để đưa cho khách.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, lãnh đạo Phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết việc tài xế làm dịch vụ thông qua các công ty có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa bảo lãnh là “vận dụng linh hoạt”.
Theo đó, mỗi ngày đơn vị này cấp từ 200 – 300 giấy thông hành cho các lái xe chở hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh.
Về việc ngay tại trụ sở công an, nhân viên các công ty thu với mức giá cao gấp 5 đến 6 lần quy định, cả Trưởng phòng và 3 phó trưởng phòng Phòng quản lý xuất nhập cảnh đều trả lời: “Chúng tôi không biết (?).
Báo Gia đình & Xã hội sẽ thông tin đến độc giả trong những bài viết sau!
Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tham-nhap-duong-day-co-giay-thong-hanh-o-lang-son-can-bo-cong-an-khuyen-khach-lam-dich-vu-20170511115901781.htm
Cao Tuân
Bằng chứng rành rành ra thế thì không còn gì chối cãi nữa rồi. Các khu vực biên giới trước nay vốn là những địa bàn rất phức tạp về an ninh trật tự. Một phần để xảy ra tình trạng này là bởi sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lí cửa khẩu, đằng này lại còn cò khách nữa thì thật là làm xấu mặt lực lượng công an.Cần phải xử lí những trường hợp này thật nghiêm khắc!
Trả lờiXóaKhông ngờ một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phức tạp ở khu vực cửa khẩu biên giới lại xuất phát từ chính lực lượng giữ gìn an ninh trật tự ở đây. Thật đáng quan ngại. Người dân cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hơn nữa, dám đứng lên tố cáo những hành vi sai phạm để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời có phương hướng sửa chữa khắc phục
Trả lờiXóaBất ngờ thật đấy. Các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng công an nói riêng cần chấn chỉnh ngay vấn nay tại khu vực cửa khẩu này, nhanh chóng thanh lọc những con sâu phá hoại này ra khỏi nội bộ. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì thật khó mà hạn chế được tình trạng buôn lậu cũng như các vấn nạn phức tạp khác taị các tỉnh biên giới
Trả lờiXóaNếu quả thật như bài báo này đưa tin thì các cán bộ công an ở đây đang bắt tay với các công ty xuất nhập khẩu để bắt chẹt các lái thương vận chuyển hàng hóa cũng như những người xuất nhập cảnh qua biên giới. Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh và kiểm tra các vấn đề trên bởi biên giới luôn là vấn đề nhạy cảm nên cần siết chặt khâu quản lý ở đây
Trả lờiXóaNó đã khui lên thế này thì bộ công an hay công an tỉnh nên cho người điều tra đi thôi, chứ để tình trạng thế này hàng hóa hỏng hết, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đó. Đừng để như vụ lô thuốc vừa rồi, cứ nhập nhằng thủ tục, quan liêu thế này ko tốt đâu.
Trả lờiXóaLại có chuyện gì đó mập mờ rồi, phải điều tra thôi. Thực ra vấn đề thủ tục ở hải quan lúc nào cũng là vấn đề tồn động nhiều bức xúc rồi. Công an tỉnh nên vào cuộc điều tra cho rõ những cán bộ có liên quan, đừng để những chuyện như thế này xảy ra làm xấu đi hình ảnh công an.
Trả lờiXóađọc xong thấy bất bình quá, đã như vậy rồi thì cơ quan chức năng cũng nên sớm vào cuộc điều tra làm rõ sự việc, tránh dây hoang mang dư luận, nếu thực sự có sai phạm thì ngăn chặn kịp thời còn nếu đó là bịa đặt thì cũng nên có hình thức xử lí với báo gia đình khi đã đưa những thông tin sai sự thật
Trả lờiXóa